Là một trong 10 nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nguồn cung lớn của nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu, các tập đoàn, doanh nghiệp Vương quốc Anh đang gia tăng mạnh mẽ đầu tư nguồn lực vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.
Sau khi giảm mạnh 95,53% so với năm 2020 trong năm 2021 (chỉ đạt 5,92 tỷ USD) do ảnh hưởng của dịch bệnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Vương quốc Anh năm 2022 đã phục hồi mạnh mẽ, đạt 44,13 tỷ USD và tăng 645,1% so với năm 2021.
Được đánh giá có môi trường đầu tư hấp dẫn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến đầu tư tin cậy, bền vững của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Vương quốc Anh.
Đặc biệt, theo Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Vương quốc Anh sau khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) khởi sắc rõ nét.
Tính đến ngày 20/10/2023, Vương quốc Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Vương quốc Anh có tổng cộng 43 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 58,6 triệu USD. Các dự án đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam khá đa dạng, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp khai khoáng, xử lý môi trường đến tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản, bán lẻ, giáo dục, y tế…
Với sự hiện diện nhiều hơn của nhà đầu tư Anh tại Việt Nam thì thị trường Anh nhìn nhận tích cực hơn về hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam, sản phẩm Việt Nam và đấy là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được trong thời gian tới. Sự tham gia hợp tác của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị gắn với những nguyên phụ liệu đầu vào trong lĩnh vực dệt may, da giày… cũng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam bước đầu tạo dựng được hình ảnh về khai thác lợi thế trong chuỗi cung ứng.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương)
Tuy nhiên, đầu tư gián tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn so với tiềm năng cua nhà đầu tư Anh quốc và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam.
Trong khi đó với lịch sử quan hệ giữa hai nước và đặt trong bối canh kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ Vương quốc Anh. Hiện tại, thị trường tài chính Việt Nam đang có sức hấp dẫn các nhà đầu tư Anh và Việt Nam cũng đang làm tốt việc phát triển thị trường vốn, giao dịch cổ phần, chứng khoán tại Việt Nam có giá trị hợp lý so với các nước khác trong khu vực và các thị trường mới nổi khác.
Theo cam kết của Hiệp định UKVFTA, Việt Nam dành lộ trình ưu đãi thuế quan có lợi cho hàng hóa nhập khẩu từ Vương quốc Anh vào Việt Nam.
Cụ thể, xóa bỏ 48,5% dòng thuế từ ngày 01 tháng 01 năm 2021; xóa bỏ 91,8% dòng thuế từ ngày 01 tháng 01 năm 2027; xóa bỏ 98,3% dòng thuế từ ngày 01 tháng 01 năm 2029; 1,7% dòng thuế còn lại sẽ được tự do hóa một phần qua hạn ngạch thuế quan (khối lượng hạn ngạch phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO và thuế trong hạn ngạch sẽ được xóa bỏ vào năm 2031) hoặc không được hưởng ưu đãi.
Những cam kết này giúp hàng hóa Anh gia tăng xuất khẩu sang Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi để nhập khẩu nhiều loại nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất kinh doanh của mình.
Bên cạnh xuất khẩu tăng trưởng tốt, Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Vương quốc Anh, đặc biệt là dược phẩm và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng phục vụ sản xuất.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2022 kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh đạt 771 triệu USD. Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh vào Việt Nam ước đạt hơn 587 triệu USD, tăng 2,28% so cùng kỳ năm trước.
Với việc Hiệp định thương mại tự do song phương UKVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021 và mới đây nhất là việc Vương quốc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) sẽ là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư hai chiều tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương
Theo các chuyên gia, để tận dụng hiệu quả hơn cơ hội từ UKVFTA, Việt Nam cần thúc đẩy tiếp cận và thu hút đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh, đặc biệt đối với ngành công nghiệp chế biến như cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo.
Hiện nay, sản phẩm cơ khí Việt Nam vẫn còn yếu về công nghệ sản xuất, đặc biệt với những máy móc, thiết bị mang tính công nghệ cao, sản phẩm cốt lõi nên cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thuộc công nghiệp chế biến của Việt Nam sang thị trường này là không nhiều.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ UKVFTA để thu hút đầu tư từ Vương quốc Anh, qua đó góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo, cũng như tạo ra hệ sinh thái để các doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia chuỗi cung ứng và mạng sản xuất toàn cầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác lợi thế trong các cam kết đầu tư từ UKVFTA nhằm tăng cường hợp tác công nghệ để tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, phát triển mạnh hình thức thuê mua tài chính trong mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng phát triển và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam.
Bài: Hoàng Phương
Ảnh bìa và Thiết kế: Thanh Hà