Huyện Krông Nô có núi lửa Nâm Kar thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Bơ được trồng ở vùng đất núi lửa thơm ngon lạ kỳ, nhất là về độ dẻo, màu sắc và hương vị.
Nằm trên địa bàn huyện Krông Nô, núi lửa Nâm Kar là một trong những núi lửa đẹp nhất trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông. Với hình dạng được bảo tồn khá nguyên vẹn, dãy núi lửa Nâm Kar được xem là núi lửa rất trẻ, có niên đại dưới 10.000 năm tuổi.
Bơ vùng núi lửa Nâm Kar được người tiêu dùng rất ưa chuộng bởi được trồng trên nền đất đỏ bazan, hòa trộn với khoáng chất được hình thành từ núi lửa phun trào. Đất đai, khí hậu khu vực núi lửa Nâm Kar có những khác biệt so với nơi khác. Chính những yếu tố này đã làm nên sản vật Bơ núi lửa Nâm Kar to, đẹp với mùi vị thơm, dẻo.
Trái bơ nói chung có vỏ mỏng, hơi cứng, màu xanh lục đậm, có khi gần như màu đen. Khi chín, bên trong thịt mềm, màu vàng nhạt, giống như chất bơ, có vị ngọt nhạt. Hột trái bơ hình tựa quả trứng, dài 5 - 6 cm, nằm trong trung tâm, màu nâu đậm, và rất cứng.
Thành phần dinh dưỡng của trái bơ cao hơn nhiều loại cây khác, nhất là về mặt calo, protein, các chất muối khoáng; Hàm lượng các chất dầu thực vật trong quả bơ rất cao (3-30%) và cơ thể con người có thể hấp thụ đến 92,8%.
Bơ được trồng ở Krông Nô chủ yếu là những loại bơ đặc sản như bơ booth, 034, hass... Các giống bơ này có tính ưu việt lớn, khắc phục được những hạn chế của bơ thông thường... Điều quan trọng hơn, thị trường trong nước và thế giới đang rất ưa chuộng.
Gần đây, một số hộ dân bắt đầu ghép bơ booth vào các chồi bơ pinkerton, hass, reed. Đến nay, những vườn bơ này đã cho thu hoạch chính, với năng suất khá cao, khoảng 15 tấn/ha. Các giống bơ đặc sản khi ghép vào gốc bơ booth rất phù hợp, chỉ khoảng 1 năm sau là cho quả. Đặc biệt, do cho thu hoạch trái vụ, nên sản phẩm bơ rất dễ tiêu thụ. Các loại bơ trồng tại Krông Nô tuy hương vị có hơi khác nhau nhưng đều rất thơm ngon.
Tại cuộc thi "Trái bơ ngon" do tỉnh Đắk Nông tổ chức trong Chương trình "Đắk Nông - Mùa bơ chín" năm 2018, huyện Krông Nô đã giành 3 vị trí cao nhất tại cuộc thi.
Nhiều năm nay, người dân huyện Krông Nô đã trồng thành công các giống bơ chất lượng cao. Một số loại bơ cho thu hoạch vào thời điểm không trùng với thời điểm thu hoạch cà phê nên nông dân có nguồn thu để đầu tư cho cây cà phê. Ngoài chính vụ, bơ sớm, bơ muộn, còn có dòng bơ rải vụ.
Theo tính toán của địa phương, thu nhập của 1 ha bơ trên địa bàn trung bình khoảng 400 - 600 triệu đồng/năm tùy điều kiện chăm sóc và giống bơ. Từ đây, cây bơ đang dần trở thành một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế được người dân quan tâm.
Phát triển vùng trồng bơ đạt chuẩn
Dựa theo định hướng phát triển cây bơ của tỉnh, huyện sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn địa phương để có những phương án phù hợp. Cụ thể, huyện đã rà soát và định hướng để nông dân phát triển tập trung vào một số giống bơ cho hiệu quả kinh tế cao, sản xuất theo các quy trình đạt chuẩn.
Đối với những giống bơ kém chất lượng, địa phương hướng dẫn người dân có các biện pháp cải tạo cho phù hợp. Vùng trồng bơ sẽ được huyện quy hoạch bài bản, sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng cao. Huyện đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm bơ trên địa bàn huyện.
Năm 2020, diện tích bơ chuyên canh trên địa bàn huyện chỉ mới có khoảng 20 ha, còn lại là trồng xen canh trong các vườn cà phê, hồ tiêu. Trồng bơ không đòi hỏi nguồn vốn lớn, với 1 ha đất thì tiền đầu tư khoảng trên 15 triệu đồng. Mỗi ha bơ cho thu nhập trung bình từ 400 - 600 triệu đồng/năm (trồng thuần), tùy điều kiện chăm sóc và giống bơ.
Từ hiệu quả trái bơ mang lại, người dân rất chú trọng ứng dụng các kỹ thuật nhằm tạo ra quả bơ chất lượng, mẫu mã và nhiều dinh dưỡng. Đây là cơ sở để từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu bơ núi lửa Nâm Kar, thuộc hệ thống Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Các xã đều hình thành những vườn bơ VietGAP mang lại giá trị kinh tế cao như: Xã Quảng Phú gần 12 ha, Tân Thành 1 ha, Nam Đà 1 ha...
Đất đai, khí hậu khu vực núi lửa Nâm Kar có những giá trị riêng. Do đó, khi canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, sẽ cho ra sản phẩm chất lượng, đặc trưng riêng. Đây là những giá trị riêng, không nơi nào có được.
Năm 2022, giá trị ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô đạt 5.681 tỷ đồng, chiếm 49,13% cơ cấu kinh tế của huyện, đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, giá trị canh tác đạt xấp xỉ 90 triệu đồng/ha. Tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt 62.500,5 ha; tổng sản lượng lương thực đạt 821.980 tấn/năm. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện đến nay đạt 3.585,15 ha
Phát triển thương hiệu gắn cùng địa danh
Tỉnh Đắk Nông xác định bơ là loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập khá. Việc phát triển cây bơ bền vững, gắn với thế mạnh đặc trưng, có nhãn hiệu, thương hiệu luôn được tỉnh quan tâm. Nhờ được thừa hưởng những ưu đãi đặc biệt từ vùng đất núi lửa, huyện Krông Nô định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh, để tạo lợi thế về đầu ra và giá trị đặc trưng cho nông sản địa phương.
Để giúp tăng giá trị cho trái bơ, huyện Krông Nô đã Krông Nô đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hoá tập thể cho “Bơ núi lửa Krông Nô” và đã được Bộ Khoa học Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ. Sau khi được cấp chứng nhận huyện đã giao Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện quản lý, sử dụng và phát huy giá trị tài sản trí tuệ.
Sản phẩm bơ của địa phương được cấp nhãn hiệu tập thể đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng cường và mở rộng quy mô sản xuất bơ trên địa bàn. Việc này cũng thu hút sự tham gia đầu tư của nhiều người dân trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm tại địa phương.
Từ năm 2018, huyện cũng đã phối hợp với các chủ thể OCOP đặt tên các sản phẩm gắn liền với địa danh núi lửa để người tiêu dùng dễ nhớ. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Krông Nô bước đầu gặt hái thành công nhờ nhãn hiệu gắn với 2 từ “núi lửa” hoặc có câu chuyện sản phẩm về núi lửa.
Trong số 10 sản phẩm OCOP của Krông Nô có 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao đều có thương hiệu gắn với địa danh núi lửa gồm: cam sành hữu cơ núi lửa; quýt đường hữu cơ núi lửa; gạo ST 24 và bơ núi lửa.
Hiện nay, xã Quảng Phú đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ Bơ núi lửa Krông Nô. Năm 2022, sản phẩm bơ của Hợp tác xã được UBND tỉnh công nhận OCOP hạng 4 sao. Đây là một thành công lớn của Krông Nô trong việc xây dựng giá trị sản phẩm gắn với địa danh núi lửa.
Trong khi những người dân trên địa bàn chủ yếu trồng các giống thông thường thì anh Phương (tại xã Quảng Phú) lại quyết định đầu tư trồng những loại bơ đặc sản như bơ booth, 034, hass...
Từ năm 2017, anh đã bắt đầu ghép bơ booth vào các chồi bơ pinkerton, hass, reed. Anh rất chú trọng ứng dụng các kỹ thuật nhằm tạo ra quả bơ chất lượng, mẫu mã và nhiều dinh dưỡng. Đến vụ thu hoạch, vườn bơ đã đạt năng suất khá cao, khoảng 15 tấn/ha. Điểm đặc biệt là bơ có hàm lượng dầu rất cao, đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà máy chế biến tinh dầu.
Các giống bơ đặc sản khi ghép vào gốc bơ booth rất phù hợp, chỉ khoảng 1 năm sau là cho quả. Đặc biệt, do cho thu hoạch trái vụ, nên sản phẩm bơ rất dễ tiêu thụ. Từ hiệu quả thu được, anh Phương đã truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc bơ cho nhiều người dân trong vùng. Nhờ đó, việc chăm sóc vườn bơ của bà con đã trở nên thuần thục, bảo đảm yêu cầu để cây bơ phát triển tốt, đem lại sản phẩm chất lượng cao.
Năm 2020, anh Phương cùng 10 hộ sản xuất bơ chất lượng cao trên địa bàn thôn Phú Sơn xã Quảng Phú đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô. Hiện Hợp tác xã đã có diện tích bơ đặc sản lên tới 70 ha, phần lớn đều đạt chứng nhận VietGAP.
Hợp tác xã đã liên kết được với một số doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm. Trong đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu bơ Mỹ Hoàng Gia (Gia Lai) sẵn sàng thu mua hàng trăm tấn bơ mỗi năm cho Hợp tác xã.
Thời gian qua, Hợp tác xã cũng đã phối hợp với các cấp, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xây dựng, quảng bá thế mạnh, thương hiệu sản phẩm bơ núi lửa Nâm Kar.
Tại huyên Krông Nô, các hình thức sản xuất bước đầu hình thành tổ chức liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Năm 2022 trên địa bàn có 27 hợp tác xã, 18 tổ hợp tác và trên 50 tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bài: Xuân an
Trình bày: My Nguyễn