[E-magazine] Tận dụng CPTPP, khai thác hiệu quả dư địa thị trường Mexico
25/12/2022 lúc 22:15 (GMT)

[E-magazine] Tận dụng CPTPP, khai thác hiệu quả dư địa thị trường Mexico

 

Thị trường tiềm năng và nhiều thuận lợi

Trong những năm qua, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mexico không ngừng được mở rộng và phát triển, đặc biệt kể từ khi Hiệp định CPTPP được ký kết và đi vào hiệu lực từ đầu năm 2019 đối với hai nước.

Là nền kinh tế phát triển năng động, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Được đánh giá là thị trường tương đối dễ tính với dân số dân số khoảng 120 triệu người, dung lượng nhập khẩu hàng năm khoảng 400 tỷ USD, sức tiêu thụ mạnh, mỗi năm Mexico nhập khẩu khoảng 900.000 tấn gạo, 1,8 tỷ USD hàng dệt may và 1,1 tỷ USD hàng giày dép các loại…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã trở thành một thị trường mới nổi được các doanh nghiệp Mexico ngày càng quan tâm. Hiện nay, Mexico là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mexico tại khu vực châu Á.

Theo cam kết của CPTPP, Mexico xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ 14/01/2019, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Những ưu đãi này tạo cơ hội lớn cho một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam có thể tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mexico bao gồm cá tra, cá basa, cá ngừ, gạo và hàng dệt may...

Với động lực từ CPTPP, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Mexico tăng trưởng tích cực, đạt 5,06 tỷ USD, tăng 37,5% so với năm 2020.  Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mexico đạt gần 4,56 tỷ USD với các mặt hàng chủ yếu là điện thoại các loại, linh kiện máy vi tính, sản phẩm điện tử, giày dép các loại và hàng thủy sản. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Mexico khoảng 500 triệu USD với các mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và thức ăn gia súc và nguyên liệu... Như vậy, năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang Mexico hơn 4 tỷ USD. Những kết quả này cho thấy, Hiệp định CPTPP đã có những tác động tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

điện tử
cá tra

Năm 2022, thương mại song phương tiếp tục đạt con số tăng trưởng ấn tượng, với trị giá tính đến hết tháng 5/2022 đạt 2,33 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng đạt 21,9%. Nhiều doanh nghiệp ở các ngành hàng khác nhau của Việt Nam tiếp tục quan tâm tăng cường trao đổi thương mại với các đối tác Mexico.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu tận dụng tốt Hiệp định CPTPP khai thác thị trường Mexico, nhóm hàng thuỷ sản có sức bật đáng kể, đặc biệt là các sản phẩm cá tra, cá ngừ... Mexico hiện đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2022 khoảng 85 triệu USD.

thị trường cá tra
Nguồn: VASEP

Còn nhiều dư địa phát triển

Mặc dù đang tận dụng khá tốt Hiệp định CPTPP nhưng hiện nay, thị phần hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tại Mexico mới chỉ đạt con số khiêm tốn chưa tới 2% và còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt trong những lĩnh vực được đánh giá có nhiều thế mạnh của mỗi bên như các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm… của Việt Nam; các sản phẩm máy điện, thiết bị điện tử, điều hòa không khí, dụng cụ quang học, thiết bị y tế của Mexico.

Mặt khác, những năm gần đây Mexico đang thực hiện đẩy mạnh chiến lược mở cửa nền kinh tế. Cùng với việc củng cố quan hệ thương mại với các đối tác chiến lược, Mexico thúc đẩy mạnh mẽ việc tìm kiếm các thị trường mới tại khu vực Mỹ Latinh và Châu Á – Thái Bình Dương nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác truyền thống như Mỹ, Trung Quốc…

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại với các đối tác, trong những năm qua Mexico đã thực hiện nhiều điều chỉnh quan trọng trong Luật Hải quan của nước này theo hướng đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa, áp dụng cửa sổ điện tử nhằm tự động hóa nhiều thủ tục ngoại thương...

Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn động thực vật, Mexico đã xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để các bên liên quan có thể dễ dàng tiếp cận các yêu cầu về vệ sinh an toàn động thực vật.

Nhìn rộng hơn, Mexico là cửa ngõ thuận lợi giúp các doanh nghiệp Việt Nam thông qua thị trường Mexico tiếp cận, mở rộng hoạt động tới các thị trường khác ở khu vực Bắc Mỹ và Trung Mỹ.

Thời gian qua, triển khai thực thi Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Mexico và các cơ quan, tổ chức của Mexico tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến để các doanh nghiệp Việt Nam và Mexico tăng cường giao lưu, kết nối kinh doanh và đầu tư hiệu quả sang nhau.

Ngay cả trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, những hội nghị, phiên giao thương trực tuyến đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Mexico trao đổi, tìm kiếm cơ hội kết nối đối tác tiềm năng trực tuyến và chia sẻ các thông tin về khả năng xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của hai nước, một số vấn đề cần biết khi kinh doanh tại thị trường của nhau.

Thông qua các phiên giao thương 1:1 theo nhóm sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu, chào bán đa dạng các sản phẩm chất lượng cao tới các nhà nhập khẩu Mexico một cách cụ thể, chi tiết. Đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng tiếp xúc, tìm kiếm nguồn cung sản phẩm chế tạo phục vụ sản xuất thành phẩm trong nước như máy điện, thiết bị điện tử, điều hòa không khí, dụng cụ quang học, thiết bị y tế… từ các nhà sản xuất và thương mại Mexico nhằm tận dụng tối đa những ưu đãi của Hiệp định CPTPP mà cả hai nước cùng tham gia.

thép cuộn
giày dép
thép cán

Cảnh báo phòng vệ thương mại

Mặc dù là một thị trường tương đối dễ tính với sức tiêu thụ mạnh, tuy nhiên, Mexico vẫn có những tiêu chuẩn, quy định chặt chẽ về chỉ dẫn xuất xứ, an toàn thực phẩm... đối với hàng hóa nhập khẩu và lưu thông.

Để tận dụng Hiệp định CPTPP khai thác hiệu quả thị trường Mexico, điều tiên quyết doanh nghiệp cần có cách thức tiếp cận thị trường một cách phù hợp. Cần tìm hiểu thị trường để đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm của mình, xác định lợi thế cạnh tranh, nắm vững những ưu đãi mà sản phẩm Việt Nam được hưởng tại thị trường Mexico; nghiên cứu các quy định của Mexico về nhập khẩu hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan, đặc biệt các quy định phi thuế quan như SPS (kiểm dịch động thực vật) và TBT (các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, dán nhãn hàng hóa)…

Với thị trường có vị trí địa lý xa như Mexico, công tác vận chuyển giao nhận hàng hóa kéo dài, chi phí logistics cho các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm từ Việt Nam sang Mexico khá cao… cũng là những thách thức. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt, tính toán kỹ lưỡng điều kiện địa lý ảnh hưởng tới thời gian giao hàng, khắc phục sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và thị hiếu tiêu dùng cũng tăng cường tìm hiểu thông tin về môi trường thương mại, cơ hội kinh doanh để gia tăng xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh vào Mexico.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần chủ động hơn nữa tìm hiểu về Hiệp định CPTPP, hiểu sâu, rõ hơn về thuế quan ưu đãi; sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Mexico.

Đăc biệt, một trong những xu hướng mới hiện nay trong hoạt đông thương mại với thị trường Mexico mà các doanh nghiệp cần lưu ý đó là rủi ro bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Tháng 8/2021, Mexico khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên của nước này đối với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam dựa trên đơn kiện của ngành sản xuất trong nước. Do thực hiện Hiệp định CPTPP, các sản phẩm thép có mã HS 7210 của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang thị trường này. Đây cũng là vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên một nước thành viên Hiệp định CPTPP điều tra Việt Nam sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

Sau hơn 1 năm tiến hành, ngày 14/9/2022 Cơ quan điều tra Mexico đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Sản phẩm bị áp thuế sơ bộ trong vụ việc này, gồm: các sản phẩm thép mạ có mã HS: 7210.30.02, 7210.41.01, 7210.41.99, 7210.49.99, 7210.61.01, 7210.70.02, 7212.20.03, 7212.30.03, 7212.40.04, 7225.91.01, 7225.92.01 và 7226.99.99; và các mã 9802.00.01, 9802.00.02, 9802.00.03, 9802.00.04, 9802.00.06, 9802.00.07, 9802.00.10, 9802.00.13, 9802.00.15 và 9802.00.19 theo hệ thống mã HS của Mexico. Mức thuế sơ bộ với các doanh nghiệp Việt Nam trong vụ việc này từ 0% - 12,34%, được đánh giá là mức thuế tương đối thấp so với các vụ việc mà Mexico điều tra phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu từ các nước trong thời gian gần đây.

Các sản phẩm thép mạ Việt Nam bị Mexico áp thuế chống bán phá giá

phòng vệ thép

Sau thép mạ, ngày 28/7/2022, Bộ Kinh tế Mexico thông báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, sản phẩm bị điều tra là các sản phẩm thép cán nguội có mã HS: 7209.16.01, 7209.17.01, 7209.18.01, 7209.26.01, 7209.27.01, 7209.28.01, 7209.90.99, 7211.23.03, 7211.29.99, 7211.90.99, 7225.50.07, và 7226.92.06.

Theo số liệu sơ bộ của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong năm 2020, Mexico nhập khẩu khoảng 220 triệu USD sắt thép các loại từ Việt Nam, tăng khoảng 70% so với năm 2019, trong đó gần 80% là các sản phẩm có mã HS 7209 thuộc phạm vi điều tra của vụ việc này và mã HS 7210 thuộc phạm vi vụ việc Mexico điều tra chống bán phá giá với thép mạ Việt Nam. Đối với các nhóm sản phẩm thép cán nguội đang bị điều tra, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 khoảng gần 50 triệu USD.

Hiện nay, phòng vệ thương mại ngày càng được các nước thành viên WTO và thành viện của các FTA sử dụng nhiều. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần xác định, các biện pháp phòng vệ thương mại là không thể tránh khỏi trong thương mại quốc tế.

Thông thường, những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại có một số điểm tiêu cực như khả năng áp thuế cao, hạn chế khả năng xuất khẩu, và có tính “lây lan”, ví dụ như khi Mexico điều tra có thể “gợi ý” các thị trường khác cũng điều tra mặt hàng thép mạ nước ta. Song vụ việc cũng có điểm tích cực, khi doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận xu hướng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại ở các thị trường thì sẽ có tinh thần chuẩn bị tốt hơn, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị của mình để mở rộng không gian xuất khẩu nhằm phân tán rủi ro ở một vài thị trường.

          

 

ông Đa - Thép

Các doanh nghiệp cần mở rộng chuỗi giá trị, chú trọng sử dụng nguyên liệu trong nước, thực hiện đạo đức kinh doanh, công khai, minh bạch trong quản trị để hạn chế thấp nhất những cái cớ dẫn đến các cuộc điều tra phòng vệ thương mại.

Ông Nghiêm Xuân Đa,

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

          

 

Với riêng thị trường Mexico, theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), điều thuận lợi là trong quá trình đàm phán gia nhập CPTPP, Việt Nam đã đề nghị và được Mexico chấp nhận nước ta là nền kinh tế thị trường. Vì vậy, khi điều tra, Cơ quan chức năng Mexico sẽ chấp thuận sử dụng các dữ liệu về sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam, chứ không sử dụng dữ liệu thay thế vốn là điều rất bất lợi cho doanh nghiệp nước ta trong các vụ kiện mà nước khởi kiện chưa công nhận nước ta là nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, điểm không thuận lợi, gây khó khăn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam khi gặp phải các vụ việc phòng vệ thương mại tại Mexico là rào cản ngôn ngữ. Trong bản thông tin do cơ quan chức năng Mexico và những văn bản, bản hỏi và bản trả lời câu hỏi của doanh nghiệp thường yêu cầu sử dụng tiếng Tây Ban Nha.

          

 

Giang - PVTM

Các doanh nghiệp cần chủ động thu thập thông tin, trước hết từ các nhà nhập khẩu về động thái của doanh nghiệp nước sở tại, khi có doanh nghiệp Mexico phản ánh về khó khăn của ngành sản xuất trong nước, hoặc phàn nàn về hàng Việt Nam giá rẻ, chiếm lĩnh thị phần cao… phải coi đây là tín hiệu khởi đầu có thể dẫn đến các vụ việc điều tra.

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)

          

 

Sau đó, doanh nghiệp cần thông tin đến hiệp hội ngành hàng, đến Cục phòng vệ Thương mại, thì Bộ Công Thương thông qua hệ thống thương vụ sẽ có nghiên cứu cụ thể hơn về tình hình sản xuất ở nước đó bị thu hẹp ra sao, người lao động bị ảnh hưởng thế nào… để đưa ra nhận định rõ ràng hơn về khả năng dẫn đến cuộc điều tra.

Hiện nay Bộ Công Thương đang duy trì hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại. Khi nhận được thông tin cảnh báo tương đối rõ ràng, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ liên hệ với hiệp hội ngành hàng, với doanh nghiệp xuất khẩu lớn, để trao đổi thông tin và thảo luận chiến lược ứng phó.

Về bối cảnh chung hiện nay, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần xác định biện pháp phòng vệ thương mại là không thể tránh khỏi trong thương mại quốc tế nói chung, khi tham gia các FTA nói riêng. Để ứng phó, năng lực pháp lý của doanh nghiệp khi tham gia vào các vụ kiện rất quan trọng, cần xây dựng bộ phận pháp chế riêng, nhất là cán bộ am hiểu về phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần có nguồn lực tài chính để ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại cũng như các rủi ro pháp lý khi tham gia vào thị trường mới. Nguồn lực tài chính này dành cho thuê luật sư, công ty tư vấn nước ngoài. Ngoài ra hệ thống sổ sách của doanh nghiệp phải rõ ràng, minh bạch, nhất là hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu điều tra của các vụ việc.

Xuất khẩu cá tra bứt phá tại thị trường Mexico

Nhóm hàng thủy sản, trong đó có sản phẩm cá tra là một trong những nhóm hàng đang tận dụng tốt lợi thế của Hiệp định CPTPP để gia tăng xuất khẩu và thị phần tại thị trường Mexico.

cá tra 2

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), từ vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2021, đến thời điểm này của năm 2022 Mexico đã vươn lên thị trường thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Trong 7 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu cá tra sang thị trường này tăng trưởng 73% đạt 73,5 triệu USD, chiếm 4,5% XK cá tra của Việt Nam.

Sau khi tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, từ tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chủ lực như Mỹ bắt đầu chững lại vì lượng tồn kho đang tăng lên, tiêu thụ cũng chậm lại, giá cá cũng có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, XK cá tra sang Mexico vẫn giữ được phong độ tăng trưởng cao trong tháng 7, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ đạt trên 11 triệu USD.

Trong đó, sản phẩm cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang Mexico chiếm 94% giá trị với 69 triệu USD, sản phẩm cá tra cắt khúc chiếm 6% đạt 4,4 triệu USD. Giá trung bình cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Mexico trong nửa đầu năm nay là 2,8 USD/kg, cao hơn 63,5% so với mức trung bình 1,71 USD/kg cùng kỳ năm 2021.

giá cá tra
Nguồn: VASEP

Trong bối cảnh lạm phát tại Mexico tăng cao kỷ lục, người tiêu dùng nước này phải cân nhắc và giảm chi tiêu cho các sản phẩm thực phẩm giá cao thì với lợi thế về giá cạnh tranh và thuận lợi từ thuế ưu đãi theo Hiệp định CPTPP, cá tra Việt Nam vẫn là sự lựa chọn ổn định của các nhà nhập khẩu thuỷ sản Mexico.

Trước những lợi thế đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng chuyển hướng từ một số thị trường khác sang Mexico. Theo ước tính của VASEP, trong nửa đầu năm nay đã có 30 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Mexico. Trong đó 3 doanh nghiệp có giá trị doanh nghiệp lớn nhất là: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I; Công ty TNHH Cá Việt Nam và Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang. Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra tại Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Vĩnh Long… cũng đang quan tâm đến Mexico và đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

xuất khẩu cá tra
Nguồn: VASEP

Dự báo cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mexico sẽ đạt khoảng 125 triệu USD, tăng 80% so với năm 2021.

          

Bài và trình bày: Thanh Hà

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí