Người Khùa ở Quảng Bình chủ yếu sinh sống tại 23 bản của hai xã biên giới là Dân Hóa và Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, nơi có dãy Núi Giăng Màn hùng vĩ, quanh năm mây mù bao phủ. Người Khùa nơi đây hiện vẫn gìn giữ nghề đan lát mây, tre truyền thống. Đối với người Khùa, những sản phẩm đan lát thủ công không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày mà còn chứa đựng nét văn hóa độc đáo của bản, làng.
Từ nguyên liệu vô cùng đơn giản, mộc mạc là những nan tre được chẻ nhỏ, qua bàn tay khéo léo của người thợ sẽ trở thành các sản phẩm vô cùng tinh tế như mâm cơm (Cu Tôốc), gùi (A Chói), gùi nhỏ (Cà Nhăng), giỏ nhỏ đựng cơm (Típ), giỏ đựng cá (Cù Pá)…
Tại lễ cưới của người Khùa, trong các sính vật mà nhà trai đưa đến nhà gái có 3 sản phẩm của nghề đan lát gồm mâm cơm, gùi nhỏ và giỏ đựng cơm. Trong đó, mâm cơm là một lễ vật bắt buộc. Vì thế ngày xưa, bất kể chàng trai người Khùa nào cũng được ông cha họ truyền dạy nghề đan lát.
Biết đan hoàn chỉnh một chiếc mâm là cách những chàng trai người Khùa thể hiện sự tài hoa, khéo tay của mình trước các thiếu nữ trong bản.
Kỹ thuật đan lát của người Khùa không khác mấy so với kiểu đan của người Kinh, nhưng về hoa văn thì có nhiều điểm khác biệt do quan niệm về tín gưỡng và thiên nhiên khác nhau.
Cụm hoa văn được trang trí trên chiếc mâm vừa có ý nghĩa thẩm mỹ, vừa mang dấu ấn tín ngưỡng của người Khùa. Đó là tục thờ thần linh và mong muốn các vị thần giúp cho con người sinh sống yên bình, cho vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt.
Sản phẩm đan xong, người Khùa chưa sử dụng ngay mà treo lên gác bếp để hun khói. Khói bếp làm cho những sản phẩm này ngả sang mầu nâu đậm hoặc vàng mật rất đẹp.
Để đan được chiếc mâm theo đúng tiêu chuẩn đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và phải trải qua nhiều công đoạn. Nguyên liệu đan mâm phải là những cây tre, nứa có độ tuổi từ ba năm trở lên. Tre, nứa chặt ở rừng về được ngâm nước ở các khe suối một thời gian cho lên màu, chống mối mọt; sau đó vớt lên để khô rồi chẻ, vót thành từng sợi nan để đan.
Ngoài tre, nứa, người Khùa còn phải chọn những cây mây thẳng, tròn đều, không sâu bệnh để đan thành sản phẩm. Bởi thế, khai thác đủ nguyên liệu để đan một chiếc mâm có khi người Khùa phải mất cả tuần đi rừng.
Muốn có những chiếc mâm đẹp, quan trọng nhất là kỹ thuật vót tre, mây phải mảnh đều, mềm mại. Với người Khùa, chiếc mâm gồm hai phần thân và đế. Tùy theo tính chất sử dụng mà người Khùa làm ra những chiếc mâm to hay nhỏ, cũng như độ nông, sâu của bề mặt chiếc mâm đan bằng mây, tre cho phù hợp.
Tuổi thọ sản phẩm cũng tùy thuộc vào chất lượng nguyên vật liệu và tay nghề của người đan, có những chiếc mâm sử dụng được trên 20 năm, thậm chí lâu hơn thế, giá một chiếc mâm hiện nay tùy kích thước có giá từ 700 nghìn đồng đến 2 triệu đồng. Ngoài mâm cơm, còn có nhiều sản phẩm giá dao động từ 70 - 150.000 đồng như: giỏ, gùi, rổ, rá…
Người Khùa hầu như ai cũng biết đan lát, xem đó là nghề truyền thống và là niềm tự hào của bản, làng mình.
Người Khùa ở miền tây Quảng Bình hiện nay vẫn luôn ý thức gìn giữ nghề đan lát truyền thống. Tuy nhiên số lượng người hiện đang sống bằng nghề đan lát còn ít bởi sản phẩm làm ra chỉ chủ yếu dùng trong gia đình và bán cho những gia đình trong bản, trong xã. Hơn nữa, các sản phẩm này lợi nhuận đem lại không nhiều.
Để hoàn thành mỗi chiếc mâm, thường phải mất hơn 10 ngày, đó là chưa tính ngày đi rừng để lấy vật liệu. Nếu kiên trì ngồi đan thì mỗi tháng sẽ làm được khoảng 3 sản phẩm, mỗi sản phẩm bán được từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Bình quân mỗi năm, cũng chỉ làm được 8 đến 10 chiếc mâm, vài chục chiếc gùi nhỏ…
Tại xã Trọng Hóa hiện có khoảng 30% gia đình đang giữ nghề đan lát, những người làm nghề thường là người cao tuổi, khoảng từ 60 - 75, vì vậy số lượng sản phẩm làm ra cũng ít dần.
Thời gian qua, xã Dân Hóa và xã Trọng Hóa luôn xác định việc khôi phục và bảo tồn văn hóa đồng bào gắn với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Các địa phương đã tập trung tuyên truyền, khuyến khích bà con duy trì nghề đan lát, tích cực vận động bà con sử dụng các sản phẩm mây tre đan để phục vụ đời sống hàng ngày, và giới thiệu quảng bá sản phẩm bằng nhiều kênh khác nhau. Để giúp người dân giữ được nghề, có thêm thu nhập, địa phương đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đưa ra các phương án để khôi phục lại, đặc biệt là việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Năm 2019, Dự án Mê Kông về bảo tồn, phát triển văn hóa, bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đơn đặt hàng các sản phẩm làm từ mây tre đan của bà con.
Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa đã phối hợp với dự án Plan Quảng Bình hỗ trợ xã Trọng Hóa ra mắt tổ hợp tác mây tre đan; đồng thời hỗ trợ tổ hợp tác xây dựng quy chế hoạt động, cung cấp máy vót tre, máy chuốt mây, tủ trưng bày sản phẩm, kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm mây tre đan trên các sàn giao dịch điện tử… Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa cũng đã phối hợp với dự án Plan Quảng Bình đã tổ chức các lớp tập huấn, mời các nghệ nhân, người đan lát giỏi trong cộng đồng người Khùa truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Chương trình OCOP ở các xã cũng đang ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống chất lượng cao phục vụ rất tốt cho du lịch. Vật dụng mây tre đan do người Khùa tạo ra cũng là một trong số các sản phẩm lưu niệm đặc trưng đó. Chính quyền địa phương đã hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch kết nối, lựa chọn những sản phẩm lưu niệm tiêu biểu để giới thiệu với du khách.
Đại diện huyện Minh Hóa cho biết, cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn còn giữ được nhiều nét văn hóa, phong tục độc đáo, trong đó nghề đan lát của người Khùa là một minh chứng. Thời gian và công sức để tạo ra một vật dụng đan lát đối với người Khùa là khá nhiều nên sản phẩm rất tinh xảo, bền chắc.
Tất cả các công đoạn làm thủ công, nên sản phẩm đều mang giá trị độc đáo riêng có. Huyện đang đang hướng dẫn địa phương lập đề án, tổ chức lại sản xuất cho người dân để chủ động nguyên liệu và tăng năng suất, tạo thành sản phẩm trong chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm. Từ đó, huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Hồ Kết là chàng thanh niên người Khùa, ở bản Ra Mai, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Sinh ra lành lặn nhưng năm 18 tuổi không may bị bỏng nặng, chân tay bị co quắp khiến việc đi lại, sinh hoạt của anh rất khó khăn. Vượt lên hoàn cảnh, anh nỗ lực luyện tập để sinh hoạt bình thường và học hỏi chăn nuôi, làm nghề thủ công để cải thiện kinh tế gia đình.
Nhận thấy các sản phẩm thủ công từ mây tre đang được ưa chuộng, lại phù hợp với bản thân, nguyên vật liệu ở địa phương sẵn có nên Hồ Kết quyết định đi học nghề để tự tạo ra việc làm cho riêng mình.
Năm 2013, Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình giới thiệu Hồ Kết với Công ty TNHH Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Vạn Xuân (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Tại đây, Hồ Kết được nhận vào làm việc và được đánh giá là người giỏi nhất về nghề.
Nhiều đối tác của công ty ở Mỹ, Nhật, Pháp… ra ý tưởng sản phẩm, bộ phận thiết kế vẽ và giao cho Hồ Kết thực hiện. Sản phẩm dù khó mấy Hồ Kết cũng làm được. Không những giỏi nghề, Hồ Kết còn truyền thụ nghề đan cho những người khác. Cứ mỗi sản phẩm mới, Hồ Kết đan xong là hướng dẫn cho các thợ đan lát miền xuôi gia công để xuất khẩu.
Năm 2016, Hồ Kết quyết định trở về sinh sống tại bản và tiếp tục phát triển nghề đan lát, kết nối, dạy nghề cho bà con dân bản để làm kinh tế. Hồ Kết tăng cường kết nối với các mối quan hệ quen thân và thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... để chào bán những sản phẩm đan lát. Mỗi tháng Hồ Kết tạo ra gần 20 sản phẩm, loại nhỏ và vừa có giá 200.000 - 300.000 đồng, những sản phẩm có kích thước lớn, kỳ công thì hơn 1 triệu đồng và đều bán hết cho khách hàng trong, ngoài tỉnh.
Hiện Hồ Kết không chỉ bán sản phẩm cho người dân trong vùng mà còn quảng bá sản phẩm. Những sản phẩm đan lát của Hồ Kết được nhiều đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đồng bào ở Tây Nguyên đặt mua vào dịp cuối năm.
Nghề đan lát của người Khùa dưới núi Giăng Màn tưởng đã thất truyền với hơn 350 bộ thuật đan cổ xưa, nhưng Hồ Kết đã hồi sinh lại tất cả. Hồ Kết một nhân chứng sống động biết giữ gìn nghề của cha ông vừa để mưu sinh, vừa để bảo tồn nghề một cách mãnh liệt.
Bài: Hà Đan
Trình bày: An Nguyễn