Ngày 30/9/2024, Công ty CP Đầu tư - Phát triển N&G (N&G GROUP) đã bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty TNHH Điện tử VSOVN (Hà Nội), Công ty TNHH Sản xuất Ốc vít THT Việt Nam (PMTT Group) tại Khu Công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP).
Theo N&G GROUP, sự kiện là tiền đề để hoàn thiện các thủ tục tiếp theo, sớm khởi công xây dựng nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, hướng tới cụ thể hoá hình thành chuỗi sản xuất toàn cầu giữa các doanh nghiệp Thủ đô và Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư tại HANSSIP. 2 nhà đầu tư đến với HANSSIP đều là doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao khi đi vào hoạt động sẽ mang lại giá trị gia tăng cho Thủ đô. Bởi khi với hệ thống đồng bộ, hiện đại tại HANSSIP gắn với bảo vệ môi trường, doanh nghiệp kết hợp với đầu tư dây chuyền tiên tiến, nguồn nhân lực cao được đào tạo theo nhu cầu từ đó tạo ra sản phẩm sớm tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Được biết, hiện nhiều nhà máy, tổ hợp công nghệ rất cao quy mô lớn nhất từ trước tới nay của Thành phố Hà Nội đang được các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đang xây dựng tại HANSSIP, kế hoạch tháng 6/2025 đi vào hoạt động và sẽ tạo ra khoảng 30.000 lao động - công nhân kỹ thuật cao tại HANSSIP.
Trước đó, ngày 6/9, N&G GROUP cũng đã tiến hành bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Lô CN-01 của Công ty Cổ phần công nghiệp hỗ trợ TOMECO để đầu tư xây dựng tại HANSSIP.
Hiện nay, với sản phẩm quạt công nghiệp, tỷ lệ nội địa hóa của TOMECO lên đến hơn 80 - 90% đủ tự hào về chất lượng và giá thành cạnh tranh nhờ áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến nhất. Qua đó, TOMECO đang từng bước chiếm lĩnh thị phần, cũng như nâng tầm ngành quạt công nghiệp Việt.
Bên sản phẩm chính quạt công nghiệp, TOMECO cũng đã và đang tích cực nâng cao năng lực để trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Sản phẩm của TOMECO là các linh kiện cơ khí hỗ trợ lắp trong các tổ máy phát điện chạy bằng sức gió, các sản phẩm OEM về đầu đốt khí công nghệ cao và những chi tiết máy chế biến khác cho nhiều công ty và tập đoàn trên thế giới.
Đây là tiền đề để TOMECO đầu tư dự kiến hoàn thành các thủ tục để cuối tháng 9 có thể khởi công và phát triển, đáp ứng các yêu cầu của đối tác nước ngoài.
HANSSIP có quy mô 559ha, được quy hoạch để phát triển các ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí, chế tạo, dệt may - da giày, điện tử - tin học, chế tạo và lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghệ cao… Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư sản xuất tại HANSSIP cho thấy bước tiến tích cực của Hà Nội trong hình thành, phát triển hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ tập trung.
Các chuyên gia đánh giá, dù đã có nhiều cải thiện, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn tồn tại điểm yếu là thiếu liên kết, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận các khách hàng. Các doanh nghiệp chưa kết nối chặt chẽ để tạo thành chuỗi, cụm chi tiết đa linh kiện nhằm đáp ứng xu hướng đơn đặt hàng mới cho doanh nghiệp nước ngoài.
Để giải quyết vấn đề này, không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương đang tích cực đầu tư vào hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, qua đó hình thành hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ và hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước kết nối trở thành nhà cung cấp phụ trợ cho các tập đoàn lớn.
Tại Bắc Giang, công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực có tốc độ phát triển cao, đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng công nghiệp của tỉnh; đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị của cả nước… Toàn tỉnh hiện có hơn 600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề: Sản xuất linh kiện; lĩnh vực công nghiệp chế tạo và ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời.
Để đạt được kết quả này, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã xác định phát triển nhiều cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ là hướng đi được chú trọng. Theo đó, tỉnh định hướng tới năm 2030 sẽ thành lập mới 29 cụm công nghiệp và mở rộng 3 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.853 ha héc ta; nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vào năm 2030 là 66, với tổng diện tích 3.209 ha…; đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch khác đảm bảo phù hợp quy hoạch khu, cụm công nghiệp, đưa ra khỏi quy hoạch 9 cụm công nghiệp.
Tại các cụm công nghiệp này, tỉnh Bắc Giang khuyến khích ưu đãi các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đến đầu tư sản xuất. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ tối đa nhà đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng sau khi dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Tỉnh Thanh Hóa mới đây đã công bố quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa. Với diện tích lập quy hoạch khoảng 645,2 ha, đây là khu công nghiệp đa ngành, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ưu tiên các ngành nghề: điện, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, công nghiệp ô tô, xe máy, thiết bị xây dựng, thiết bị y tế, sản xuất hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Quy mô lao động khu công nghiệp khoảng 30.000 - 40.000 người.
Được biết, khu công nghiệp này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản). Với biên bản ký kết ghi nhớ về đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp này vào năm 2023, tập đoàn này kỳ vọng hợp tác thành công với tỉnh Thanh Hóa để hiện thực hóa một khu công nghiệp hình mẫu, chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Sumitomo từng cho biết sẽ đưa khu công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa thành khu công nghiệp hàng đầu về chất lượng hạ tầng; từ đó thu hút thành công nhiều nhà đầu tư thứ cấp từ Nhật Bản có công nghệ hiện đại, góp phần gia tăng sản phẩm công nghiệp mới, chất lượng cho tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, Thanh Hóa có khu công nghiệp Phú Quý có tổng diện tích là 540ha, đứng thứ 3 về quy mô trong số các khu công nghiệp hiện hữu và đã quy hoạch của tỉnh Thanh Hóa, đặt tại khu vực có tiềm năng phát triển công nghiệp, đặc biệt các loại hình công nghiệp nhẹ, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao và sẽ được tập trung ưu tiên thu hút các doanh nghiệp nước ngoài với các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Tại Hưng Yên, tỉnh xác định 3 khâu đột phá cần thực hiện để góp phần xây dựng tỉnh Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại đó là: “Tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển”.
Hiện nay, Hưng Yên có 17 khu công nghiệp, trong đó có 9 khu công nghiệp phát triển theo trục giao thông Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển với diện tích khoảng 4.395 ha. Trong đó, 11 khu công nghiệp được chấp thuận Chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; tổng vốn đầu tư đã đăng ký là 14.395 tỉ đồng và 412,25 triệu USD. Có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư.
Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận 2.122 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký hơn 259 nghìn tỷ đồng và hơn 6 tỷ USD. Trong đó, có hơn 300 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, đã đóng góp quan trọng hình thành nên ngành công nghiệp hỗ trợ đang đà phát triển mạnh ở các lĩnh vực trong ngành cơ khí, chế tạo như sản xuất các sản phẩm tạo khuôn mẫu, dập, đúc và gia công chính xác, dụng cụ, dao cắt, linh kiện, thiết bị máy động lực, máy nông nghiệp, sản xuất thép chế tạo,…
Để tiếp tục tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định phê duyệt đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu xây dựng 1 đến 2 khu, cụm công nghiệp hỗ trợ tập trung để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, trước mắt tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử; sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, từng bước thu hút đầu tư theo hướng, ưu tiên các dự án sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cung cấp cho các ngành công nghệ cao, các dự án sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm xuất khẩu, đồng thời với việc tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp. Xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên ngành và thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng phát triển cụm liên kết cụm ngành công nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp cơ khí, điện tử, dệt may và da giầy.
Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tính đến hết quý I/2024, cả nước có 418 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu chế xuất đã thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha. Bao gồm 371 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 39 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu.
Trong đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng trên 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây.
Phát biểu tại Hội thảo “Tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường bất động sản” do Báo Lao Động tổ chức, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho biết, với Luật Đất đai sửa đổi, dự kiến các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp sẽ ngày càng thuận lợi hơn nhờ các quy định mới. Ví dụ, doanh nghiệp khi hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền thuê đất sẽ được phép thế chấp và chuyển nhượng dự án, giúp thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường. Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển sôi động. Trong trung và dài hạn, bất động sản công nghiệp vẫn là phân khúc thu hút đầu tư tốt, có triển vọng tăng trưởng về giá bán và thanh khoản.
Sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc tạo ra các hệ sinh thái và mối liên kết cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, từ đó tạo nên chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp.
Mặt khác, việc xây dựng quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp hỗ trợ tại các địa phương có tiềm năng về vị trí địa kinh tế và nhân lực sẽ giúp giải quyết được nhiều bất cập trong việc liên kết các doanh nghiệp, quản trị hệ thống sản xuất, tìm kiếm thông tin thị trường cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, điều này cũng giúp tận dụng tối đa các chính sách nhằm phát triển công nghiệp theo chuỗi giá trị, đảm bảo lưu thông nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Tập trung phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ trong khu công nghiệp cũng góp phần gia tăng lợi thế của địa phương để thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến chế tạo, các dự án dịch vụ công nghiệp và logistics trên địa bàn.
Bài: Huyền My
Thiết kế: An Chi