Hàng may mặc là nhóm hàng Vương quốc Anh có nhu cầu nhập khẩu lớn. Anh nhập khẩu hàng may mặc chủ yếu từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Trung Quốc và Bangladesh là 2 thị trường nhập khẩu chính, chiếm khoảng 34 - 36% tổng trị giá nhập khẩu hàng may mặc vào Anh hàng năm. Việt Nam là thị trường cung cấp hàng may mặc thứ 12 tại Anh, chiếm tỷ trọng khoảng 2,2% - 2,8% tổng trị giá nhập khẩu hàng may mặc của Anh trong giai đoạn 2017-2021.
Tại Anh, hàng may mặc của Việt Nam đang phải cạnh tranh trực tiếp với các thị trường thuộc khu vực châu Á như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia và một số thị trường thuộc khu vực EU như Ý, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp.
Việc Anh rời khỏi EU đồng nghĩa với việc Anh sẽ không được hưởng các lợi ích như các thị trường nội khối EU, đặc biệt là những ưu đãi về thuế quan, các điều kiện, quy chuẩn trong khối EU… Đây cũng là nguyên nhân khiến Anh giảm nhập khẩu hàng may mặc từ các thị trường thuộc khu vực EU, thay vào đó, Anh đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường ngoại khối EU.
Đối với Việt Nam, mặc dù Việt Nam có lợi thế hơn so với các nguồn cung nói trên nhờ có UKVFTA, tuy vậy hàng may mặc Trung Quốc vẫn có lợi thế lớn hơn nhờ giá cả cạnh tranh hơn tại Anh. Trong khi đó, hiện Bangladesh vẫn được hưởng ưu đãi miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Anh do thuộc diện các quốc gia kém phát triển.
Dự báo thời gian tới, Anh sẽ tiếp tục giảm nhập khẩu hàng may mặc từ thị trường EU, thay vào đó, Anh sẽ đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường ngoại khối EU, trong đó có Việt Nam. Một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam có cơ hội gia tăng kim ngạch và thị phần tại trường này.
Trên cơ sở đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, dự báo tình hình phát triển thị trường Vương quốc Anh đối với ngành hàng Dệt may, trong đó đưa ra kịch bản tăng trưởng đối với một số nhóm hàng dệt may của Việt Nam tại thị trường này trong thời gian tới.
Theo cam kết tại Hiệp định UKVFTA, giai đoạn 2021-2025, nhóm mặt hàng áo jacket là một trong những mặt hàng dệt may sớm được hưởng lợi thuế quan. Cụ thể, áo jacket từ len đang thuộc lộ trình A, là nhóm được hưởng thuế 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; áo jacket từ các vật liệu dệt khác đang thuộc lộ trình B2, là nhóm được giảm thuế về 0% sau 2 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; áo jacket từ bông/sợi tổng hợp đang thuộc lộ trình B4, là nhóm được giảm thuế về 0% sau 4 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Áo jacket là mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và truyền thống về sản xuất hàng xuất khẩu và Vương quốc Anh có nhu cầu nhập khẩu hàng năm cao. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu áo jacket của Việt Nam sang Vương quốc Anh so với tổng kim ngạch xuất khẩu áo jacket của Việt Nam và tổng kim ngạch nhập khẩu áo jacket của Vương quốc Anh từ các thị trường trên thế giới còn khá khiêm tốn.
Hiện nay, các nước châu Âu đang đối mặt với mối lo ngại thiếu năng lượng cho mùa đông, nhu cầu đối với trang phục giữ ấm như áo jacket được dự báo sẽ tăng ổn định. Đây sẽ là nhóm mặt hàng còn nhiều dư địa để thúc đẩy xuất khẩu sang Anh trong thời gian tới.
Trong ngắn và trung hạn, khi người tiêu dùng Vương quốc Anh đang có xu hướng giảm chi tiêu vì lạm phát, khó khăn kinh tế, việc tập trung phát triển xuất khẩu các chủng loại áo jacket đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, an toàn, môi trường, thị hiếu người tiêu dùng với giá thành phải chăng sẽ là hướng đi tối ưu cho doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng áo jacket.
Trong dài hạn, khi vấn đề về lạm phát được giải quyết, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu phát triển xuất khẩu các chủng loại áo với trị giá gia tăng cao hơn phù hợp thị yếu của thị trường Anh để tận dụng dư địa thị trường.
Do lượng rác thải từ quần áo cũ hàng năm rất lớn, nên Chính phủ cũng như người dân Anh gần đây đã chú trọng tới việc giảm thiểu vứt bỏ mặt hàng này, do đó, xu hướng sắp tới có thể là các sản phẩm dệt may có độ bền cao, thân thiện với môi trường (ví dụ: hạn chế các sản phẩm có pha nilon,… thay vào đó tập trung vào các sản phẩm của nguồn gốc tự nhiên, dễ phân hủy) vì đây vẫn là xu hướng lâu dài, tiềm năng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)
Khả năng tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng áo jacket từ Việt Nam sang Vương quốc Anh giai đoạn 2022-2025 được dự báo theo 3 kịch bản.
Kịch bản 1: Trong kịch bản tích cực khi nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh, chuỗi cung ứng hàng hoá được đảm bảo thông suốt, tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm sang Vương quốc Anh có thể đạt 20-25%.
Kịch bản 2: Trong kịch bản trung bình khi nhu cầu toàn cầu phục hồi ở mức tương đối, chuỗi cung ứng hàng hoá được cải thiện một phần, tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm sang Vương quốc Anh có thể đạt 10-12%.
Kịch bản 3: Trong kịch bản kém tích cực khi nhu cầu toàn cầu chưa được cải thiện, chuỗi cung ứng hàng hoá đứt gãy và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất thường (dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị, các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa các quốc gia,..), kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể chỉ tăng 5-10% so với năm 2021.
Đây là mặt hàng mà thị trường Vương quốc Anh có nhu cầu cao cũng là mặt hàng mà Việt Nam có truyền thống sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu áo sơ mi từ Việt Nam chỉ chiếm gần 2% tổng kim ngạch nhập khẩu áo sơ mi của Vương quốc Anh.
Theo lộ trình cam kết về thuế quan, đa số nhóm mặt hàng áo sơ mi thuộc lộ trình B4, B6, là nhóm được giảm thuế về 0% sau từ 4 đến 6 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, có một số dòng hàng được áp thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Trên cơ sở phân tích dung lượng thị trường, lộ trình giảm thuế, có thể thấy còn nhiều dư địa để doanh nghiệp dệt may Việt Nam khai thác, thúc đẩy xuất khẩu áo sơ mi sang thị trường Anh.
Thực tế, trong năm thứ hai ưu đãi, kim ngạch xuất khẩu áo sơ mi đạt 48 triệu USD, tăng 35,4% so với năm thứ nhất ưu đãi, đây là mức tăng cao trong các nhóm mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Anh.
Nền kinh tế Anh hiện đang lâm vào khủng hoảng khi lạm phát cao, thất nghiệp, nền kinh tế bị hạn chế bởi những quy định hậu Brexit, người tiêu dùng Anh sẽ nhạy cảm hơn với giá thành hàng hóa nhập khẩu.
Do đó, đối với mặt hàng áo sơ mi, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần nghiên cứu, đa dạng các dòng sản phẩm theo nhiều mức giá thành, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng từ phân khúc thu nhập thấp đến phân khúc thu nhập cao, tăng sự cạnh tranh về giá của áo sơ mi Việt Nam trên thị trường Anh.
Trong dài hạn, kinh tế Vương quốc Anh hồi phục, có thể ưu tiên phát triển xuất khẩu các chủng loại áo sơ mi cao cấp, có giá trị gia tăng cao phù hợp với thị yếu để tận dụng dư địa thị trường.
Kịch bản tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng áo sơ mi từ Việt Nam sang Anh giai đoạn 2022-2025 được dự báo như sau:
Kịch bản 1: Trong kịch bản tích cực khi nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh, chuỗi cung ứng hàng hoá được đảm bảo thông suốt, tăng trưởng khẩu bình quân hàng năm sang Vương quốc Anh có thể đạt mức 20-25%/năm.
Kịch bản 2: Trong kịch bản trung bình khi nhu cầu toàn cầu phục hồi ở mức tương đối, chuỗi cung ứng hàng hoá được cải thiện một phần, tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm sang Vương quốc Anh có thể đạt 10-15%/năm.
Kịch bản 3: Trong kịch bản kém tích cực khi nhu cầu toàn cầu chưa được cải thiện, chuỗi cung ứng hàng hoá đứt gãy và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất thường (dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị, các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa các quốc gia,..), kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể chỉ tăng 5-10% so với năm 2021.
Mặc dù áo thun là mặt hàng dệt may có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sang Vương quốc Anh, tuy nhiên, tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu áo thun từ Việt Nam chỉ chiếm khoảng gần 4% tổng nhu cầu nhập khẩu áo thun mỗi năm của thị trường này. Áo thun được đánh giá là mặt hàng dệt may Vương quốc Anh có nhu cầu nhập khẩu thường xuyên, ổn định, ở mức cao, do đó, đây là mặt hàng tiềm năng để Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế, gia tăng thị phần xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo cam kết, tùy theo chất liệu, mô tả, áo thun có lộ trình giảm thuế khác nhau, một số dòng hàng được hưởng thuế 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, một số dòng giảm về 0% sau 2-4 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Tức là trong giai đoạn từ năm 2021-2025, phần lớn các dòng hàng áo thun đã được ưu đãi thuế khi nhập khẩu vào UK. Đây là điểm thuận lợi đối với hoạt động xuất khẩu áo thun Việt Nam sang Vương quốc Anh trong giai đoạn này. Dòng sản phẩm áo thun cần hướng tới xuất khẩu trong thời gian tới là các sản phẩm thiết yếu, mẫu mã, chất lượng cạnh tranh với giá thành phải chăng.
Kịch bản tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng áo thun từ Việt Nam sang UK giai đoạn 2022-2025 được dự báo như sau:
Kịch bản 1: Trong kịch bản tích cực khi nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh, chuỗi cung ứng hàng hoá được đảm bảo thông suốt, tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm sang Vương quốc Anh có thể đạt mức 20-25%/năm.
Kịch bản 2: Trong kịch bản trung bình khi nhu cầu toàn cầu phục hồi ở mức tương đối, chuỗi cung ứng hàng hoá được cải thiện một phần, tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm sang Vương quốc Anh có thể đạt 10-15%/năm.
Kịch bản 3: Trong kịch bản kém tích cực khi nhu cầu toàn cầu chưa được cải thiện, chuỗi cung ứng hàng hoá đứt gãy và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất thường (dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị, các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa các quốc gia,..), kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể chỉ tăng 5-10% so với năm 2021.
Theo cam kết, tùy theo chất liệu, mô tả, các dòng hàng thuộc nhóm quần có lộ trình giảm thuế khác nhau, một số dòng hàng được hưởng thuế 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, một số dòng giảm về 0% sau 2-4 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Trong số các mặt hàng dệt may xuất khẩu sang Vương quốc Anh, quần có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (gần 2% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng quần của Anh). Mỗi năm, nhu cầu nhập khẩu quần của thị trường Anh cũng khá cao và ổn định.
Trước đây, mặt hàng dệt may nhập khẩu của nước này nhằm vào các loại hàng cao cấp, điều này sẽ thay đổi trong thời gian tới. Trong ngắn và trung hạn, khi người tiêu dùng Anh đang có xu hướng giảm chi tiêu vì lạm phát, khó khăn kinh tế, đối tượng doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới sẽ là các sản phẩm quần ứng dụng, chất liệu tốt, giá thành phù hợp.
Nắm bắt định hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn của Hội đồng thời trang Anh (BFC), về lâu dài, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu, phát triển các sản phẩm quần thời trang sử dụng chất liệu hữu cơ, nguyên liệu tự nhiên như thuốc nhuộm từ trái cây, tái chế quần áo từ rác thải bã cà phê, các sản phẩm dệt may sinh thái, đảm bảo hạn chế sử dụng chất độc hại và giảm ô nhiễm nước và không khí.
Kịch bản tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng quần từ Việt Nam sang Vương quốc Anh giai đoạn 2022-2025 được dự báo như sau:
Kịch bản 1: Trong kịch bản tích cực khi nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh, chuỗi cung ứng hàng hoá được đảm bảo thông suốt, tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm sang Anh có thể đạt mức 20-25%/năm.
Kịch bản 2: Trong kịch bản trung bình khi nhu cầu toàn cầu phục hồi ở mức tương đối, chuỗi cung ứng hàng hoá được cải thiện một phần, tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm sang Anh có thể đạt 10-15%/năm.
Kịch bản 3: Trong kịch bản kém tích cực khi nhu cầu toàn cầu chưa được cải thiện, chuỗi cung ứng hàng hoá đứt gãy và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất thường (dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị, các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa các quốc gia,..), kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể chỉ tăng 5-10% so với năm 2021.
Theo cam kết mặt hàng đồ lót thuộc lộ trình giảm thuế A và B4, là nhóm được giảm thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 4 năm Hiệp định có hiệu lực. Tức là trong giai đoạn năm 2021-2025, hầu hết các sản phẩm đồ lót của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh đều được hưởng lợi ưu đãi thuế quan.
Đây cũng là nhóm mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế về sản xuất hàng xuất khẩu và Vương quốc Anh có nhu cầu nhập khẩu hàng năm.
Theo số liệu tính toán trong 8 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu các mã HS thuộc nhóm quần áo lót chiếm khoảng 12,6% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Vương quốc Anh.
Trên cơ sở phân tích dung lượng thị trường, năng lực cạnh tranh, trong giai đoạn 2021-2025, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam có nhiều cơ hội để tận dụng ưu đãi thuế quan, đẩy mạnh khai thác, mở rộng thị phần xuất khẩu nhóm mặt hàng này sang thị trường Anh.
Kịch bản tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng đồ lót từ Việt Nam sang Vương quốc Anh giai đoạn 2022-2025 được dự báo như sau:
Kịch bản 1: Trong kịch bản tích cực khi nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh, chuỗi cung ứng hàng hoá được đảm bảo thông suốt, xuất khẩu đến năm 2025 có thể tăng trên 50% so với kim ngạch xuất khẩu năm 2021.
Kịch bản 2: Trong kịch bản trung bình khi nhu cầu toàn cầu phục hồi ở mức tương đối, chuỗi cung ứng hàng hoá được cải thiện một phần, xuất khẩu đến năm 2025 có thể tăng từ 30-40% so với kim ngạch xuất khẩu năm 2021.
Kịch bản 3: Trong kịch bản kém tích cực khi nhu cầu toàn cầu chưa được cải thiện, chuỗi cung ứng hàng hoá đứt gãy và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất thường (dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị, các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa các quốc gia,..), kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể chỉ tăng từ 10-15% so với kim ngạch xuất khẩu năm 2021.
Có thể thấy, cơ hội của các mặt hàng dệt may thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Anh rất khả quan. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hiệu quả lợi ích từ Hiệp định UKVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng tốt các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với hàng dệt may nhập khẩu của Anh. Trong đó, yêu cầu mới nhất mà Chính phủ Anh đưa ra kể từ ngày 01/01/2023, nhãn hiệu UKCA áp dụng bắt buộc tại Anh với hàng hóa lần đầu tiên đưa ra thị trường (trong đó có hàng dệt may) thay thế cho các nhãn hàng hóa trước đó đã lưu thông.
Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng cần lưu ý về quyền con người và nhân quyền và mở rộng quyền hạn này để bao gồm các vi phạm liên quan đến các công ước về chống tham nhũng, biến đổi khí hậu và môi trường trong quá trình sản xuất hàng dệt may để xuất khẩu sang thị trường Anh...
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)
Bài: Hoàng Phương
Ảnh bìa và Thiết kế: Duy Kiên - Maika