[eMagazine] Cơ chế CBAM của EU: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu
20/11/2024 lúc 10:10 (GMT)

[eMagazine] Cơ chế CBAM của EU: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu

 

Việc thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) mang tới cả những cơ hội và thách thức, khó khăn cho Việt Nam, đặc biệt trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

 

việt nam

Theo đánh giá của các chuyên gia, Cơ chế CBAM khi được áp dụng chính thức tại EU và một số nền kinh tế lớn trên thế giới có thể đem lại một số cơ hội cho Việt Nam.

cbam

Thứ nhất, CBAM giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn các quyết tâm và nỗ lực chống biến đổi khí hậu, tăng cường phát triển xanh theo định hướng hiện nay của Chính phủ. Những tác động của CBAM về mặt xuất khẩu và phát triển kinh tế như phân tích ở trên sẽ tạo động lực cho việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến phát thải các-bon của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam có thể tận dụng các động lực từ việc chuyển đổi mô hình sản xuất, thích ứng với CBAM để góp phần hoàn thiện, triển khai có hiệu quả các chính sách trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, tiến tới hiện thực hóa các mục tiêu, cam kết quốc tế về trung hòa phát thải, đồng thời bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững trong dài hạn.

Thứ hai, CBAM khuyến khích các doanh nghiệp, nhà máy trong các lĩnh vực có nhiều phát thải các-bon, đặc biệt các lĩnh vực thuộc diện điều chỉnh của CBAM hiện tại và tương lai đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa hướng đến tiêu chuẩn xanh, bền vững.

Thứ ba, CBAM ban đầu có thể sẽ tạo ra các khoản chi phí nhất định đối với các mặt hàng xuất khẩu thuộc diện CBAM điều chỉnh nhưng về lâu dài sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho chính các mặt hàng này khi xu hướng áp dụng CBAM nói riêng và phát triển bền vững nói chung trên thế giới càng trở nên phổ biến và đẩy mạnh.

co2
co2 a

Thứ tư, CBAM giúp mở ra cơ hội xây dựng và phát triển thị trường mua, bán tín chỉ các-bon và các dự án thu hồi, sử dụng, lưu trữ các-bon tại Việt Nam (CCUS). Như trên đã đề cập, trước mắt, phạm vi áp dụng của CBAM chỉ bao gồm 6 nhóm ngành hàng nhưng trong tương lai có thể mở rộng ra nhiều ngành hàng khác, đó là chưa kể các nền kinh tế lớn như Vương quốc Anh (đã chính thức áp dụng), Hoa Kỳ và Canada có thể nghiên cứu áp dụng CBAM, số lượng các ngành hàng và doanh nghiệp của Việt Nam chịu tác động của CBAM ngày càng lớn. Điều này sẽ giúp cho thị trường mua bán tín chỉ các-bon càng sôi động cũng như giúp cơ hội kinh doanh thành công các dự án CCUS sẽ lớn hơn.

Thứ năm, việc sớm triển khai các cơ chế, chính sách để thích ứng với CBAM, cùng với các chính sách định hướng phát triển xanh hiện nay sẽ giúp Việt Nam nổi bật hơn trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, giúp thu hút các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt các doanh nghiệp có tiềm năng lớn và kinh doanh thân thiện với môi trường đến Việt Nam. Việc Tập đoàn Lego của Đan Mạch lựa chọn đặt nhà máy trị giá hơn 1 tỷ USD tại Việt Nam là một minh chứng rõ ràng.

lego

 

 

Trong thời gian tới, xu hướng ban hành và triển khai các chính sách thuế các-bon xuyên biên giới tương tự CBAM sẽ được các nước phát triển chú trọng tăng cường, siết chặt, tiến tới thiết lập các tiêu chuẩn “xanh” mới đối với hàng hóa nhập khẩu trong thương mại quốc tế. Do đó, việc thích ứng sớm, đón đầu xu hướng trên có thể giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, trọng điểm.

 

thách thức

Bên cạnh các cơ hội mở ra từ CBAM, những thách thức đối với Việt Nam để thích ứng và tận dụng cơ hội từ CBAM cũng rất lớn.

Thứ nhất, do CBAM là một vấn đề rất mới trên thế giới, hiện mới chỉ có EU và Vương quốc Anh (UK) chính thức áp dụng nên kinh nghiệm quốc tế chưa đầy đủ. Điều này đặt ra khó khăn lớn cho Việt Nam trong việc nghiên cứu các mô hình đã có để xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế quản lý hiệu quả phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của mình.

Thứ hai, CBAM khi chính thức vận hành sẽ tạo áp lực rất lớn về mặt chi phí sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà máy trong chuỗi cung ứng hàng hóa thuộc diện điều chỉnh của CBAM xuất khẩu sang EU. Theo ước tính của các chuyên gia phân tích, giá giấy phép các-bon chiếm khoảng 5-10% tổng chi phí sản xuất thép và tỷ lệ này còn cao hơn đối với sản xuất xi măng.

xi măng

Thứ ba, nhận thức về CBAM của đại bộ phận doanh nghiệp và nhà sản xuất tại Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp và nhà sản xuất trong các nhóm ngành hàng thuộc diện điều chỉnh của CBAM còn hạn chế. Theo kết quả khảo sát được nêu trong báo cáo nghiên cứu của Văn phòng dịch vụ dự án Liên Hợp quốc (UNOPS) phối hợp triển khai với Tổ chức Đối tác Chuyển đổi Năng lượng năm 2023, dù trên 60% doanh nghiệp được khảo sát nghe nói đến CBAM nhưng phần lớn không biết hoặc hoặc chỉ biết sơ bộ về cơ chế này, khoảng 1/3 doanh nghiệp không có ý kiến hoặc không cho rằng CBAM có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của mình. Hiện nay, chỉ có khoảng 4% số doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch chuẩn bị để đối phó với CBAM.


phân bón
dệt may

Thứ tư, thông tin về CBAM đang ngày càng phổ biến nhưng đang bị phân tán, chưa mang tính chính thống. Hiện nay, nhiều công ty, tổ chức trong và ngoài nước đang tiến hành nhiều hoạt động phổ biến, tuyên truyền, kể cả đào tạo doanh nghiệp về CBAM nhưng chủ yếu mang tính tự phát, chưa được kiểm chính về tính chính xác cũng như sự tin cậy và chất lượng của các thông tin và nội dung tư vấn. Điều này khiến cho một bộ phận doanh nghiệp hiểu sai, hiểu chưa đúng và thậm chí triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể chưa phù hợp với yêu cầu của CBAM, về lâu dài sẽ có hệ lụy rất lớn (chẳng hạn, có lãnh đạo doanh nghiệp lớn trong sản xuất, kinh doanh gạo cho rằng CBAM áp dụng cho ngành gạo).

Thứ năm, Việt Nam chưa có cơ quan quản lý được phân công chính thức phụ trách về CBAM để đảm nhiệm vai trò điều phối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp… trong việc xây dựng, triển khai các biện pháp hiệu quả để đối phó với CBAM.

công nghiệp xanh

 

cbam

Trên cơ sở các phân tích về cơ hội và thách thức, Bộ Công Thương đề ra các nhóm giải pháp thực hiện Cơ chế CBAM của EU một cách hiệu quả.

Đối với nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, với việc Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các biện pháp hiệu quả ứng phó với cơ chế CBAM, trước mắt cần chú trọng cung cấp các hướng dẫn chi tiết về cơ chế báo cáo phát thải cho các doanh nghiệp bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của CBAM, đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay.

Nghiên cứu và xem xét áp dụng chính sách về giá các-bon. Đây là chủ trương lớn và có khả năng ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế và chỉ nên áp dụng khi có đủ điều kiện thông tin, dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu được xây dựng phù hợp, các chính sách về giá các-bon sẽ giúp cho các ngành sản xuất của Việt Nam, đặc biệt các ngành chịu sự điều chỉnh của CBAM thích ứng và đối phó hiệu quả với cơ chế CBAM.

 

sản xuất xanh

Đối với nhóm giải pháp về phổ biến, tuyên truyền, triển khai các hoạt động phổ biến, tuyên truyền mang tính chính thống cho các cơ quan, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp… đặc biệt trong các nhóm ngành hàng chịu sự điều chỉnh của CBAM hiện tại và tương lai. Mục đích của các hoạt động tuyên truyền này nhằm giúp hiểu đúng, hiểu đầy đủ về CBAM để có các định hướng phù hợp nhằm tuân thủ CBAM.

Triển khai các khóa tập huấn cho các doanh nghiệp, trước mắt các doanh nghiệp thuộc 6 nhóm ngành hàng chịu sự điều chỉnh của CBAM trong việc tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo cũng như chuẩn bị cho việc thực hiện CBAM sau khi được chính thức áp dụng từ ngày 01/01/2026.

Đối với nhóm giải pháp về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu, xây dựng các biện pháp hỗ trợ cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đáp ứng yêu cầu của CBAM, trước mắt là các chính sách hỗ trợ trong việc giảm phát thải các-bon…; Thúc đẩy các nguồn tài chính phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thích ứng các yêu cầu của CBAM, thúc đẩy phát triển xanh. Nghiên cứu bổ sung giải pháp tìm kiếm, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp tại các nước chưa áp dụng CBAM, đặc biệt với nhóm các nền kinh tế mới nổi (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ả rập Xê út, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất - BRICS), do nhóm này đã đưa ra tuyên bố chung sẽ phản đối mạnh mẽ các rào cản thương mại với lý do môi trường, biến đổi khí hậu.

cbam

 

 

 

Hiện nay, Bộ Công Thương đã triển khai các quy định và cơ chế tính toán, kiểm định phát thải khí nhà kính, nhằm đảm bảo rằng hơn 1.800 doanh nghiệp thuộc sự quản lý của Bộ đều có kế hoạch và biện pháp giảm thiểu khí thải.

Sự quản lý chặt chẽ không chỉ giúp theo dõi và kiểm soát mức độ phát thải mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực, áp dụng công nghệ xanh và tuân thủ các yêu cầu từ cơ chế như CBAM.

Các biện pháp này không chỉ là những bước đi cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh CBAM đang được triển khai.

 

Ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương (Hội thảo: "CBAM và doanh nghiệp Việt Nam: Thích ứng nền kinh tế xanh", ngày 24/10/2024)

 

Đối với nhóm giải pháp về đàm phán, hợp tác quốc tế, tiếp tục trao đổi, làm rõ với EU về định hướng, phạm vi áp dụng cũng như cơ chế triển khai của CBAM trong thời gian tới để có sự chủ động trong việc đối phó. Ngoài ra, cũng cần làm rõ, đàm phán với EU về khả năng Việt Nam được miễn trừ trong các trường hợp cụ thể (ví dụ nếu Việt Nam áp dụng các chính sách giá các-bon thì việc áp dụng miễn trừ sẽ như thế nào); hoặc khả năng lùi thời điểm áp dụng CBAM cho các nước đang phát triển như Việt Nam (trong trường hợp không được miễn trừ). Tiếp tục theo dõi việc triển khai áp dụng cơ chế CBAM tại các nước đối tác, cụ thể là Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada… để kịp thời có biện pháp ứng phó. Tăng cường hợp tác, trao đổi tại các diễn đàn, khuôn khổ quốc tế (bao gồm Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS) và các tổ chức uy tín, có năng lực và chuyên môn để thảo luận các phương án đang được triển khai ứng phó với CBAM, phối hợp trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ hỗ trợ thích ứng với CBAM cũng như các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và tập huấn về CBAM.

 

          

Bài: Hoàng Phương
Thiết kế: An Vũ

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí