Cây quế được đồng bào dân tộc Dao đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai cách đây gần 50 năm tại một số xã vùng thấp thuộc các huyện: Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng.
Cây quế hay còn gọi là quế quan, quế Tích Lan (tên khoa học hai phần: Cinnamomum verum, đồng nghĩa: C. zeylanicum, thuộc họ Nguyệt quế Lauraceae ).
Cây thân gỗ, cao 20 - 25m, có nhiều cành non hình 4 cạnh. Trên mặt cành xuất hiện nhiều lông ngắn và thưa. Lá mọc đối, dài cứng, hình trái xoan. Hay có hình thuôn dài, nhẵn bóng.
Cây quế có vỏ và quả được dùng làm thuốc, lá và vỏ khô tính chế tinh dầu và làm gia vị. Còn gỗ quế dùng trong xây dựng và làm đồ dùng gia đình. Chính nhờ sự linh hoạt trong công dụng như vậy nên quế còn được coi là tiềm lực phát triển kinh tế của một số tỉnh ở nước ta.
Quế là cây mang lại giá trị kinh tế cao. Mỗi ha quế cho thu hoạch khoảng 6 - 8 tấn vỏ quế khô, 10 - 15 tấn lá và cành (dùng chưng cất tinh dầu, định mức khoảng 200 kg cho 1 lít dầu), 80 - 100 m3 gỗ. Mỗi chu kỳ canh tác 1ha quế đem lại nguồn thu từ 700 triệu trở lên.
Thành phần hóa học
- Vỏ quế: Trong vỏ quế có chứa tới 0,5 - 2% tinh dầu.
- Lá quế: lá quế để cất tinh dầu, chứa tới 84% eugenola. Chất này thường được dùng để tổng hợp vanilin (phụ gia tạo mùi thơm cho thực phẩm).
- Vỏ rễ quế: Trong vỏ rễ quế cũng có tinh dầu, nhưng tinh dầu này lại chứa chủ yếu chất long não (băng phiến), một ít euhenol và safrola, và rất rất ít andehyt xinamic.
- Hạt cây quế chứa tới 33% chất béo, thường sử dụng để chế nến thắp.
Tác dụng của cây quế
Trong y học: cây quế có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, cải thiện hô hấp, kích thích tăng bài tiết, tăng cường co bóp tử cung, tăng nhu động ruột; Tinh dầu quế làm ấm toàn thân, khử mùi hôi, trừ được cảm cúm, cảm lạnh, tiêu chả; có tính sát trùng mạnh làm ức chế nhiều loại vi khuẩn đường ruột có hại.
Trong công nghiệp, thực phẩm: Cây quế có tác dụng làm gia vị, giúp các món ăn hấp dẫn hơn, kích thích được tiêu hoá; Sản xuất các loại bánh kẹo; Bột quế được nghiên cứu thử nghiệm trong thức ăn chăn nuôi gia súc để làm tăng chất lượng thịt...
Quế hiện đang là cây chủ lực trong cơ cấu trồng rừng của tỉnh Lào Cai. Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có 57.758,8 ha quế với trên 36.350 ha diện tích đã thành rừng và gần 21.400 ha diện tích chưa thành rừng. Vùng trọng điểm quế được xác định tại các huyện: Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà với diện tích 51.279 ha, chiếm 88,78% diện tích toàn tỉnh.
Toàn bộ quế của tỉnh Lào Cai được trồng cùng một giống là Cinnamomum cassia L.J.Presl. Theo đánh giá, chất lượng sản phẩm quế Lào Cai đứng thứ 3 cả nước. Giá trị sản xuất đạt trên 40 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với các loại cây lâm nghiệp khác. Toàn tỉnh đạt doanh thu gần 600 tỷ đồng từ cây quế.
Tập trung phát triển quế hữu cơ
Với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu quế hữu cơ bền vững, tỉnh Lào Cai xây dựng Kế hoạch phát triển quế hữu cơ. Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định hình thành vùng trồng quế tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập chung xây dựng thương hiệu quế Lào Cai, đến năm 2025 có 30% sản phẩm quế được công nhận hữu cơ. Đến năm 2050, có trên 50% sản phẩm quế đạt chứng nhận hữu cơ và được quản lý trên hệ thống xác thực số (QRS).
Để hoàn thành mục tiêu trên, Lào Cai sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ diện tích quế theo hướng hữu cơ bền vững làm cơ sở mở rộng, phát triển vùng quế hữu cơ; tổ chức các hội thảo, hội nghị bàn giải pháp về phát triển quế hữu cơ; có ít nhất 60 tổ, nhóm, hợp tác xã, doanh nghiệp được đào tạo, nâng cao năng lực với hơn 3.000 người tham gia. Các tổ, nhóm này sẽ được ký thỏa thuận hợp tác với các hợp tác xã, doanh nghiệp để đánh giá, cấp chứng chỉ quế hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm quế.
Tạo thuận lợi để mở rộng thị trường
Tại hội thảo khoa học bàn giải pháp phát triển quế bền vững được tổ chức tại huyện Bảo Yên (năm 2022), Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế hỗ trợ tỉnh trong việc kết nối, tìm kiếm thị trường; hỗ trợ nguồn lực, tài chính và hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, hỗ trợ phát triển xây dựng các chuỗi liên kết, khép kín, tuần hoàn, có giá trị gia tăng cao.
Tỉnh Lào Cai cam kết có chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi sản xuất ngành hàng quế, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư tại Lào Cai; đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển vùng trồng quế theo hướng hữu cơ, chỉ dẫn địa lý. Địa phương đảm bảo vùng nguyên liệu dồi dào chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm quế của tỉnh.
Với nhiều cơ chế trong thu hút doanh nghiệp, hiện, tỉnh Lào Cai có 16 cơ sở sản xuất chế biến tinh dầu và các sản phẩm từ quế; đang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có quy mô lớn tại Văn Vàn và Bảo Thắng của Công ty Quế hồi Việt Nam.
Đến nay, thị trường xuất khẩu sản phẩm quế tỉnh Lào Cai rất ổn định, đã được xuất trực tiếp sang thị trường 9 nước, gồm Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Bangladesh, Qatar, Lebanon, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với mặt hàng tinh dầu, đã được các công ty xuất bán ra thị trường Trung Quốc, Sirilanka, Châu Âu, Mỹ. Bên cạnh đó, tinh dầu quế của Lào Cai còn một phần phục vụ nhu cầu thị trường trong nước. Các doanh nghiệp chế biến quế cũng đang có xu hướng đầu tư sản xuất, chế biến quế tại Lào Cai theo hướng tạo ra chuỗi sản phẩm quế oganic.
Ngoài ra, các sản phẩm từ quế (vỏ, tinh dầu…) của Lào Cai cũng đã được cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp quảng bá tại các hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại trong và ngoài nước (Dubai - Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Paris - Pháp, Moscow- Nga)... Từng bước gắn kết du lịch với quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngành hàng quế nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 43.186 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 129,2 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là dư địa lớn cho cây quế Lào Cai tiếp tục phát triển.
Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 1/2021, Hợp tác xã Tâm Hợi (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) đã phát huy hiệu quả bước đầu trong liên kết sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm vỏ quế cho người dân trên địa bàn tỉnh và đưa sản phẩm quế ra thị trường thế giới.
Chị Tạ Thị Hợi, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Hợi cho biết: Nhiều xã của Lào Cai có thế mạnh về phát triển cây quế, sản lượng quế người dân khai thác hằng năm lớn. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm phụ thuộc nhiều vào các tư thương nên giá bấp bênh và chưa có ưu thế trên thị trường. Xuất phát từ thực tế trên, chị quyết định thành lập hợp tác xã nhằm liên kết thu mua, chế biến sản phẩm vỏ quế và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Những ngày đầu thành lập, hợp tác xã gặp muôn vàn khó khăn, như cách thức sản xuất, điều hành, công nhân thiếu, nhà xưởng, kho bãi, hàng hóa… Đặc biệt là việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều thách thức. Thế nhưng bằng sự chung sức đồng lòng của các thành viên trong HTX, chúng tôi vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm. Từng bước xây dựng cơ sở, vừa tổ chức các khâu sản xuất, vừa tìm khách hàng để có đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, HTX mới ký kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nhân dân.
Với việc sản xuất, chế biến bài bản, tuân thủ quy trình kỹ thuật, các sản phẩm quế bột, quế chẻ, quế sáo thanh, quế sáo vụn, quế ép kiện,… dần được các khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, tin dùng. Hiện nay, khoảng 80% sản phẩm quế của hợp tác xã được đóng hộp xuất khẩu sang thị trường Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan. Bình quân, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 190 tấn quế khô các loại.
Hiện nay, HTX Tâm Hợi đã ký hợp đồng liên kết với 5 Tổ, nhóm nông dân (Tổ hợp tác) trồng quế với 97 thành viên. Cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm quế của các thành viên, với tổng diện tích 500 ha, sản lượng ước đạt từ 2.500 - 3.000 tấn quế tươi/năm. Giá cả theo thỏa thuận với các thành viên theo từng thời điểm, thanh toán tiền hàng tháng.
Đến nay, HTX Tâm Hợi tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 50 lao động địa phương (chủ yếu là lao động nữ), lúc cao điểm lên khoảng 70 người, với mức thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, tùy theo sản phẩm người lao động làm ra.
Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn