Thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân tích tụ đất đai để phát triển sản xuất tập trung và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị
Huyện Thọ Xuân, địa phương phía Tây tỉnh Thanh Hóa, trước đây nổi tiếng với vùng mía nguyên liệu, nay đang nổi lên về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tại Thọ Xuân góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thế mạnh, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, mang lại lợi ích cao về kinh tế và môi trường.
Xác định phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (CNC) là hướng đi tất yếu cả trước mắt và lâu dài, huyện Thọ Xuân đã tích cực thực hiện chuyển giao các quy trình canh tác tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước trong sản xuất cây ăn quả...
Nhờ đó, nông dân trên địa bàn huyện đã xây dựng thành công 13 mô hình nhà màng, nhà lưới kết hợp tưới tiết kiệm, phục vụ sản xuất rau, củ, quả, hoa hữu cơ trên diện tích gần 67.000m2, lợi nhuận đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm; hơn 220 ha cây ăn quả có múi tập trung thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm...
Đồng thời, huyện đã phát triển được 21 trang trại trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, như sản xuất hoa, rau, quả trong nhà màng, nhà lưới theo công nghệ Israel, doanh thu của các trang trại từ 1 đến 3 tỷ đồng/trang trại/năm... Hiện toàn huyện đã thu hút được 92 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; trong đó, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để thực hiện các dự án lớn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại của châu Âu, Israel và các nước phát triển...
Trong chăn nuôi, huyện khuyến khích người dân phát triển theo hướng tập trung, quy mô vừa và lớn, ứng dụng công nghệ cao; tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế như lợn hướng nạc, gà lông màu... Nhiều trang trại đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải... Hơn nữa, các giải pháp thu hút doanh nghiệp bước đầu đã mang lại hiệu quả khi có 2 doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện là Công ty TNHH Bò sữa Vinamilk và Công ty CP Nông sản Phú Gia.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, các HTX trên địa bàn huyện đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.
Trong đó, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Tân (xã Trường Xuân) sau hơn 8 năm thành lập đã sở hữu 2 máy cấy, 2 máy gặt đập liên hợp, 2 vạn khay mạ, 5.000m2 nhà lưới trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và máy sấy có công suất 30 tấn/lượt sấy... Đến nay, HTX không chỉ phát triển sản xuất sạch, đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp mà còn là cầu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp. Có thể nói, việc phát triển nông nghiệp CNC không chỉ góp phần giúp các xã, thị trấn hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, mà còn giúp người dân từng bước tiếp cận phương thức sản xuất mới, hiện đại hơn và cho thu nhập cao hơn.
Những chính sách phát triển đồng bộ đang đặt nền móng để huyện Thọ Xuân đẩy nhanh tiến trình xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC, thân thiện môi trường, nâng cao giá trị kinh tế. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm và mẫu mã bao bì, quy hoạch vùng sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Những người nông dân tiến bộ
Tại cơ sở trồng dưa công nghệ cao của chị Lê Thị Tuyết (xã Xuân Hoà, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá), vườn cây trồng dưa Kim Hoàng hậu mang lại nguồn thu lớn cho gia đình
Thời gian trước gia đình nhà chị Tuyết cũng như bao nông dân khác ở xã Xuân Hoà chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, trồng ngoài trời. Trồng rau, màu ngoài trời, thời tiết khắc nghiệt lại mất mùa, được mùa lại mất giá. Để hạn chế tối đa những rủi ro mà thời tiết mang lại, cũng như nâng cao giá trị nông sản mình làm ra, chị Tuyết đầu tư 700 triệu đồng thực hiện mô hình trồng dưa công nghệ cao.
Nhà màng trồng dưa trên diện tích hơn 1500m2. Vào mùa nắng nóng dưa phát triển nhanh nên chỉ khoảng gần 70 ngày là được thu hoạch. Bình quân mỗi vụ dưa, chị Tuyết thu trên dưới 3 tấn quả. Thương lái đến tận nhà tranh mua dưa sạch với giá 30- 35 ngàn đồng/kg và giá bán lẻ từ 40-45 ngàn đồng/kg.
“Trồng dưa trong nhà, tuy tốn kém nhưng tránh được nắng nóng và chắc ăn hơn, trồng vụ nào cũng thắng. Đặc biệt dưa của tôi được trồng theo quy trình VietGAP nên bán được giá, từ đó hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách trồng dưa ngoài trời”, chị Tuyết chia sẻ.
Cũng theo chị Tuyết, mô hình trồng dưa của gia đình chị và các hộ dân nơi đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0. Hệ thống nhà màng có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng giảm chi phí sản xuất.
Đối với hệ thống tưới tiêu, chị Tuyết dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Isreal, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới tự động tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều.
Không giống như chị Tuyết, chị Lê Thị Vân Đam mê nông nghiệp công nghệ cao, với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân. đã xây dựng thành công mô hình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thiết bị nông nghiệp công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Sau khi tốt nghiệp Ngành kỹ sư nông học tại Trường ĐH Hồng Đức, Chị Lê Thị Vân đã xây dựng thành công mô hình chuyển giao kĩ thuật, cung cấp thiết bị nông nghiệp công nghệ cao với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Năm 2017 chị mạnh dạn vay vốn để xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thiết bị nông nghiệp công nghệ cao.
Khởi đầu có nhiều khó khăn do phải đầu mối liên kết, chuyển giao kỹ thuật thiết bị công nghệ cao như nhà kính, hệ thống tưới... Tuy nhiên, được gia đình động viên chị lại có thêm nghị lực để cố gắng hoàn thành ý tưởng của mình. Sau một thời gian nỗ lực, cơ sở chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị công nghệ cao được hình thành gồm nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới, cung cấp vật tư sản xuất và chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới. Từ những thành công bước đầu, năm 2019 chị thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Nông nghiệp CNC Rich Farm chuyên về xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thiết bị nông nghiệp công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với phương châm “Vươn lên từ đất, làm giàu từ đất”.
Đến nay Công ty của chị đã xây dựng được một khu giới thiệu sản phẩm có diện tích 220 m2, khu nhà kho 500 m2, xưởng cơ khí 300 m2 và hai mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (hơn 1,8 ha) tại 2 huyện Thọ Xuân và Hậu Lộc. Công ty đã nhận được nhiều đơn hàng đặt mua thiết bị và chuyển giao công nghệ từ các tỉnh, thành như Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Long...
Công ty đang có 35 lao động làm chính thức với mức lương 6,5 - 10 triệu đồng/tháng và 30 lao động thời vụ. Doanh thu công ty đạt 20 - 21 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.
Thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, không chỉ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, huyện Thọ Xuân còn thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây nông sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn.Trong đó đáng chú ý là các mô hình sản xuất công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, globalGAP … với hàng loạt sản phẩm an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao và được thị trường đón nhận.
Một trong những mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Thọ Lâm, là trang trại trồng dưa kim hoàng hậu công nghệ cao của công ty ( CT) Cổ phần Phát triển công nghệ cao Điền Trạch. Theo anh Đặng Đình Hải, một trong ba cổ đông góp vốn cho biế : doanh nghiệp của anh được thành lập và đi vào sản xuất vào cuối năm 2019, anh đã chọn cây dưa kim hoàng hậu làm đối tượng sản xuất.
Với diện tích 1,5 ha nhận thầu của xã, Công ty đã đầu tư 3 tỷ đồng, chủ yếu cho lắp đặt hệ thống nhà màng và tưới nhỏ giọt tự động (có thể điều khiển bằng điện thoại thông minh). Mỗi năm có thể trồng được 3 đợt cây dưa kim hoàng hậu, từ đầu năm đến nay, trang trại của anh Hải thu hoạch 2 lần và đang bước vào thu hoạch vụ thứ 3.
Về sản lượng, quân bình mỗi vụ cho 45 tấn quả (trên 1,5 ha), giá bán tại vườn trung bình 27.000 đồng/kg, cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/vụ. Nếu tính cả đợt thu hoạch sắp tới của vụ thứ 3, tổng doanh thu sẽ đạt 3,6 tỷ đồng, trừ chi phí nhân công, giống, phân bón … còn lãi khoảng 60%. CT dự định sẽ đầu tư mở rộng quy mô, diện tích, đưa vào sản xuất thêm các loại rau, củ, quả và trồng, nhân giống cây hoa phong lan.
Cùng với mô hình trồng dưa kim hoàng hậu công nghệ cao, tại xã Thọ Lâm, mô hình sen - cá – vịt trời của anh Phạm văn Cường (thôn 3)-Chủ tịch Hội Nông dân xã cũng đang chứng minh rõ nét hướng đi đúng của chủ trương tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa của Thọ Xuân. Năm 2018, sau quá trình tìm hiểu, học hỏi, anh Cường quyết định nhận thầu của xã 8 ha đất 5%, chủ yếu là ao đầm bỏ hoang và mua thêm của bà con 10 ha đất lúa kém hiệu quả để đầu tư, cải tạo, xây dựng trang trại chuyên canh cây sen, kết hợp nuôi cá và vịt trời. Ban đầu anh gặp không ít khó khăn, bởi số vốn đầu tư lên đến 2 tỷ, nhưng thu nhập chưa có, từ năm 2019 đến nay trang trại của anh đã đi dần vào ổn định và cho thu nhập.
Anh Cường cho biết, sen là loại cây “ dễ tính”, mỗi năm anh thu được trên 40 tấn hạt sen, trừ chi phí còn lãi 350 triệu, cùng với lãi 100 triệu đồng từ bán cá. Ngoài ra, vịt trời thương lái mua tại chỗ, giá 120.000 đồng/con (từ 1,1 – 1,3 kg), anh lãi khoảng 450 triệu đồng.
Tổng cộng mỗi năm trang trại cho lãi ròng gần 1 tỷ đồng. Chưa hết, chỉ hơn một năm nữa, trang trại của anh sẽ có thêm nguồn thu đáng kể từ 1.000 cây dừa Xiêm đã trồng được 3 năm trên bờ ao và những khoảng đất trống. Đáng chú ý , cá và vịt của anh nuôi theo mô hình bán tự nhiên, thức ăn chủ yếu có sẵn tại hồ, ao nên chất lượng cá, vịt rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trên địa bàn xã Thọ Lâm còn nhiều mô hình sản xuất theo hướng quy mô lớn, sản phẩm hàng hóa giá trị đang hoạt động hiệu quả. Nhờ đó đã tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Đồng thời, đây cũng là giải pháp tốt để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM nâng cao của huyện thọ Xuân nói chung và xã Thọ Lâm nói riêng.
Nhờ áp đụng khoa học kĩ thuật, nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất mà người dân ở Thọ Xuân- Thanh Hoá đã bứt lên thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững. Đó là tín hiệu tốt cho việc phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn, giúp việc xây dựng nông thôn mới ngày càng thành công hơn nữa.