[Emagazine] Miền Trung: Tiếp sức cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
29/10/2024 lúc 10:00 (GMT)

[Emagazine] Miền Trung: Tiếp sức cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

 

Bên cạnh việc triển khai thực hiện các Nghị định, Nghị quyết, Quyết định về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ, các tỉnh, thành khu vực miền Trung đã ban hành nhiều cơ chế tạo động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương.

công nghiệp hỗ trợ miền Trung

Tỉnh Quảng Nam – một trong những địa phương sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thời gian qua công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đã thu hút một số dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và các bộ phận phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô; nguyên vật liệu và phụ liệu, hóa chất phục vụ sản xuất ngành may mặc; linh kiện điện tử phục vụ ngành điện – điện tử…

Ông Lê Vũ Thương – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế tạo động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô, dệt may, da giày. Một số các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghiệp ở vùng Đông Nam của tỉnh đã được triển khai thực hiện.

Tỉnh Quảng Nam đã hình thành Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải với 31 dự án từ sản xuất linh, phụ kiện cho ngành ô tô đến lắp ráp ô tô nguyên chiếc và các ngành cơ khí; Khu công nghiệp Dệt may tại Khu Công nghiệp Tam Thăng đã thu hút được 27 dự án với các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Hyosung, Công ty TNHH MTV Panko, Công ty TNHH Oriental Commerce Vina, CTR, Công ty TNHH YeJin F&G (Hàn Quốc), Công Amann (Đức)... với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 13,04 nghìn tỷ đồng (620 triệu USD) và Khu Liên hiệp sợi - dệt - nhuộm - may tại huyện Quế Sơn, tạo động lực cho sự phát triển công nghiệp hỗ ngành cơ khí và ngành dệt may của địa phương.

Quảng Nam
Quảng Nam
Quảng Nam

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam thông tin, bên cạnh việc triển khai thực hiện các Nghị định, Nghị quyết, Quyết định về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đã cụ thể hóa thành một số chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương.

Cụ thể, tỉnh đã ban hành Quyết định số 1286/QĐ-UBND, ngày 24/4/2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 22/01/2014 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 – 2020.

Đến nay, công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Nam bước đầu đã hình thành một số ngành trong các lĩnh vực: cơ khí chế tạo (sản xuất kim loại, sản xuất các sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị, sản xuất phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy…), dệt may (sản xuất sợi, dệt, dệt nhuộm, thêu, phụ kiện ngành may…), điện – điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất pin và ắc quy, sản xuất thiết bị điện chiếu sáng...).

công nghiệp hỗ trợ

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Quyết định số 2042/QĐ-UBND ngày 04/7/2018 về Kế hoạch hành động của tỉnh Quảng Nam thực hiện Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Hàng năm, chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện quy định hướng dẫn của Trung ương về phát triển công nghiệp hỗ trợ; cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, đơn giản hóa hồ sơ thủ tục, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; tích cực hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư ổn định sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hơn nữa, tỉnh đã cụ thể hóa các nội dung, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị tại Kế hoạch số 5050/KH-UBND ngày 10/9/2018 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình số 16-CTr/TU ngày 26/6/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thaco

Với thành phố Đà Nẵng, theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước. Theo đó, thành phố tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ.

công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, HĐND thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1927/QĐ-UBND phê duyệt chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025.

Kết quả, thành phố đã hỗ trợ 1,88 tỷ đồng (năm 2022) và 2,34 tỷ đồng (năm 2023) cho các tổ chức, cá nhân sản xuất công nghiệp hỗ trợ; tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu.

Ngành Công Thương thành phố Đà Nẵng đặt ra các giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ như: bảo đảm điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghệ cao; thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đầu tư đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; kết nối cung - cầu các sản phẩm công nghiệp; bảo đảm về môi trường; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn...

Theo Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 trong Quyết định số 1125/QĐ-UBND ngày 30/7/2021, tỉnh sẽ xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa tỉnh Quảng Ngãi, với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao; ưu tiên đầu tư thực hiện các chính sách khuyến khích nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tạo nền tảng để phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; từng bước đáp ứng nhu cầu về nguyên, phụ liệu cho sản xuất tại địa phương và ngoài tỉnh cả về số lượng lẫn chất lượng.

Mục tiêu đến năm 2030, phát triển tỉnh Quảng Ngãi trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ (về một số chủng loại sản phẩm) cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Theo đề án, tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên lựa chọn phát triển 05 lĩnh vực, nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, gồm: cơ khí – chế tạo; lọc – hóa dầu; dệt may – da giày; chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

công nghiệp hỗ trợ Quảng Ngãi

Trên cơ sở Đề án, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngày 20 tháng 6 năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 554/QĐ-UBND về hướng dẫn quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi.

Tại đây, quy định cụ thể trình tự xây dựng, tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt Đề án; Tiêu chí thẩm định hồ sơ đề án…

Tại tỉnh Bình Định, ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương cho hay, công nghiệp hỗ trợ được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, một trong những nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX là “Bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng khoa học công nghệ cao, tăng tỷ lệ nội địa hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ... Tiếp tục phát triển các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác khuyến công”.

Để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Bình Định áp dụng khung chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

công nghiệp hỗ trợ miền Trung

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định ban hành:

- Quy định chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Định (Quyết định số 76/2016/QĐ-UBND ngày 19/12/2016) đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thế mạnh của tỉnh như: (1) Ngành chế biến gỗ; (2) Ngành chế biến đá; (3) Ngành chế biến thức ăn chăn nuôi; (4) Ngành cơ khí chế tạo; (5) Các ngành khác.

- Quy chế quản lý và sử dụng khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Định (Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ngày 10/3/2021) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

- Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh.

 

“Các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Trung ương nói chung và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh nói riêng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo đúng định hướng; đã xác định các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: chế biến gỗ, may mặc, thức ăn chăn nuôi…”.

Ông Ngô Văn Tổng
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định 

công nghiệp hỗ trợ miền Trung

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Nam, tỉnh này định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) theo cụm liên kết ngành.

Các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chính cần tập trung phát triển bao gồm: CNHT ngành cơ khí, CNHT cho sản xuất lắp ráp ô tô, CNHT lĩnh vực dệt – may; ngoài ra còn có CNHT lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh việc tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nguyên liệu, cung cấp điện ổn định phục vụ tốt cho sản xuất… tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt sản xuất, thúc đẩy các dự án đi vào hoạt động, gia tăng năng lực sản xuất mới. Đồng thời, có các đề xuất phương án, tham mưu UBND tỉnh giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.

Quảng Nam

Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc cho doanh nghiệp và tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính.

Ngoài ra, tập trung rà soát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng nghiên cứu các giải pháp để tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Đồng thời triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Quảng Nam

Ông Ngô Văn Tổng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho hay, thời gian tới tỉnh Bình Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và xu hướng phát triển của quốc gia và của thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp ưu tiên.

Ngoài ra, sẽ điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; ưu tiên thu hút các dự án lớn, đặc biệt từ nguồn vốn FDI, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có suất đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn.

Phối cảnh dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn
Phối cảnh dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

Tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ hiện đại vào các ngành công nghiệp ưu tiên của tỉnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo (chế biến gỗ, dệt may, thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, sản phẩm công nghệ sinh học), công nghiệp hỗ trợ (sản xuất linh kiện điện tử), công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp năng lượng, vật liệu mới.

Về nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết sản xuất phục vụ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư. Xây dựng cơ chế liên kết phát triển giữa tỉnh Quảng Ngãi và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Giải pháp về bảo vệ môi trường. Giải pháp về tín dụng, đầu tư. Giải pháp về cung cấp dịch vụ hành chính công.

Tỉnh sẽ lựa chọn phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo mô hình chiến lược hỗn hợp, có sự kết hợp giữa chiến lược kéo và chiến lược đẩy; trong đó thiên về chiến lược kéo.

công nghiệp hỗ trợ

Chiến lược kéo: Sử dụng các chính sách khuyến khích (thậm chí ràng buộc) để các doanh nghiệp lớn liên kết, phối hợp với các nhà cung cấp trong nước, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh và có lợi cho các nhà cung cấp. Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh có thể được lựa chọn để hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam, Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi, Công ty TNHH hệ thống điện GE Việt Nam (Dung Quất)...

Chiến lược đẩy: Có các chính sách khuyến khích, nâng đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, như các ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, thông tin... cho phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn lại và các loại vật tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (phục vụ cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên).

công nghiệp hỗ trợ miền Trung

Tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2024 vào ngày 17/10/2024, ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang quyết tâm đến năm 2030 vươn lên trở thành tỉnh khá của cả nước, đây là mục tiêu cao với nhiều chỉ tiêu đặt ra. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư FDI cùng đồng hành với địa phương để thực hiện mục tiêu này.

 

"UBND tỉnh Quảng Nam cam kết sẽ tiếp tục có trách nhiệm đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (trong đó có các doanh nghiệp FDI), tập trung giải quyết thủ tục hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp đặt thêm những thủ tục hành chính mà pháp luật không quy định, trường hợp sách nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch”.

Ông Lê Văn Dũng
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ QUẢNG NAM

Với những tiềm năng và triển vọng của tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang mong rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi để khảo sát thực tế, tìm hiểu sâu hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh, để tận mắt thấy được hình ảnh của Quảng Ngãi - một tỉnh thuộc vùng Duyên hải miền Trung đã và đang có những khát vọng để phát triển. Chọn Quảng Ngãi là điểm đến lý tưởng để cùng gặt hái những thành công trong tương lai.

Quảng Ngãi luôn rộng mở chào đón, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đầu tư vào các lĩnh vực: Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, logistics, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động; công nghiệp bán dẫn; y tế, môi trường, du lịch; hạ tầng đô thị, dịch vụ, thương mại.

 

"Chúng tôi cam kết, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được tạo mọi thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững. Với tâm huyết và trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của Quảng Ngãi, chúng tôi trân trọng kính mời quý doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh để biến ý tưởng đầu tư thành hiện thực tại tỉnh”.

Ông Nguyễn Hoàng Giang
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi 

QUẢNG NGÃI
 

Ngày 29/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1281/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Kế hoạch, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch là đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp mới; tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước.

Phát triển logistic theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; hình thành các trung tâm logistic gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu.

Phát triển ngành nông nghiệp của vùng theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao.

Phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi.

CNHT

Theo kế hoạch, các khu vực ven biển thuộc Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi được tập trung phát triển trở thành vùng động lực miền Trung của cả nước.

Trong đó, Đà Nẵng là cực tăng trưởng quốc gia; Quảng Nam là trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ; Thừa Thiên Huế là trung tâm công nghiệp văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, dịch vụ cảng biển, thương mại, tài chính tầm quốc tế cao; Quảng Ngãi là trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng, trung tâm du lịch biển đảo; Bình Định là trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin, dịch vụ và du lịch, trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển.

 
          

Thực hiện: Như Hạ

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí