Trên địa bàn Tây Nguyên, Kon Tum là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi trong việc phát triển cây dược liệu. Các huyện Tu Mơ Rông, Đắk Glei, Kon Plông nằm ở vùng Đông Trường Sơn mưa nhiều, khí hậu lạnh, ẩm… có nhiều loại dược liệu có sẵn trong tự nhiên. Hồng đẳng sâm là loại cây thân leo, mọc bò trên mặt đất, được trồng ở một số huyện của tỉnh Kon Tum như Kon Plông, Tu Mơ Rông và đặc biệt là vùng núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei.
Nằm cách Thành phố Kon Tum 120 km về phía Bắc, huyện Đăk Glei là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá lịch sử, ngôi nhà chung của nhiều dân tộc anh em sinh sống từ rất lâu đời như: Giẻ - Triêng, Xơ Đăng, Tày, Nùng, Kinh.
Hồng Đảng Sâm sinh trưởng tại Núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum được xem là loại Hồng Đẳng Sâm tốt nhất hiện nay.
Món quà từ thiên nhiên
Hồng Đảng sâm hay còn gọi Sâm Dây là loại cây thân leo rễ hình trụ dài, đường kính củ có thể đạt 1,5-3cm, ít phân nhánh, đầu rễ phình to có nhiều vết sẹo lồi của củ, ít rễ nhánh. Thân mọc thành từng cụm, bò trên mặt đất, màu tím sẫm, có lông thưa, phần ngọn không lông. Lá mọc dạng hình trứng hay hình trứng tròn, đuôi lá nhọn, dài 3-8cm, rộng 2-4cm. Hoa màu xanh nhạt, mọc riêng lẻ ở kẽ nách lá, có cuống dài 2-6cm, gồm 5 phiến hẹp, 5 cánh có vân màu tím ở họng cuống.
Tại Kon Tum, mùa ra hoa hằng năm của Hồng Đảng sâm là từ tháng 5 – tháng 7, mùa quả chín từ tháng 9 – tháng 11. Cây có thể lụi tàn vào mùa đông (mùa khô) đến mùa Xuân (đầu mùa mưa), từ gốc mọc lên 1 – 2 chồi và tiếp tục phát triển. Tại đây, Hồng Đảng sâm được trồng và chăm sóc chủ yếu tại 03 huyện KonPlong, Tu Mơ Rông và Núi Ngọc Linh – Đắk Glei, vùng trồng chủ yếu được phân bổ từ độ cao 900 – 2000m so với mực nước biển, thuộc dãy Trường Sơn Nam.
Đặc biệt Hồng Đảng sâm sinh trưởng tại Núi Ngọc Linh thuộc H. Đắk Glei, T. Kon Tum là loại Hồng Đảng sâm tốt nhât hiện nay. Với củ Sâm to từ 1,5 – 3 cm, củ cứng cáp, phân nhánh và có nhiều rễ, không nhỏ thẳng đuột như 1 số loại Hồng Đẳng sâm mọc ở những vùng khác. Với hàm lượng Saponin và dược tính vượt trội hơn hẳn.
Theo Đông y, Hồng Đảng sâm có vị ngọt, tính bình, vào kinh tỳ và phế. Có tác dụng bổ trung, ích khí, sinh tân, kiện tỳ, dưỡng huyết, dùng cho các trường hợp tỳ vị hư nhược, khí hư, huyết hư, thể trạng mệt mỏi, suy nhược, kém ăn, đại tiện lỏng, sa tử cung, sa trực tràng, sa dạ dày ruột.
Hồng Đảng sâm có tác dụng chống mệt mỏi và tăng cường sự thích nghi của cơ thể đối với sự thay đổi của môi trường.
Đối với hệ tiêu hóa, Hồng Đảng sâm có tác dụng tăng cường trương lực của hối tràng và cải thiện chức năng tiêu hoá.
Đối với hệ tim mạch, Hồng Đảng Sâm làm tăng cường độ co bóp của tim, tăng lượng máu cho não, chân và nội tạng.
Đối với máu và hệ tuần hoàn máu, Hồng Đảng Sâm có tác dụng làm tăng số lượng hồng cầu, huyết sắc tố, làm giảm số lượng bạch cầu, giúp tăng nhanh quá trình máu đông khô mà không làm tán huyết.
Ngoài ra, Hồng Đảng Sâm còn có tác dụng hạ huyết áp, tăng cường miễn dịch của cơ thể, có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn. Giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục sau chấn thương, suy nhược.
Cách sử dụng Hồng Đảng sâm
1. Chế biến món ăn
Từ lâu Hồng Đảng sâm được coi là 1 thực phẩm quan trọng trong nhiều thang thực phẩm trong các bộ như “thập toàn đại bổ”, “tứ quân tử thang”. Ngoài ra cũng được phối hợp với nhiều loại thảo dược khác để chữa các bệnh về thiếu máu, suy nhược cơ thể.
Hồng Đảng sâm tươi khi bỏ vào các món ăn như Lẩu, Hàm Gà Ác sẽ trung hoà vị của nước dùng, làm nước dùng có vị ngọt thanh, đậm đà và thơm vị Hồng Đảng sâm tự nhiên. Món ăn có vị hấp dẫn và rất dễ ăn.
Với cách chế biến này rất dễ ăn và cực kỳ tốt cho sức khoẻ, phù hợp với đại đa số người có thể sử dụng được. Đặc biệt tốt với người cần hồi phục sức khoẻ, thiếu máu, suy nhược cơ thể, trẻ em biếng ăn, suy dinh dưỡng…
2. Sắc nước uống hàng ngày
3. Ngâm rượu
Tỉnh Kon Tum hiện có 853 loài thực vật có khả năng sử dụng làm thuốc, trong đó có các loại cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao như: Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử, Đinh lăng, Nhân sâm, Lan kim tuyến… Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã xác định, đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của khu vực và cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xã Măng Ri, là địa phương có diện tích trồng sâm lớn nhất huyện Tu Mơ Rông, nhờ cây sâm mà đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo, kinh tế phát triển. Nhiều hộ gia đình Xê Đăng chuyển đổi từ cây nông nghiệp sang trồng sâm không chỉ nhanh thu hồi vốn mà còn nhanh chóng có lãi, hoặc nếu ít đất sản xuất thì nhận chăm sóc sâm cho doanh nghiệp và thuê đất rừng để tự trồng sâm. Chính nhờ cách làm này, họ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu với thu nhập bình quân hàng trăm triệu mỗi năm.
Ngoài những loài cây dược liệu sẵn có trong rừng, toàn huyện Tu Mơ Rông đã trồng được khoảng trên 644 hecta cây dược liệu; trong đó 500 hecta cây Sâm Ngọc Linh và 144 ha cây Đảng sâm. Đến nay, nhiều doanh nghiệp và hộ cá nhân trên địa bàn huyện trồng cây dược liệu như cây Sâm Ngọc Linh, cây Đảng sâm có thu nhập cao hơn trồng các loại cây khác.
Huyện Kon Prông cũng là một trong những địa phương có diện tích cây dược liệu lớn của tỉnh Kon Tum với những chủng loại như Đảng sâm, Đương quy, Nghệ đỏ, Đinh lăng, Ba kích tím, Hà thủ ô, Sa nhân... Đồng thời, huyện Kon Prông còn chú trọng khai thác, bảo tồn các loại dược liệu sẵn có trong tự nhiên như: Chè dây, giảo cổ lam, cốt toái bổ, tiêu rừng, sơn tra, chuối rừng, ngũ vị tử, các loại nấm…
Hiện nay, huyện đã thực hiện khoanh vùng, bảo tồn một số loại cây như: chuối rừng, sim rừng, sơn tra và đang triển khai khoanh vùng bảo tồn các loại cây như: Chè dây, cốt toái bổ, ngũ vị tử, lan kim tuyến…
Để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, UBND huyện Kon Plông đã kêu gọi một số doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn, liên kết một số doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Hiện có một số sản phẩm đã được liên kết sản xuất và bao tiêu như: Cây đảng sâm, đương quy, đinh lăng, ba kích, sa nhân…
Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh công tác phát triển cây dược liệu trên địa bàn các huyện khác như ĐăkGlei, Sa Thầy, Đăk Tô… thành cây trồng mũi nhọn. UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân thuê đất, cho vay ưu đãi, hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, cơ chế quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ vùng nguyên liệu… để yên tâm phát triển cây dược liệu.
Đến nay, UBND tỉnh đã giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, cho thuê đất đối với 10 doanh nghiệp trong tỉnh để triển khai các dự án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu với trên 7.600 ha. Trong đó, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã triển khai trồng được khoảng 500 hecta cây Sâm Ngọc Linh chủ yếu tại 2 huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei và gần 2.000 hecta các loại cây dược liệu khác có giá trị kinh tế.
Từ năm 2018, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum đã thông qua Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư, bảo tồn, phát triển và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Phát triển dược liệu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
Trên cơ sở hiện trạng trồng, phân bố về trữ lượng dược liệu tự nhiên của tỉnh, quy hoạch phát triển từng loài dược liệu phù hợp với hiện trạng phân bố, điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng khí hậu của tỉnh, nhất là các huyện trọng điểm phát triển dược liệu như Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông để khuyến khích phát triển các dược liệu phù hợp; có kế hoạch khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn.
Trình bày: Duy kiên - Ánh Tuyết