[eMagazine] Tận dụng EVFTA, khai thác nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất từ EU
28/08/2024 lúc 15:50 (GMT)

[eMagazine] Tận dụng EVFTA, khai thác nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất từ EU

 

Bên cạnh thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang EU, việc thực thi Hiệp định EVFTA thời gian qua cũng tác động tích cực khơi dòng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, trong đó chủ yếu là nguồn cung nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp. Ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam liên tục tăng.

 

dẹt nhuộm

 

NGUỒN CUNG CHẤT LƯỢNG CAO

cho sản xuất, xuất khẩu

 

Năm 2020 - năm đầu thực hiện EVFTA, kim ngạch nhập khẩu từ EU đạt 14,65 tỷ USD; tăng 4,34% so với năm 2019; năm 2021 đạt 16,89 tỷ USD; tăng mạnh 15,3% so với năm 2020 (Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam, Bộ Công Thương).

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), các dữ liệu về nhập khẩu từ EU vào Việt Nam trong hai năm đầu thực thi EVFTA cho thấy một số tín hiệu khả quan. Trong đó các kỳ vọng về việc tận dụng nguồn cung EU cho sản xuất, xuất khẩu Việt Nam đang dần được hiện thực hóa.

 

hoá chất
ô tô
nhựa
dệt may
thuỷ tinh

Do EU là nguồn cung của nhiều yếu tố sản xuất đầu vào quan trọng, chất lượng cao, khi mở cửa thị trường nội địa theo EVFTA, Việt Nam kỳ vọng tăng nhập khẩu với giá tốt từ nguồn này để hỗ trợ cho sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trên thực tế, trong 2 năm đầu thực thi Hiệp định, điều này đã được hiện thực hóa phần nào qua việc nhiều mặt hàng trong tốp đầu có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh từ EU là nguồn đầu vào chủ yếu cho sản xuất, xuất khẩu của một số ngành như sản phẩm hóa chất, thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm chất dẻo, linh kiện phụ tùng ô tô, thuốc trừ sâu và nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may da giày, thủy tinh….

evfta

 

Đà tăng trưởng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam chững lại từ giữa năm 2022 khi EU gặp khó khăn trong sản xuất dưới ảnh hưởng của xung đột tại một số khu vực trên thế giới và các tác động của biến đổi khí hậu ở EU.

Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam thường niên của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu từ EU năm 2022 đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,7% so với năm 2021 và kim ngạch năm 2023 đạt 14,9 tỷ USD, giảm 3,1% so với năm 2022. Tính đến hết năm 2023, bên cạnh là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, EU là thị trường nhập khẩu thứ 5 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan-Trung Quốc).

Do EU là nguồn cung của nhiều yếu tố sản xuất đầu vào quan trọng, chất lượng cao, khi mở cửa thị trường nội địa theo EVFTA, Việt Nam kỳ vọng tăng nhập khẩu với giá tốt từ nguồn này để hỗ trợ cho sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp.

nhập khẩu

Từ đầu năm 2024, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam có xu hướng phục hồi và trở lại guồng tăng trưởng. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hàng hóa từ EU nhập khẩu vào Việt Nam đạt trên 7,69 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 7,71% so với 6 tháng năm 2023.

Nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU chiếm 4,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ tất cả các thị trường trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 3 nhóm hàng nhập khẩu từ EU đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD đó là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và dược phẩm.

Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ EU trong nửa đầu năm nay là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trên 1,75 tỷ USD, chiếm 22,76% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại từ thị trường này, tăng 29,93% so với 6 tháng năm 2023.

Nhóm hàng Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu từ EU đứng thứ 2 về kim ngạch đạt trên 1,37 tỷ USD, chiếm 17,85% trong tổng kim ngạch, tăng 0,94%. Tiếp đến nhóm hàng Dược phẩm đạt trên 1,06 tỷ USD, chiếm 13,78% trong tổng kim ngạch, tăng 25,7%.

Về tốc độ tăng trưởng, đa số các nhóm hàng hóa nhập khẩu từ EU trong 6 tháng đầu năm nay đều tăng kim ngạch so với 6 tháng năm 2023, trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 23,65%, đạt 133,66 triệu USD; Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 21,72%, đạt 119,64 triệu USD; Phân bón các loại tăng 36,85%, đạt 23,25 triệu USD…

nhập khẩu

Ngược lại, một số nhóm hàng xuất khẩu giảm mạnh gồm có: Thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 59,16%, chỉ đạt 72,41 triệu USD; Quặng và khoáng sản giảm 48%, đạt 2,9 triệu USD; Sản phẩm từ giấy giảm 48,5%, đạt 1,29 triệu USD; Nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 52,5%, đạt 0,88 triệu USD.

Việc kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất như: hoá chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, chất dẻo nguyên liệu, xơ sợi dệt… tăng mạnh là tín hiệu cho thấy hoạt động sản xuất các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phục hồi.

evfta

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

kết nối với các nhà cung cấp EU

Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu từ đa số các thị trường chủ lực trong khối EU đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Ireland đạt gần 1,78 tỷ USD, chiếm 23,08% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ EU, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2023; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 267,05 triệu USD, tăng 7,85% so với tháng 5/2024 nhưng giảm 28,41% so với tháng 6/2023.

Đứng thứ 2 là thị trường Đức đạt trên 1,75 tỷ USD, chiếm 22,79%, giảm nhẹ 0,9%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 304,13 triệu USD, giảm 14,95% so với tháng 5/2024 và giảm 4,21% so với tháng 6/2023.

Tiếp đến thị trường Pháp đạt 882,82 triệu USD, chiếm 11,47%, tăng 11,63%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 154,81 triệu USD, tăng 3,49% so với tháng 5/2024 và tăng 14,57% so với tháng 6/2023.

Nhập khẩu từ thị trường Italia đạt gần 883 triệu USD, chiếm 11,48%, tăng 10,28%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 167,27 triệu USD, tăng 8,01% so với tháng 5/2024 và tăng 24,91% so với tháng 6/2023.

cơ cấu

Việc nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất của Việt Nam từ EU tăng mạnh trở lại cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục khai thác tốt Hiệp định EVFTA mang lại lợi ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dự báo thời gian tới, thương mại Việt Nam - EU sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan khi các doanh nghiệp tận dụng ngày càng hiệu quả những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, cùng với nhiều dòng thuế tiếp tục được cắt giảm theo lộ trình đã cam kết khi bước sang năm thứ 5 có hiệu lực. Bên cạnh đó, kinh tế EU đang dần phục hồi, lạm phát giảm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong khu vực là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU. Đồng thời cũng tạo động lực thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất từ thị trường này vào Việt Nam.

kinh tế

 

Để tận dụng tốt hơn các cơ hội giao thương, hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp quan trọng. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành khác, các hiệp hội ngành hàng, địa phương tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến tiêu thụ, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu EU được thực hiện có hiệu quả.

Tập trung xúc tiến kết nối giao thương giữa doanh nghiệp các ngành hàng, địa phương của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp các nước Thành viên EU, doanh nghiệp FDI và kết nối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng với đó, hỗ trợ tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn tại EU nhằm hỗ trợ cho nhóm sản phẩm chủ lực và nhóm sản phẩm bị sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong năm vừa qua; đồng thời hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu chất lượng, phù hợp phục vụ sản xuất của doanh nghiệp.

 

Bài: Hoàng Phương
Ảnh: Team Media
Thiết kế: An Vũ

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí