Dệt lanh - Di sản văn hóa nơi địa đầu cực Bắc
14/10/2023 lúc 14:00 (GMT)

Dệt lanh - Di sản văn hóa nơi địa đầu cực Bắc

 

 Từ cây lanh, cây chàm, sáp ong và các kỹ thuật giản đơn, người Mông sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã tạo nên một nghề thủ công mỹ nghệ vô cùng đặc sắc.

 

Nằm ở nơi địa đầu cực Bắc, nghề trồng lanh dệt vải của đồng bào dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá Hà Giang gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ đã có từ lâu đời. Nguyên liệu chính để dệt lanh là cây lanh. Cây lanh được trồng sau khoảng hai tháng sẽ được thu hoạch.

cay lanh

 

Từ việc thu hoạch cho đến xử lý sợi, dệt vải, xử lý vải... phải mất mấy tháng trời. Sau khi thu hoạch được phơi héo (phơi nắng và phơi sương) cho đến khi ngả màu vàng nâu.

Sau khi lanh đã được phơi đủ độ sẽ đến công đoạn tước sợi. Sau khi xe và nối sợi bằng tay, sợi được đưa lên guồng xe tiếp một lần nữa. Để khỏi bị đứt, các cuộn sợi này được nhúng vào nước từ 15 đến 20 phút trước khi xe cho mềm, tăng độ dẻo dai.

Lúc này, sợi đã chuyển từ dạng dẹt và mỏng của vỏ cây sang dạng tròn và xoắn bện của sợi, người Mông sẽ tiến hành công đoạn lăn sợi để làm cho sợi mềm, bóng, các đầu nối sợi mỏng ra và phẳng, không lộ ra các mối nối.

tuov lanh
se lanh
soi lanh
set lanh

Dệt vải là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Người Mông dệt vải trên khung cửi đơn giản, chỉ có hai thanh gỗ tiết diện tích 12 cm x 12 cm, dài 60 cm đặt cách xa nhau khoảng 50 cm. Giữa hai thanh gỗ này có 4 thanh ngang nhỏ hơn ghép vào hai thanh đứng tạo thành khung cửi, con thoi để dệt khá to. Khi dệt người ta buộc chúng dựa vào cột nhà, người dệt ngồi trên ghế đẩu.

Tấm vải sau khi dệt xong sẽ có màu mộc trầm, hơi nâu. Vải dệt xong muốn được đẹp, trắng thì phải tẩy trắng bằng tro bếp nhiều lần như tẩy sợi.

det lanh

 

Nhuộm vải và in họa tiết là 2 khâu tạo nên nét khác biệt, sự độc đáo của những tấm vải lanh. Màu nhuộm được chế biến từ các cây thuốc của thiên nhiên. Màu vàng của củ nghệ, màu xanh của lá chàm, màu tím của lá cẩm, màu nâu trầm của củ nâu, màu hồng đỏ của tô mộc, màu của những cái lá ổi lá chuối, lá dứa...

 

nhuom lanh
nhuom lanh 1

 

Họa tiết là hoa văn truyền thống được vẽ lên tinh xảo bằng sáp ong. Sáp ong được nung chảy trên than hồng, rồi vẽ lên vải trắng. Những đường nét có sáp ong khi đem đi nhuộm sẽ không bị ngấm màu, tạo ra những nét hoa văn nổi trông rất đẹp mắt.

 

ve sap ong

 

bõ

 

det lanh

 

bao ton

 

Đã thành truyền thống, con gái Mông khi đến tuổi trưởng thành được gia đình cho đất riêng để trồng lanh. Trước khi đi lấy chồng, họ phải biết dệt vải lanh. Khi về nhà chồng, mẹ chồng sẽ tặng con dâu một bộ lanh. Cô dâu mới biếu mẹ chồng bộ lanh do mình dệt và khâu.

Trước sự thay đổi của nhu cầu thị trường, người Mông vẫn giữ cho mình nét văn hóa độc đáo được thể hiện qua những bộ trang phục truyền thống. Để bảo tồn và phát triển nghề dệt vải lanh của đồng bào dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã đề ra các chính sách khuyến khích như: Hỗ trợ giống và khoa học kỹ thuật cho đồng bào khi gieo trồng cây lanh; phối hợp với các nghệ nhân là phụ nữ dân tộc Mông mở các lớp sơ chế, nhuộm và dệt vải lanh cho các em gái dân tộc Mông…

thi tuoc soi
thi det lanh

Ngoài ra, tỉnh Hà Giang còn tổ chức các cuộc thi dệt vải lanh, lồng ghép vào các ngày lễ hội như: ngày hội văn hóa dân tộc Mông, lễ hội chợ tình Khâu Vai… Đồng thời, tạo không gian trải nghiệm cho du khách khi đến du lịch tại Hà Giang.

Nhằm góp phần trong việc kế thừa và gìn giữ nghề dệt truyền thống, phụ nữ Mông xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang đã tích cực phát huy nghề dệt vải lanh truyền thống. Với sự hỗ trợ của các đối tác MRDP (Chương trình Phát triển nông thôn miền núi), một dự án đã được triển khai nhằm hỗ trợ tạo ra thu nhập cho người dân.

det lung tam

 

Một nhóm phụ nữ Mông ở xã Lùng Tám được đào tạo khôi phục và phát triển nghề dệt vải lanh truyền thống, kỹ thuật thêu ghép vải, vẽ sáp ong, nhuộm... để đưa vào các sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Thêm vào đó, họ được học cách làm sổ sách, quản lý sản xuất hàng thủ công. Việc có đầu ra cho sản phẩm cũng giúp duy trì nghề dệt truyền thống. Hiện nay, Hợp tác xã đã có 53 người biết nghề, còn lại là lớp trẻ học hỏi để tiếp tục truyền nghề.

Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của đồng bào, vải lanh Lùng Tám đã có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, được giới thiệu, trưng bày tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại Việt Nam vào năm 2015.

vai lanh lung tam

Với những giá trị văn hóa và thực tiễn đời sống, kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông ở Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 1/2016.

 

lanh lung tam

 

nâng tầm

 

Năm 2001, Xã Lùng Tám, huyện Quảng Bạ đã thành lập Hợp tác xã Lanh Lùng Tám nhằm vừa giải quyết việc làm cho lao động địa phương, vừa sản xuất các mặt hàng thổ cẩm phục vụ du khách. Không dừng lại ở các mặt hàng quần áo truyền thống, phụ nữ Mông ở đây đã biết cách tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới như: khăn, ví, túi xách, vỏ gối, khăn trải bàn... từ lanh với nhiều màu sắc và hoa văn tinh tế.

Đến nay, Hợp tác xã dệt Lanh Lùng Tám có 9 tổ sản xuất, với 130 xã viên, đa phần là người địa phương và 100% là dân tộc Mông. Thu nhập bình quân của xã viên trung bình từ 3-4 triệu đồng/tháng. Những xã viên có trình độ tay nghề cao thu nhập dao động từ 6-7 triệu đồng/tháng.

lanh lùng tám
lanh lung tam

Những năm trở lại đây, sản phẩm lanh của Hợp tác xã đã có thương hiệu được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, tiêu dùng. Tiêu biểu như đã có mặt tại các thị trường như: Pháp, Mỹ, Nga, Canada, Thụy Sỹ, Nhật Bản v.v... 

Không chỉ là nơi bảo tồn, phát triển nét văn hóa độc đáo, giúp cải thiện thu nhập cho người dân bản địa mà Hợp tác xã Dệt Lanh Lùng Tám còn trở thành địa điểm được nhiều du khách tìm đến. Chỉ tính riêng năm 2022, Hợp tác xã Dệt Lanh Lùng Tám đón trên 1.053 lượt khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm. Đây đang là hướng đi hiệu quả của Hợp tác xã khi kết hợp nghề truyền thống với phát triển du lịch, qua đó từng bước nâng cao thương hiệu sản phẩm từ lanh của bà con.

du khách

 

Ngoài Hợp tác xã Lanh Lùng Tám, Hợp tác xã Dệt lanh Cán Tỷ (huyện Quản Bạ) được thành lập năm 2010 cũng đã tạo việc làm cho 30 phụ nữ từ các thôn bản lân cận. Bên cạnh những sản phẩm thổ cẩm với hoa văn truyền thống còn có nhiều sản phẩm mới, hoa văn cách điệu hơn, hiện đại hơn.

Để sản phẩm có thể bắt kịp với nhu cầu của thị trường, hợp tác xã không ngừng học hỏi, cải tiến mẫu mã thành nhiều sản phẩm đa dạng, bắt mắt với trên 18 mẫu sản phẩm gồm: Đồ để trang trí, tranh treo tường, miếng trải gối, túi đựng điện thoại… với nhiều kiểu hoa văn, họa tiết độc đáo, hấp dẫn mang đậm nét văn hóa của đồng bào Mông.

Trung bình các sản phẩm có giá trị dao động 60.000 - 1.500.000 tùy từng kích thước, chủng loại. Đến nay, hợp tác xã đã tìm được thị trường ổn định như Hà Nội, Điện Biên… Ngoài ra, sản phẩm còn được bán cho khách du lịch đến địa phương. Tháng 1/2020, hợp tác xã Cán Tỷ đã có 3 sản phẩm đạt OCOP hạng 4 sao.

can tỷ

 

box 2

 

du khách

\

kết nối

 

Từ những cây lanh thô ráp, người phụ nữ Mông đã khéo léo may thành vỏ chăn, gối, khăn trải bàn, khăn trang trí, túi xách… được dùng ở nhiều nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Ngoài ra sự độc đáo của chất liệu vải lanh đã được các nhà thiết kế tạo thành các sản phẩm thời trang độc đáo cho các văn nghệ sĩ khi biểu diễn ở trong và ngoài nước.

Khi cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu và tỉnh Hà Giang đẩy mạnh phát triển du lịch trên vùng cao nguyên đá thì các sản phẩm từ vải lanh như khăn, áo váy, túi xách… ngày càng được bán rộng rãi để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

vải lanh

 

Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, sản phẩm thổ cẩm được may thành nhiều loại với nhiều họa tiết, màu sắc đa dạng, phong phú, được thiết kế đẹp mắt. Các sản phẩm được làm từ thổ cẩm có mặt ở tất cả các điểm dừng chân, tham quan di tích, cơ sở lưu trú… trên địa bàn tỉnh. Từ đây, thổ cẩm của người Mông đã theo chân du khách đến nhiều nơi trong và ngoài nước, góp phần quảng bá giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang.

Ngoài ra, những năm trở lại đây, các sản phẩm lanh Hà Giang đã được thị trường đón nhận tích cực và vươn ra thế giới như Pháp, Malaysia... hằng năm, các hợp tác xã dệt lanh tại 4 huyện cao nguyên đá đều có đơn đặt hàng của một số nước như Pháp, Đức… Hiện các sản phẩm thổ cẩm lanh Hà Giang đã được xuất khẩu tới hơn 20 nước, không chỉ đem lại thu nhập mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông.

lânh

Trước kia đồng bào người Mông quan niệm, sợi lanh là sợi kết nối với thế giới tâm linh và nguồn cội. Ngày nay, ngoài mang giá trị kết nối truyền thống ấy, sợi lanh còn có thêm ý nghĩa khác. Những sản phẩm thủ công tinh xảo được làm từ sợi lanh của đồng bào Mông nơi địa đầu Tổ quốc đang ngày ngày theo chân du khách đi khắp muôn nơi đã trở thành sợi dây kết nối những người miền núi xa xôi với người miền xuôi cũng như kết nối giá trị văn hóa của bà con đến mọi nơi trên thế giới.

det lanh

 

Bài: Gia Hân

Trình bày: An Vũ


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí