Giữ nghề giấy dó xứ Mường
19/10/2023 lúc 16:00 (GMT)

Giữ nghề giấy dó xứ Mường

 

Từ bàn tay khéo léo của người Mường, với những bí quyết riêng, tờ giấy dó tuy mỏng manh nhưng dai và bền, nếu được bảo quản ở nơi khô ráo, giấy có thể để vài chục năm.

 

Giấy dó là loại giấy đặc biệt được sản xuất theo quy trình thủ công và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Với đặc tính xốp nhẹ, dai, bền, ít bị mối mọt, không bị nhòe khi viết, không bị giòn gãy hay ẩm nát… 

Trước kia, giấy dó được tạo ra để phục vụ cho việc in sách, làm sắc phong, văn khấn… Hiện nay, người ta dùng giấy dó cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, tranh Đông Hồ hoặc dùng để ghi chép, lưu trữ tài liệu bởi nó có ưu điểm nổi trội là độ bền theo năm tháng.

giay do

Nghề làm giấy dó của người Mường ở xóm Suối Cỏ, xã Hợp Hòa (nay là xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) có lịch sử tồn tại hàng trăm năm nay, đã trở thành nghề cha truyền con nối.

Để tạo ra giấy dó, người nghệ nhân phải tốn rất nhiều công sức và thời gian mới hoàn thành được. Quá trình sản xuất sản phẩm giấy dó cần trải qua 35 công đoạn, từ việc lấy nguyên liệu, ngâm ủ đến làm ra sản phẩm phải mất nửa tháng. Các dụng cụ chủ yếu là khuôn làm bằng vải, có nhiều kích cỡ khác nhau (30cm x 40cm; 60cm x 80cm; 60cm x 120cm), nồi nấu chất liệu giấy, máy khuấy nguyên liệu, tàu ngâm lề và bể chứa...

giay do a
giay do b

Loại cây được sử dụng để làm giấy nhiều nhất hiện nay là cây dó và cây dướng (người Mường còn gọi là cây ráng). Cây dướng phải chọn những cây bánh tẻ, khoảng 3-4 năm tuổi, đủ lớn để bóc vỏ cứng bên ngoài, rồi phơi cho thật khô để tránh vỏ cây bị ẩm mốc, gây ảnh hưởng đến chất lượng giấy.

Vỏ cây dướng được ngâm trong nước từ 2-3 ngày để làm mềm ra. Khi vỏ đã đạt tiêu chuẩn về độ mềm sẽ được cắt thành các đoạn dài khoảng 1m, được buộc thành những bó nhỏ, ngâm qua nước vôi đặc (giúp vỏ có thể chín đều) rồi xếp vào thùng nấu đun liên tục trên 10 tiếng, ủ qua 1 ngày 1 đêm.

Khi vỏ cây dướng đã nguội, vớt ra rửa sạch vôi hoàn toàn... rồi lại tiếp tục ngâm trong nước sạch khoảng 7-10 ngày để thải hết nhựa cây và chất vôi. Sau khi đã ngâm mềm, vỏ cây dướng được cho vào bể nghiền thành bột để làm giấy. Bột cây dướng được hòa kỹ cùng nước sạch và nước gỗ mò trong bể tráng giấy. Công đoạn tráng giấy sẽ quyết định độ dày-mỏng-mịn của tờ giấy.

giay do muong 1
giay do muong 2
giay do muong 3
 
 
 
 
giay do muong 4
giay do muong 5

Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo nên thường được người phụ nữ Mường đảm nhiệm. Bột giấy lỏng được đổ lên khuôn, tráng mỏng và đều để róc nước, sau đó với động tác nhanh, dứt khoát nhấc liềm lên, từng lớp bột giấy mỏng đó tách khỏi khuôn liềm theo từng lớp chồng lên nhau. Mỗi đợt đủ khoảng 40-50 tờ, sau đó chuyển sang công đoạn ép giấy cho hết nước rồi tách giấy đem phơi khô.

Cứ 10kg vỏ tươi hoặc 4kg vỏ khô nguyên liệu sẽ làm ra khoảng 120 tờ giấy. Bước cuối cùng là xếp các tấm giấy thành lớp, tùy theo loại giấy mà dùng thanh nứa mảnh dọc theo khổ 10x20cm hoặc 20x30cm.

Giấy dó sản xuất ở Suối Cỏ từ nguyên liệu tự nhiên nên chất lượng tốt, có độ bền dai, màu giấy tự nhiên gặp nước không phai và không bị mối hay gián nhấm.

giay do

 

 

Vẻ đẹp của giấy dó là thứ không thể nào cảm nhận được nếu chỉ nhìn qua những khung hình, phải thực sự chạm vào nó để cảm nhận từng đường vân giấy nổi lên, và cả cái mộc mạc thô sơ của bề mặt giấy.

nghe giay do

Người xưa dùng giấy dó để viết chữ, truyền bá kiến thức, trong đời sống văn hóa. Giấy dó được sử dụng để viết câu đối, thư pháp, in tranh… Ngoài ra, giấy dó cũng được các nghệ nhân xứ Mường Hoà Bình tạo nên những bức tranh dân gian đặc sắc, trở thành quà tặng cho bạn bè người thân vào các ngày Lễ tết.

Đặc biệt, giấy dó còn được các thầy đồ dùng viết bức thư pháp đẹp, mang đầy ý nghĩa dành tặng cho những người xin chữ với mong muốn cầu chúc cho gia đình một năm mới may mắn, bình an, tài lộc, vạn sự hanh thông. Tuy nhiên cùng với nhịp sống của xã hội hiện đại, giấy dó vắng bóng dần. Đến cuối thập niên 90 thế kỷ XX, nghề làm giấy dó gần như bị lãng quên.

giay do

Do giá thành cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế và sự phát triển của giấy công nghiệp, cho nên thị trường giấy dó ở Suối Cỏ khó được mở rộng. Đã có thời gian dài, nghề làm giấy dó ở Hòa Bình đã bị mai một. Với nhận thức cần giữ gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, một số bà con vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, để giới thiệu sản phẩm giấy dó đến với du khách thập phương tránh khỏi mai một.

Trong dự án bảo tồn các làng nghề của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, xóm Suối Cỏ, xã Hợp Hòa (Lương Sơn, Hòa Bình) được xác định là nơi bảo tồn và phát triển nghề làm giấy nhờ lợi thế có vùng nguyên liệu và nguồn nước sạch tự nhiên. Năm 2006, được sự giúp đỡ của Trung tâm phát triển kinh tế - xã hội và môi trường cộng đồng (CSEED) tài trợ, xóm Suối Cỏ đã triển khai thực hiện mô hình làm giấy Dó thủ công cho các hộ nhằm hướng tới mục tiêu gia tăng nguồn thu ổn định cho hộ nghèo và bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống.

giay do

Thời điểm ấy, có trên 50 hộ dân tham gia dự án do các chuyên gia đến từ Nhật Bản hướng dẫn. Nhưng sau 6 năm, khi dự án kết thúc, làng nghề cũng mai một dần bởi không tìm được đầu ra do sản phẩm còn quá ít người biết đến và không được sử dụng phổ biến. Các hộ gia đình chỉ duy trì sản xuất nhỏ lẻ theo đơn đặt hàng của cá nhân trong và ngoài nước.

giay do 8
giay do 9

Tuy khó khăn nhưng với niềm đam mê nghề truyền thống những nghệ nhân ở xóm Suối Cỏ, xã Cao Sơn vẫn tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề của cha ông để lại. Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, các nghệ nhân xóm Suối Cỏ đã quyết tâm phục dựng lại nghề. Cho đến nay, cả xóm còn 5 gia đình kiên trì phát triển nghề và đã cùng nhau thành lập tổ sản xuất.

Nghề làm giấy dó của người Mường ở Suối Cỏ tuy mới chỉ thành lập tổ sản xuất, chưa phát triển thành một làng nghề truyền thống, nhưng đã và đang tồn tại như một minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo, tài hoa và những giá trị văn hoá lâu đời của người Mường.

giay do

 

giấy dó suối cỏ

 

Năm 2013, cơ duyên đến với làng nghề giấy dó Suối Cỏ khi được thành viên của Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ và phát triển làng nghề Việt Nam hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm.

Nhằm bảo tồn và phát triển nghề giấy thủ công truyền thống, tháng 6/2013, nhóm cộng tác viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ và phát triển làng nghề Việt Nam đã khởi dựng dự án Zó Project và đến năm 2014 bắt đầu kết hợp với ông Nguyễn Xuân Chúc để duy trì dự án. Cũng từ đó, các đoàn du khách, người đam mê nghề truyền thống từ nhiều nơi tìm về nhà ông Chúc tham quan cũng như xin học nghề.

giay muong

Tổ hợp tác sản xuất giấy dó thủ công xã Hợp Hòa đã được ra đời ở Suối Cỏ, một xóm có 160 hộ với khoảng 570 nhân khẩu, 90% là người Mường, và đặt ngay tại nhà ông Chúc. Ngoài hộ gia đình ông Chúc, tổ hợp tác còn 4 hộ tham gia làm giấy.

Trước đây, ngoài sản xuất giấy Dó, tổ sản xuất của ông Chúc còn làm thêm các sản phẩm thủ công từ giấy Dó như: đèn lồng, con vật, phong bì, sổ tay, bưu thiếp, tranh... Tuy nhiên, do tiêu thụ sản phẩm khó nên dần dần cơ sở chỉ sản xuất giấy Dó với 12 màu và họa tiết khác nhau.

giay do
giay do muong

Hiện nay, tổ đang sản xuất giấy dó tại gia đình nhà ông Chúc có rất nhiều đơn đặt hàng với số lượng lên đến hàng nghìn tờ. Tuy thu nhập từ nghề truyền thống này không cao nhưng cuộc sống của người dân Suối Cỏ làm giấy dó nay đã ổn định và tốt hơn trước. Theo những nghệ nhân làm nghề giấy dó ở xóm Suối Cỏ, mỗi tờ giấy dó làm ra sẽ được bán với giá dao động từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng, trung bình mỗi tháng, mỗi hộ thu nhập được khoảng 3 triệu đồng.

Hàng năm cứ đến Tết Nguyên đán, các gia đình nghệ nhân như ông Chúc lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu làm giấy dó theo đơn đặt hàng của du khách. Ngoài các tỉnh miền Bắc, vào các dịp giáp Tết, giấy dó của người Mường Suối Cỏ được một số doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Pháp... tin tưởng lựa chọn sử dụng do giá trị thẩm mỹ cao.

giay do

Hiện nay, giấy dó không đơn thuần là nguyên liệu để vẽ tranh, viết chữ, giấy dó dưới sự sáng tạo của các nghệ nhân đã trở thành sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch ở nhiều huyện của tỉnh Hoà Bình. Tour du lịch về Suối Cỏ được các công ty lữ hành, du lịch khu vực miền Trung, miền Nam như: Huế, Hội An, Đà Nẵng, Lâm Đồng... lựa chọn đến tham quan, trải nghiệm.

Đây chương trình giúp du khách tìm hiểu về nghề truyền thống, đồng thời giúp người dân phát huy việc bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của cha ông để lại. Việc kết hợp làng nghề và du lịch đang là một giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho chính những nghệ nhân giấy dó Suối Cỏ.

Hiện chính quyền huyện Lương Sơn đang triển khai những chính sách phù hợp để hỗ trợ các gia đình ở xóm Suối Cỏ tiếp tục duy trì sản xuất, song song với việc bảo tồn, phát triển nghề làm giấy dó thủ công truyền thống của người Mường, từng bước tạo dựng thương hiệu, xây dựng làng nghề, hướng đến hình thành điểm du lịch trải nghiệm cộng đồng, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương.

giay do muong
          

Bài: Gia Hân

Trình bày: An Vũ

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí