Khoai sọ là một loại cây trồng vốn rất thân thuộc với nương, ruộng của bà con nay đã trở thành sản vật mang thương hiệu riêng của huyện vùng cao Trạm Tấu. So với diện tích trồng lúa nương thì cây khoai sọ cho hiệu quả kinh tế tăng gấp 4 lần.
Khoai sọ có tên khoa học là Colocasia esculenta, thuộc họ ráy. Thân được chia làm hai phần, thân chính (rễ) phình to thành củ, gồm một củ cái và nhiều củ con mọc xung quanh. Phía trên là thân giả phát triển thành các bẹ lá, xếp lại với nhau. Ngoài hàm lượng lớn xơ và tinh bột, khoai sọ còn chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như: Protein, chất béo, canxi, sắt, mangan, vitamin C, vitamin E,… Khác với khoai môn hay khoai lang, củ khoai sọ nhỏ hơn, có nhiều củ con và nhiều tinh bột hơn.
Đồng bào dân tộc Mông ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái gọi củ khoai sọ là “kò cay”. Dịch ra: Kò nghĩa là củ, cay có nghĩa là củ có hình dạng như quả trứng. Củ khoai sọ có hình dáng và kích thước bằng quả trứng gà, trứng vịt.
Cây khoai sọ nương Trạm Tấu là giống khoai bản địa, được người dân trồng chủ yếu trên các triền núi đá, khí hậu ôn hòa. Thời gian trồng từ giữa tháng 3 đến hết tháng 4 khi trời bắt đầu mưa xuống đất nương đồi ẩm ướt, vụ thu hoạch từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11 khi mùa mưa đã chấm dứt.
Thời gian này thời tiết ở Trạm Tấu rất đặc thù, trong một ngày có đủ cả bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Cùng với đó, đất đai ở núi rừng Trạm Tấu có rất nhiều mùn, khoáng chất nên đã tạo nên chất lượng đặc biệt của khoai sọ Trạm Tấu.
Khi lá chuyển sang màu vàng và khô dần là lúc củ đã già, hàm lượng tinh bột khá cao, hương vị củ thơm ngon có thể thu hoạch củ. Củ khoai tròn, vỏ mỏng bên trong trắng ngần, bên ngoài còn nguyên lớp đất mùn đen của những nương, đồi vùng Trạm Tấu. Khoai sọ củ nhỏ, ăn dẻo thơm, đậm vị và có hàm lượng dinh dưỡng cao dùng để luộc, nấu canh, làm bánh,...
Được chắt lọc từ những tinh túy của đất, của trời cùng với văn hóa trồng khoai của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc nên Khoai sọ Trạm Tấu đã trở thành sản vật có một không hai ở vùng núi cao này.
Trước đây, người dân trồng khoai sọ mang nặng tính tự cung tự cấp nên hiệu quả kinh tế thấp, nhưng những năm gần đây do nhận thấy giá trị hàng hóa của của khoai sọ nên huyện xác định phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng thương hiệu bảo hộ nhãn hiệu, từng bước tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Được chọn là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương, năm 2019, huyện Trạm Tấu đã tiến hành trồng 45 ha khoai sọ, tập trung ở các xã: Xà Hồ, Bản Công, Bản mù, Pá Hu, Pá Lau…
Năm 2021, huyện đã triển khai dự án "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất khoai sọ" với chủ trương đẩy mạnh trồng khoai sọ trên đất nương rẫy, chuyển diện tích đất đồi trồng cây có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng khoai sọ nhằm từng bước phát huy cây trồng chủ lực của huyện. Tính đến tháng 6/2023, toàn huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có 600ha trồng khoai sọ, năng suất bình quân đạt 140 tạ/ha.
“Khoác áo mới” cho khoai sọ nương
Mô hình trồng khoai sọ trên đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả tại thôn Tà Xùa, xã Bản Công được triển khai thực hiện từ đầu tháng 3/2019 trên quy mô 3 ha với 10 hộ dân tham gia. Tham gia mô hình này người dân đã được huyện và Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp (DVHTPTNN) hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn kỹ thuật gieo trồng.
Nhờ đó, năng suất khoai sọ đạt 7,7 tấn/ha, cao hơn gieo trồng thông thường từ 30 - 35%. Đây là giống khoai sọ địa phương chất lượng củ thơm, bở, ngon từ lâu được người dân trong và ngoài huyện ưa chuộng.
Với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí ban đầu, mỗi ha khoai sọ đem về cho người trồng trên 43 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng lúa nương và một số cây trồng khác trên cùng diện tích. Cây khoai sọ ưa môi trường tự nhiên, người dân không phải chăm sóc thường xuyên, nếu đất bạc màu chỉ cần bón nhiều phân hơn một chút là đảm bảo được năng suất thu hoạch.
Là một trong 10 hộ dân trực tiếp tham gia thực hiện mô hình, ông Phàng A Dề ở thôn Tà Xùa cho biết: “Những diện tích này, trước đây gia đình tôi trồng lúa nương và ngô nhưng năng suất không cao. Năm nay, trồng khoai sọ tôi thấy được nhiều hơn hẳn. Vụ tới tôi sẽ tiếp tục trồng khoai sọ và mở rộng thêm diện tích”.
Thành công từ mô hình trồng khoai sọ trên đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả tại thôn Tà Xùa đã giúp xã Bản Công khai thác được tiềm năng từ đất, nhất là nâng cao được giá trị kinh tế trên các diện tích đất kém hiệu quả và là tiền đề để xã tiếp tục mở rộng quy mô thâm canh loại cây trồng này trong những năm tiếp theo.
Là xã có diện tích khoai sọ lớn nhất huyện và chất lượng khoai cũng ngon nhất, Bản Mù được coi là thủ phủ khoai sọ ở Trạm Tấu. Năm 2023, xã Bản Mù lên kế hoạch trồng 130ha khoai sọ. Vì thế nên ngay từ cuối năm 2022, xã đã giao chỉ tiêu trồng khoai sọ cho tất cả các thôn, trong đó thôn trồng nhiều nhất là thôn Mù Thấp với 40ha.
Gia đình anh Giàng Páo Lồng - Thôn Mù Thấp, xã Bản Mù có diện tích trồng cây khoai sọ vào diện nhất, nhì của huyện. Những năm trước nhà anh Lồng trồng khoảng 350m2 khoai sọ. Với giá 15.000 đồng/1kg, sau vụ thu hoạch, gia đình anh thu được 7 triệu đồng. So với diện tích trồng lúa nương trước đây thì cây khoai sọ tăng gấp 4 lần. Thấy cây trồng đem lại hiệu quả cao, gia đình anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng khoai sọ lên 1 ha.
Theo giá bán hiện nay, mỗi kg khoai sọ dao động từ 15.000 đến 17.000 đồng, trừ chi phí ban đầu, mỗi ha khoai sọ đem về cho nông dân từ 40 - 50 triệu đồng/vụ.
Thay diện mạo vùng núi đá Trạm Tấu
Ngày 10/12/2020, Sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống văn bản quản lý, sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm….
Năm 2021, diện tích trồng khoai sọ của huyện Trạm Tấu là 200ha, năm 2022, diện tích này tăng lên gấp đôi: 400ha, đến năm 2023 thì huyện đã đưa diện tích trồng khoai sọ thành 600ha, tập trung nhiều ở các xã: Xà Hồ 100 ha, Bản Mù 130 ha, Bản Công 110 ha, Trạm Tấu 70 ha, Pá Hu 50 ha, Pá Lau 20 ha, Túc Đán 25 ha, Tà Xi Láng 30 ha…
Với năng suất bình quân 140 tạ/ha, trừ chi phí ban đầu, mỗi ha khoai sọ đem về cho nông dân Trạm Tấu trên 120 triệu đồng, tạo nguồn thu nhập lớn cho nhân dân, giúp nhiều hộ đồng bào Mông vươn lên thoát nghèo.
Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát việc mở rộng diện tích trồng khoai sọ nương tại các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Trạm Tấu, Túc Đán, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 1.000 ha/năm; xây dựng chuỗi tiêu thụ và xây dựng sản phẩm khoai sọ nương được xếp hạng OCOP 4 - 5 sao...
Khoai sọ nương Trạm Tấu giờ không chỉ gây nhớ thương cho ai đã từng một lần nếm thử, mà còn là cây giảm nghèo trên vùng đất khó.
Để cây khoai sọ nương Trạm Tấu phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, huyện đã thành lập Hợp tác xã Kinh doanh sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy (tổ dân phố số 2, thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) nhằm tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ, giúp đỡ nông dân trồng, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, Hợp tác xã Hưng Thùy đang là đơn vị thu mua lớn nhất huyện. Hợp tác xã đã thu mua khoai của các thành viên và bà con tại các xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ,… với giá dao động từ 16.000 - 18.000 đồng/kg.
Để hướng tới đạt chuẩn OCOP, HTX hướng dẫn các thành viên và bà con nông dân sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Đồng thời, HTX mở rộng diện tích trồng khoai, tăng cường thu mua, kiểm soát chặt vật tư đầu vào, thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, chuẩn bị đầy đủ bao bì, nhãn mác…
Năm 2020, sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu của Hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Sau khi khoai sọ nương được chứng nhận là sản phẩm OCOP, Hợp tác xã đã hướng dẫn bà con lựa chọn những khu đất, thửa ruộng thích hợp với cây khoai sọ; lựa chọn vùng đất rộng để thâm canh với diện tích lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho chăm sóc và thu hoạch. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng hướng dẫn 20 thành viên và bà con liên kết trong vùng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo năng suất đi đôi với chất lượng.
Kể từ khi sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu của Hợp tác xã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đến nay, giá trị sản phẩm được nâng cao hơn và thị trường cũng rộng mở hơn. Hiện sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn