Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã từng bước nâng cao trình độ, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng.
Trong đó, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại… Các sản phẩm này đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia.
Tháng 4/2024 vừa qua, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng và Oceanside One Trading đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng xuất khẩu lốp ô tô DRC vào thị trường Mỹ và Brazil.
Oceanside One Trading hiện là doanh nghiệp hàng đầu về ngành lốp tại Brazil. Thông qua hợp đồng này, Cao su Đà Nẵng và Oceanside One Trading đặt mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Brazil từ 70 triệu USD lên 150 triệu USD/năm.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng Giám đốc Cao su Đà Nẵng cho biết, Brazil và Mỹ hiện là hai thị trường trọng điểm của Cao su Đà Nẵng. Trong đó, Brazil là thị trường xuất khẩu lốp Radial chính, bao gồm lốp Radial dành cho xe tải/xe bus (TBR) và xe khách (PCR). Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, với lợi thế không phải chịu thuế nhập khẩu như các đối thủ đến từ Trung Quốc, dòng sản phẩm lốp PCR của Cao su Đà Nẵng có tiềm năng tăng trưởng lớn trong thời gian tới.
Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ lốp PCR của Cao su Đà Nẵng tại thị trường Brazil cho thấy một số cải thiện sau một thời gian thử nghiệm (từ 12.000 chiếc trong quý 2/2023 lên 58.000 chiếc trong quý 4/2023). Do đó, thị trường Brazil sẽ giúp Cao su Đà Nẵng tăng công mạnh công suất hoạt động của nhà máy lốp PCR lên mức 75% - 84% trong năm nay và đạt 100% vào năm sau, theo SSI Research.
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Vietcap, tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) sản lượng tiêu thụ lốp radial của doanh nghiệp này sẽ đạt mức 10% trong giai đoạn 2023 - 2030 trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch từ lốp Bias sang lốp Radial đang diễn ra.
Qua đó, mảng lốp Radial được kỳ vọng sẽ trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng của Cao su Đà Nẵng trong thời gian tới. Sản lượng lốp Radial của Cao su Đà Nẵng dự kiến sẽ tăng thêm 67% vào cuối năm nay.
Động lực tăng trưởng còn đến từ việc Cao su Đà Nẵng dự kiến sẽ đưa vào hoạt động toàn bộ Giai đoạn 3 - Nhà máy sản xuất lốp Radial vào quý IV/2024, giúp nâng công suất lốp Radial thêm 67% (từ 600.000 lốp/năm lên 1.000.000 lốp/năm). Hiện Giai đoạn 3 đang chờ phê duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy.
Với xu dịch chuyển từ lốp Bias sang lốp Radial trong nước cùng nhu cầu lốp Radial tại các thị trường xuất khẩu chính duy trì mức tốt, Cao su Đà Nẵng dự kiến sẽ không gặp trở ngại trong việc tiêu thụ phần công suất lốp Radial tăng thêm.
Cũng theo Cục Công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó đã hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như: Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát...
Thông qua các chương trình tư vấn cải tiến, hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có cơ hội tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh chinh phục thị trường, khách hàng, gia tăng lợi nhuận, củng cố thương hiệu.
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, dệt may, điện tử đã được lựa chọn để được hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001, ISO 14000, HACCP, ISO/IEC 17025), công cụ cải tiến năng suất chất lượng (Kaizen, 5S, Lean, Sigma)… và hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, tiến đến đáp ứng tiêu chuẩn của chuỗi giá trị quốc tế.
Đơn cử, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thắng Lợi là một doanh nghiệp cơ khí chuyên về các sản phẩm đúc. Sản phẩm của công ty đã đến được nhiều thị trường trong và ngoài nước, nhưng trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm là yếu tố sống còn. Doanh nghiệp này đã nhận thấy nhiều vấn đề phát sinh của một doanh nghiệp đi lên từ cơ sở sản xuất nhỏ và LEAN là một trong những mô hình quản trị tiên tiến đã được đơn vị này lựa chọn, kiên trì thực hiện trong suốt nhiều năm qua.
Qua 5 năm kiên trì thực hiện sản xuất tinh gọn, đã có những bước chuyển biến căn bản trong hoạt động sản xuất, mang lại bộ mặt mới cho Công ty TNHH Thắng Lợi. Từ khi áp dụng mô hình LEAN và 5S, các phân xưởng của Công ty Thắng Lợi đã có sự thay đổi tích cực, nhiều công đoạn thừa được loại bỏ, người công nhân có điều kiện làm việc thoải mái hơn, năng suất lao động được cải thiện rõ rệt.
Đến nay, Công ty Thắng Lợi đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực, có những quy trình sản xuất đã giảm được 70% các động tác thừa; môi trường làm việc khoa học, an toàn, giảm tỷ lệ người lao động nghỉ việc, giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo ban đầu. Chất lượng sản phẩm được nâng cao, thành công tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu, tỷ trọng hàng xuất khẩu đã tăng từ 30% lên 50%.
Hanel là một công ty điện tử chuyên lắp ráp tivi theo hình thức CKD và SKD, trong đó phải nhập khẩu nguyên phụ liệu. Khi có chủ trương nội địa hóa để giảm chi phí, giá thành, năm 1994, Hanel thành lập Công ty Cổ phần Hanel Xốp Nhựa (Hanel Plastics). Hanel Plastics bắt đầu làm từ xốp bao gói, sau đó đến các linh kiện nhựa cho tivi, cho các liên danh của Hanel.
Những khó khăn ban đầu vô cùng lớn, bởi doanh nghiệp khi ấy quy mô còn nhỏ, vốn ít, nhiều vấn đề nội tại về hệ thống quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, giao hàng track-in-time, đổi mới công nghệ, nguồn lực tài chính, phụ thuộc nguồn linh kiện, vật tư nhập khẩu,...
Đón đầu làn sóng đầu tư FDI này, trên cơ sở kinh nghiệm có sẵn về linh kiện, Hanel Plastics đã tìm mọi cách tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn.
Từ 1 nhà máy xốp công suất 500 tấn sản phẩm/năm được đầu tư quy mô nhỏ để phục vụ chương trình nội địa hóa của Hanel, sản xuất sản phẩm xốp thay thế hàng nhập khẩu, đến năm 2000, Hanel Plastics đã đầu tư xây dựng Nhà máy nhựa cao cấp tại Khu công nghiệp Sài Đồng B, với công suất 1.500 tấn sản phẩm/năm và Nhà máy xốp với công suất 1.000 tấn sản phẩm/năm.
Sau đó, Hanel Plastics tiếp tục từng bước mở rộng sản xuất, nâng công suất của 2 nhà máy (nhà máy nhựa 2.500 tấn sản phẩm /năm, Nhà máy xốp 2.000 tấn sản phẩm/năm) và đưa thêm sản phẩm mới màng hút chân không vào sản xuất. Công ty cũng đầu tư xây dựng Nhà máy nhựa số 2 với công suất 1.200 tấn sản phẩm/ năm; đồng thời tập trung phát triển sản phẩm trong ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho công nghiệp lắp ráp trong nước và xuất khẩu.
Chiến lược của Hanel Plastics là đứng trên vai người khổng lồ. Quyết tâm tham gia được vào chuỗi cung ứng của các hãng lớn như Canon, Brother, Panasonic, Samsung... Công ty bắt đầu cung cấp từ những sản phẩm đơn giản và dần đi sâu hơn, cao hơn trong chuỗi thông qua việc kiên trì học hỏi, sẵn sàng phấn đấu và tạo dựng uy tín với đối tác. Đến nay, Hanel Plastics đã là nhà cung cấp cấp 1 của hàng loạt các “ông lớn” FDI tại Việt Nam.
Tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ, đào tạo từ Bộ Công Thương và từ chính các đối tác FDI, Hanel Plastics đã chuyển mình rõ rệt trong quản lý và sản xuất. Năm 2017, nhờ tham gia chương trình tư vấn cải tiến của Samsung, Hanel Plastics đã nâng cao năng suất lao động 22%, số ngày tồn kho giảm 73% giúp giảm chi phí tồn kho từ 6,97 tỷ xuống còn 4,36 tỷ đồng.
Những biến động của chuỗi cung ứng vài năm gần đây đã “đánh” thẳng vào doanh nghiệp. Đơn cử, dù đã tham gia cung cấp sản phẩm phụ trợ được 5 năm, khi Samsung chuyển hoạt động sản xuất máy hút bụi từ Bắc Ninh vào thành phố Hồ Chí Minh, Hanel Plastics cũng không thể đi theo vì quy mô công ty còn nhỏ, chưa đủ để mở rộng đầu tư. Hay khi các đối tác hạ sản lượng, đơn hàng ít, thì những doanh nghiệp trong chuỗi như Hanel Plastics cũng đành “ngậm ngùi” chấp nhận.
Khó khăn đặc biệt là trong năm 2023. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng yếu, xuất khẩu gặp khó khăn, Hanel Plastics đối diện tình trạng doanh số sụt giảm, lợi nhuận sụt giảm lên đến 2 chữ số.
Không chùn bước, Hanel Plastics dành thời gian này để nâng cao nội lực. Trước hết là chấp nhận lợi nhuận mỏng, nhưng làm sao giữ cho dòng tiền ổn định, giữ chân người lao động. Sau là tập trung đào tạo nâng cao tay nghề cho kỹ sư, công nhân, nghiên cứu những phương án chuyển đổi số hiện đại hơn, tối ưu hóa hệ thống quản lý sản xuất kinh doanh để qua giai đoạn suy thoái sẵn sàng tiếp tục đón đầu cơ hội.
Hanel Plastics cũng xác định, cuộc chơi cạnh tranh quốc tế giờ đã khác. Lợi thế nhân công giá rẻ không còn là điều níu chân doanh nghiệp FDI ở lại, mà cốt lõi là phải nâng cao công nghệ, làm ra được những sản phẩm có hàm lượng công nghệ lớn, có giá trị gia tăng cao. Khi ấy, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi của các tập đoàn lớn, bởi sản phẩm công nghiệp càng lớn thì càng sử dụng nhiều chi tiết linh kiện, đặc biệt là kinh kiện nhựa, có những linh kiện rất đơn giản, chỉ là đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn.
Thay vì làm gia công, ép ra sản phẩm từ khuôn của khách hàng mang đến, Hanel Plastics đã xây dựng bộ phận R&D, tuyển dụng kỹ sư thiết kế sản phẩm, thiết kế khuôn, rồi xây dựng nhà máy khuôn để chủ động từ thiết kế đến sản xuất sản phẩm linh kiện cuối cùng. Chính khâu thiết kế sản phẩm, thiết kế khuôn mẫu đã giúp nâng giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, Hanel Plastics mở rộng lắp ráp các cụm linh kiện nhựa thay vì làm linh kiện đơn lẻ, cũng góp phần nâng cao giá trị mà doanh nghiệp thu lại.
Năm 2022, Hanel Plastics cử 3 kỹ sư tham gia khóa đào tạo kỹ sư thiết kế, chế tạo và sản xuất các loại khuôn mẫu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo do Bộ Công Thương và Samsung phối hợp tổ chức tại Hàn Quốc, trong đó kỹ sư Hồ Văn Mạnh đã xuất sắc được trao Giải Nhất duy nhất về thiết kế khuôn nhựa của khóa đào tạo.
Thực hiện: Như Hạ