Việt Nam hiện là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 24 tỷ USD năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 - 27 tỷ USD năm 2024.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép trong 7 tháng năm 2024 đạt 10,147 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số đã phần nào phản ánh vị trí của ngành da giày Việt Nam trên bản đồ thế giới. Không quá khi nói rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, trở thành một trong những “công xưởng” giày dép hàng đầu.
Với lợi thế địa lý, lực lượng lao động dồi dào và chính sách mở cửa kinh tế tích cực, Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là việc nhiều doanh nghiệp “đại bàng” đã lựa chọn Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất.
Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn mang tính chất "Made in Vietnam - sản xuất tại Việt Nam", chưa phải là "Brand of Vietnam - Thương hiệu Việt Nam". Điều này dẫn đến giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài.
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương - cuối tháng 4/2024, ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS Group) - cho biết, một trong những khó khăn lớn của ngành da giày là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển.
Các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào gia công mà không phát triển khâu nguyên phụ liệu. Hiện nay, phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Do đó, để đáp ứng tỉ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA là một trở ngại lớn.
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTG ngày 9/6/2014 đã xác định dệt may - da giày là 2 trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam.
Tuy nhiên để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững. Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Đức Thuấn kiến nghị xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành da giày - túi xách. Bộ trưởng cho biết, mặc dù hiện nay chúng ta có Chiến lược phát triển ngành, có đề án tái cơ cấu ngành Công Thương và các Nghị quyết Chính phủ, nhưng thực tế việc triển khai chưa được như kỳ vọng, vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ.
“Bộ Công Thương cũng chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải liên quan đến một số doanh nghiệp trong ngành chủ yếu vẫn sản xuất theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, chưa đủ thế và lực để tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nguyên liệu ngành được xác định là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, song chúng ta chưa phát triển được, nên các doanh nghiệp phải chấp nhận gia công. Bên cạnh đó là năng lực khai thác cơ hội từ các FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP… còn hạn chế. Ngoài ra, mức độ tự động hóa, chuyển đổi số, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn chưa cao.
Về tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ trưởng cho rằng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là: Do thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm, năng suất lao động chưa cao nên gây ra chi phí nhân công đang có xu hướng tăng nhanh; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, cạnh tranh lao động diễn ra gay gắt; phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, khả năng tài chính hạn chế…
Nhận định về tình hình hiện nay, Bộ trưởng cho biết, kinh tế, chính trị thế giới trong thời gian tới rất nhiều rủi ro, thách thức khó lường, bất ổn địa chính trị trên thế giới tác động tiêu cực đến toàn cầu và các hoạt động đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành da giày.
Bên cạnh đó là loạt các Chính sách mới của các quốc gia nhập khẩu. Điển hình như với ngành da giày có 9 hàng rào kỹ thuật, nếu cả 9 hàng rào này cùng dựng lên thì việc vượt qua sẽ vô cùng khó khăn. Do vậy những kiến nghị Hiệp hội đặt ra rất cần để xem xét.
Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu giày dép lớn đưa ra những yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao (như EPR - mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, CBAM - Cơ chế định giá carbon). Trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, do vậy chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương đã nỗ lực đàm phán, ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh; trong đo, ngành Da Giầy là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực được Chính phủ đặc biệt quan tâm và luôn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Chính phủ đã ban hành Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó da giày là 1 trong 6 ngành được đưa hưởng các chính sách hỗ trợ ưu tiên doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu.
Bên cạnh đó, năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035; Bộ Công Thương cũng đang triển khai xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành Dệt May - Da Giầy và trình Thủ tướng phê duyệt trong thời gian tới nhằm định hướng phát triển Ngành bền vững và lâu dài.
Trong bối cảnh đó, để ngành Da giày - Túi xách tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực hơn đối với sự phát triển của ngành Công Thương cũng như toàn bộ nền kinh tế đất nước, Bộ trưởng đề nghị Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương triển khai Kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các mục tiêu Chiến lược đã được Thủ thướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các doanh nghiệp hội viên về các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến ngành Công Thương nói chung và ngành Da giày - Túi xách nói riêng; nhất là: (1) Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (2) Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và (3) Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 và các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển ngành Da giày - Túi xách.
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, chuyển đổi sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu, xu hướng, chiến lược và quy định mới của các thị trường, nhất là xu hướng chuyển đổi sản xuất, xuất khẩu xanh, bền vững, tận dụng có hiệu quả các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, VIFTA,…
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật và chuyển tải các thông tin có liên quan đến ngành Da giày - Túi xách về tình hình thị trường và các quy định, chính sách mới của các thị trường ngoài nước cho doanh nghiệp hội viên.
Đặc biệt là, Hiệp hội cần theo dõi sát Chiến lược da giày mới và xu hướng phát triển da giầy tuần hoàn của EU; Nghiên cứu kinh nghiệm điều chỉnh chính sách của các nước có thế mạnh, tiềm lực về da giầy (như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh), từ đó có đề xuất với các cơ quan chức năng về giải pháp phù hợp, bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc cũng như lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp; đồng thời cảnh báo, định hướng, phổ biến, chia sẻ thông tin, hướng dẫn kịp thời để tránh thế bị động trước các điều chỉnh chính sách, quy định mới từ phía EU và các thị trường toàn cầu.
Đầu tư nâng cấp hệ thống thường xuyên cập nhật, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành Da giầy nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Phát huy vai trò tư vấn, phản biện chính sách, tích cực tham gia góp ý với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu Da giày - Túi xách (đặc biệt là tham gia góp ý với Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Chương trình phát triển bền vững ngành Dệt May, Da Giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035) và tham gia xây dựng phương án đàm phán FTA với các đối tác nhằm bảo đảm tối đa lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp khi Hiệp định được ký kết, thực thi, qua đó giúp nâng cao vai trò của Hiệp hội thực sự vừa là tổ chức hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp hội viên, vừa là cánh tay nối dài, giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thông tin, phản biện chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu nhằm tiếp thu việc chuyển giao các giải pháp, ứng dụng công nghệ mới trong ngành da giầy theo xu hướng sản xuất, xuất khẩu xanh, bền vững, phù hợp với điều kiện của nước ta.
Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giầy trong hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là đối với các sản phẩm dệt may xanh, tuần hoàn tại thị trường EU và các thị trường tiềm năng.
Chú trọng tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng thâm nhập vào các thị trường mục tiêu và khai thác các cam kết ưu đãi trong các FTA; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày ứng phó có hiệu quả với các rào cản kỹ thuật của các thị trường mới và các biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp đấu tranh trên mọi cấp độ, mọi diễn đàn đối với các biện pháp bảo hộ thương mại quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế của các thị trường nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp hội viên.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhất trí với kiến nghị thành lập Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương. Đồng thời yêu cầu các các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương phối hợp rà soát, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết những kiến nghị của Hiệp hội theo thẩm quyền trong thời gian sớm nhất, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình, khả năng thực tế của doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc phối hợp với Hiệp hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án thành lập khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam. Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với Hiệp hội kiến nghị giải quyết nội dung sửa đổi bổ sung điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về xuất nhập khẩu tại chỗ.
Bộ trưởng cũng khẳng định Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành Da giày Việt Nam; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ hoặc tham mưu với cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nói chung và ngành Da giày - Túi xách nói riêng, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.