Doanh nghiệp cơ khí tự chủ công nghệ, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường
09/12/2024 lúc 13:00 (GMT)

Doanh nghiệp cơ khí tự chủ công nghệ, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 32% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam và tạo việc làm cho gần 17% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo. Cơ khí trong nước tập trung ở ba phân ngành, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.

Những năm qua, với việc xây dựng chiến lược, chính sách phát triển của doanh nghiệp gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành kinh tế, cùng với sự cố gắng của nội tại các doanh nghiệp trong việc thiết kế, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo thì thị trường cơ khí trong nước đã có những chuyển biến rất tốt về cả lượng và chất.

Một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Hiện doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.

Với những nỗ lực này, linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.

Đồng thời, đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp cơ khí tư nhân trong nước có tiềm lực tốt. Điển hình là các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công; Hoa Sen, Hòa Phát, Công ty TNHH Hòa Bình Minh, Công ty thép Pomina, Công ty CP Thép Nam Kim... Đây là những tín hiệu tốt cho thấy các chủ trương chung của Đảng, cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo được niềm tin tưởng và hứng khởi cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển lớn, dài hạn trong các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước.

TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, từ năm 2012, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã cử một đoàn kỹ sư đi học hỏi, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các đơn vị của Nhật, Hàn Quốc, và đến thời điểm này Viện đã tự chủ trong việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền lắp ráp ô tô.

Vừa qua, Viện cũng đã thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của Vinfast và các dây chuyền lắp ráp đã đưa vào vận hành góp phần cho ra đời một số dòng xe như VF7, VF8, VF3,...

Trong lĩnh vực thủy điện, ngành cơ khí trong nước đã thiết kế chế tạo toàn bộ phần thiết bị, cơ khí thuỷ công cho các công trình thủy điện theo Quyết định 797/CP-CN và Quyết định số 400/CP-CN của Thủ tướng Chính phủ, trong đó các doanh nghiệp trong nước đã hoàn toàn tự lực, tự cường từ khâu thiết kế đến khâu gia công, chế tạo đến khâu thực hiện các dịch vụ kỹ thuật mà cụ thể là các dự án thủy điện Sơn La 2.400 MW , dự án thủy điện Lai Châu là 1.200 MW và góp phần đưa dự án thủy điện Sơn La vào vận hành sớm 3 năm và thủy điện Lai Châu vận hành sớm 1 năm.

Hay trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã thành công tiếp nhận, chuyển giao công nghệ thực hiện hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời, khởi đầu với dự án điện mặt trời Đa Mi với công suất 47,5 MW, sau đó tiếp tục ứng dụng ở dự án Tầm Bó và Gia Hoét.

Trong lĩnh vực tự động hóa quá trình sản xuất, vừa qua, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã ứng dụng cải tiến và lắp ráp toàn bộ hệ thống tự động hóa bao gồm từ khâu sản xuất đến khâu bốc dỡ, vận chuyển hàng cho Công ty CP Bột giặt Lix thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Hai dây chuyền này được đánh giá rất tốt về chất lượng, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất, đồng thời cải thiện năng suất lao động.

 

Các doanh nghiệp cũng cho hay tình hình ngành cơ khí, gia công trong nước đang rất sôi động và có những tín hiệu tích cực.

Theo ông Cao Văn Hùng - Giám đốc phát triển thị trường quốc tế Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam, những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đang được hưởng lợi rất nhiều từ làn sóng chuyển dịch từ các thị trường quốc tế để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào một số quốc gia nhất định.

Smart Việt Nam tập trung 90% các hoạt động của mình vào các thị trường quốc tế và đã xuất khẩu sản phẩm đến trên 20 quốc gia trên thế giới. Với việc triển khai chiến lược đa dạng hóa thị trường, công ty vẫn có những thị trường cốt lõi để tạo tiền đề, tạo sức bật cho doanh nghiệp để có nguồn lực để triển khai các thị trường quốc tế khác.

Tin vui là, trong năm nay, doanh thu ước tính của Smart Việt Nam đã tăng đến 260-280% nhờ nhu cầu tăng đột biến. Bên cạnh các khách hàng hiện tại, Smart Việt Nam cũng khai thác được thêm những khách hàng mới, tập trung vào 3 thị trường chính là Anh, Australia, Hoa Kỳ, đồng thời nỗ lực đa dạng hóa thị trường.

Để tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường, Smart Việt Nam đã đầu tư rất mạnh cho đội ngũ sale và đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D).

Trong đó, đội ngũ sale được tuyển dụng và đào tạo để đảm bảo năng lực đàm phán những hợp đồng lớn, khả năng làm việc với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, để thực sự thực hiện được các hợp đồng này, công tác R&D mới là cốt lõi.

Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết, đây là thời điểm “vàng” để đầu tư.

Bởi, thứ nhất, nhu cầu của khách hàng hiện tại đang tăng rất mạnh, họ trước đây có thể đặt hàng ở rất nhiều quốc gia, tuy nhiên, với những bất ổn về chính trị, địa chính trị họ bắt đầu rút dần việc đặt hàng tại Trung Quốc, dẫn đến những công ty đang nằm trong chuỗi cung ứng của họ có được thêm những đơn hàng mới, có thêm những dòng sản phẩm mà hiện tại họ đang sản xuất tại Trung Quốc, theo đó, sản lượng của các khách hàng đang tăng rất mạnh.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong ngành sản xuất đang được hưởng lợi rất nhiều từ các làn sóng chuyển dịch của các khách hàng mới, do đó nếu chúng ta không chủ động chớp lấy cơ hội này thì chắc chắn là cơ hội sẽ vụt đi, và rất khó để có lại những cơ hội như vậy. Đối với kinh doanh, quan trọng là tính thời điểm và thông tin, ai có thông tin trước, ai có chuẩn bị trước và ai biết được thời điểm nào sẽ diễn ra thì chắc chắn sẽ có đươc thành công không nhỏ.

Nắm bắt được điều này, năm nay, Smart Việt Nam đã mở rộng quy mô nhà xưởng lên gấp đôi, đã mở thêm nhà máy mới với năng lực sản xuất tăng gấp đôi. Bên cạnh đó, công ty cũng mua thêm rất nhiều máy móc, để tăng năng lực sản xuất nội tại, phục vụ cho hệ sinh thái của ngành gia công kim loại tấm, đơn cử như trang bị thêm máy móc để cắt ống, uốn ống, qua đó tăng thêm tính cạnh tranh về dòng sản phẩm, mở rộng thêm dải sản phẩm để có thêm nhiều cơ hội khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù đã có những thành công trong một số lĩnh vực cụ thể, việc đáp ứng thị trường cơ khí trong nước và xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang còn rất khiêm tốn, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ, ví dụ như các nhà máy về nhiệt điện, thuỷ điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng hoặc sản xuất nguyên liệu,… thì ta mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do Việt Nam chưa có đủ, chưa có nhiều doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để sở hữu các công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án trọn gói.

Do đó, để ngành cơ khí thực sự phát triển đúng tiềm năng, cần hình thành được các doanh nghiệp là “sếu đầu đàn” có khả năng quản lý tài chính, có năng lực về quản lý sản xuất để điều tiết các đơn hàng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn ở bên dưới, hoặc các nhà thầu phụ. Chỉ có như vậy, ngành cơ khí mới hình thành được mạng lưới chuỗi các nhà cung ứng, từ đó khai thác hiệu quả cơ hội thị trường.

          

Thực hiện: Như Hạ

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí