Hiệu quả kinh tế từ trái cam Nam Đông
26/11/2023 lúc 15:25 (GMT)

Hiệu quả kinh tế từ trái cam Nam Đông

 

Những năm qua, trái cam tại huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi chất lượng quả thơm ngon, mọng nước, vị ngọt thanh đặc trưng.

cam nam dong 1

Cam là loại trái cây phổ biến trên thế giới, có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới của Châu Á. Hoa cam có màu trắng nhỏ và hương thơm dễ chịu. Lá cam có màu xanh đậm hình bầu dục. Quả cam khi chưa chín có màu xanh. Trái cam được dùng chủ yếu trong việc chế biến nước ép tươi, ăn trực tiếp, vỏ cam còn được dùng để làm tinh dầu, hoặc làm mứt trái cây.

Trái cam cung cấp chất xơ, vitamin C, thiamine, folate và chất chống oxy hóa lành mạnh, đem lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Bình quân trong một trái cam có chứa khoảng 170 mg phytochemicals bao gồm các chất dưỡng da và chống lão hóa. Và đặc biệt cam còn có tác dụng giúp giải nhiệt, bù nước khi có cường độ vân động cao, tăng cường hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của cơ thể.

nam dong1
nam dong 2

Ở Thừa Thiên - Huế, cam được trồng tập trung tại huyện miền núi Nam Đông, nơi có các yếu tố khí hậu và đất đai phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển cho cây cam. Từ trước năm 2000, huyện Nam Đông đã có diện tích đất trồng cam trên 100 ha (chiếm khoảng 20% diện tích vườn toàn huyện). Cam được trồng tập trung ở các xã Hương Phú, Hương Xuân, Hương Lộc… Giống chủ lực là cam Sài Gòn, giống này do người dân từ xã Vinh Mỹ - Phú Lộc đưa lên Nam Đông; ngoài ra còn có cam Chấp, cam Voi.

Quả cam Nam Đông có đặc điểm vỏ nhẵn, khi chín có màu xanh vàng sáng, từng tép cam vàng đậm căng mọng nước có vị ngọt thanh, nhiều dưỡng chất và rất tốt cho sức khỏe. thời điểm thu hoạch cam Nam Đông bắt đầu từ tháng 9 đến giữa tháng 10.

nam dong 3
cam nam dong 1

Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây cam, diện tích trồng cam tại Nam Đông liên tục được mở rộng, mang lại thu nhập khá cao cho nhiều hộ dân. Nhiều mô hình trồng cam đạt hiệu quả; một số mô hình có năng suất đạt 20 tấn quả/ha/năm, thu nhập đạt 300 triệu đồng/năm.

Giống cam Nam Đông có chất lượng vượt trội, thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Những vùng gò đồi các xã miền núi huyện Nam Đông được trồng cao su, keo tràm và một số loại cây ăn quả ngắn ngày thì giờ đây, người dân địa phương đã thay đổi phương thức sản xuất, chuyển sang trồng cam, là loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao. Tháng 8/2022, Cam Nam Đông được lựa chọn đưa vào danh sách đặc sản OCOP của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

nam dong 4
nam dong 5

Gia đình ông Đặng Trợ, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông hiện có 2 ha chuyên canh trồng cam cho thu hoạch trung bình từ 15 - 20 tấn/năm. Ông Trợ cho biết, từ năm 2008, gia đình bắt đầu thử nghiệm trồng cam. Nhận thấy cây cam phù hợp với đất trang trại nhà mình, ông tập trung đầu tư, phá bỏ vườn tạp mở rộng diện tích, đến nay 2 ha cam đã cho thu hoạch. Cây cam dễ trồng, sau 4 năm là cho thu hoạch. Trừ chi phí, mỗi năm thu nhập từ vườn cam đạt khoảng 200 - 250 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Theo tính toán, năng suất bình quân 17,5 tấn/ha, sản lượng 1ha/chu kỳ kinh doanh đạt 140 tấn, tổng sản lượng của dự án trong 1 chu kỳ đạt 56.000 tấn cam quả. Với giá thấp nhất tại vườn là 15 triệu đồng/tấn có doanh thu 1ha cam bình quân 175 triệu/ha/năm, tổng doanh thu 1ha của một chu kỳ 12 năm đạt 2,1 tỷ đồng. Giá trị gia tăng của cây cam cao gấp 5 lần cây cao su, 10 lần cây keo, 7 lần cây sắn công nghiệp.

trồng cam

 

Hiện nay, các hộ trồng cam ở huyện Nam Đông đều đã áp dụng một số kỹ thuật canh tác cơ bản. Theo đó, có khoảng 60-75% hộ có tưới nước cho vườn cây, 80-90% hộ dân có sử dụng phân bón, 50-70% hộ đã có cắt tỉa, tạo tán cho cây, 60-75% số hộ đã có áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho vườn cây của mình.

Trong định hướng phát triển trồng trọt của huyện Nam Đông giai đoạn 2020 - 2025, Nam Đông đặt mục tiêu đạt diện tích khoảng 500 ha cây cam, trên cơ sở duy trì, cải tạo diện tích vườn cam hiện có và trồng mới để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch sinh thái, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê, đến tháng 10/2023, tổng diện tích cam trên địa bàn huyện hơn 194ha; trong đó, đang cho thu hoạch khoảng 77ha với tổng sản lượng hơn 900 tấn. Trong đó, cam đạt chuẩn VietGAP có gần 50ha, sản lượng hơn 150 tấn.

thu hoach cam
cam nam đông 2

Để phát triển đặc sản cam Nam Đông theo hướng bền vững, từ việc trồng theo lối phổ biến của người địa phương, cam Nam Đông nay đã được trồng theo quy trình VietGAP.

Tháng 6/2021 huyện Nam Đông phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ triển khai dự án "Xây dựng mô hình sản xuất cam Nam Đông theo tiêu chuẩn VietGAP".

Dự án được triển khai thực hiện đến tháng 9/2023, với 2 mô hình, gồm: Sản xuất cam Nam Đông thời kỳ kinh doanh đạt tiêu chuẩn VietGAP, trên diện tích 5ha, có 3 hộ ở Hương Xuân, Hương Phú tham gia; và mô hình trồng, chăm sóc cam Nam Đông thời kỳ kiến thiết cơ bản theo tiêu chuẩn VietGAP, trên diện tích 3ha, với 4 hộ ở Hương Xuân và Hương Phú tham gia.

cam viet gap

Trong quá trình tham gia dự án, người trồng cam được hướng dẫn các quy trình từ chuẩn bị sản xuất đến quá trình sản xuất; hướng dẫn và giám sát sử dụng phân bón; phương pháp thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP..

Ngày 11/10/2023, huyện Nam Đông đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống cam Nam Đông đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Kết quả cho thấy, các nội dung về xây dựng mô hình được triển khai thực hiện đầy đủ, đạt mục tiêu của dự án, đối với 5ha cam Nam Đông đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất trung bình trên 15 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà 97,7 triệu đồng/ha; đối với mô hình trồng mới 3ha có hệ thống tưới tiết kiệm nước, cây sinh trưởng, phát triển tốt.

cam 1
cam 2

Từ những kết quả trên cho thấy rõ hiệu quả kinh tế cao khi áp dụng sản xuất cam Nam Đông theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, nông dân được tiếp cận với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Đây là cơ sở để  áp dụng, nhân rộng các mô hình này trên địa bàn huyện Nam Đông. Từ mô hình này, nhiều hộ nông dân ở xã Hương Xuân đầu tư phát triển mô hình trồng cam tiêu chuẩn VietGAP cho thu nhập cao.

cam

Anh Phan Gia Bảo (ở xã Hương Xuân, Nam Đông) cho biết: Sau 4 năm trồng thử nghiệm theo hướng VietGAP, hiện vườn cam của gia đình anh đã cho lứa quả đầu với ước tính sản lượng đạt 40 tấn, những năm tiếp theo có thể lên đến 60-70 tấn. Trừ các khoản chi phí, nhân công chăm bón thì có thể thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây khác.

Hiện đã có 4 cơ sở với 24 hộ tham gia đã được trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, gồm: Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Hòa, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Đông, Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Xuân, Tổ hợp tác phát triển cam Hương Phú. Tổng diện tích cam được công nhận của 4 cơ sở này là 27ha.

Việc sản phẩm cam Nam Đông (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ góp phần phát triển cây cam ở Nam Đông theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

cam nam dông
cam nam đông 3

Sản xuất cam theo quy trình VietGAP giúp quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đến phân phối và tiêu thụ sản phẩm cam Nam Đông...

Ngày 4/10/2019, cam Nam Đông đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”. Sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Cam Nam Đông” gồm: quả cam tươi; cây cam giống; dịch vụ mua bán.

Việc công bố nhãn hiệu tập thể "Cam Nam Đông" sẽ giúp người dân trong vùng dự án tăng thu nhập bền vững từ sản phẩm địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời cũng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ. Nhờ vậy, sản phẩm cam Nam Đông đã có mặt tại thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa...

cam nam đông

Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các cơ sở thương mại, đưa cam Nam Đông vào tiêu thụ ở hệ thống siêu thị BigC, siêu thị Co-opmart; phối hợp với bưu điện tỉnh đưa cam Nam Đông lên sàn thương mại điện tử PostMart cũng như tăng cường quảng bá trên các trang mạng xã hội. Nhờ đó cam Nam Đông đã có thể tiếp cận rộng rãi với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ.

Gần đây nhất, ngày 8/10/2023, tại huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm cam Nam Đông và các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2023.

Hội nghị nhằm tạo điều kiện và cơ hội các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm cam Nam Đông và các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tạo sự kết nối giữa các đơn vị sản xuất với nhà phân phối, đại lý, người tiêu dùng và du khách tham quan...

cam nam dong

Hội nghị kết nối tiêu thụ cam Nam Đông năm 2023 thu hút 7 hộ trồng cam VietGap, 2 siêu thị Go! Huế và Coopmart Huế, 20 doanh nghiệp cùng một số tiểu thương chợ đầu mối Phú Hậu tham gia.

Đại diện Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, khoảng đầu tháng 10 là chính vụ của cam Nam Đông, việc tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ cùng dịp diễn ra hoạt động Chợ phiên Nam Đông (định kỳ) nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm cam Nam Đông và các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá, trao đổi những vướng mắc trong quá trình tiêu thụ… Qua đó, tạo sự kết nối giữa các đơn vị sản xuất với nhà phân phối, đại lý, người tiêu dùng…

na dong

Với việc diễn ra theo hướng mở khi các siêu thị, nhà phân phối… vừa quan sát, trải nghiệm tại các gian hàng, vừa trao đổi trực tiếp với hộ sản xuất để tìm hiểu về sản phẩm, năng lực cung ứng, nhu cầu tiêu thụ, quy trình, thủ tục hồ sơ…, hội nghị sẽ là cầu nối hiệu quả. Qua đó thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh nói chung, cam Nam Đông nói riêng.

          

Bài: Xuân An

Trình bày: My Nguyễn

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí