Khai mở tiềm năng Hạt dẻ Ngân Sơn
17/11/2023 lúc 17:30 (GMT)

Khai mở tiềm năng Hạt dẻ Ngân Sơn

 

Vùng đất Ngân Sơn (Bắc Kạn) với những ngọn núi cao ngút tầm mắt, là điều kiện lý tưởng cho cây dẻ phát triển, nhờ đó hạt dẻ ở đây to, bắt mắt, vị thơm bùi đặc trưng. Với hiệu quả kinh tế mang lại, cây dẻ được xác định đây là loại cây đặc hữu tại nơi đây.

cay de

Ngân Sơn là huyện miền núi cao, mùa Đông kéo dài, nhiệt độ xuống thấp, thường xuất hiện sương muối, rất ít loài cây ăn quả có thể phát triển được. Tuy nhiên, dẻ là cây chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với thổ nhưỡng nên phát triển tốt, đặc biệt hạt dẻ Ngân Sơn có giá cao, mang lại thu nhập khá.

Dẻ ván là cây thân gỗ, cao tới 7-10m. vỏ cành nhỏ có lông mịn ngắn, phiến lá hình bầu dục. Quả to, có nhiều gai sắc, mỗi quả thường có 3-4 hạt cứng, màu nâu, đường kính từ 2-3cm. Cây có thể sống 70-80 năm, thu hoạch quả 50-60 năm, là cây có thể trồng để tăng thu nhập, thu hoạch lâu dài.

de ngan son 1
de ngan son 2

Cây dẻ ván không kén đất, có thể thích nghi trên nhiều loại đất khác nhau: Đất đồi, sườn đồi, sườn núi, đất nương rẫy cũ… Nhưng để phát triển tốt, cho năng suất cao cần đất có tầng canh tác dày, tơi xốp, thoát nươc tốt. Đất có độ pH hơi chua đến trung tính.

Hạt dẻ ván Ngân Sơn được bà con các dân tộc huyện Ngân Sơn trồng trên đồi, nương, rẫy có độ cao 200m so với mực nước biển, ở khí hậu mát mẻ 15 - 17 độ. Để trồng, bà con chọn giống dẻ ván từ những cây khỏe mạnh, sai quả đã được trồng và thích nghi với khí hậu tại Trùng Khánh (Cao Bằng) để lấy giống. Hiện nay cây dẻ ván có thể nhân giống bằng hạt hoặc bằng cách ghép mắt. Phương pháp ghép mắt thường cây trồng khỏe, sớm ra quả, sản lượng cao, phẩm chất tốt, được áp dụng nhiều nhất.

hạt dẻ 5

 

Hạt dẻ ván có hàm lượng tinh bột 40 - 60%, đường 10 -22%, protein 5 -11%, chất béo 2 - 7,4%, nhiều vitaminA, B1, B2, C, nhiều chất khoáng, thơm ngon, bổ, ăn thay lương thực hoặc chế biến thành kẹo bánh, bột dinh dưỡng.

Ngoài ra, vỏ quả, lá, chùm hoa đực, vỏ cây và rễ có thể làm thuốc bổ thận ích khí, cầm máu, giảm đau và các vết ngoại thương. Gỗ cứng, bền, chịu ẩm, chống mục tốt, gỗ có thể đóng thuyền, làm cầu, làm xe và đóng đồ gia dụng.

hat de ngan son 1

Cây dẻ vốn không phải là cây ban địa mà được đưa vào trồng thử nghiệm tại địa phương vào những năm 2000. Trước đây, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, chỉ có một loại cây trồng đặc trưng là cây thông. Tuy nhiên, loại cây này sau khi trồng từ 17 - 20 năm mới cho thu hoạch, giá trị cũng không cao. Do đó, người dân đã nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng, khí hậu và tìm hiểu các loại cây trồng khác để thay thế. Cây dẻ (hay còn gọi là dẻ ván) là một trong số những cây trồng được bà con lựa chọn vì đem lại thu nhập cao.

trong thu nghiem

Nhờ trồng trên núi cao, khí hậu mát mẻ quanh năm, dẻ ván dần trở thành cây đặc hữu của Ngân Sơn, từ chỗ trồng thử nghiệm nay đã có hơn 100ha. Theo thống kê, toàn huyện hiện có trên 105ha cây dẻ ván, diện tích cho thu hoạch hơn 27ha, năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha.

Nhờ đem lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Ngân Sơn đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 trồng thêm mới 100ha cây dẻ ván, mỗi năm 20ha tại 5 xã gồm: Cốc Đán, Thượng Ân, Bằng Vân, Đức Vân và thị trấn Nà Phặc.

Đức Vân hiện là xã có diện tích trồng dẻ lớn nhất huyện với diện tích trên 30ha. Phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây dẻ tại Đức Vân ưu việt hơn một số nơi khác bởi mẫu mã đẹp, hạt to, vị thơm bùi đặc trưng. Nếu như bình quân mỗi kg hạt dẻ từ 60 - 65 hạt thì ở Đức Vân khoảng 40 hạt đã đạt trọng lượng 1kg.

hat de 1
hạt dẻ 2
hat de 3
hat de 4
hat de 5

Một số hộ dân đã có hạt dẻ thu hoạch, với giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, giá trị kinh tế thu được không hề nhỏ đối với kinh tế hộ. Do vậy, chính quyền địa phương đã định hướng, vận động người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng dẻ và quy hoạch xã Đức Vân là vùng trồng trọng điểm.

Chị Bàn Thị Ngân - Giám đốc Hợp tác xã Hợp Phát, xã Đức Vân cho biết, năm 2006, chị sang tỉnh Lạng Sơn học hỏi kinh nghiệm về trồng cây dẻ ván, sau đó đưa về trồng thử nghiệm tại địa phương. Sau khi trồng thử nghiệm, cây dẻ phát triển tốt, sản phẩm hạt dẻ được khách hàng ưa chuộng. Từ đó, chị đã nghĩ đến việc mở rộng diện tích, đồng thời kết hợp với chăn nuôi.

thu hoạch hạt det

Năm 2019, chị Ngân cùng một số hộ dân tại xã Đức Vân thành lập Hợp tác xã Hợp Phát. Đến nay, Hợp tác xã của chị có 21 thành viên đều là người Dao. Nhận thấy tiềm năng từ cây dẻ, mấy năm nay, nhiều thành viên Hợp tác xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dẻ.

Đến nay, Hợp tác xã đã mở rộng diện tích được 50ha cây dẻ, với khoảng 8.000 cây trồng tập trung chủ yếu ở thôn Piêng Dượng và thôn Nặm Làng, xã Đức Vân. Hiện nay, khoảng 10 ha cây dẻ đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 9,5 tạ/ha, giá bán buôn tại vườn là 100.000 đồng/kg.

Năm 2020, sản phẩm hạt dẻ của Hợp tác xã Hợp Phát được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để sản phẩm của Hợp tác xã vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần đem lại sự ổn định trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động của Hợp tác xã.

Đây cũng là cơ hội để hạt dẻ Ngân Sơn xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

khai mạc

Tháng 9/2019, Sở Công Thương Bắc Kạn đã phối hợp tổ chức “Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2019” tại Hà Nội. Trong đó, hạt dẻ là một trong số các sản phẩm được tỉnh Bắc Kạn giới thiệu lần này.

Ngay ngày đầu tiên, sản phẩm đã được tiêu thụ mạnh với giá bán lẻ 170 000đ/kg hạt dẻ đã rang. Điều đó mở ra hướng tiêu thụ sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế của hạt dẻ Ngân Sơn cả về độ rộng và giá trị sản phẩm.

 

hat de
hat de ngan son 2

Trước đây, người trồng dẻ thường sử dụng phân bón vô cơ, phun thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là không có thói quen ghi chép lại những tác động của con người trong quá trình sản xuất, chưa tổng hợp các biện pháp phòng bệnh. Việc nhân rộng diện tích gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ chính là hướng phát triển bền vững, hiệu quả trong hành trình gây dựng thương hiệu sản phẩm hạt dẻ của Ngân Sơn.

Năm 2020, Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) đã triển khai hỗ trợ 4 hộ thành viên của HTX Hợp Phát phát triển chuỗi giá trị hạt dẻ hữu cơ.

Theo đó, cơ sở sản xuất phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu như: Không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng, giống cây chuyển đổi gen. Các bình phun thuốc trừ sâu trong sản xuất thông thường không được sử dụng cho sản xuất hữu cơ.

hat dẻ ngan son

Mỗi cơ sở sản xuất phải có mã số nông hộ; thường xuyên ghi chép các hoạt động sản xuất, nguyên liệu sử dụng như: Giống, phân bón, chăm sóc, thu hoạch… để truy xuất được nguồn gốc. Thiết lập vùng đệm nhằm tránh nhiễm bẩn từ bên ngoài vào khu sản xuất.

Ngoài được hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, các hộ còn được hỗ trợ một số máy móc như máy rang hạt dẻ, máy hút chân không, bàn đóng gói, hoàn thiện mẫu mã, bao bì và tham gia hội chợ để giới thiệu và quảng bá sản phẩm...

hạt dẻ hữu cơ

Mô hình trồng dẻ ván theo hướng hữu cơ tại Ngân Sơn đã thay đổi toàn bộ phương thức canh tác. Người dân làm chủ được khoa học kỹ thuật, từ đó chiết, ghép tạo ra giống cho thu hoạch sớm, hạt dẻ to mẩy.

Giữa tháng 8/2021, cơ quan chuyên môn đã phối hợp tổ chức đánh giá chứng nhận thực hiện thẩm định hồ sơ, kiểm tra hiện trường sản xuất để đánh giá xác nhận sự phù hợp theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ đối với 5,35ha dẻ của Hợp tác xã Hợp Phát.

Chứng nhận sản phẩm hữu cơ là điều kiện để hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm hạt dẻ trên thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng tới ổn định đầu cho hạt dẻ Ngân Sơn.

Hiện hạt dẻ huyện Ngân Sơn đã được công nhận là sản phẩm hữu cơ Việt Nam, diện tích cho thu hoạch gần 30ha, năng suất bình quân 56 tạ/ha.

hạt det

 

 

Thời gian qua, công tác phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Bắc Kạn đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Theo thống kê, từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2022 đến nay, Bắc Kạn đã triển khai 162 danh mục dự án phát triển sản xuất. Tổng vốn hỗ trợ dành cho các dự án là hơn 93 tỷ đồng.

Được hỗ trợ, người dân từng bước chuyển đổi từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung từng bước hình thành.

Sau khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực kinh tế tập thể thì thu nhập của thành viên Hợp tác xã tăng gấp 2 lần so với năm 2013. Tỉnh có hơn 1.116 hộ có thu nhập 1 tỷ đồng/năm trở lên; 2.200 nông dân thành lập trang trại, nhiều hộ thu nhập 20 tỷ đồng/năm; hình thành 40 tổ, nhóm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất… Đặc biệt, diện tích liên kết tiêu thụ đã tăng dần từ 10.000ha năm 2018 lên gần 50 nghìn ha vào năm 2023.

hat de

 

          

Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí