[Emagazine] Thực hiện truy xuất nguồn gốc theo Quy định EUDR của EU: Thách thức và giải pháp
10/07/2024 lúc 08:00 (GMT)

[Emagazine] Thực hiện truy xuất nguồn gốc theo Quy định EUDR của EU: Thách thức và giải pháp

 

Quy định của Liên minh châu Âu (EU) về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng, hay còn gọi ngắn gọn là Quy định chống phá rừng (EUDR) nhằm mục tiêu giảm thiểu sự đóng góp của EU vào phá rừng và suy thoái rừng trên toàn cầu. Một trong những yêu cầu quan trọng và cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp chính là quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Việc đáp ứng được các quy định của EUDR, trong đó có quy định truy xuất nguồn gốc, không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam duy trì thị trường xuất khẩu quan trọng, mà còn nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi theo hướng bền vững.

Tìm hiểu toàn văn Quy định EUDR theo văn bản chính thức của Ủy ban châu Âu phát hành tại địa chỉ: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri =CELEX:32023R1115

truy xuất EUDR

 

Theo Tổ chức Forest Trends, EUDR đưa ra hai yêu cầu cốt lõi đối với 07 nhóm sản phẩm chịu sự kiểm soát của EUDR ban đầu bao gồm: dầu cọ, đậu nành, gỗ, ca cao, cà phê, gia súc và cao su lưu thông tại thị trường này là: (i) không làm mất rừng và (ii) hợp pháp.

Theo đó, sản phẩm được sản xuất trên các diện tích đất liên quan tới mất rừng hoặc suy thoái rừng sau thời điểm 31/12/2020 sẽ không được nhập khẩu và lưu thông tại thị trường EU.

 
quy định EUDR

EUDR định nghĩa:

• "Mất rừng" được hiểu là hoạt động chuyển đổi từ rừng sang đất nông nghiệp.

• "Suy thoái rừng" là sự chuyển đổi mang tính chất hệ thống từ rừng tự nhiên hoặc rừng tái sinh tự nhiên sang các diện tích rừng trồng.

 

Sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ toàn bộ các yêu cầu liên quan của quốc gia sản xuất. Các yêu cầu này bao trùm nhiều lĩnh vực, gồm các quyền về đất đai, quy định về bảo vệ môi trường, quy định liên quan tới rừng (bao gồm quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học), quyền của bên thứ ba (quyền cộng đồng), quyền của người lao động, quyền con người theo các công ước quốc tế mà quốc gia đó đã ký kết, nguyên tắc đồng thuận tự nguyện, được thông báo trước và thông tin đầy đủ (FPIC) được đưa ra trong Tuyên bố về Quyền của người bản địa (của Liên hợp quốc), các quy định về thuế, phí, thương mại, hải quan….

Để chứng minh sản phẩm thỏa mãn cả hai yêu cầu cốt lõi nêu trên, EU yêu cầu nhà nhập khẩu thu thập các thông tin làm bằng chứng chứng minh, và khai báo trong bản Cam kết về trách nhiệm thẩm định chuỗi cung ứng (due diligence statement). Doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp bản cam kết này cho cơ quan thẩm quyền của EU trước khi nhập khẩu hàng hóa vào khối này.

Trong số các quy định quản lý rủi ro trong chuỗi cung ứng, yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa tới tận vị trí địa lý của mảnh đất nơi sản xuất ra sản phẩm được EU ưu tiên hàng đầu.

Điều 2 của EUDR định nghĩa “vị trí địa lý” (geolocation) như sau:

• Vị trí địa lý của một thửa đất được mô tả bằng kinh độ và vĩ độ tương ứng với ít nhất một điểm có kinh độ và vĩ độ sử dụng ít nhất 6 chữ số thập phân.

• Đối với các thửa sản xuất sản phẩm ngoài gia súc có diện tích trên 4 ha, tọa độ địa lý của các điểm thuộc đường đa giác (polygon) mô tả ranh giới thực tế của thửa đất đó cần được cung cấp.

Theo Điều 9 khoản d của EUDR, doanh nghiệp cần thu thập và lưu trữ trong vòng 5 năm các thông tin liên quan đến sản phẩm nhằm chứng minh sản phẩm hợp pháp và không gây mất rừng, đồng thời khai báo với cơ quan thẩm quyền khi được yêu cầu.

Trong đó, quy định thông tin đối với nơi sản xuất ra sản phẩm được ban hành như sau:

• Vị trí địa lý của tất cả các thửa đất mà sản phẩm được sản xuất cũng như ngày tháng hoặc khoảng thời gian sản xuất phải được cung cấp. Nếu sản phẩm được sản xuất trên nhiều thửa đất khác nhau, vị trí địa lý của tất cả các thửa đất đó cần được khai báo.

• Nếu quá trình sản xuất sản phẩm tại bất kỳ thửa đất nào gây ra mất rừng (tính từ thời điểm 31/12/2020), tất cả các sản phẩm được sản xuất trên mảnh đất đó không đủ tiêu chuẩn để lưu thông tại thị trường EU.

Phạm vi các sản phẩm áp dụng trước mắt của Quy định EUDR

danh mục EUDR
(Nguồn: ezlab.it)

Dữ liệu về vị trí địa lý của thửa đất canh tác được doanh nghiệp khai báo sẽ được EU lưu trữ trong hệ thống thông tin quản lý các Bản cam kết về trách nhiệm thẩm định chuỗi cung ứng. Hệ thống này dự kiến sẽ được xây dựng xong muộn nhất là ngày 30/12/2024. EU khuyến khích các bên sử dụng các dữ liệu và dịch vụ không gian cung cấp trong khuôn khổ Chương trình vũ trụ của EU (EGNOS/Galileo and Copernicus) để xác địa vị trí địa lý của thửa đất canh tác.

Như vậy để hàng hóa đáp ứng được yêu cầu của EUDR, doanh nghiệp nhập khẩu cần cung cấp thông tin về vị trí địa lý các sản phẩm này được tạo ra và chứng minh rằng quá trình sản xuất tại các vị trí này không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng kể từ ngày 31/12/2020.

giải pháp EUDR

Theo Forest Trends, cà phê, gỗ và cao su là ba nhóm mặt hàng quan trọng hiện đang được các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU. Hiện Chính phủ Việt Nam đang thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên. Các diện tích mới chuyển đổi từ các diện tích rừng tự nhiên sang rừng trồng gỗ, cà phê, cao su chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ.

Nếu chiếu theo quy định của EUDR, nhìn chung ba ngành hàng này của Việt Nam ít có nguy cơ bị xếp vào nhóm rủi ro gây mất rừng và suy thoái rừng do diện tích sản xuất ba mặt hàng đã ổn định từ trước 2020. Tuy nhiên, để chứng minh điều này trên thực tế lại đối mặt với nhiều thách thức do thiếu các bằng chứng pháp lý cần thiết.

rừng Việt Nam

Qua nghiên cứu, các chuyên gia Forest Trends cho rằng có 03 khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của EUDR.

Thứ nhất, tính pháp lý của đất canh tác thuộc sở hữu của nông hộ sản xuất chưa rõ ràng

Một đặc điểm chung của cả ba ngành gỗ, cà phê, cao su là chuỗi cung có sự tham gia của nhiều nông hộ. Các hộ thường có diện tích canh tác nhỏ, manh mún, chủ yếu là dưới 1 ha. Một hộ có thể có nhiều mảnh đất khác nhau, thậm chí tận dụng trồng cây trên các diện tích gần nhà vốn không được phân loại là đất rừng trồng hoặc đất nông nghiệp thuộc sở hữu của hộ. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ các hộ hiện chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), hoặc nếu có thì chỉ giới đất ghi trên sổ đỏ lại không khớp với thực tế. Điều này có nhiều nguyên nhân như bà con canh tác trên thửa đất thuộc sở hữu của gia đình mình từ nhiều đời và không quan tâm đến sổ đỏ, hoặc quá trình đo đạc thửa đất xảy ra sai sót, hộ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Do nhiều nguyên nhân nên nhiều hộ phản ánh việc cấp mới hoặc sửa chữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất khó khăn, thủ tục phức tạp và kéo dài.

Thứ hai, chuỗi cung phức tạp, nhiều khâu trung gian

Chuỗi cung của cả ba ngành hàng hiện nay dài/ phức tạp với nhiều bên tham gia. Tại khâu đầu của chuỗi, nông hộ đóng vai trò chủ đạo với hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu hộ tham gia khâu sản xuất. Mỗi hộ thường có 2-3 mảnh đất canh tác, có hộ có 5-6 mảnh, với nguồn gốc đất của các mảnh đất này có thể khác nhau (ví dụ đất được nhà nước giao, đất hộ tự mua, đất tự khai hoang…).

Một số hộ thiếu các bằng chứng pháp lý minh chứng minh mình là chủ thể hợp pháp khi sử dụng các mảnh đất này. Một số mảnh đất được các hộ tự khai hoang, hoặc mua bán theo hình thức phi chính thống.

Nguồn gốc đất đai không rõ ràng do thiếu các bằng chứng pháp lý, bao gồm cả việc cơ quan quản lý đất đai ở địa phương thiếu nguồn lực để thực hiện việc đo đạc và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho hộ là các thách thức lớn trong việc chứng minh tính pháp lý của nguồn đất mà hộ sử dụng.

Sản phẩm hộ sản xuất ra được thu mua bởi các tiểu thương. Hiện trong cả ba ngành hàng này, mạng lưới tiểu thương bao gồm rất nhiều đại lý thu mua hoạt động từ cấp thôn, xã đến huyện. Các đại lý này đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng, kết nối nông hộ với người mua là các cơ sở chế biến, xuất khẩu.

Các hộ tiểu điền sở hữu một lượng lớn diện tích canh tác trong các ngành này, đặc biệt là cà phê và cao su. Tuy nhiên, do diện tích nhỏ và manh mún, sản lượng thu hoạch của các hộ thường quá nhỏ để ký hợp đồng bán trực tiếp cho các công ty chế biến mà chủ yếu là bán qua kênh của các tiểu thương.

Các tiểu thương này mua gom sản phẩm từ nhiều hộ khác nhau rồi bán lại cho các đại lý lớn hơn hoặc bán cho công ty chế biến xuất khẩu. Giao dịch giữa hộ và các tiểu thương thường mang tính chất phi chính thức, với các ưu tiên tập trung vào chất lượng sản phẩm và giá cả trong khi các yêu cầu về pháp lý như bằng chứng về nguồn gốc sản phẩm, về các giao dịch (ví dụ thuế, phí) thường bị bỏ qua.

Một số tiểu thương có thu thập giấy tờ chứng minh nguồn gốc của sản phẩm, tuy nhiên trong thực tế rất khó kiểm soát việc liệu các tiểu thương này có trộn lẫn các sản phẩm được thu hoạch từ các nơi khác nhau vào chuỗi cung hay không, đặc biệt là với các mặt hàng nông sản rời như cà phê, mủ cao su.

hiện trạng EUDR

Thứ ba, khó khăn trong việc nông hộ tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách

Nông hộ tham gia vào ba chuỗi cung nêu trên thường sống tại các khu vực miền núi nơi tiếp cận với thông tin, bao gồm các yêu cầu về cơ chế chính sách mới thường hạn chế. Thông thường, nguồn thông tin mà hộ được cập nhật được chuyển tải qua kênh của chính quyền địa phương hoặc thương lái thu mua. Tuy nhiên, đối với nhiều hộ các thông tin này không thiết thực.

Điều mà hộ quan tâm nhất là sản phẩm mà hộ làm ra có tìm được thị trường đầu ra dễ dàng hay không, và mức giá bán sản phẩm là bao nhiêu. Người mua, trong trường hợp này là hệ thống thương lái, đóng vai trò quan trọng nhất đối với hộ. Đối với thương lái, như đã đề cập ở trên, chất lượng sản phẩm và giá cả là những yếu tố quan trọng nhất.

cao su
cao su
cà phê
gỗ xuất khẩu

Nông hộ và các thương lái có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng với các yêu cầu của EUDR, cụ thể là các yêu cầu có liên quan tới tính pháp lý của thửa đất sản xuất, vị trí địa lý của thửa đất và yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.

Là người cung cấp các sản phẩm cho chuỗi, hộ có vai trò thu thập thông tin và bằng chứng về tính hợp pháp của hoạt động sản xuất diễn ra trên các thửa đất của mình. Hộ cũng cần thu thập thông tin để đảm bảo quá trình canh tác trên mảnh đất của mình không gây mất rừng.

Các thông tin này không phải lúc nào hộ cũng sẵn có. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các mảnh đất mà hộ canh tác là chức năng của chính quyền địa phương. Xác định việc có rừng (hay không) trên các thửa đất mà hộ canh tác tại thời điểm 31/12/2020 là vai trò của chính quyền địa phương. Xác định hộ sử dụng đất đúng với mục đích cũng là vai trò của chính quyền.

Tóm lại, để đáp ứng các yêu cầu của EUDR có liên quan tới thửa đất sản xuất của hộ đòi hỏi có sự tham gia trực tiếp của chính quyền địa phương vì bản thân hộ không phải lúc nào cũng có thể thu thập và cung cấp được các thông tin này.

Mặt khác, do trình độ giáo dục và hiểu biết hạn chế, việc yêu cầu các hộ cung cấp tọa độ thửa đất canh tác của mình, đặc biệt là với các mảnh có diện tích trên 4ha sẽ là một thách thức lớn. Hiện tại, ở Việt Nam có lưu hành 2 mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi mẫu giấy mới có hiệu lực từ cuối năm 2009 (hay còn gọi là sổ hồng) có ghi rõ tọa độ của ranh giới thửa đất theo hệ tọa độ quốc gia VN2000 thì mẫu cũ (sổ đỏ) không ghi tọa độ cụ thể, chủ sở hữu muốn biết thì phải liên hệ với chính quyền địa phương. Điều này sẽ gây khó khăn cho các chủ đất đang sử dụng mẫu sổ cũ.

Ngoài ra, tuy EU chưa quy định cụ thể về các hệ tọa độ viễn thám nào sẽ được chấp nhận, các cơ quan quản lý ở phía Việt Nam cũng cần nghiên cứu vấn đề này để kịp thời hỗ trợ các hộ nếu cần.

Tình trạng không chính thống trong giao dịch giữa các thương lái và nông hộ đòi hỏi cần chuyển thành các giao dịch chính thống, với hai bên tuân thủ với các yêu cầu của Chính phủ Việt Nam quy định về các giao dịch này.

Điều này sẽ góp phần đáp ứng được yêu cầu của EUDR về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kiểm soát chuỗi cung.

gỗ EUDR

Bài: Phương Thúy
Ảnh: Media Team
Thiết kế: Maika


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí