Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) chính thức có hiệu lực tháng 5/2021 đã giúp cho thủy sản Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn tại thị trường Anh so với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Ấn Độ.
Tại Tọa đàm “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh: Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thông tin cụ thể về tình hình tận dụng ưu đãi từ UKVFTA của ngành thủy sản.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, lợi thế mà UKVTA mang lại đó là ngay khi có hiệu lực, thuế quan ưu đãi xuất khẩu đối với ngành hàng tôm, cá tra đã chuyển về 0%. Hiện nay, mặt hàng tôm đang chiếm 70% tổng kim ngạch mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh và xuất khẩu cá tra chiếm 20%.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu của hai mặt hàng này đã chiếm 90% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu trung bình của Việt Nam trong 3 năm qua, chiếm khoảng 300 - 350 triệu USD/năm, tương đương với khoảng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam ra toàn cầu.
Ông Nguyễn Hoài Nam nhận định, những lợi thế ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng thủy sản sang Vương quốc Anh bất chấp những tác động từ đại dịch Covid-19 hay những cuộc xung đột địa chính trị trên toàn cầu.
Thực thi UKVFTA, hàng thủy sản của Việt Nam vào Anh còn được hưởng lợi từ yêu cầu thủ tục nhập khẩu ít phức tạp hơn so với nhiều nước khác.
Không chỉ vậy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh đang có lợi thế cạnh tranh hơn so với những thị trường khác, bởi các thị trường như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... đều chưa có FTA với Vương quốc Anh.
Theo số liệu của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), trong 3 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Anh đạt 1 tỷ USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Anh trong quý I/2024, đạt 65,7 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý I/2024, thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Anh tăng lên 6,6% so với mức 6,2% của quý I/2023. Đáng chú ý, trong khi tổng nhập khẩu tôm của Anh giảm, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vẫn tăng cho thấy tôm Việt Nam đang có lợi thế tại thị trường này. Thị phần tôm đông lạnh (mã HS 030617) của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Anh tăng từ 19,5% trong năm 2023 lên 21,7% trong quý I/2024; Tôm và tôm đã chế biến hoặc bảo quản trong hộp kín (trừ hun khói) mã HS 160529 tăng từ 37,6% trong năm 2023 lên 37,9% trong quý I/2024. Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp cá da trơn chủ yếu cho Anh với thị phần chiếm gần như 100%.
Thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản tăng thị phần tại Anh, VASEP đã thực hiện nhiều biện pháp.
Thứ nhất, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, những quy định thay đổi của thị trường; thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến quy định về IUU... của thị trường Anh để giữ vững đà xuất khẩu.
Thứ hai, đăng tải những thông tin thị trường trên Cổng thông tin điện tử của Hiệp hội. Hiện nay, Cổng thông tin này đang là điểm truy cập rất lớn, địa chỉ tin cậy để doanh nghiệp thủy sản cả nước truy cập, tìm hiểu thông tin quy định của thị trường nhập khẩu, trong đó, có thị trường Anh.
Thứ ba, với riêng thị trường Anh, VASEP có mối quan hệ với Seafish - Liên đoàn Thủy sản của Anh quốc, có chức năng tương tự như với VASEP và Seafish thường xuyên có những hỗ trợ rất lớn cho ngành thủy sản, bao gồm cả đến tận người tiêu dùng.
“Bên cạnh kênh chính thống của Chính phủ Anh, Seafish cũng là kênh để VASEP cũng như doanh nghiệp thủy sản có thêm thông tin về xu hướng tiêu dùng để có định hướng về mặt hàng” - ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ và nhấn mạnh, thông qua Seafish, doanh nghiệp tôm trong nước đã nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của thị trường, xuất khẩu tôm sang Anh đang chiếm 61% trong tổng thị phần tôm nhập khẩu của thị trường này.
Song, để tận dụng được tốt hơn những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này, doanh nghiệp cần sẵn sàng và chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu thị trường. Các doanh nghiệp cần phải tra cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về thị trường, về thương mại, hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp và đóng thuế… của Chính phủ Anh thông qua các nền tảng của Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh, công cụ tra cứu bản đồ thương mại ITC để theo dõi tình hình của xuất nhập khẩu cũng như từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm thông tin về thị trường thông qua Cổng thông tin điện tử về các FTA của Bộ Công Thương, qua hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài…
Ngoài ra, ngành thủy sản cần xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, chú trọng từ khâu giống, nhằm tạo nguồn cung ứng ổn định về số lượng, đồng đều về chất lượng cho chế biến, xuất khẩu. Đẩy mạnh liên kết chuỗi từ ao nuôi, tàu cá đến thu mua nguyên liệu và chế biến, xuất khẩu. Đồng thời, có thể tìm kiếm hợp tác với các đối tác đầu tư nước ngoài để tận dụng nguồn vốn và công nghệ tiên tiến.
Cùng với đó, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và gia tăng các sản phẩm chế biến sâu. Lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và quy mô của doanh nghiệp. Nếu sản phẩm đã có thương hiệu nên tiếp cận phân khúc thị trường bán lẻ chuyên ngành sẽ được giá cao hơn nhưng đòi hỏi chất lượng sản phẩm ổn định thay vì bán sản phẩm cho các nhà bán lẻ đã có thương hiệu sau đó họ sẽ đóng gói dưới thương hiệu của họ hoặc bán sản phẩm thô.
Mặt khác, các doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, phát triển các hệ thống sản xuất và chế biến hiện đại, từ đó tối ưu hóa quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm, giúp thủy sản Việt tiến dần tới các tiêu chuẩn quốc tế và tạo lợi thế cạnh tranh. Gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách; tiếp cận thêm các thị trường mới thông qua các chuỗi siêu thị và các cửa hàng bán lẻ.
Cần quan tâm đầu tư phát triển các dòng sản phẩm hữu cơ bởi đây là một hướng đi triển vọng do ngày càng nhiều người tiêu dùng Anh có xu hướng chuộng sử dụng hàng hóa có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường. Cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, chú trọng đóng gói, nhãn mác phù hợp với thẩm mỹ và tập quán tiêu dùng tại Anh; đồng thời tăng tính tiện lợi của sản phẩm. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, tận dụng các công cụ trực tuyến nhưng cũng không nên bỏ qua các hình thức truyền thống như các hội chợ khu vực.
Tựu trung lại, để thành công tại thị trường Anh, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn và không ngừng đổi mới, sáng tạo. Với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng và sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, thủy sản Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục được thị trường khó tính này.