Những năm trở lại đây, việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca đã mở ra hướng phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số M’Nông, huyện Tuy Đức (Đắk Nông).
Cây mắc ca có nguồn gốc ở vùng Á nhiệt đới ẩm (châu Úc), còn có tên gọi là cây quả cứng Hawaii. Mắc ca là loại cây gỗ lớn, tên khoa học là macadamai, thuộc họ Protaceae là loài cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; cho quả có nhân chứa chất dinh dưỡng khá cao, hàm lượng dầu tới 78%.
Trong dầu mắc ca có trên 87% là axit béo không no, hàm lượng protein trong nhân lên tới 9,2%, cùng 20 loại axít amin rất cần thiết cho cơ thể… Nhân hạt mắc ca được dùng làm thực phẩm cao cấp, dầu được dùng trong các loại mỹ phẩm, rất được ưa chuộng ở thị trường Âu Mỹ.
Hạt mắc ca có giá trị sử dụng cao, có tới 90% lượng hạt mắc ca được dùng cho mục đích thực phẩm, bởi thành phần của hạt rất giàu vitamin A, Omega 3, Omega 6 và các chất dinh dưỡng khác, có lợi cho sức khỏe, giúp chống oxy hóa, giảm cân, giảm bệnh tim mạch…
Cây mắc ca được đưa vào thử nghiệm tại Việt Nam năm 1994 tại Trung tâm Ba Vì, Hà Nội. Và chỉ 5 năm sau đã có kết quả khả quan về sinh trưởng, phát triển và triển vọng kinh tế. Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng về đất đai và khí hậu thích hợp với phát triển cây mắc ca.
Đắk Nông là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên có chế độ khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới với ngày nóng, đêm lạnh, ít chịu ảnh hưởng của bão. Do đó, Đắk Nông là nơi có điều kiện khí hậu và đất đai rất phù hợp để phát triển cây Mắc ca.
Vùng trồng mắc ca phải có nhiệt độ đêm lạnh từ 17-18 độ C đạt tới 5 tuần thì cây mới ra hoa. Điều này ở Đắk Nông hoàn toàn đáp ứng được.
Mắc ca là loại cây mới được đưa vào trồng thử nghiệm ở Đắk Nông khoảng hơn 10 năm trở lại đây và đã trở thành một trong những địa phương trồng nhiều mắc ca. Hiện nay, tỉnh có gần 2.800 ha mắc ca, tập trung chủ yếu ở các huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong.
Tuy Đức là một trong 4 huyện vùng biên giới của tỉnh Đắk Nông, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số M’Nông sinh. Đây là vùng đất có thổ nhưỡng, khí hậu rất thuận lợi cho cây Mắc ca phát triển tốt, năng suất cao.
Từ năm 2015 đến 2020, tỉnh Đắk Nông đã quyết định đầu tư hơn 1.133 tỷ đồng cho dự án phát triển trồng cây mắc ca thuộc 5 xã của huyện biên giới Tuy Đức, với tổng diện tích hơn 12.000 ha.
Trong đó, vốn tín dụng hơn 512 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp gần 536 tỷ đồng, còn lại khoảng 85 tỷ đồng vốn Nhà nước hỗ trợ cho nông dân tham gia dự án.
Để dự án trồng cây mắc ca thành công, tỉnh Đắk Nông thực hiện các giải pháp như: khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia dự án; tỉnh hỗ trợ lãi suất khi cá nhân, doanh nghiệp vay vốn để trồng cây mắc ca, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha theo quy định của Chính phủ.
Từ 2 ha mô hình khảo nghiệm trồng cây mắc ca vào năm 2010, đến nay toàn huyện Tuy Đức đã có hơn 1.900 ha mắc ca. Trong đó, có khoảng 942 ha mắc ca đang cho thu hoạch. Sản lượng mắc ca của Tuy Đức năm 2022 đạt trên 540 tấn.
Mắc ca mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ. Trong 5 năm qua, giá mắc ca tươi trên địa bàn huyện luôn duy trì ở mức cao, từ 85.000-100.000 đồng/kg. Doanh thu của mắc ca khoảng 80-120 triệu đồng/ha.
Việc phát triển cây Mắc ca ở huyện Tuy Đức không chỉ giúp bà con dân tộc vùng biên giới xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống mà tạo ra vùng kinh tế có giá trị cao ở địa phương.
Gia đình chị Thị Ý, người M’nông, ở bon Bu Prăng, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức có 2 ha đất trồng cà phê. Năm 2010, Thị Ý trồng xen 200 cây mắc ca trong vườn cà phê này. Nhờ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, dễ chăm sóc, nên 200 cây mắc ca phát triển tốt. Mỗi vụ mắc ca, chị thu hoạch được khoảng hơn 1 tấn quả, bán với giá từ 90.000 - 120.000 đồng/kg. Nhiều năm qua, cây mắc ca đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.
Trước những giá trị kinh tế mà trái mắc ca mang lại, tỉnh Đắk Nông đang xây dựng Tuy Đức trở thành “thủ phủ mắc ca” của Tây Nguyên.
Theo Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, huyện Tuy Đức đặt mục tiêu đạt 3.247 ha mắc ca vào năm 2025. Đến năm 2030, huyện đạt 5.897 ha mắc ca và đến năm 2050 đạt 6.035 ha.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, HTX đã thực hiện việc liên kết thu mua sản phẩm, chế biến mắc ca. Các cơ sở đẩy mạnh đưa sản phẩm đi chào hàng, quảng bá tại các hội nghị, hội chợ, triển lãm, đầu mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
So với cà phê, hồ tiêu, điều... hiệu quả kinh tế mắc ca mang lại đều lớn hơn khá nhiều. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca rất ổn định. Trong đó, mắc ca sấy khô thường có giá cao, từ 220.000-250.000 đồng/kg.
Trên địa bàn huyện Tuy Đức đã có 8 cơ sở, 2 đại lý thu mua, sơ chế, chế biến hạt mắc ca. Huyện đã thành lập được 2 HTX sản xuất và thu mua hạt mắc ca ở xã Quảng Trực.
Có 2 sản phẩm hạt mắc ca sấy khô của 2 cơ sở chế biến trên địa bàn huyện được chứng nhận OCOP hạng 3 sao. Huyện có 70 ha mắc ca của HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (xã Quảng Trực) đạt tiêu chuẩn VietGAP.
HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực được thành lập năm 2017, có vùng nguyên liệu mắc ca 230 ha. HTX hiện có 140 thành viên, trong đó có nhiều hộ là người dân tộc M’nông. Mỗi năm, HTX xuất bán khoảng 120 tấn mắc ca thô, 15 tấn mắc ca đã qua chế biến, đóng gói. Ngoài thu hoạch, các thành viên còn tham gia chế biến mắc ca trong HTX và được trả lương theo ngày công lao động.
Đến năm 2020, HTX có hơn 70 ha mắc ca của 42 hộ (sản lượng gần 25 tấn/năm) đạt chứng nhận VietGAP. Sau khi có sản phẩm tốt, HTX đầu tư mua máy tách vỏ, máy sấy hạt, chế biến các sản phẩm mắc ca chất lượng cao. HTX còn dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã QR code. Năm 2020, sản phẩm "Mắc ca M’nông" của HTX được công nhận đạt OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh.
Hiện nay, sản phẩm mắc ca chế biến của HTX khi bán ra thị trường có giá cao hơn từ 100.000 - 125.000 đồng/kg so với sản phẩm thô. Phần lớn sản phẩm mắc ca của HTX đều bán được với giá 225.000 - 250.000 đồng/1 kg. Ngoài thị trường trong nước, HTX cũng tiếp cận được với thị trường tỉnh Mondulkiri (Campuchia) để xuất khẩu mắc ca.
HTX Nông nghiệp Long Việt (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) cũng là một trong những điểm sáng với mô hình trồng, sản xuất và chế biến mắc ca.
HTX Nông nghiệp Long Việt được thành lập vào cuối năm 2019, mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn sản phẩm mắc ca chưa chế biến và gần 30 tấn sản phẩm mắc ca qua chế biến. Với số lượng dân tộc thiểu số trên địa bàn xã chiếm tới 60%, từ khi phát triển mô hình trồng cây mắc ca, đời sống đồng bào địa phương thay đổi rõ rệt.
Hiện diện tích cây mắc ca của các thành viên trong HTX Nông nghiệp Long Việt là 138 ha, mắc ca của các thành viên và các bà con sau khi được thu hoạch sẽ do HTX thu mua và đưa đi chế biến. Đồng thời, nếu sản lượng lớn thì HTX cũng hỗ trợ bà con liên kết với các doanh nghiệp khác đưa về chế biến.
Hiện HTX Nông nghiệp Long Việt có 22 thành viên chính thức và 45 thành viên liên kết, trong đó các thành viên dân tộc thiểu số tại chỗ và vùng miền chiếm hơn 70%. HTX đang thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động chính thức, mức thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, nhiều lao động thời vụ, đa số là người dân tộc thiểu số trong vùng, với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Dư địa lớn cho trái mắc ca
Hiện trên thế giới mắc ca là cây trồng có nhu cầu rất lớn nhưng không phải nước nào cũng trồng được. Chỉ có khoảng 20 nước trên thế giới trồng được cây mắc ca. Ngay nước Úc, nơi khởi xướng trồng loại cây này nhưng cũng không mở rộng được diện tích.
Nhu cầu tiêu dùng mắc ca thế giới hiện cao gấp 4 lần so với tổng sản lượng nên dư địa cho xuất khẩu sản phẩm này còn rất lớn. Trong đó, các thị trường có tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức đang rất ưa chuộng loại mặt hàng này.
Thời gian qua, hoạt động trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm mắc ca trên cả nước đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện đã có 29 tỉnh trồng được mắc ca với diện tích hơn 20.000 ha, chủ yếu ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.
Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án phát triển bền vững mắc ca, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Đề án đặt ra mục tiêu sản lượng mắc ca qua chế biến sẽ đạt khoảng 130 ngàn tấn hạt vào năm 2030 và đạt 500 ngàn tấn vào 2050. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD vào năm 2030 và đạt 2,5 tỷ USD vào 2050.
Về cơ sở chế biến, đến năm 2030 khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca gắn với vùng trồng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; nâng cấp 65 cơ sở sơ chế, chế biến hiện có, xây dựng mới khoảng 300 - 400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở từ 100 - 200 tấn hạt/năm.
Đề án nêu rõ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở từ 10.000 - 15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.
Về quy mô diện tích, dự kiến đến năm 2030 cả nước đạt từ 130 - 150 ngàn ha và tập trung chủ yếu ở các vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên. Riêng Tây Nguyên khoảng 45 ngàn ha, chủ yếu phân bổ 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum.
Để phát triển thị trường tiêu thụ, giải pháp đặt ra đối với thị trường trong nước, các địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm mắc ca.
Đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại.
Các địa phương và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước.
Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn