[E-magazine] Thực thi UKVFTA: Chủ động triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp
27/12/2022 lúc 14:31 (GMT)

[E-magazine] Thực thi UKVFTA: Chủ động triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp

 

Tận dụng lợi thế người đi trước

Sau hơn 1 năm có hiệu lực thực thi, Hiệp định UKVFTA đã mang lại kết quả rất tích cực cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc kim ngạch xuất nhập khẩu song phương năm 2021 đã bật tăng so với hai năm trước, với kim ngạch khoảng 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 5,8 tỷ USD. Mức kim ngạch này đã quay lại trở lại mốc đỉnh trong thương mại xuất khẩu của Việt Nam sang Anh năm 2018 trước khi bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tạo nên kết quả đó phải kể đến một trong những thuận lợi khi thực thi Hiệp định UKVFTA, đây là hiệp định tiếp nối Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); sau khi Vương quốc Anh sau tách ra khỏi EU (sự kiện Brexit) thì hiệp định này tiếp nối và đến 99% các nội dung của UKVFTA giống như EVFTA. Do đó có thể nói cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ đã có thời gian chạy đà rất dài với EVFTA trước cho nên việc thực thi UKVFTA cũng quen thuộc hơn với với cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ.

Mặt khác, với UKVFTA chúng ta có lợi thế người đi trước khi là một trong những đối tác đầu tiên kí kết FTA với Vương quốc Anh ngay sau khi nền kinh tế này rời EU còn các đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu hàng hóa của chúng ta ở khu vực Châu Á, đặc biệt trong khu vực ASEAN chưa có FTA với Vương quốc Anh.

          

chị Trang VCCI

Trong việc triển khai kí kết UKVFTA, có một điểm chúng tôi đánh giá rất cao, đó là Chính phủ mà đặc biệt là Bộ Công Thương đã có những bước chạy gấp rút để có thể sau khi EVFTA có hiệu lực từ 01/8/2020 và trong 5 tháng cuối của năm 2020 Anh được tính vào thực hiện theo EVFTA, đến giai đoạn cuối khi Anh hết hiệu lực thực thi theo EVFTA thì Chính phủ và Bộ Công Thương đã ngay lập tức thúc đẩy để chúng ta ký được UKVFTA.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang,

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI

          

 

Trên thực tế, chúng ta ký kết UKVFTA ngày 29/12/2020 và sau đấy 31/12/2020 (theo giờ Anh), ngày 01/01/2021 (theo giờ Việt Nam) là ngày Hiệp định có hiệu lực tạm thời. Như vậy không có bất kỳ khoảng trống nào sau khi Anh chấm dứt thực hiện theo EVFTA và chúng ta được tiếp tục thực hiện UKVFTA ngay. Đây là một nỗ lực lớn từ phía Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có một lợi thế để doanh nghiệp được tận dụng tiếp các ưu đãi theo UKVFTA với thị trường Anh.

doanh nghiệp xk Anh

Trong 5 tháng đầu năm 2022, mặc dù còn chịu các tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình chính trị phức tạp trên thế giới, dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Vương quốc Anh vẫn đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của năm 2021.

Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 5/2022, Vương quốc Anh có tổng cộng 462 dự án đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực đạt 4,15 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 0,97% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Vương quốc Anh đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 120 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 23 dự án, tổng vốn đầu tư 1,04 tỷ USD, chiếm 26% tổng vốn đầu tư...

Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội lớn để hợp tác, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ Anh, đồng thời tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp, năng lượng của Anh, cũng như xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sang Anh, tận dụng lợi thế sẵn có của Hiệp định UKVFTA.

Thành công từ sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng

Hiệp định UKVFTA là một trong những tác nhân giúp giảm bớt những khó khăn mà nền kinh tế hai bên gặp phải do COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Mặc dù mới trải qua thời gian ngắn nhưng những số liệu ban đầu cho thấy quá trình thực thi Hiệp định đã cho thấy những điểm sáng.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Vương quốc Anh năm 2021 tăng khá so với các thị trường khác. Trong đó nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh như rau quả, hạt tiêu, sản phẩm chế biến, chế tạo... là những tín hiệu rất tích cực. Ngược lại, xuất khẩu hàng hóa của Anh sang Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng cao hơn so với các thị trường khác, đạt 23,6%; đặc biệt ở những sản phẩm thế mạnh của nước này như: dược phẩm, nguyên vật liệu, linh kiện máy tính, điện tử... tạo ra một nguồn cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào chất lượng và được hưởng ưu đãi thuế quan phục vụ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

          
anh Thái - Đa biên

Có được những kết quả tích cực đó bởi so với các hiệp định khác, đây là một trong những hiệp định mà chúng ta đã có những bước chuẩn bị kỹ trước đó và đã có kế hoạch hành động mang tính tổng thể. Bên cạnh đó, Việt Nam và Vương quốc Anh cũng đã thiết lập những cơ chế trao đổi thường xuyên để giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình thực thi.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

          

 

Từ kinh nghiệm thực thi các FTA thế hệ mới trước đây như CPTPP hay EVFTA, Bộ Công Thương đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch thực thi, tuyên truyền phổ biến cũng như xây dựng khung pháp luật trong nước để hỗ trợ tối đa việc thực thi UKVFTA một cách hiệu quả nhất.

Với vai trò là cơ quan chủ trì việc thực thi UKVFTA, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì, thúc đẩy 02 nhóm công việc chính liên quan đến thể chế.

Thứ nhất là công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực thi UKVFTA. Trong thời gian sau khi Hiệp định được Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã đôn đốc các Bộ, ngành nhanh chóng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định UKVFTA.

Cho đến nay, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới một số nội dung như Kế hoạch thực hiện Hiệp định UKVFTA của Chính phủ; Nghị định quy định về Biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi; Nghị định hướng dẫn thực hiện việc chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang UK; các Thông tư của Bộ Công Thương về quy tắc xuất xứ và phòng vệ thương mại.

Thứ hai là công tác triển khai Kế hoạch thực hiện UKVFTA của các Bộ, ngành, địa phương. Tương tự như các FTA thế hệ mới khác là CPTPP và EVFTA, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Kế hoạch thực thi UKVFTA.

Để triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả UKVFTA, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 721/QĐ-TTg ngày 18/5/2021; Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch thực hiện UKVFTA theo Quyết định số 1449/QĐ-BCT ngày 24/5/2021. Ngoài ra, các  bộ, ngành và các tỉnh, thành đã ban hành Kế hoạch thực hiện hiệp định.

Theo đó, Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định UKVFTA bao gồm 05 nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định UKVFTA và thị trường UK; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Các nhóm nhiệm vụ này đã và đang được triển khai nhằm đảm bảo Việt Nam thực thi đầy đủ các cam kết trong UKVFTA cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng UKVFTA hiệu quả nhất.

thực thi UKVFTA
Nguồn: Bộ Công Thương

Tích cực phổ biến, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi thế

Bên cạnh việc đồng tổ chức Phiên họp Ủy ban Thương mại của Hiệp định, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các tổ chức, cơ quan của Vương quốc Anh tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước chia sẻ những nhu cầu thực tế, các thủ tục, tiêu chuẩn cần có cho hàng hóa xuất khẩu, quy trình liên quan đến xuất nhập khẩu, thanh toán và kinh nghiệm hợp tác thực tiễn, tận dụng UKVFTA; các Hội thảo xúc tiến thương mại trực tuyến kết nối các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tới các hệ thống siêu thị, nhà nhập khẩu của Anh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cùng Vương quốc Anh đã thiết lập những cơ chế trao đổi thường xuyên thông qua các ủy ban để giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình thực thi Hiệp định. Ngay từ những ngày đầu khi Hiệp định có hiệu lực tạm thời vào ngày 01/01/2021, các cơ quan Chính phủ hai nước, đặc biệt giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại quốc tế Anh, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và các Bộ, ngành hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, hợp tác nhanh chóng tháo gỡ khó khăn phát sinh cho doanh nghiệp.

Song song đó, chúng ta đã thúc đẩy quá trình phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp có thể nắm bắt được các cam kết của Hiệp định, những lưu ý về chính sách xuất nhập khẩu, nhu cầu và đặc tính thị trường... Những hoạt động này có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ Việt Nam với Vương quốc Anh, đặc biệt là Đại sứ quán Anh tại Hà Nội. Hai bên đã phát hành nhiều ấn phẩm, thông tin nhằm giúp doanh nghiệp ở cả hai nước thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, phát triển.

          

anh Linh - Âu Mỹ

Để tận dụng hiệu quả Hiệp định UKVFTA, ngay từ những ngày đầu khi Hiệp định có hiệu lực tạm thời vào ngày 01/01/2021, các cơ quan Chính phủ hai nước đã phối hợp chặt chẽ để phổ biến các cam kết cho các doanh nghiệp, những lưu ý về chính sách xuất nhập khẩu, nhu cầu và đặc tính thị trường.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công Thương

          

 

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Vương quốc Anh, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng Thông tin Cơ sở Dữ liệu Thương mại Việt Nam (VNTR) vào ngày 30/3/2022. Đây là Cổng thông tin trực tuyến, miễn phí, cung cấp các thông tin cập nhật bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh về biểu cam kết thuế quan trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia; thuế suất MFN, thuế suất ưu đãi trong các FTA này; quy tắc xuất xứ; các biện pháp phi thuế (được tích hợp từ dữ liệu của UNCTAD);... Đây cũng là nơi cung cấp thông tin đầy đủ nhất về Hiệp định UKVFTA để doanh nghiệp, cơ quan quản lý dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và thực thi.

Trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai cuộc họp cấp kỹ thuật, tổ chức họp các Ủy ban chuyên môn: biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật (SPS), hải quan, thương mại hàng hóa, thương mại và phát triển bền vững để rà soát tình hình thực thi, cũng như những vướng mắc, thảo luận, bàn định hướng để đảm bảo thực thi UKVFTA hiệu quả nhất, đầy đủ nhất.

Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong nước tổ chức các chương trình tư vấn trực tuyến để tìm hiểu phương pháp thâm nhập thị trường Anh, kết nối giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản, hy vọng từng bước xuất khẩu được sản phẩm sang Anh quốc.

hội thảo 1 năm UKVFTA
thị trường Anh

Theo khảo sát mới đây, số lượng doanh nghiệp hiểu và biết được những cam kết của UKVFTA có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã tăng đáng kể, tạo thuận lợi cho việc tận dụng những lợi thế, ưu đãi của Hiệp định trong xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường này.

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và hiện đang có 15 FTA với Việt Nam đang thực hiện cùng 2 FTA đang đàm phán. Có thể nói, những thỏa thuận FTA, trong đó có Hiệp định UKVFTA đang tạo điều kiện và động lực tăng trưởng thương mại xuất nhập khẩu, cải cách chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu đạt được, chúng ta phải đối mặt với bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, xung đột địa chính trị tại một số khu vực, hoạt động tự do hóa và bảo hộ thương mại đan xen chặt chẽ. Những thách thức đòi hỏi cần có những nỗ lực và phối hợp cao giữa Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương, tổ chức, các Hiệp hội và doanh nghiệp các nước để giảm thiểu các tác động, tận dụng các cơ hội để phát triển.

Để gia tăng hiệu quả thực thi Hiệp định UKVFTA trong thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan: kịp thời nghiên cứu, góp ý; đẩy mạnh phổ biến, tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu – đầu tư với thị trường Anh, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xây dựng chiến lược phát triển và quảng bá thương hiệu quốc gia; đồng thời cải thiện khả năng tận dụng cam kết từ UKVFTA trong hoạt động thương mại của các địa phương, doanh nghiệp.

Kết nối, lan tỏa kinh nghiệm thành công tại thị trường Anh

Chia sẻ của ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) về những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp cũng như các giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định UKVFTA. 

anh Khanh - Đa biên
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

PV: Xuất khẩu tăng trưởng cao cho thấy các ngành hàng của chúng ta bước đầu cho thấy tận dụng khá tốt Hiệp định UKVFTA để gia tăng xuất khẩu và tới đây Hiệp định này sẽ bước sang một giai đoạn thực thi mới thì ông có thể chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong giai đoạn tiếp theo cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực thi UKVFTA?

Ông Ngô Chung Khanh: Chúng ta đều biết kinh tế Anh hiện nay đang gặp khó khăn và hiện nay Chính phủ mới của Anh đang nỗ lực để thúc đẩy trở lại nền kinh tế, lạm phát tăng dẫn tới những nhu cầu của người dân sẽ giảm.

Thời gian gần đây đã có những khó khăn nhất định đối với ngành dệt may, chẳng hạn đơn hàng giảm nhiều đặt ra những thách thức nhất định để chúng ta duy trì được động lực tăng trưởng thuận lợi như trong thời gian vừa qua.

Về thuận lợi, các doanh nghiệp đã đúc kết được kinh nghiệm trong quá trình triển khai Hiệp định khi chia sẻ sẽ giúp nhiều doanh nghiệp học hỏi. Ví dụ vừa rồi tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương có tổ chức một hội nghị tổng quan lại quan hệ thương mại Việt Nam - EU trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực, đại diện Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ câu chuyện bước đầu xuất khẩu được 1.000 tấn gạo thương hiệu của riêng họ, không phải đi gia công như trước nữa. Khi Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ xong có rất nhiều doanh nghiệp khác đã tiếp xúc, trao đổi để học hỏi kinh nghiệm. Đây là một điểm tốt.

Tương tự, việc lan tỏa các gương doanh nghiệp xuất khẩu sang Anh thành công và chia sẻ để các doanh nghiệp khác học hỏi theo như: không phải xuất khẩu sang Anh khó như thế, không phải có nhiều rào cản kỹ thuật như thế, biết cách làm tự tin thì vẫn làm được... là một thuận lợi, khi chia sẻ doanh nghiệp sẽ được đúc kết kinh nghiệm của nhau.

Thứ ba nữa, chính cơ quan quản lý như Bộ Công Thương cũng sẽ đúc kết được kinh nghiệm trong quá trình thực thi để định hướng cùng với các đơn vị, các bộ, ngành, cơ quan liên quan định hướng các hoạt động thực thi tuyên truyền sát hơn, trúng nhu cầu của doanh nghiệp hơn, đồng hành được một cách hiệu quả hơn.

Về khó khăn, tôi nghĩ khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là tư duy của doanh nghiệp là liệu họ có chấp nhận hài lòng với những gì họ có hay là họ sẵn sàng vượt qua sự hài lòng đó.

Bởi vì qua trao đổi với một số doanh nghiệp tại các hội thảo, tập huấn Hiệp định, tôi thấy có doanh nghiệp hiện nay vẫn đang tập trung xuất khẩu sang thị trường truyền thống... Doanh nghiệp còn có sự e ngại khi xuất khẩu sang các thị trường như EU, UK. Nếu còn tư duy như thế thì lợi thế, cơ hội chúng ta có được UKVFTA sẽ không đạt được như chúng ta mong muốn.

Còn điểm khó khăn nữa là các doanh nghiệp hiện nay còn thiếu công nghệ, vốn. Đây là khó khăn chung, bởi nguồn lực của của chúng ta còn hạn hẹp nhưng mấu chốt là làm sao đừng để phân tán, làm sao kết nối được các nguồn lực còn đang hạn hẹp với nhau để không bị trùng lặp, chồng chéo thì chúng ta sẽ có được nguồn lực nhất định hỗ trợ cho các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả hơn Hiệp định UKVFTA.

PV: Chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng sự chủ động của doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu thị trường. Tuy nhiên ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước thì Bộ Công Thương sẽ có những kế hoạch như thế nào để thực thi hiệu quả Hiệp định UKVFTA trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Ngô Chung Khanh: Một trong những thuận lợi của việc thực hiện không chỉ là UKVFTA mà cả EVFTA hay CPTPP trong thời gian tới chính là chúng ta có thời gian nhìn lại, đúc kết kinh nghiệm để chúng ta làm sao cho hiệu quả hơn.

Những vấn đề doanh nghiệp đặt ra chúng ta đã nhìn thấy được trong rất nhiều hội nghị, hội thảo trên toàn quốc. Chúng tôi với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao theo dõi việc thực hiện các FTA, trong đó có UKVFTA thì tập trung vào một số vấn đề lớn.

Đầu tiên là giải quyết vấn đề về cung cấp thông tin, tư duy của chúng ta bây giờ không nên tổ chức các hội nghị, hội thảo chung chung nữa mà phải đi sâu vào chuyên ngành. Chúng ta xác định ra ngành nào cần thúc đẩy, ví dụ như thủy sản, dệt may, rau quả.... Sau đó chúng ta tổ chức các hội nghị chuyên đề và mời các chuyên gia trong những lĩnh vực có liên quan đến mặt hàng đó đến nói chuyện, chia sẻ. Doanh nghiệp còn thiếu những thông tin gì, thiếu các kiến thức gì thì chúng ta bổ sung điều đó.

Quan điểm của chúng tôi không chỉ dừng lại một hội nghị, hội thảo mà sau mỗi hội nghị, hội thảo đấy, các hành động tiếp theo là gì. Mỗi tỉnh, thành nên xác định không nên làm đại trà mà chúng ta nên xác định 1 - 2 hai sản phẩm trọng tâm và cùng đồng hành với doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp lớn để kết nối cho các doanh nghiệp về sau thì tôi nghĩ với cách làm như vậy chúng ta mới có cơ hội để tận dụng hiệu quả hơn nữa các hiệp định FTA.

Thứ hai, để giải quyết tư duy e ngại của doanh nghiệp thì chúng tôi định hướng cần phải lan truyền, lựa chọn tìm kiếm các doanh nghiệp đã thành công sang Anh, thành công sang các thị trường FTA mới và mời họ chia sẻ cách làm như thế nào, những khó khăn họ đã vượt qua và những vấn đề cần phải làm. Cần phải chia sẻ để cho doanh nghiệp tự tin rằng có những người đi trước, có những người mở được thị trường thì những người khác cũng sẽ làm được.

Thứ ba, chúng tôi định hướng tập trung vào việc xây dựng cổng thông tin FTAP, cổng thông tin về các FTA. Đây là một cổng rất lớn cấp Chính phủ mà Chính phủ đã giao Bộ Công Thương thành lập Tổ công tác cùng đại diện các bộ, ngành có liên quan để tạo ra cổng thông tin chung, thống nhất để cung cấp, tương tác với doanh nghiệp về tất cả các vấn đề liên quan đến FTA từ quy tắc thuế, quy tắc xuất xứ, thông tin thị trường, xúc tiến, vấn đề lao động, môi trường... Chẳng hạn, trước đây doanh nghiệp đến Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chưa biết gặp ai, đến Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa biết gặp ai... thì bây giờ chúng tôi kết nối tất cả họ lại với nhau thông qua một cổng đó mà doanh nghiệp có thể ngồi một chỗ có thể có gần như đầy đủ các thông tin mong muốn.

Thứ tư, đi cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận kể cả cơ quan trung ương vào cuộc nhưng không có các cơ quan địa phương vào cuộc thì sự hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp cũng giảm hiệu quả đáng kể.

Vì thế Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương xây dựng một đề án đánh giá kết quả thực thi FTA tại các địa phương để đưa ra một chỉ số tương tự như PCI Index là chỉ số FTA Index dự kiến đưa vào triển khai từ cuối năm 2023, theo đó xếp hạng tất cả 63 tỉnh, thành về kết quả thực thi các FTA.

Chúng ta đã biết xếp hạng PCI đã tạo ra những thay đổi về tư duy quản lý, giúp cho hoạt động cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thay đổi rất rất lớn. Chúng tôi mong rằng với chỉ số FTA cũng sẽ giúp thay đổi tư duy và giúp cho các chính quyền địa phương tích cực hơn, đẩy mạnh hơn hoạt động hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp trong việc thực thi các FTA.

Chúng ta đã đi qua con đường thực thi Hiệp định UKVFTA gần 02 năm rồi, nếu không làm cụ thể hơn nữa thì rất lãng phí. Mong rằng tất cả các doanh nghiệp chúng ta cùng đồng hành, kết nối lại với nhau, cùng phối hợp với cơ quan quản lý thực thi và tận dụng hiệu quả Hiệp định này.

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí