[Emagazine] Nâng tầm Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu
05/11/2024 lúc 11:00 (GMT)

[Emagazine] Nâng tầm Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

 

Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn với triển vọng tăng trưởng tươi sáng, góp phần nâng tầm vị thế và giá trị gia tăng cho công nghiệp Việt Nam.

 

Ngành công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử có nhiệm vụ tạo ra vi mạch và linh kiện điện tử dùng để sản xuất ra các sản phẩm phức tạp.

Với tầm quan trọng của mình, trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã có sự tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế trên thế giới. Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023. Ngành bán dẫn toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

bán dẫn
cơ hội

 

Cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ sau đại dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, cũng như để tận dụng nguồn nhân lực dồi dào với chi phí hợp lý, nhiều tập đoàn, công ty sản xuất bán dẫn bắt đầu chuyển hướng đến các nước có thế mạnh tại khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

vi mạch
CEO Nvidia ký tên trên tấm bảng tại Trung tâm vi mạch bán dẫn mới thành lập trong chuyến thăm Việt Nam năm 2023. Ảnh: Lưu Quý

Với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang, với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi (thời kỳ dân số vàng) và khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore...

Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đang hoạt động tại Việt Nam như: Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)...


bán dẫn a
bán dẫn b

 

Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 - 2028.

Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI)

Trong 9 tháng năm 2024, nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn ở lĩnh vực bán dẫn được đầu tư mới và mở rộng vốn. Đáng chú ý, Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Singapore tại Bắc Ninh điều chỉnh mở rộng dự án thêm 1,07 tỷ USD.

Đồng thời, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Đáng chú ý, Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện nêu rõ 02 nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.

intel
Lao động làm việc tại nhà máy lắp ráp và thử nghiệm vi mạch điện tử của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam - Ảnh: Intel Products Việt Nam

Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Hoa Kỳ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Với bối cảnh và những lợi thế, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Thời gian qua, Việt Nam đã, đang rất tích cực xúc tiến với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới để cùng nhau hợp tác, đầu tư phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp quan trọng này.

 

bộ trưởng

Tại buổi làm việc với ông Jose Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường trong khuôn khổ tham dự tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 (San Francisco, Hoa Kỳ tháng 11/2023), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai Cơ quan cần sớm thành lập Nhóm công tác trong lĩnh vực bán dẫn và các ngành công nghiệp mang tính chất nền tảng, tập trung trao đổi sâu vào ba nội dung: (i) Tư vấn chính sách, hoàn thiện khung khổ pháp lý; (ii) Hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực; và (iii) Tổ chức kết nối các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của hai nước.

 

Đây cũng là những bài toán quan trọng mà Việt Nam cần sớm có lời giải nếu muốn nắm bắt cơ hội trên đường trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của thế giới.

 

bán dẫn 3
xây dựng bán dẫn

Để đón đầu các cơ hội mới, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách và định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Cụ thể, ngày 05/8/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” và Quyết định số 1018/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

chiến lược bán dẫn

Trong đó, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn theo lộ trình 03 giai đoạn với những mục tiêu cụ thể.

Giai đoạn 1 (2024 - 2030): Tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.

Giai đoạn này định hướng thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 01 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực. Phấn đấu quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%; quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

bán dẫn

Giai đoạn 2 (2030 - 2040): Trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI.

Ở giai đoạn này, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 02 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam phấn đấu đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%. Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

bán dẫn

Giai đoạn 3 (2040 - 2050): Trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.

Giai đoạn này mục tiêu hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 03 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%. Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển. Hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất.

 

bán dẫn 5

Lần đầu tiên tổ chức Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

 

Trong 2 ngày 07 - 08/11/2024, tại Hà Nội sẽ diễn ra Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 - SEMIExpo Viet Nam 2024 với chủ đề “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”.

Trong lần đầu tiên được tổ chức, Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam dự kiến thu hút sự tham gia của khoảng 5.000 đại biểu và khoảng 100 gian hàng từ các đối tác công nghệ lớn hàng đầu thế giới như: GlobalFoundries, Intel, Amkor, Coherent, Infineon, Lam Research, Marvell, Qorvo, Cadence, Synopsys, Siemens, Tektronix, CoAsia, Dolphin, Brainport Industries, FPT… và các trường đại học hàng đầu.

Chương trình được tổ chức nhằm những mục tiêu quan trọng.

Thứ nhất, quảng bá môi trường đầu tư, giới thiệu về tiềm năng và cơ hội đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, thu hút các doanh nghiệp quốc tế tham gia.

Thứ hai, kết nối doanh nghiệp, kết nối kinh doanh, tiếp cận chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, từ đó thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, chia sẻ xu hướng công nghệ, cung cấp thông tin cập nhật về các xu hướng công nghệ tiên tiến, giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội phát triển, chia sẻ, hợp tác sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, đối thoại chính sách, tạo ra một diễn đàn mở để các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có thể thảo luận, chia sẻ về những thách thức và giải pháp trong ngành.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực, kết nối và cung cấp cơ hội việc làm, thực tập, thông tin học bổng cho sinh viên theo học ngành bán dẫn, nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho tương lai.

 

Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 - SEMIExpo Viet Nam 2024 sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn phát triển bền vững tại Việt Nam. Qua đó, chúng ta không chỉ khẳng định vị thế của mình trên bản đồ công nghiệp toàn cầu mà còn mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp sản xuất, các nhà đầu tư…

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí