[Emagazine] Anh gia nhập CPTPP: Gia tăng lợi thế cho hàng hóa Việt Nam tại Anh
30/08/2024 lúc 14:00 (GMT)

[Emagazine] Anh gia nhập CPTPP: Gia tăng lợi thế cho hàng hóa Việt Nam tại Anh

 

Sau khi nhận được đủ số nước phê chuẩn theo quy định, Thỏa thuận về việc Vương quốc Anh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12/2024.

Việt Nam và Vương quốc Anh là những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của nhau. Bên cạnh Hiệp định thương mại tự do song phương là UKVFTA, thời gian tới đây khi việc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực sẽ thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương nói chung và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói riêng sang thị trường Anh.

Bộ trưởng Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh ký nghị định thư tham gia CPTPP (ngày 16/7/2023)

Vương quốc Anh
thương mại

Thời gian qua, thương mại song phương giữa Việt Nam - Vương quốc Anh duy trì tích cực và liên tục tăng trưởng cao.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Anh đạt 6,61 tỷ USD, tăng 17,24%; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh tăng 16,4%, còn Anh xuất khẩu sang Việt Nam tăng 24% so với năm 2020. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Anh đạt 6,83 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ, trong đó tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt hơn 6,06 tỷ USD, tăng 5,2%. 

Đà tăng trưởng này tiếp tục được thúc đẩy trong năm 2023. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh năm 2023 đạt 7,14 tỷ USD, tăng 4,47% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,34 tỷ USD, tăng 4,64% so với năm 2022, kim ngạch nhập khẩu đạt 795,54 triệu USD, tăng 3,16%.

rau quả
thủy sản
điện tử
giày dép

Cập nhật 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 21,7% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 3,2 tỷ USD, tăng 28,5% so cùng kỳ 2023...

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh trong tháng 6/2024 đạt 573,3 triệu USD, tăng 10,7% so với tháng trước đó. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 là nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, đạt hơn 638,4 triệu USD, chiếm 17,8% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, đạt 606,9 triệu USD, tăng 44,7%, chiếm 16,9% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là giày dép các loại đạt 479,8 triệu USD, tăng 27,7%, chiếm 13,4% tỷ trọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với năm trước đó: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 142,6%; cao su tăng 110%; dây điện và dây cáp điện tăng 67,9%.; máy móc thiết bị dụng cụ tăng 44,8%, rau quả tăng 55,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 30,7%; giày dép các loại tăng 27,8%…

Những mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng kim ngạch lớn nhất lần lượt là: Điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép các loại; hàng dệt, may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…

Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, thị trường Anh hiện nay có nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam, trong đó phải kể đến cơ sở ưu đãi thuế quan theo Hiệp định UKVFTA và tới đây là Hiệp định CPTPP.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh giai đoạn 2021 - 2023 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

hàng hóa sang Anh
hiệp định CPTPP

Ngày 25/6/2024, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen.

Việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ mang đến nhiều tác động thuận lợi cho Việt Nam, thậm chí lớn hơn so với các nước Thành viên khác trong CPTPP.

Về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, ở góc độ song phương, Việt Nam và Vương quốc Anh đã có quan hệ FTA song phương. Do đó, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Anh tại khu vực này; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương với Anh.

Đặc biệt, việc Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng tạo thêm cơ sở để nước ta tiếp tục vận động các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn Vương quốc Anh gia nhập CPTPP (Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 25/6/2024)

Quốc hội

Ở góc độ đa phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ với châu Âu, giúp nâng tầm CPTPP từ một hiệp định trong khuôn khổ khu vực thành một hiệp định mang tính toàn cầu, đồng thời góp phần vào sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về kinh tế, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Vương quốc Anh luôn là một trong số thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, những kết quả đàm phán Việt Nam đã đạt được sẽ thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại- đầu tư của Việt Nam với Vương quốc Anh, đặc biệt tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lớn.

thị trường Anh

Báo cáo trước Quốc hội ngày 8/6/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ rõ những điểm nổi bật trong cam kết của Vương quốc Anh trong văn kiện gia nhập CPTPP mang lại lợi ích cho Việt Nam.

Theo đó, về phía Việt Nam, chúng ta đã đạt được mục tiêu trong việc yêu cầu Vương quốc Anh cam kết mở cửa thị trường ở mức cao theo tiêu chuẩn của Hiệp định và cao hơn cho Việt Nam trong một số nội dung quan trọng đối với ta so với cam kết cho các nước thành viên khác, cũng như cao hơn cam kết trong FTA song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của Vương quốc Anh tạo ra lợi thế lớn của Việt Nam so với các thành viên khác của CPTPP được đánh giá là tác động tích cực lớn nhất đối với nước ta của việc Anh gia nhập CPTPP.

          
Bộ trưởng

Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (các nước thành viên CPTPP khác là 93,9%). Về cơ bản, nhiều mặt hàng nông sản có tiềm năng và thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết của Vương quốc Anh tốt hơn so với cam kết trong Hiệp định UKVFTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

          

 

Cụ thể, về ưu đãi thuế quan, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 93,9% (chung cho các nước CPTPP) và 94,4% (riêng cho Việt Nam) số dòng thuế. Số dòng thuế có sự khác biệt về thuế suất giữa các nước CPTPP là 181 dòng, tập trung vào các mặt hàng thịt bò, thịt lợn, thịt gà, gạo, đường, trứng, một số loại hoa quả và phương tiện vận tải. Trong số này, Vương quốc Anh cam kết dành hạn ngạch thuế quan với lượng hạn ngạch chung và riêng cho từng nước tùy theo mỗi mặt hàng.

Về lộ trình xóa bỏ thuế quan của Vương quốc Anh, lộ trình dài nhất đối với các mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam là 11 năm (có 53 dòng thuế đối với các sản phẩm từ sữa, tương đương 0,56% tổng số dòng thuế).

Về hạn ngạch thuế quan (TRQ), đối với Việt Nam, ta được hưởng TRQ chung với một số nước CPTPP đối với các mặt hàng thịt lợn (10,000 - 55,000 tấn/năm), thịt gà (2,000 - 10,000 tấn/năm), đường (4,500 - 25,000 tấn/năm), với lộ trình tăng dần trong 10 năm áp dụng theo nguyên tắc “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp trước”. Riêng đối với mặt hàng gạo, ta được hưởng TRQ riêng với lộ trình 8 năm, tăng dần từ 3,300 tấn/năm trong năm thứ 1 lên đến 17,500 tấn/năm kể từ năm thứ  8 trở đi. Lượng hạn ngạch gạo cam kết riêng cho Việt Nam lớn gần gấp đôi hạn ngạch gạo Vương quốc Anh cam kết chung với các nước Brunei, Chi-lê, Malaysia, Pê-ru (tối đa 10.000 tấn vào năm 10) và tăng dần trong lộ trình ngắn hơn (8 năm cho Việt Nam so với 10 năm cho các nước trên).

Về lao động, việc làm, xã hội, các ngành mà Anh có thế mạnh xuất khẩu như máy móc, thiết bị công nghệ cao, dịch vụ tài chính, ngân hàng đều không cạnh tranh mà có tính bổ trợ cho các ngành thế mạnh của Việt Nam. Do đó, sẽ không phát sinh cạnh tranh đáng kể về công ăn việc làm, mà còn giúp phát triển thị trường lao động và gia tăng việc làm trong các lĩnh vực tương ứng tại Việt Nam.

chân trang CPTPP
          

Bài: Lê Hoa
Ảnh: Media Team
Thiết kế: Maika

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí