[eMagazine] Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn: Thách thức mới và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
28/11/2024 lúc 14:00 (GMT)

[eMagazine] Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn: Thách thức mới và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đang là động lực mạnh mẽ cho việc kết nối Việt Nam với nền kinh tế của 27 nước thành viên của EU.

Đặc biệt, thông qua việc tận dụng ưu đãi từ EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tăng trưởng mạnh mẽ từ 35 tỷ euro năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro năm 2023. Nhiều ngành hàng ghi nhận tăng trưởng mạnh như: điện tử, dệt may, giày dép, nông thuỷ sản... Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU.

tuần hoàn 1
tuần hoàn 2
tuần hoàn 3
tuần hoàn 4

Mặc dù đang có những lợi thế lớn do nhu cầu thị trường cao, ưu đãi từ Hiệp định EVFTA nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đang đứng trước những thách thức mới. Bởi EU đang thực hiện nhiều chính sách, quy định khắt khe đối với hàng hóa theo hướng phát triển bền vững. Một trong số những chính sách đó là Kế hoạch hành động về nền kinh tế tuần hoàn (CEAP).

kế hoạch CEAP

Ở EU, kinh tế tuần hoàn được xác định không chỉ là vấn đề chất thải. Vì thế, mặc dù dự kiến thông qua Đề xuất lập pháp về vấn đề chất thải (Legislative Proposal on Waste) vào năm 2014 nhưng Ủy ban châu Âu đã tạm dừng và thay thế bằng Gói đề xuất kinh tế tuần hoàn (Circular Economy package) vào năm 2015 nhằm tiếp cận vấn đề rộng hơn, quan tâm đến toàn bộ các quá trình từ sản xuất và tiêu thụ thị trường nguyên liệu thứ cấp.

Tiếp đó, EU đã triển khai Kế hoạch hành động về nền kinh tế tuần hoàn (Circular economy action plan - CEAP) như một phần của Thỏa thuận Xanh Châu Âu nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, chất thải và ô nhiễm.

Với CEAP, EU đặt mục tiêu sớm chấm dứt mô hình kinh doanh công nghệ và thời trang với các sản phẩm có “vòng đời ngắn” và nền kinh tế ‘tạo rác’ ở châu Âu.

Kế hoạch này chỉ rõ cần tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn theo 4 khâu/giai đoạn của vòng đời sản phẩm gồm:

  • Sản xuất (production) trong đó đặc biệt chú ý tới khâu thiết kế;
  • Tiêu dùng (consumption);
  • Quản lý chất thải (waste management);
  • Biến chất thải trở lại thành tài nguyên (secondary rawmaterials).

Phạm vi các yêu cầu chủ yếu của Kế hoạch CEAP điều chỉnh nhiều loại vật liệu và hàng hóa khác nhau như: bao bì, công nghệ, phương tiện, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng...

Mô hình này của EU sẽ ngăn chặn, loại bỏ chất thải và ô nhiễm sinh ra trong quá trình sản xuất bằng cách đảm bảo các sản phẩm lưu thông trên thị trường các nước EU có thể tái sử dụng, tái chế và sửa chữa được. Bằng cách chuyển đổi thiết kế, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà không tạo ra chất thải để các sản phẩm và vật liệu đạt tới giá trị cao nhất của chúng, và góp phần tái tạo thiên nhiên.

kinh tế tuần hoàn

Mặc dù Kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn của EU mang lại lợi ích tốt cho người tiêu dùng, tuy nhiên việc thực hiện Kế hoạch này có tác động trực tiếp đến các hoạt động nhập khẩu và kinh doanh trên thị trường EU, trong đó có hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam để tiếp tục duy trì lợi thế, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới.

Trao đổi tại Tọa đàm do Tạp chí Công Thương thực hiện với chủ đề: “Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn (CEAP) và hệ lụy đối với doanh nghiệp Việt Nam”, ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng: Để đánh giá tác động thì trước tiên, có thể nói các quy định của EU trong CEAP sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam. Những sản phẩm không đáp ứng được những tiêu chuẩn của EU như liên quan đến hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số,… có khả năng sẽ không thể thâm nhập được vào thị trường EU, không được thông quan.

 
Đỗ Hữu Hưng

Để đáp ứng được những quy định, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ phải đầu tư sản xuất, thay đổi quy trình sản xuất, quy trình quản lý; chi phí đầu tư tăng cũng có thể khiến chi phí, giá thành sản phẩm của chúng ta sẽ tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Phải khẳng định đây là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dệt may, da giày...

Ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương

Với những thách thức từ Kế hoạch CEAP, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam gặp hai khó khăn chủ yếu.

Thứ nhất về tư duy, suy nghĩ trong nếp sản xuất của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, đối tác châu Âu thường đặt ra quy trình bài bản rất đầy đủ và chi tiết, cụ thể. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với cách tư duy quy trình sản xuất phải được thiết kế một cách bài bản, chi tiết cụ thể, từ khâu đầu cho đến khâu cuối. Thậm chí nhiều doanh nghiệp hay bỏ qua công đoạn này, công đoạn kia để tiết giảm các chi phí sản xuất, chi phí nhân công...

Khó khăn thứ hai cũng được đánh giá là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp muốn chuyển đổi để đáp ứng được Kế hoạch CEAP hay những tiêu chuẩn xanh khác của EU đó là vấn đề nguồn lực đầu tư.

So với các nước Châu Âu đã nhiều năm phát triển công nghiệp công nghệ cao với những thiết bị hiện đại thì trình độ sản xuất và công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam còn có khoảng cách khá xa.

Để chuyển đổi và bắt nhịp với những yêu cầu của đối tác, của thị trường theo hướng kinh tế tuần hoàn, đôi khi doanh nghiệp phải thay đổi cả công nghệ, cả quy trình sản xuất, phải đầu tư thêm rất nhiều trang thiết bị với chi phí tốn kém...

Trên thực tế, mặc dù hiện nay cũng có những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh có thể đầu tư, thực hiện những giải pháp kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, phần đông doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có đủ nguồn lực tài chính để có thể thực hiện cả quy trình chuyển đổi, thậm chí là chỉ những giải pháp cơ bản theo hướng kinh tế tuần hoàn trong quy trình sản xuất của mình.

phát triển bền vững

Song song với thách thức, việc doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực chuyển đổi để tuân thủ những quy định theo Kế hoạch CEAP của EU sẽ giúp gia tăng xuất khẩu và uy tín tại thị trường EU.

TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong quá trình tuân thủ và đáp ứng những yêu cầu của CEAP là một cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp tự soi lại mình và định hướng cho sự phát triển trong tương lai.

Theo TS. Mai Thanh Dung, thực chất kinh tế tuần hoàn là việc làm rất hiệu quả nhưng lâu nay chúng ta cứ theo cách truyền thống và không để ý những việc cần phải làm để hướng đến quy trình sản xuất của mình theo hướng tuần hoàn. Đấy là trước mắt mang lại lợi ích cho doanh nghiệp về hiệu quả kinh tế. Nếu doanh nghiệp nào làm tốt những quy trình hoặc những giải pháp kinh tế tuần hoàn thì doanh nghiệp đấy sẽ đạt được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh tốt hơn những doanh nghiệp khác.

          
Mai Thanh Dung

Kinh tế tuần hoàn giúp chúng ta tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm được năng lượng, kéo dài được vòng đời sản phẩm, giảm thiểu được chất thải… Đấy là những hiệu quả chính cho doanh nghiệp và sau đó cho xã hội bớt đi gánh nặng về xử lý những vấn đề môi trường từ hoạt động sản xuất kinh doanh”.

TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

          

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cũng cho rằng, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thách thức đó là các doanh nghiệp lập tức phải chuyển đổi, bởi vì thị trường đã yêu cầu, mà yêu cầu của thị trường có tính quyết định, nếu không đáp ứng được thì chúng ta không thể vào được thị trường.

Tuy nhiên, thực hiện các tiêu chuẩn xanh cũng là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi và phát triển. Thông qua đầu tư chuyển đổi sang sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời, các máy móc, thiết bị tiêu hao ít nhiên liệu hoặc sử dụng nhiên liệu sạch, tái chế nguyên vật liệu dư thừa từ quá trình sản xuất… giúp các doanh nghiệp giảm được ô nhiễm môi trường, giảm chi phí nhân công vận hành máy móc, tăng cường sức khỏe,…

Nguyễn Xuân Dương

 Tất cả những vấn đề kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, chống ô nhiễm môi trường vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp chúng ta phát triển, để có thể hội nhập với tất cả trên thế giới và đáp ứng các yêu cầu của thị trường hiện nay”.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên

Để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, thích ứng với Kế hoạch CEAP của EU nói riêng và những tiêu chuẩn xanh của các thị trường nói chung, về cơ chế chính sách chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường với những quy định đã tham khảo chính từ những quy định của Châu Âu về kinh tế tuần hoàn, từ khâu thiết kế sản phẩm cho đến những khâu tiêu dùng và cả vòng đời của sản phẩm.

Hơn nữa, để cụ thể hóa nội dung kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn quốc gia trong thời gian tới. Đây là một nền tảng, hành lang pháp lý thuận lợi để các bộ, ngành, các địa phương hướng đến thực hiện những giải pháp kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được những nguồn vốn, hiện nay các bộ, ngành chức năng cũng đang xây dựng những văn bản liên quan quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với các dự án được cấp tín dụng xanh hay phát hành trái phiếu xanh. Qua đó tạo cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp có thể huy động được các nguồn vốn tín dụng phù hợp.

Với xu hướng chung của thế giới, hiện nay không chỉ các tổ chức tín dụng trong nước ủng hộ chủ trương, chính sách về tài chính xanh mà còn có nhiều tổ chức tín dụng quốc tế, các quỹ đầu tư sẵn sàng dành nguồn vốn xanh để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi sản xuất.

Trên cơ sở các quy định, nếu doanh nghiệp đáp ứng được những tiêu chí môi trường sẽ thu hút được những nguồn vốn để đầu tư vào quá trình xanh hóa sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

tuần hoàn
          

Bài: Việt Hằng
Ảnh: Media Team
Thiết kế: Maika

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí