[Emagazine] Ninh Bình: Nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ
17/11/2024 lúc 19:00 (GMT)

[Emagazine] Ninh Bình: Nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ

công nghiệp hỗ trợ
công nghiệp hỗ trợ NInh BÌnh

Ninh Bình, với vị trí chiến lược nằm giữa các miền Bắc, Trung, Tây Bắc và là một phần của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đã đặt ra các chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch Ninh Bình lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột gồm: (1) Lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn; (2) Lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy một số ngành công nghiệp công nghệ cao; (3) Lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; (4) Lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình
 

Trên cơ sở Quy hoạch, tỉnh Ninh Bình bảo đảm tính tuân thủ, tính đồng bộ, tính liên kết, tính ổn định, kế thừa, phát triển, tính linh hoạt, mở rộng của quy hoạch. Trong 4 ngành kinh tế trụ cột, Ninh Bình đang tiếp tục tập trung lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Đối với công nghiệp hỗ trợ, hiện nay tỉnh Ninh Bình có nhiều chính sách và điều kiện thuận lợi phát triển ngành này nhằm phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu trong xu thế hội nhập sâu rộng.

Trong đó, các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ đã đóng góp quan trọng hình thành nên ngành CNHT trên đà phát triển mạnh ở các lĩnh vực cơ khí, dêt may, sản xuất phụ kiện lắp ráp ô tô, bao bì,… Những năm qua tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhằm củng cố vai trò của địa phương trong chuỗi cung ứng toàn quốc.

công nghiệp hỗ trợ NInh BÌnh

Tổng vốn đầu tư thực hiện 9 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh Ninh Bình ước đạt 23.900,7 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 4.612,7 tỷ đồng, tăng 2,3%; vốn ngoài Nhà nước đạt 17.923,6 tỷ đồng, tăng 0,3%; Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.364,4 tỷ đồng, tăng 22,2%.

Trong tình hình còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục triển khai các dự án đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm thiết bị để phát triển sản xuất kinh doanh như: Dự án xây dựng nhà xưởng, mua sắm tài sản, lắp đặt máy móc thiết bị phục vụ sản xuất camera module của Công ty TNHH MCNEX Vina ước đạt 405,6 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất giày của Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam ước đạt gần 132,5 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà máy sản xuất các công cụ, dụng cụ cao cấp CIBON Ninh Bình của Công ty TNHH công nghiệp CIBON Việt Nam ước đạt gần 110,7 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị sản xuất hàng may mặc của Công ty TNHH Great Global International ước đạt trên 104,5 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất giày và khu nhà ký túc xá của Công ty TNHH Ever great International ước đạt 81,5 tỷ đồng;...

Các hoạt động đầu tư công, đầu tư hạ tầng và đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ góp phần tạo việc làm và thúc đẩy các hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Trong 9 tháng năm 2024, hoạt động du lịch phát triển mạnh kéo theo các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng cao, hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi tích cực, hoạt động vận tải tăng khá, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.

Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Ninh Bình đầu tư sản xuất tại Cụm Công Nghiệp, Khánh Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình
Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Ninh Bình đầu tư sản xuất tại Cụm Công Nghiệp, Khánh Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình.

Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh Ninh Bình ước đạt 74.455,6 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước thực hiện gần 59.077,3 tỷ đồng, tăng 25,9% so với 9 tháng năm 2023.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế, củng cố, nâng cao hiệu quả khai thác các thị trường truyền thống, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm mở rộng những thị trường mới, thị trường tiềm năng.

Trong 9 tháng năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh ước đạt trên 2.606,7 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, thời gian qua hoạt động sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Ninh Bình đang phát triển tương đối tốt, đã cung cấp một khối lượng lớn các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp.

Sản xuất tại nhà máy sợi  thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Lam Giang
Sản xuất tại nhà máy sợi  thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Lam Giang.

Để tiếp tục tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, tỉnh Ninh Bình bám sát Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 1751/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình đến năm 2025; Quyết định số 20/2018/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trên cơ sở đó, tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung thu hút đầu tư theo hướng, ưu tiên các dự án công nghệ cao, các dự án sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm xuất khẩu.

công nghiệp hỗ trợ
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến công XTTM&PTCN Ninh Bình tham gia VIMEXPO 2024.

Tỉnh tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên ngành như: Xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng kết nối giao thông... Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng phát triển cụm liên kết cụm ngành công nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí, điện tử, dệt may và da giầy… Đa dạng hóa trong hợp tác, liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để cung cấp các linh kiện, sản phẩm phụ trợ, phát triển chuỗi sản xuất.

Ninh Bình

Những năm gần đây, Ninh Bình đã có những bước đi chiến lược trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, những thành quả thu được từ việc Tập đoàn Thành Công (TC Group) đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô tại Ninh Bình không chỉ đánh dấu sự phát triển của doanh nghiệp này mà còn góp phần hiện thực hóa các quan điểm và định hướng phát triển công nghiệp đúng đắn của tỉnh. Nhờ vào sự thành công của các dự án này, Ninh Bình đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

công nghiệp hỗ trợ Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình đã thu hút được hàng chục dự án đầu tư vào sản xuất linh kiện, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô như: Công ty CP Sejung tại Cụm công nghiệp Cầu Yên sản xuất ống xả, linh kiện ống xả, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả, công suất 570.500 sản phẩm/năm; dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị ô tô của Công ty TNHH ADM 21, công suất 20 triệu sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Khánh Phú; Nhà máy SAMSE VINA tại Cụm công nghiệp Cầu Yên sản xuất cáp đồng trục tự động cho ô tô với công suất 400 tấn/năm; nhà máy sản xuất lắp ráp bộ dây cáp điện ô tô ESMO VINA tại Cụm công nghiệp Gia Phú với công suất 450.000 sản phẩm/ năm; dự án của Công ty Daewon Auto Vina tại Khu công nghiệp Phúc Sơn với công suất 100.000 sản phẩm ghế ngồi ô tô/năm, Tập đoàn A1 Taizhan có trụ sở tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan, chuyên sản xuất các thiết bị, linh kiện, phụ kiện công nghệ cao cung cấp cho ngành công nghiệp ô tô, điện tử, dụng cụ thể thao và công nghiệp bán dẫn tại CCN Văn Phong...

Hai nhà máy của Hyundai Thành Công đạt tổng sản lượng lắp ráp 78.000 xe, giá trị sản xuất hàng năm trung bình chiếm gần 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Ninh Bình, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động địa phương với mức thu nhập cao, đóng góp gần 70% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, giữ vị trí doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách địa phương với gần 12.000 tỷ đồng.

Huyndai Thành Công

Mới đây, Bộ Công Thương đăng tải toàn văn Dự thảo Đề cương chiến lược phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.

Nội dung chính của chiến lược là phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước; chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe có lợi thế cạnh tranh; nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước theo hướng hiện đại.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc…

Nhằm khẳng định vị thế của Ninh Bình là trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất của cả nước tỉnh Ninh Bình cần bám sát chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tiếp tục có những cơ chế thuận lợi, chính sách hấp dẫn tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ sản xuất các linh kiện, thiết bị, phụ tùng nhằm tăng tỷ lệ nội địa hoá. chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ, hiện đại.

công nghiệp hỗ trợ Ninh Bình
Ninh Bình

Quyết định số 218/QĐ-TTg Ngày 4/03/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã nêu rõ phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.

Theo định hướng quy hoạch, toàn tỉnh Ninh Bình có 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.254 ha. Các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm các lĩnh vực: cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ô tô; công nghiệp điện tử; may mặc, công nghiệp vật liệu mới…

Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Ninh Bình đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ, phản ánh sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp trong khu vực này.

Qua khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh cho thấy hiện nay các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân viên được đào tạo nghề có kỹ năng chuyên môn, am hiểu về sản xuất công nghệ hiện đại và khả năng ứng dụng linh hoạt trong môi trường làm việc công nghiệp.

Ninh Bình
Ninh Bình

Với sự xuất hiện của nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh dẫn đến nhu cầu gia tăng tuyển dụng lao động có tay nghề, có kỹ thuật có tay nghề cao ngày càng cấp thiết và cần được quan tâm đúng mức.

Các cơ sở giáo dục đào tạo nghề trên địa bản tỉnh Ninh Bình cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao đối với các linh vực trọng điểm của tỉnh. Phối kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp.

công nghiệp hỗ trợ Ninh Bình

Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần chủ động đặt hàng các cơ sở đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh nhằm giúp Ninh Bình duy trì lợi thế cạnh tranh, phát triển các khu cụm công nghiệp và thu hút các doanh nghiệp lớn, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn diện và bền vững.

Mục tiêu của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới là đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng được những yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất sử dụng công nghệ cao, hiện đại. Trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ có thế mạnh của địa phương.

 

Thực hiện: Hạ Vĩ


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí