Tiêu được xem như một gia vị quen thuộc đối với ẩm thực Việt. Ngoài nâng tầm hương vị món ăn, hạt tiêu có nhiều tác dụng dược tính, như: giảm ho, cảm cúm, khó tiêu hóa, hỗ trợ cho người ăn uống không ngon miệng, giảm cân, ngăn ngừa các tế bào ung thư vú và đường ruột,...
Đảo ngọc Phú Quốc được mệnh danh là “Vương quốc hồ tiêu”, bởi đây là vựa tiêu lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Hồ tiêu Phú Quốc được ví như “ngọc đen” của nơi này, mang lại giá trị kinh tế cao. Hầu như các nhà vườn trên đảo cũng đều trồng tiêu, ít thì vài cụm, nhiều thì hàng nghìn trụ.
Nghề trồng tiêu ở huyện đảo đã có hàng trăm năm và trở thành một trong những nghề truyền thống của huyện. Các giống tiêu chủ yếu là giống địa phương có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt gồm Hà Tiên, Phú Quốc chiếm 80 - 90%. Nơi đây có 2 mùa: mưa - nắng rõ rệt, bà con thường trồng tiêu từ mùa mưa, tới đầu mùa nắng bắt đầu cho thu trái và phơi tiêu. Đất cát pha trên đảo vô cùng thích hợp cho sự phát triển của cây tiêu. Và điều đặc biệt nhất, tiêu trồng ở đảo Phú Quốc có hạt chắc mẩy, vỏ mỏng, vị cay nồng dễ chịu không nơi nào sánh bằng.
Sở dĩ, tiêu Phú Quốc đặc biệt hơn tiêu của nhiều vùng miền khác, đó chính là bởi người dân thường xuyên bổ sung đất mới vào gốc tiêu, cũng như khu vực quanh vườn. Phân bón cho phân hữu cơ, không dùng phân như cách trồng công nghiệp, mà dùng xác mâm - chính là xác cái mám, người trồng tiêu mua lại từ các nhà thùng rồi chăm bón cho cây. Vì thế cây không cao, to, nhưng sống được lâu hơn. Chính cách chăm sóc và vun trồng này đã góp phần tạo nên hương vị riêng của tiêu Đảo Ngọc. Có 2 giống tiêu chính ngày nay vẫn được trồng trên đảo, đó là tiêu giống Hà Tiên và Phú Quốc.
Cây tiêu Phú Quốc phân bổ ở khắp các xã, thị trấn trên đảo, nhưng tập trung nhiều nhất ở 2 xã thuộc vùng Bắc đảo là Cửa Dương với gần 200 ha, Cửa Cạn khoảng hơn 77 ha. Diện tích tiêu toàn đảo Phú Quốc có khoảng trên 400ha, năng suất trung bình đạt 2,5 tấn một ha, cho tổng sản lượng trên 1.200 tấn/ một năm.
Phú Quốc hiện có 3 loại tiêu chính, gồm: Tiêu đỏ chín trên cây, được hái thủ công bằng tay. Tiêu đen là hạt tiêu còn xanh được hái hàng loạt rồi phơi khô. Tiêu sọ là loại có giá cao nhất, sau khi bóc vỏ chỉ còn lại lõi hạt.
Ở Phú Quốc, người dân trồng tiêu chủ yếu trên lõi cây trai, săn đá hoặc đúc các trụ bê tông để cây leo lên, chi phí đầu tư mỗi ha từ 300 đến 400 triệu đồng. Hiện nay, hầu hết các nhà vườn đều sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm để giảm chi phí nhân công và giá thành sản xuất.
Tiêu trồng bằng dây, phải mất 1 năm, dây tiêu mới lên đến đỉnh cọc tiêu và đến năm thứ 2 thì mới có thể thu hoạch. Tháng Chạp, tháng Giêng Âm lịch hàng năm là thời điểm bắt đầu thu hoạch. Theo người dân Phú Quốc, nhờ vị cay đặc trưng, tiêu nơi đây thường được thêm vào món ăn để lấn át bớt mùi tanh của hải sản. Tiêu dù cay, nhưng nấu lên lại có vị ngọt khác biệt so với các loại khác. Dù giá thành cao hơn so với các vùng khác, nhưng với chất lượng nổi trội hơn hẳn.
Theo một số nhà vườn trồng tiêu ở Phú Quốc, mật độ trồng từ 2.500- 3.000 cọc/ha, mỗi dây tiêu đạt năng suất có thể thu hoạch 4- 5kg tiêu khô, và tiêu đạt chất lượng có thể bán với giá 200.000- 300.000 đ/kg.
Nhờ những giá trị tuyệt vời và những yếu tố nổi bật riêng, tiêu Phú Quốc đã được Nhà nước công nhận là thương hiệu quốc gia, là đại diện xuất khẩu đến các nước trên thế giới, góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa ẩm thực Việt đến bạn bè quốc tế.
Tháng 02/2011, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Phú Quốc.
Để cây tiêu phát triển bền vững, nhiều nhà vườn tại Phú Quốc hiện nay đã áp dụng mô hình trồng tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGap. Mô hình trồng tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGap được đánh giá là rất hiệu quả. Hướng đến sản xuất sạch, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Canh tác cây tiêu hướng đến GlobalGAP, huyện Phú Quốc đã xây dựng quy trình trồng tiêu để đạt được hiệu quả cao nhất. Huyện tập trung hướng dẫn kỹ thuật trồng tiêu cho nông dân theo quy trình giảm thiểu các mối nguy hại liên quan đến việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, gây ô nhiễm môi trường; Sử dụng giống tiêu mới năng suất, chất lượng cao kết hợp áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây tiêu, xây dựng mô hình sản xuất tiêu đạt chuẩn GlobalGAP. Huyện Phú Quốc còn tích cực đẩy mạnh phong trào nông dân trồng cây tiêu theo phương thức làm ăn mới, gắn với xây dựng những tổ hợp tác nông nghiệp.
Năm 2012, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng Đại học Cần Thơ thực hiện thành công đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất tiêu Phú Quốc đạt chuẩn GlobalGap", với tổng diện tích mô hình 5ha tại 5 nhà vườn hồ tiêu ở Phú Quốc. Cả 5 cơ sở này đều được nhận chứng chỉ GlobalGap.
Ông Lý Ngọc Thơ (Ấp Bún Gội, xã Cửa Dương, Phú Quốc) - 1 trong 5 nhà vườn tham gia mô hình này - bắt đầu chuyển đổi từ cách thức canh tác tiêu truyền thống sang tiêu chuẩn GlobalGap từ năm 2010. Trước đó, đất trồng và nguồn nước ngầm tưới đều được lấy mẫu kiểm tra, đủ điều kiện canh tác theo mô hình này. Hàng năm, đất và nước tiếp tục được lấy mẫu kiểm tra để đảm bảo môi trường đủ điều kiện sản xuất tiêu sạch. Trồng theo mô hình này, không những năng suất tiêu tăng, giá bán cũng cao hơn khoảng 10% so với tiêu thường.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các nhà vườn còn được khuyến khích lắp đặt hệ thống tưới hiệu quả - kết hợp tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa cho các gốc tiêu. Phương pháp này giúp tiết kiệm nhân công và nước tưới. Chi phí cho khoảng 1.500 gốc tiêu là trên 40 triệu đồng. Thời gian đầu, nhiều nhà vườn được hỗ trợ tới 50% chi phí lắp đặt.
Tại Hội nghị quốc tế ngành Hồ tiêu Việt Nam năm 2022 được tổ chức ở Đắk Lắk, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, để các sản phẩm tiêu của Việt Nam khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành Hồ tiêu cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh, như: dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.
Không chỉ trồng tiêu bán hạt, nhiều nông dân ở huyện Phú Quốc phát triển vùng trồng tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP theo hướng dịch vụ du lịch, giúp du khách có điều kiện tìm hiểu, trải nghiệm cách trồng hồ tiêu trên huyện đảo.
Đại diện UBND huyện Phú Quốc khẳng định: “Xây dựng vùng trồng tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại Phú Quốc rất phù hợp với quy hoạch xây dựng hòn đảo ngọc này trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Huyện đã quy hoạch vùng trồng tiêu hợp lý, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Những vườn tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ trở thành điểm tham quan, thư giãn hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến đảo.
Ngoài ra, xây dựng vùng trồng tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP giúp cây tiêu Phú Quốc trở thành thương hiệu nổi tiếng, có khả năng cạnh tranh với giá cả cao hơn, đứng vững trên thị trường thế giới. Hạt tiêu sạch còn là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất dược phẩm.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái vườn hồ tiêu ở Phú Quốc hướng đến các tiêu chí gồm: Vườn hồ tiêu có diện tích đảm bảo thiết kế nơi ăn, nghỉ ngơi thư giãn, thăm quan và dịch vụ phục vụ du khách; nhà vườn đã tham gia tập huấn sản xuất, trồng tiêu theo quy trình Global GAP; có khả năng tài chính tham gia kinh doanh du lịch; nhân lực, trang thiết bị, phương tiện cơ bản phục vụ dịch vụ du lịch.
Cùng với đó, mô hình xây dựng các phân khu giới thiệu vòng đời cây tiêu từ khâu chọn giống trồng, các giai đoạn sinh trưởng đến thu hoạch sản phẩm; khu tham quan giống, ươm mầm, sản xuất, đóng gói các sản phẩm tiêu; khu trưng bày và bán sản phẩm kết hợp giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch Phú Quốc - Kiên Giang. Mô hình tổ chức có hệ thống, quy trình phối hợp giữa nhà vườn, chính quyền địa phương, công ty lữ hành và du khách tạo thành một sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa phương.
Nhờ kết hợp tốt, sản lượng tiêu tiêu thụ tại huyện đảo đã đạt khoảng 80% cho khách du lịch thông qua du lịch nhà vườn, chợ đêm, các khu du lịch..., còn lại xuất bán các tỉnh trong nước.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, Phú Quốc đặt mục tiêu bảo đảm giữ 500ha cây tiêu phục vụ cho du lịch.
Từ sản phẩm hồ tiêu truyền thống, hồ tiêu Phú Quốc ngày nay được người dân huyện đảo chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng, như: tiêu khô, tiêu xay, muối hồng tiêu, muối tiêu chanh, tiêu tươi ngào đường, chủ yếu phục vụ khách du lịch, ngoài ra còn vận chuyển tiêu thụ tại đất liền như Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu. Trong đó, Tiêu ngào đường và Muối hồng tiêu là những sản phẩm được du khách rất ưa chuộng.
Nói đến tiêu Phú Quốc thì không thể bỏ qua sản phẩm “tiêu ngào đường” cực kỳ hấp dẫn. Tiêu chín ngào đường Phú Quốc được sử dụng để làm nước chấm các loại hải sản, các món rau luộc, thịt luộc hay dùng để chấm các loại quả có vị chua, làm gia vị ướp kho cá, kho thịt hay nấu canh cá không chỉ làm giảm vị tanh của cá mà còn giúp tăng hương vị món ăn.
Tiêu chín ngào đường Phú Quốc được tạo ra bằng cách trộn hạt tiêu chín xay vào nước mắm cá cơm 45 độ đạm và đường, sau đó trộn đều để được hỗn hợp Hạt tiêu chín, nước mắm, đường lẫn vào với nhau. Với vị cay, thơm nồng của hạt tiêu chính, vị thanh mặn của nước mắm, vị ngọt của đường tạo nên một hương vị đặt trưng cho sản phẩm.
Tiêu chín ngào đường Phú Quốc khi được chế biến xong có hương thơm, vị cay của tiêu chín, vị mặn của muối, nước mắm, vị ngọt của đường cho món ăn thêm đậm đà. Hương vị tiêu chín thơm ngon được dùng để chế biến: Kho, ướp: Cá, thịt, hải sản và chế biến các món ăn khác,... làm kho quẹt để chấm với rau luộc, thịt luộc, ăn với cơm trắng,…
Trước đây, người dân Phú Quốc sử dụng hạt tiêu và xuất khẩu tiêu thô. Nay Phú Quốc lại có thêm một sản phẩm được chế biến từ hạt tiêu đó là Muối hồng tiêu. Muối hồng tiêu Phú Quốc gồm 3 thành phần chính là: Muối hồng, Hồ tiêu Phú Quốc và tỏi. Với sự kết hợp của cả 3 loại gia vị trên làm cho muối hồng vừa thơm ngon lại có lợi cho sức khỏe người dùng. Khi rang muối cùng tiêu và tỏi phi cho khô, người ta sẽ thêm bột ngọt vào rang cùng. Bột ngọt gặp nóng chảy ra và vón lại tạo nên thành phẩm.
Hạt muối hồng tiêu có màu nâu đen, to, giòn và không quá mặn. Khi ăn vào cảm giác đầu tiên giống như ăn muối tôm. Nhưng khác với muối tôm luôn có vị cay bỏng lưỡi rồi biến mất rất nhanh sau đó. Còn muối hồng tiêu thì có vị mặn vừa phải. Vị cay lan tỏa khắp lưỡi cùng với đó là nồng nàn mùi hạt tiêu thơm phức.
Mùi tỏi cũng không quá gắt. Muối này dùng ăn với cơm trắng nóng hay cháo trắng chắc chắn sẽ rất tuyệt. Đây là loại đặc sản nổi tiếng tại Phú Quốc, có thể dùng muối chấm với trái cây, hải sản, rau củ quả…
Có thể thấy, nhờ phát triển mô hình tiêu sạch, đa dạng các sản phẩm chế biến từ hạt tiêu và phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch, người dân huyện đảo Phú Quốc đã ngày càng có thu nhập cao hơn và phát triển bền vững.