Doanh nghiệp “hiến kế” phát triển công nghiệp hỗ trợ
24/10/2024 lúc 08:00 (GMT)

Doanh nghiệp “hiến kế” phát triển công nghiệp hỗ trợ

công nghiệp hỗ trợ

Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng tiếp tục xu hướng dịch chuyển, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để tạo ra những bước phát triển mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đáng chú ý, mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai, ghi nhận nhiều kết quả tích cực. 

Trao đổi tại Tọa đàm "Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 4/9/2024, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam chia sẻ, sau 3 năm triển khai, chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Toyota Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả bất ngờ. Rất nhiều nhà cung ứng sau khi tham gia chương trình đã hiểu biết sâu sắc và chủ động áp dụng được hệ thống 5S một cách phù hợp. Các vấn đề về an toàn lao động, về hoạt động Kaizen trong nhiều lĩnh vực cũng đã được thực hiện và đạt được kết quả tốt, ví dụ như giảm tồn kho, tiết kiệm diện tích nhà xưởng, loại bỏ thiết bị không cần thiết, tăng năng suất lao động,…

công nghiệp hỗ trợ

Toyota Việt Nam đã lựa chọn và cử những chuyên gia lâu năm có kinh nghiệm và cũng có khả năng truyền đạt kiến thức, hiểu biết đến thực hiện tư vấn, phát hiện các vấn đề, chung tay với các nhà cung ứng để đưa ra giải pháp khắc phục, xử lý và qua đó giúp các doanh nghiệp được lựa chọn này có thể từng bước nâng cao chất lượng, cắt giảm các chi phí cũng như nâng cao trình độ tay nghề của người lao động, giúp các nhà cung ứng này từng bước tiến lên trong chuỗi giá trị và có thể là tiệm cận đến việc có thể cung ứng được linh kiện trước mắt là cho Toyota Việt Nam.

“Chúng tôi cũng rất vui mừng khi biết nhiều nhà cung ứng sau khi tham gia chương trình này đã có rất nhiều đơn hàng từ các nhà sản xuất ô tô khác đặt hàng. Ngoài ra, trong quá trình sàng lọc, chúng tôi cũng chọn ra được một số các nhà cung ứng ở cấp hai, cấp ba và chúng tôi giới thiệu họ cho các nhà cung cấp cấp một để tạo thành một chuỗi giá trị có chất lượng xuyên suốt”, ông Hiếu cho biết.

Ông Dương Minh Hải - Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN cho biết, trong quá trình triển khai dự án đầu tư từ năm 2013, nhờ sự tạo điều kiện rất thuận lợi của các cơ quan ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh, trong vòng hai năm KIMSEN đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất nhôm thanh tại khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. 

Nhờ sự hỗ trợ, kết nối của Bộ Công Thương, Công ty đã có cơ hội tham gia vào các dự án hỗ trợ cải tiến của Samsung, Toyota, từ đó xây dựng định hướng chiến lược chuyển sang phát triển lĩnh vực gia công cơ khí cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đến năm 2022, KIMSEN đã xây dựng thêm được một khối nhà xưởng quy mô 7.500m2 để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Đến nay, những sản phẩm của KIMSEN đã tham gia cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, các công ty FDI hoạt động tại Việt Nam và xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện nay, khoảng trên 50% sản lượng của Công ty là dành cho các hoạt động xuất khẩu trực tiếp và các doanh nghiệp FDI.

công nghiệp hỗ trợ

Bên cạnh việc tư vấn cải tiến hiện trường, KIMSEN cũng được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương trong việc đào tạo các kỹ sư, các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, lập trình các chương trình CNC, những sản phẩm yêu cầu có độ chính xác cao. 

“Chúng tôi đánh giá rất cao đối với những chính sách và hoạt động thiết thực của các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tác mà Bộ Công Thương đã kết nối, giúp cho KIMSEN trong giai đoạn chúng tôi đang chuyển mình tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”, ông Hải khẳng định, cho biết doanh nghiệp mong muốn được tham gia vào nhiều hơn nữa những chương trình thế này.

Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech cho biết, ngoài những nhu cầu, tiêu chí truyền thống như chất lượng, giá cả, tiến độ, các khách hàng quốc tế hiện nay có những tiêu chuẩn mà muốn đồng hành với họ thì nhà cung cấp Việt Nam phải đáp ứng được, như trách nhiệm xã hội, sản xuất thông minh, phát triển xanh, phát triển bền vững,… Những yêu cầu này cũng chính là định hướng phát triển của CNCTech trong tương lai.

Về sản xuất công nghiệp hỗ trợ và công nghệ, CNCTech đang hợp tác với các công ty lớn trên thế giới để trao đổi, học hỏi thêm về kinh nghiệm, kiến thức cũng như hình thành cơ sở để có thể tạo ra được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, hay còn gọi là một điểm đến, một điểm chạm để khi khách hàng đến thì CNCTech có thể hỗ trợ và có thể làm được tất cả, đáp ứng được tất cả các nhu cầu của khách hàng.

Về hạ tầng công nghiệp, CNCTech đã xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện để các doanh nghiệp FDI đến đầu tư có thể kết nối được với công ty, doanh nghiệp trên thế giới cũng như các công ty Việt Nam, qua đó hình thành một hệ sinh thái có thể hỗ trợ nhau, đôi bên cùng có lợi, để làm sao tạo ra được nhiều giá trị dài hạn nhất.

công nghiệp hỗ trợ

Đại diện CNCTech mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của các cấp chính quyền để không chỉ CNCTech mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam được tạo điều kiện, có một môi trường thuận lợi để phát triển, đầu tư, cạnh tranh lành mạnh với các công ty ở trên toàn cầu.

“Rất mong các tỉnh thành tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tối ưu hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và đồng thời cần có các chính sách ưu đãi về thuế suất, đảm bảo mức tín dụng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gia tăng kết nối, hợp tác với cả các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế để có thể tạo được một hệ sinh thái sản xuất Make in Vietnam”, ông Nguyễn Thành Trung bày tỏ.

Dossan Quảng Ngãi
Dossan Quảng Ngãi
Dossan Quảng Ngãi
Dossan Quảng Ngãi
Dossan Quảng Ngãi
doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam (Doosan Vina) đóng tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi - một doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị cho các nhà máy điện, cẩu trục cho các cảng biển, thiết bị khử muối nước biển thành nước ngọt, thiết bị xử lý nhiên liệu thô, mô-đun và kết cấu thép cho các công trình công nghiệp và sắp tới là các sản phẩm điện gió ngoài khơi.

Trao đổi với Tạp chí Công Thương, ông Kim Hyo Tae - Tổng Giám đốc Doosan Vina cho biết, Chính phủ cần có kế hoạch lâu dài và cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

"Doosan Vina mong được tạo điều kiện để tham gia đấu thầu các dự án trong nước, đặc biệt là các dự án liên quan đến ngành điện, nhà máy điện chu trình hỗn hợp, điện gió ngoài khơi, cẩu trục cảng biển, kết cấu thép, module hóa các dự án xây dựng nhà máy lớn, ví dụ như dự án nâng cấp mở rộng nhà máy Lọc dầu Bình Sơn... Có như vậy, chúng tôi mới có thể hợp tác và phát triển cùng nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao theo kỳ vọng", ông Kim Hyo Tae nói.

công nghiệp hỗ trợ

Về phát triển công nghiệp hỗ trợ tại khu vực miền Trung, theo ông Kim Hyo Tae, hiện khu vực này đang thiếu chuỗi cung ứng về nhà cung cấp gia công, vật liệu, vận chuyển, hạ tầng giao thông... và hiện các địa phương đang đang nỗ lực để cải thiện điều đó. Các địa phương nên quan tâm, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo chuỗi cung ứng mạnh mẽ và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng phù hợp.

Đồng thời, để sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao siêu trường siêu trọng và có quy mô lớn, các doanh nghiệp phải liên kết với nhau, sử dụng dịch vụ và sản phẩm qua lại lẫn nhau. Chính vì vậy, sự hình thành một mạng lưới hỗ trợ là hết sức cần thiết.

Công nghiệp hỗ trợ

"Là doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, thông qua Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, tôi tin rằng không bao lâu nữa, Quảng Ngãi sẽ có những chính sách hấp dẫn và thiết thực để thúc đẩy chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành công nghiệp chủ chốt phát triển mạnh mẽ. Doosan Vina cam kết sẽ đồng hành cùng chính quyền trong việc thực hiện Đề án này vì nó mang lại lợi ích cho tất cả các bên", Tổng Giám đốc Doosan Vina cam kết.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra vào ngày 21/9/2024, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã đề xuất nhiều sáng kiến với Chính phủ và các bộ, ngành để chung tay phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

công nghiệp hỗ trợ

Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn VinGroup Phạm Nhật Vượng đề xuất Chính phủ cần có các cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Nếu đẩy mạnh được vấn đề này, Việt Nam sẽ có nền công nghiệp phụ trợ rất mạnh.

Theo ông Vượng, sản lượng của VinFast hiện nay là 80.000 xe/năm, rõ ràng vượt qua ngưỡng mà các doanh nghiệp hỗ trợ có thể kinh doanh có lãi. Chủ tịch Vingroup cũng khẳng định VinFast sẵn sàng cam kết bao tiêu toàn bộ những linh kiện đó. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ và phát triển.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn VinGroup Phạm Nhật Vượng
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn VinGroup. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng nêu quan điểm về việc có thêm cơ chế hỗ trợ để phát triển ngành ô tô và công nghiệp hỗ trợ, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đưa ra các kiến nghị liên quan đến thúc đẩy ngành sản xuất ô tô sử dụng năng lượng sạch và ngành công nghiệp phụ trợ.

Theo ông Dương, ngành ô tô đang có nhiều thay đổi về công nghệ, đặc biệt ô tô sử dụng năng lượng mới hướng đến xanh, sạch, phù hợp với COP 26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26). THACO hiện đang xây dựng trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng xe quốc tế tại Việt Nam và bán ra các khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO)
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về công nghiệp hỗ trợ, ông Dương thông tin, để đầu tư lĩnh vực này, đòi hỏi về sản lượng lớn và rất nhiều về công nghệ. Theo ông, công nghiệp hỗ trợ hiện đã có trong rất nhiều ngành nghề, và THACO may mắn đã triển khai sản xuất cơ khí từ sớm. Trong năm 2024, THACO đã xuất khẩu gần 140 triệu USD, thông qua bán cho các doanh nghiệp FDI, và các doanh nghiệp này xuất khẩu, mang về thêm 20 triệu USD nữa.

"Thời gian vừa rồi, chúng tôi rất vất vả để phòng vệ thương mại, phải kiểm soát kỹ các hàm lượng, đặc biệt là nguyên vật liệu và linh kiện phụ trợ từ Trung Quốc. Sang năm, chúng tôi dự định sẽ tăng gấp đôi sản lượng về công nghiệp hỗ trợ. THACO cũng đang tiếp tục triển khai Khu Công nghiệp sản xuất cơ khí công nghiệp hỗ trợ tại miền Nam, vì hiện nay các nước FDI đưa qua đây lắp ráp và chuyển về, trong đó chúng ta cũng có thể sản xuất từ 35-40% các chi tiết, linh kiện phụ tùng cho họ sử dụng”, ông Trần Bá Dương thông tin thêm.

Thaco

Ngoài ra, trong năm 2024, THACO đã bán linh kiện phụ tùng ô tô cho các nhà sản xuất ô tô trong nước như: Hyundai, Ford, Toyota, Isuzu, mang về doanh thu là 13 triệu USD, dự kiến gia tăng doanh thu trong năm tiếp theo.

Về kiến nghị cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Dương cho rằng hiện nay chúng ta chưa có chiến lược rõ ràng. Chúng ta nói nhiều về bán dẫn, công nghệ mới, nhưng để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cần có có thời gian. Trong khi đó, lĩnh vực cơ khí hiện nay đi sâu vào đời sống, đến lao động giản đơn, thậm chí không cần học hành nhiều, thực tế này mang tính lan tỏa và đi vào đời sống công nghiệp tại Việt Nam. "Chúng tôi mong Chính phủ xem xét vấn đề này, đây cũng là cơ hội để phát triển công nghiệp nền tảng của Việt Nam cũng như xuất khẩu", ông Trần Bá Dương mong muốn.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nhìn nhận, để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần tích cực tháo gỡ về thể chế chính sách, tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát mong Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành có các chính sách cụ thể, rõ ràng ủng hộ, bảo hộ sản xuất trong nước trên cơ sở phù hợp các thông lệ quốc tế; có các chính sách đặc thù để nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp lớn.

Ông Long kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ phát triển các mỏ sắt trong nước để giảm chi phí nhập khẩu quặng sắt cho doanh nghiệp, cụ thể là cần thiết đưa mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai) vào hoạt động. Ông cũng bày tỏ, về vấn đề kỹ thuật, Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray các đường sắt tốc độ cao.

Hòa Phát
Hòa Phát
Hòa Phát

Thực hiện: Như Hạ


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí