Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao trong khuôn khổ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia, từ 2020 đến nay, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức sự kiện thương niên Triển lãm quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO là nơi quy tụ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo trên cả nước và quốc tế để quảng bá, kết nối giao thương và xây dựng những mối quan hệ hợp tác chiến lược, bền vững trong chuỗi giá trị.
Năm 2024, Triển lãm VIMEXPO tổ chức lần thứ 05 đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia của các Hiệp hội, các tổ chức, các doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo như: Tập đoàn Thaco, Toyota Việt Nam, TCT VEAM, Huyndai, Samsung, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương Hải Phòng, Cơ khí 83, Diesel Sông Công, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Vinami, Azuma, Osaka, Cao su 75, … với những sản phẩm và công nghệ tiên tiến nhất, đây sẽ trở thành “điểm gặp gỡ lý tưởng” để các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận các công nghệ mới, cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng, hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong và ngoài nước.
Với định hướng “Kết nối để phát triển”, Triển lãm VIMEXPO 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng của Bộ Công Thương trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam góp phần hiện thực hóa các chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết số 141/2024/QH15 ngày 29/6/2024 vừa qua.
Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những trụ cột quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh và khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong những năm qua, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Đảng và Nhà nước; cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước.
Báo cáo của Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,3%). Trong đó, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,2%).
Ở góc độ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo sơ bộ đạt 253,9 tỷ USD, chiếm 84,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 9,6%).
Nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến có kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao hai con số, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: sản phẩm chất dẻo tăng 30,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 21,5%; hàng dệt và may mặc tăng 8,9%; giày dép các loại tăng 12,5%; sắt thép các loại tăng 14,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 27,4%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 30%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 22%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 7,2%...