Vương quốc Anh là thị trường nhập khẩu và tiêu dùng giày dép có tiềm năng lớn nhưng rất cạnh tranh. Tại thị trường này, giày dép rất đa dạng, phong phú bao gồm nhiều loại vật liệu (dệt, nhựa, cao su và da) và các sản phẩm từ giày dép nam, nữ và trẻ em khác nhau đến các loại sản phẩm chuyên dụng như giày trượt tuyết và giày bảo hộ…
Trước khi Việt Nam và Vương quốc Anh kí kết Hiệp định Thương mại tự do song phương UKVFTA thì so sánh với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Hà Lan, Italia, Bỉ, Đức, năm 2019 Việt Nam vẫn chịu mức thuế quan cao thứ 2 trong 15 nước xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Anh với mức thuế trung bình 6,7%.
Theo cam kết của Hiệp định UKVFTA, từ ngày 01/01/2021 Vương quốc Anh xóa bỏ thuế quan đối với 37% sản phẩm giày dép nhập khẩu từ Việt Nam; tất cả các sản phẩm giày dép khác của Việt Nam vào Anh được xóa bỏ thuế quan sau 2, 4 hoặc 6 năm.
Điều này tạo ra lợi thế lớn cho nhiều sản phẩm giày dép Việt Nam khi tiếp cận thị trường Anh so với các nguồn cung khác trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa có FTA với Vương quốc Anh, đón đầu làn sóng chuyển dịch nhu cầu do xu thế phát triển xanh và bền vững của Vương quốc Anh.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 66,38 triệu bảng Anh, giảm 10,38% so với tháng 7/2023 và giảm 3,35% so với tháng 8/2022.
Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Vương quốc Anh tổng 516,98 triệu bảng Anh mặt hàng giầy dép các loại, tăng 3,87% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang quốc gia này chỉ chiếm 3,87% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày dép của nước ta và chiếm tỷ trọng 12,63% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Vương quốc Anh.
Về chủng loại giày dép Vương quốc Anh nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là mã HS 6404 (giày dép có đế ngoài bằng cao su, nhựa, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng vật liệu dệt) với trị giá đạt 15,22 triệu bảng Anh trong tháng 7/2023, giảm 24,9% về lượng nhưng tăng 0,05% về trị giá so với tháng trước đó; giảm 46,1% về lượng và giảm 27,37% về trị giá so với tháng 7 năm 2022.
Tính chung 7 tháng đầu năm, Vương quốc Anh đã nhập khẩu từ Việt Nam tổng 130,29 triệu bảng Anh mặt hàng có mã HS 6404, giảm 19,4% về lượng nhưng tăng 5,71% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 44,59% trong tổng kim ngạch Vương quốc Anh nhập khẩu giày dép của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.
Tiếp đến là nhóm mã HS 6403 (giày dép có đế ngoài bằng cao su, nhựa, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng da thuộc) với trị giá nhập khẩu trong tháng 7/2023 đạt 15,16 triệu bảng Anh, giảm 2,06% so với tháng trước nhưng tăng 1,17% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, Vương quốc Anh nhập khẩu tổng 101,13 triệu bảng Anh mã HS 6403, tăng 33,58% so với cùng kỳ 2022, chiếm tỷ trọng 34,61% trong tổng kim ngạch Vương quốc Anh nhập khẩu giày dép từ Việt Nam.
Trong khi đó, theo số liệu của Cơ quan Hải quan Vương quốc Anh, tính chung 7 tháng đầu năm, Vương quốc Anh nhập khẩu tổng 2,5 tỷ bảng Anh mặt hàng giày dép, giảm 8,41% so với cùng kỳ 2022. Trong đó Vương quốc Anh nhập khẩu tổng 292,21 triệu bảng Anh mặt hàng giày dép từ Việt Nam, tăng 2% về lượng và tăng 17,5% về trị giá so với cùng kỳ 2022, chiếm tỷ trọng 11,53% trong tổng kim ngạch nhập khẩu giầy dép của Vương quốc Anh nói chung.
Với kết quả trên, Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách các thị trường nhập khẩu giày dép lớn nhất của Vương quốc Anh trong 7 tháng năm 2023 (sau Trung Quốc và Bỉ). Nếu xét riêng ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 2 trong số những thị trường nhập khẩu giày dép lớn nhất của Vương quốc Anh (chỉ sau Trung Quốc).
Theo các nghiên cứu, xu hướng và hành vi tiêu dùng của người Anh ngày càng coi quần áo và giày dép là loại hàng chỉ dùng một vài lần chứ không phải hàng dùng lâu dài. Chất lượng vẫn là quan trọng với họ nhưng thời trang đóng vai trò quan trọng hơn trong việc mua hàng hàng ngày của họ. Do đó những đôi giày, dép mà họ mua, họ chỉ dự định đi trong một mùa.
Thời tiết ở Anh rất đa dạng, khiến người tiêu dùng phải mua giày dép phù hợp với từng mùa. Người tiêu dùng Anh có khuynh hướng sở hữu nhiều loại giày dép thiết kế khác nhau cho phù hợp với thời tiết.
Trước tình trạng suy thoái kinh tế, người tiêu dùng Anh phản ứng theo những cách khác nhau, tuy nhiên số tiền chi tiêu cho giày dép của họ đều giảm. Một số người mua giày dép giá rẻ hơn. Một số người khác giảm số lượng và chỉ mua những đôi cần thiết. Họ cũng chọn những đôi giày tiện lợi, phù hợp và bền hơn.
Mặc dù vậy, thời trang tiếp tục là nhân tố quan trọng. Phụ nữ Anh ưa thích các loại giày dép thể hiện được nữ tính của họ và theo sát xu hướng thời trang mới nhất.
Về phong cách sống, thị trường giày dép của Anh đang có xu hướng bão hòa, hầu hết việc mua giày vẫn dựa vào nhu cầu cần thay thế. Tuy nhiên, khi mức thu nhập của người dân Anh ngày càng cao, họ sẽ chi nhiều tiền mua giày dép hơn và cha mẹ cũng sẽ chi nhiều tiền mua giày dép cho con cái hơn. Một phần cũng nhờ ảnh hưởng từ quảng cáo. Phương tiện truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường giày dép tại Anh; việc ăn mặc của người dân Anh cũng bị ảnh hưởng nhiều từ các nhân vật nổi tiếng trên truyền hình. Điều này cũng nói lên rằng mẫu mã, kiểu dáng giày dép tương lai sẽ là bản sao mẫu mã kiểu dáng giày dép mà các nhân vật nổi tiếng sử dụng hoặc khách hàng nhìn thấy trên các tạp chí hay trên các chương trình truyền hình.
Về phân khúc thị trường, nghiên cứu cho thấy theo thời gian, phân khúc thị trường về độ tuổi ở Anh cũng thay đổi. Khách hàng mua sắm trong độ tuổi 15-24 và 45-54 tăng mạnh trong khi đó khách hàng mua sắm trong độ tuổi 25-34 giảm đáng kể giúp ta xác định được đâu là khách hàng tiềm năng hay đâu là các kiểu dáng giày, dép có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất trong tương lai.
Mỗi phân khúc thị trường theo độ tuổi sẽ tương ứng với một số kiểu dáng giày dép nhất định. Phân khúc khách hàng trẻ tuổi thường có xu hướng dễ chấp nhận các mẫu mã, kiểu dáng giày dép mới hơn và cũng có phản ứng nhanh với sự thay đổi của thời trang, ngược lại phân khúc khách hàng cao tuổi bảo thủ hơn và thường trung thành với các mẫu mã mang tính truyền thống của mình.
Một xu hướng phân khúc thị trường khác ở Anh là việc chia thị trường theo kiểu dáng của giày dép. Ví dụ, phân khúc giày dép thể thao tăng trưởng kéo theo sự phát triển của giày dép thông thường mang thoải mái của nam giới. Xu hướng này kết hợp với các kiểu dáng trang phục mặc thoải mái ngày càng nhiều đã và chắc chắn sẽ tiếp tục làm tăng doanh số các loại giày dép này. Tuy nhiên, gần đây thị trường Anh có những dấu hiệu thay đổi về thời trang hướng tới các kiểu dáng quần áo thanh lịch hơn. Điều này sẽ khiến nhu cầu về các loại giày dép trang trọng hay thời trang cũng sẽ tăng.
Xu hướng tiêu dùng bền vững trên thị trường giày dép Anh
Lyst - trang thương mại điện tử nổi tiếng quốc tế về lĩnh vực thời trang và phụ kiện có trụ sở tại Anh mới đây đã công bố một báo cáo tiêu dùng cho thấy doanh số bán ra của mặt hàng giày thể thao tự hủy sinh học năm 2022 đã tăng đến 253% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi lượng đơn đặt hàng giày dép từ chất liệu tái chế tăng 65%. Cụm từ “giày da phân hủy sinh học” cũng thu hút lượt tìm kiếm thuộc top đầu trên trang chủ Lyst.
Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Vương quốc Anh là một thị trường khá khắt khe với yêu cầu tiêu chuẩn kĩ thuật, yêu cầu chất lượng hàng nhập khẩu cao. Tiếp đó, nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại cũng là những thách thức không nhỏ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam khi Vương quốc Anh là một thị trường có “truyền thống” sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh một với các sản phẩm do doanh nghiệp nước này sản xuất cũng như các của các đối thủ cạnh tranh khác đang có mặt trên thị trường Vương quốc Anh.
Với tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian vừa qua, cùng với sự gia tăng một số các chi phí liên quan đến vận tải, giá xăng dầu, nguyên nhiên liệu làm cho giá thành hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng lên là một thách thức đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam khi phải cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường.
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2022 đến năm 2023, kinh tế toàn cầu suy yếu, tổng cầu tiêu dùng sụt giảm, lạm phát tăng cao ở các nước phát triển, nhất là ở các nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Cùng với đó, việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và hàng tồn kho ở mức cao khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hoá từ các thị trường này sụt giảm, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có da giày của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Vương quốc Anh lại có xu hướng tăng nhẹ, lượng đơn hàng của các doanh nghiệp ngành da giày kỳ vọng tiếp tục tăng trong quý IV/2023 và đầu năm 2024.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường đã có tín hiệu tích cực hơn. Hàng tồn kho ở thị trường Anh đã giảm và dự báo đến cuối năm 2023 giảm sâu hơn nữa. Đây chính là cơ hội cho xuất khẩu giày dép của nước ta sang thị trường Anh. Theo các chuyên gia dự báo, bước sang năm 2024, với số lượng đơn hàng tăng, xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ khả quan hơn.
Việc Vương quốc Anh chính thức kí kết Thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 16/7/2023 vừa qua được kỳ vọng còn mang lại thêm lợi thế cho hàng hóa Việt Nam nói chung và nhóm hàng giày dép nói riêng tại thị trường này.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế này cần tăng tốc tận dụng các cơ hội để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam– Vương quốc Anh. Theo đó, trong thời gian tới, cả hai nước đều hướng đến nền kinh tế xanh và thương mại xanh, nên những gì liên quan đến xanh đều có cơ hội phát triển. Các doanh nghiệp Việt Nam cần định hướng lại sự phát triển của mình sao cho thích ứng với xu thế của thế giới và xây dựng được các yếu tố đáp ứng được yêu cầu về phát triển bền vững, để thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng tại thị trường Anh.
Bài: Hoàng Phương
Ảnh bìa và Thiết kế: Duy Kiên - Maika