[E-magazine] Tận dụng EVFTA, gia tăng hàng hóa thương hiệu Việt tại EU
29/11/2022 lúc 09:05 (GMT)

[E-magazine] Tận dụng EVFTA, gia tăng hàng hóa thương hiệu Việt tại EU

Sau 2 năm thực thi, EVFTA đã thể hiện rõ những hiệu quả tích cực tới tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước EU.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng “cao tốc EVFTA” để gia tăng hợp tác nói chung và tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa sang thị trường lớn EU. Theo đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong EU đều ghi nhận tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực. Đáng chú ý, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa hơn nữa.

Tuy nhiên, gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu nhưng số lượng hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn mang thương hiệu nước ngoài.

Thời cơ để gia tăng hàng hóa thương hiệu Việt tại EU

Hiện nay số lượng các thương hiệu Việt Nam tại EU vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng mà chúng ta có thể phát triển đối với thị trường trên 500 triệu dân này. Dù tăng trưởng khá cao nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU mới chỉ chiếm khoảng 2% thị phần tại thị trường EU, do đó còn dư địa rất lớn để cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu vào EU.

Đặc biệt, không chỉ là dư địa tăng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu, có nhiều cơ hội để gia tăng sự hiện diện của hàng hóa thương hiệu Việt tại thị trường EU.

Thực tế sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam hưởng lợi thế hơn về thuế so với hàng hóa cùng chủng loại từ các nguồn cung khác. Ngoài lợi ích về mặt thuế quan rất rõ ràng thì Hiệp định cũng thu hút sự quan tâm hơn của các nhà nhập khẩu, đối tác quốc tế tới thị trường Việt Nam. Uy tín của doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam cũng được các đối tác khu vực này nhìn nhận đánh giá cao hơn.

          

ông Tuấn - Hapro

Tiếng vang của Hiệp định EVFTA làm cho khách hàng EU quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam hơn, nhất là những sản phẩm cùng cạnh tranh về giá và chất lượng lâu nay với một số các nước nhiệt đới như Thái Lan, Malaysia, Indonesia trở nên có lợi thế hơn và khách hàng cũng quan tâm hơn nhiều.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc

Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP  (Hapro)

          

Từ góc độ quốc tế, những cam kết của Chính phủ Việt Nam khi tham gia vào Hiệp định EVFTA đã tạo ra một tiếng vang và sự quan tâm rất lớn từ phía các bạn.

Bên cạnh lợi thế từ Hiệp định EVFTA, hàng hóa thương hiệu Việt Nam còn đang được hưởng lợi từ sau căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc 2018-2019 và tác động của dịch COVD-19 diễn biến phức tạp từ năm 2019 - 2021 đến tận bây giờ, tác động từ xung đột giữa Nga và Ukraine... Ở khía cạnh tích cực, những cú sốc đó đã thay đổi toàn bộ cấu trúc về thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng hàng hóa nhằm của nhiều thị trường, trong đó có EU nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số nguồn cung truyền thống dễ bị tổn thương.

Theo ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, đơn cử với thị trường Pháp, bắt đầu từ tháng 8/2020, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì rơi đúng vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên có thể nói là “lửa thử vàng”, tính đến 8 tháng đầu năm 2021 số liệu xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đã phục hồi lại gần như 100% so với trước khi đại dịch Covid xảy ra năm 2019.

Tới 8 tháng 2022 xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp ước đạt 4,29 tỷ euro, tăng 16% so với 2021 và tăng 20% so với 2020. Dự kiến trong năm 2022 này Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt mốc xuất khẩu sang Pháp trên 6 tỷ euro, trong bối cảnh Covid hiện nay mặc dù đã giảm bớt vẫn có thể thấy sự phục hồi rất nhanh chóng do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố EVFTA là một vốn rất quan trọng.

Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn thứ 24 cho thị trường Pháp. Nếu theo đúng kịch bản với đà tăng trưởng hiện nay thì tới cuối năm 2022 Việt Nam sẽ vào Top 20 nhà cung cấp hàng hóa cho Pháp.

vải thiều
gạo Lộc Trời

Về diện mặt hàng, Việt Nam có hai nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Pháp có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ euro, đó là nhóm hàng giày dép và thiết bị viễn thông, điện thoại, sau đó đến dệt may, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, đồ nội thất, thủy sản và các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa.

Riêng về nông sản năm 2021, trong số Top 500 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Pháp mới chỉ có 50 mặt hàng là nông sản, đạt 276 triệu euro trên tổng số hơn 5,5 tỷ euro nhập khẩu nông sản của thị trường này, tương đương với khoảng 5%, trong đó có thể kể đến như hạt điều, cà phê, tôm, các loại trái cây, cá phi lê và gạo.

Như vậy chúng ta có thể khẳng định một điều hàng hóa Việt Nam rất đa dạng và có vị trí, tuy nhiên là vẫn còn tập trung nhiều vào một số các mặt hàng chủ đạo, những mặt hàng tưởng chừng như thế mạnh của ta như hàng nông sản, thực phẩm vẫn chưa có nhiều, vì vậy tiềm năng còn nhiều điểm để khai thác.

Về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, khi nói đến chuyện xây dựng thương hiệu là nói đến sự chủ động của doanh nghiệp, cho tới nay mới có số ít thương hiệu như gạo của Tập đoàn Lộc Trời với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã thành công trong việc tiếp cận hệ thống đại siêu thị tại châu Âu, chủ động tiếp cận với hệ thống đại siêu thị tại Pháp thành công.

Doanh nghiệp cần chủ động đầu tư nguồn lực

Cơ hội đã đến, uy tín của hàng hóa Việt Nam đang tăng lên, tuy nhiên cần xác định một điều rằng, xây dựng thương hiệu Việt Nam và tiếp cận vào các hệ thống phân phối, các đại siêu thị bán buôn, bán lẻ tại thị trường Châu Âu không phải là câu chuyện dành cho tất cả các doanh nghiệp, mà chỉ dành cho một số nhỏ những doanh nghiệp có đầy đủ năng lực, có hiểu biết về thị trường và có một chiến lược phát triển bài bản. Hơn nữa, EU là một thị trường có những đòi hỏi quy định rất khắt khe, những tiêu chuẩn rất cao đối với các sản phẩm của các nguồn nhập khẩu, không chỉ là hàng hóa Việt Nam.

Mặc dù vậy, việc đưa hàng hóa bằng thương hiệu của Việt Nam ra thế giới, bán cho người bản địa là một quá trình xuất khẩu rất bền vững mà chúng ta cần hướng đến để gia tăng giá trị cho hàng hóa Việt Nam, xây dựng uy tín, thương hiệu lâu dài cho hàng hóa, sản phẩm của chúng ta trên thị trường quốc tế. Đồng thời khi đã định vị được thương hiệu hàng hóa tại một thị trường tiêu chuẩn cao như EU, hàng hóa thương hiệu Việt sẽ dễ dàng tiếp cận và chinh phục các thị trường khác.

Nếu nhìn nhận Nhà nước, các cơ quan chức năng, Chính phủ đã tạo điều kiện rất tốt cho doanh nghiệp có được Hiệp định EVFTA như một con đường cao tốc đến với thị trường Châu Âu thì chính bản thân các doanh nghiệp cũng cần đầu tư, chuẩn bị nguồn lực để tận dụng ưu thế đó.

Để có thể gia tăng hàng hóa thương hiệu Việt tại EU, trước hết cần sự chủ động và sẵn sàng của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu và gia tăng hàng hóa thương hiệu tại thị trường EU, trước hết cần thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh, bắt buộc phải chuẩn bị sẵn sàng về mọi khâu từ quy hoạch vùng trồng, quy trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp... đạt các tiêu chuẩn khó tính nhất của thị trường…. để có thể thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh phù hợp với những yêu cầu của thị trường, đối tác.

          

Sơn - Thương vụ Pháp

Nếu chúng ta còn cảm thấy khó khăn thì chưa nên nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu tại Châu Âu, bởi việc đó là nghiễm nhiên và tất yếu. Ví dụ, gạo là một ngành hàng Việt Nam rất mạnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất lớn, rất lâu năm nhưng nếu các doanh nghiệp đã sẵn sàng thì chúng tôi không cần phải mất nhiều thời gian để có thể xác định được nên tiếp cận, nên làm việc với doanh nghiệp nào...

Ông Vũ Anh Sơn,

Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp

          

 

Sự chủ động, sẵn sàng còn thể hiện ở việc các doanh nghiệp cần đầu tư nguồn lực để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cách thức thâm nhập vào thị trường, đặc biệt các doanh nghiệp cần phải có sự hiện diện tại đây, có thể là văn phòng đại diện thương mại hoặc người đại diện xúc tiến, quảng bá thương hiệu tại EU.

Về tiếp cận thị trường, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy đối với việc kinh doanh với thị trường EU, cụ thể doanh nghiệp phải thấu hiểu các tập quán kinh doanh của khối thị trường này; hiểu về văn hóa, hiểu về các hành vi, thói quen, cách thức tiêu dùng của người dân EU nói chung và người dân ở từng nước thành viên EU nói riêng.

Các doanh nghiệp phải nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ về thị trường EU, phải có chiến lược phát triển thị trường bài bản về marketing, truyền thông xem thị trường đó có nhu cầu như thế nào, có những yêu cầu ra sao để sản xuất được những sản phẩm mà thị trường EU cần chứ không phải bán những sản phẩm mà chúng ta có.

Ngoài việc đảm bảo về mặt chất lượng, đảm bảo về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các chứng chỉ chất lượng an toàn an toàn cho sản phẩm, an toàn vệ sinh, chứng chỉ GlobalGAP đối với những sản phẩm thực phẩm hoặc là thực phẩm chế biến... các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị cho mình hành trang với những thông tin làm sao để hiểu về thị trường, tiếp cận được các kênh phân phối nước sở tại và có cách thức phù hợp đưa được những sản phẩm thương hiệu của mình đến được những thị trường tại Châu Âu.

Sản phẩm cần phải có những giấy chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn của EU, chứng minh được những tiêu chuẩn như môi trường, tiêu chuẩn về xã hội, tiêu chuẩn về phát triển bền vững theo yêu cầu của thị trường EU, có bao bì nhãn mác thiết kế một cách chuyên nghiệp, tinh tế, phù hợp với những quy định về yêu cầu nhãn mác, bao bì của thị trường và cũng như hợp nhãn với người tiêu dùng của EU. Đặc biệt, sản phẩm ngoài việc hợp nhãn với người tiêu dùng EU nhưng cũng cần mang những bản sắc của Việt Nam để giúp cho việc định vị thương hiệu, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp sẽ tốt hơn ở thị trường EU.

          

Trang - AHK

Người tiêu dùng Đức nói riêng, người tiêu dùng EU nói chung rất kỹ tính nhưng họ lại cũng rất trung thành với các sản phẩm có thương hiệu và họ có nhu cầu rất cao tìm hiểu xem sản phẩm đấy được sản xuất ở đâu, có thực sự an toàn không, có thực sự thân thiện với môi trường không, có yếu tố bảo vệ người lao động trong quá trình sản xuất không?...

Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam

          

 

Nên chú trọng “tinh” hơn “đa”

Theo các chuyên gia xúc tiến thị trường, đối với việc xây dựng và phát triển thương hiệu tại thị trường nước ngoài, không nên đề cập đến số lượng hàng mang thương hiệu Việt Nam bởi vì làm thương hiệu nên tập trung vào chất lượng, uy tín của thương hiệu. Do đó, với thị trường EU, thay vì hướng tới mục tiêu gia tăng số lượng thương hiệu, nên tập trung vào mục tiêu mở rộng diện hàng hóa có thương hiệu Việt Nam tại thị trường này, định vị được thương hiệu Việt Nam với các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng ở đây.

Ở góc độ sản phẩm, nên xây dựng thương hiệu Việt Nam tập trung theo ngành hàng, ví dụ: thương hiệu gạo Việt, hạt điều Việt hay hạt tiêu Việt... để có thể định vị được hình ảnh, giá trị hàng hóa thương hiệu Việt tại thị trường EU. Với mỗi ngành hàng đặc thù cũng cần có sự định vị khác biệt trong xây dựng và phát triển thương hiệu tại nước ngoài.

Đơn cử, với xuất phát điểm thấp và chưa có độ nhận diện như các thương hiệu mạnh trên thế giới như Nike, Adidas, Puma.. hay các loại thương hiệu quần áo, giày dép khác, để xây dựng một thương hiệu nào đó của doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam đủ mạnh để xuất khẩu và cạnh tranh được với những thương hiệu đó tại thị trường Châu Âu là điều rất khó.

Với ngành hàng dệt may hay giày dép, xây dựng thương hiệu thành công chính là cần tiếp tục làm tốt việc định vị thương hiệu theo hướng tạo dấu ấn trong tâm lý người tiêu dùng thế giới, cứ nhắc đến quần áo và giày dép sản xuất tại Việt Nam là tốt.

Ngược lại, có những ngành đặc thù của Việt Nam mà chúng ta nên xây dựng thương hiệu là những ngành có thế mạnh hiện nay có thể khai thác được như: thủy sản, các mặt hàng nông sản như hạt điều, hạt tiêu, gạo, cà phê… là những ngành có tiềm năng xây dựng và gia tăng hiện diện thương hiệu Việt được tại EU nói riêng, thế giới nói chung.

Để định vị được thương hiệu Việt, từ góc độ các giải pháp hỗ trợ từ chính sách cũng cần có sự hệ thống, đồng bộ theo các cấp từ trung ương đến các địa phương, ngành hàng. Thực tế của một số ít mô hình thương hiệu Việt đã thâm nhập thành công thị trường EU cho thấy, việc xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ địa phương, mỗi địa phương trước mắt nên xác định ra 1 - 2 mặt hàng chiến lược để phát triển thương hiệu. Sau đó đưa lên Chính phủ, Bộ Công Thương cần phải có một đề án mang tính chất quốc gia về việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu Việt Nam, trong đó cần phải có những chính sách rất rõ ràng đối với các địa phương để phát triển những mặt hàng chiến lược đó. Đó có thể là những chính sách hỗ trợ dưới nhiều hình thức như hỗ trợ về tài chính, đất đai, các chương trình xúc tiến thị trường, xây dựng thương hiệu…

Bên cạnh đó, vai trò hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao, cơ quan thương mại Việt Nam tại nước ngoài rất quan trọng trong việc kết nối, xúc tiến giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác, doanh nghiệp Châu Âu, qua đó gia tăng cơ hội thâm nhập thị trường và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thương hiệu Việt sang thị trường này.

Chung tay phát triển thương hiệu các nhóm sản phẩm Việt Nam

Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương về những hoạt động và giải pháp xúc tiến thương mại nhằm phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường EU.

chị Thủy - Vietrade
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

PV: Thời gian qua trong bối cảnh Việt Nam ký kết và đang thực thi rất nhiều hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương đã có những hoạt động ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp của chúng ta xuất khẩu sang những thị trường có FTA nói chung cũng như thị trường EU nói riêng.

Bà có thể chia sẻ về những điểm chính trong hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua nhằm phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường EU và những hoạt động này đã đem lại những kết quả cụ thể như thế nào trong việc gia tăng sự hiện diện của thương hiệu Việt Nam tại thị trường EU?

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy: EU là thị trường xúc tiến xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và chúng ta có thể thấy rằng các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU không chỉ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững tại thị trường EU mà còn có các điều kiện và cơ hội để lan tỏa thương hiệu cũng như lan tỏa sản phẩm của doanh nghiệp ở đa dạng các thị trường khác trên thế giới.

Chính vì vậy, trong thời gian qua Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã ưu tiên rất nhiều các hoạt động trọng tâm với thị trường EU để giúp cho doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo bảo vệ thương hiệu tại thị trường EU. Đơn cử, một số những hoạt động mà Cục Xúc tiến thương mại đã tập trung làm rất tích cực trong thời gian vừa qua như tổ chức hàng loạt các phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường EU để giúp cho các doanh nghiệp nhận biết được nhu cầu, xu hướng thị trường, các quy định, chính sách cập nhật của thị trường EU để có thể điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường EU và có những chiến lược, kế hoạch phát triển thương hiệu sản phẩm phù hợp với thị trường EU.

Bên cạnh các phiên tư vấn về thị trường thì Cục Xúc tiến thương mại cũng rất ưu tiên thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ nâng tầm nhận thức cho doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại thị trường EU thông qua hàng loạt các chương trình, hội nghị, hội thảo, đào tạo và tập huấn...

Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp rất chặt chẽ với hệ thống thương vụ Việt Nam tại khu vực EU để xây dựng và phát triển các showroom trưng bày hàng hóa cho doanh nghiệp tại trụ sở của các thương vụ Việt Nam tại EU thì đây cũng là một trong những kênh rất hữu hiệu cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể gửi những sản phẩm mẫu chất lượng và phù hợp với thị trường EU tới các thương vụ Việt Nam tại EU để các thương vụ hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá tới các đối tác tại EU.

Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng thực hiện hàng loạt các cuộc giao thương trực tuyến với thị trường EU trong thời gian vừa qua nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng những ưu đãi từ EVFTA để làm sao đẩy nhanh được xuất khẩu sản phẩm và phát triển thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp.

Ngoài các hoạt động giao thương trực tuyến, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên cả nước tuyên truyền quảng bá về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho địa phương, các doanh nghiệp ở thị trường EU.

Song song với đó, các hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp cũng được thực hiện thông qua việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội hoặc sử dụng những kênh truyền thông tại thị trường EU giúp không chỉ thương hiệu của doanh nghiệp mà cả thương hiệu quốc gia Việt Nam lan tỏa rộng hơn ở thị trường EU.

Thông qua các hoạt động như vậy đã hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh thương hiệu một cách chuyên nghiệp hơn, tạo lòng tin cao hơn đối với các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng EU và từ đó tạo đòn bẩy giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh lâu bền ở thị trường EU.

thương hiệu hàng Việt

Hàng Việt tại siêu thị ở CHLB Đức

PV: Trong thời gian tới chúng ta sẽ có những giải pháp như thế nào, những điểm mới như thế nào trong hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU nói riêng cũng như các thị trường xuất khẩu nước ngoài nói chung và trong bối cảnh mới thì những hoạt động xúc tiến thương mại này sẽ có những điểm mới như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy: Trong điều kiện nguồn lực dành cho xúc tiến thương mại còn hữu hạn, chúng tôi nỗ lực tối đa làm sao tận dụng được những nguồn lực đó một cách hiệu quả nhất hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường sang EU và đặc biệt là hướng tới phát triển những thương hiệu của Việt Nam đứng vững ở thị trường EU.

Ngoài những nội dung, hoạt động đã và đang thực hiện, trong thời gian tới Cục Xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào những nhóm, mặt hàng mà chúng tôi đánh giá là sẽ có năng lực bứt phá ở thị trường châu Âu để ưu tiên đẩy mạnh trọng tâm hỗ trợ, giúp nhằm xây dựng được những cánh chim đầu đàn trong phát triển thương hiệu Việt tại EU và khi có những cánh chim đầu đàn rồi sẽ tạo lực cánh kéo thúc đẩy các doanh nghiệp, ngành hàng khác phát triển theo.

Bên cạnh đó Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu, phù hợp với xu thế hiện nay để thực hiện được các hoạt động này hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn nhưng thu được những lợi ích cụ thể và thiết thực hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc phát triển tại thị trường EU.

Khi đi vào thị trường EU, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu rất rõ những đối thủ cạnh tranh của mình ở thị trường này về cách người ta làm thương hiệu. Đơn cử các doanh nghiệp của Thái Lan có những bước đi, cách thức đầu tư nguồn lực để phát triển thương hiệu rất bài bản và khôn ngoan đối với thị trường EU.

Bên cạnh hỗ trợ của chính sách, để phát triển được bền vững tại thị trường EU như cách của Thái Lan đã làm, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư nguồn lực, đồng thời cần có sự đoàn kết chung tay mạnh mẽ để cùng nhau phát triển những thương hiệu cho những nhóm sản phẩm của chúng ta, thay vì việc cũng đang cạnh tranh lẫn nhau như hiện nay.

Bài và trình bày: Việt Hằng


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí