Làng nghề đan lát ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) từ lâu được biết đến không chỉ là ngành nghề mang tính truyền thống mà đã trở thành một nét văn hóa riêng của bà con đồng bào dân tộc Khmer.
Khơi lại nghề truyền thống
Chỉ bằng những nguyên liệu giản đơn như tre, nứa, qua đôi bàn tay khéo léo, đồng bào Khmer đã làm nên các sản phẩm gia dụng như: nong, nia; mâm ăn cơm, để đồ cúng; chiếu, rổ, giỏ... và đặc biệt rất nhiều loại đồ thủ công mỹ nghệ dùng trong trang trí nội, ngoại thất.
Tre, trúc là nguồn nguyên liệu chính để tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu đan lát Phước Quới. Trúc trồng khoảng 2 năm là có thể thu hoạch. Sau khi thu hoạch, bà con mang trúc tươi về chẻ trúc làm nan. Nan sau khi chẻ xong sẽ được mang phơi ráo để đảm bảo độ dẻo dai, giúp cho sản phẩm có độ bền. Sau công đoạn chẻ nan, phơi nan là đến công đoạn đan thành phẩm.
Trước đây bà con tại Phước Quới rất nghèo, trong đó cả ấp có trên 430 hộ, hơn 2.000 khẩu với diện tích đất canh tác trên 200ha, đa số bà con sống dựa vào nông nghiệp là chính nhưng vẫn không đủ ăn. Tuy nhiên, nghề đan lát truyền thống đã giúp người dân thoát nghèo.
Đại diện Ủy ban Nhân dân xã Phú Tân cho biết: Phú Tân là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn với 3.461 hộ, 14.649 nhân khẩu, gần 80% dân số là đồng bào Khmer. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, đồng bào Khmer đã khôi phục và phát triển nghề đan lát thủ công truyền thống.
Năm 2006, Hợp tác xã làng nghề ra đời. Huyện Châu Thành đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương thành lập làng nghề trong đó có việc xây dựng nhà xưởng, phòng trưng bày sản phẩm và máy chẻ nan tre… Ban đầu, chỉ có vài chục hộ làm nghề đan lát sau đó đã có vài trăm hộ đa số là thành viên Hợp tác xã làng nghề.
Các xã viên ngoài có thu nhập ổn định còn được vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo và góp vốn cho nhau mượn xoay vòng không tính lãi để mua thêm nguyên liệu, máy móc tăng năng suất lao động. Đến nay, các xã viên đều đã thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang hơn trước.
Trung bình một ngày, một người đan thành thạo có thể đan được khoảng 6 cái giỏ nhỏ, nếu giỏ cỡ lớn thì làm được khoảng 1 cặp, trừ chi phí nguyên liệu tre, trúc thì một người có thể có nguồn thu nhập hơn 100 ngàn đồng. Với những chị em phụ nữ hay những người lớn tuổi tại phum sóc thì đây là một công việc khá phù hợp bởi không tốn nhiều sức lao động, lại có thể chủ động về mặt thời gian lúc rảnh rỗi.
Chị Trần Thị Phiên, một trong những người gắn bó với nghề đan lát truyền thống cho biết: "Nghề này thu nhập cũng ổn. Mình có con nhỏ, nên ở nhà vừa làm vừa trông con luôn. Làm có thu nhập thêm, khi thiếu thốn chút thì mình bù lại được."
Mô hình hợp tác xã làng nghề đã và đang phát huy hiệu quả cao giúp làng nghề Phú Tân phát triển. Bên cạnh đó, người dân ấp Phước Quới vẫn luôn không ngừng học tập, nâng cao tay nghề và sáng tạo ra nhiều mẫu mã đẹp, độc đáo, mới lạ theo thị hiếu của khách hàng.
Hiện nay, làng nghề Phước Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm mỹ nghệ của làng phục vụ du khách về tham quan, mua hàng lưu niệm. Một dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của làng nghề là nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang Châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào.
Có thể nói, nghề đan tre nứa ở Phước Quới đã giúp giải quyết việc làm ở địa phương không chỉ góp phần bảo tồn nghề truyền thống mà còn giúp bà con có thêm thu nhập. Đây cũng là mô hình đang được nhân rộng để thúc đẩy chất lượng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Sóc Trăng.
Trước đây, việc vận chuyển các sản phẩm được làm ra còn rất khó khăn. Bởi là mặt hàng thủ công, lại làm theo từng hộ riêng lẻ nên khi đủ số lượng, bà con mới có thể thuê xe để vận chuyển đến cơ sở thu mua tại chợ trung tâm thành phố Sóc Trăng, hoặc các huyện, các tỉnh lân cận, tốn nhiều chi phí.
Năm 2022, Cơ sở Đan lát Thủy Tuyết đã được thành lập đặt ngay tại xã Phú Tân đã tạo điều kiện cho bà con phát triển nghề khi được cung cấp nguyên liệu, được thu mua sản phẩm, tiết kiệm được chi phí vận chuyển, yên tâm về đầu ra.
Chị Trương Thị Bạch Thủy, chủ Cơ sở Đan lát Thủy Tuyết cho biết: "Trước đây cơ sở mình đặt ở thành phố Sóc Trăng, bà con phải đi ra xa, vận chuyển vất vả, tốn kém. Mình về đây mua đất, cất nhà xưởng thì tiện lợi là sản phẩm có tại chỗ, nguyên liệu có tại chỗ".
Các sản phẩm đan lát của Cơ sở Thủy Tuyết đều được chị thu mua từ các làng nghề thuộc các tỉnh: Bạc Liêu, Trà Vinh, Đồng Tháp và Sóc Trăng. Khi mua hàng, chị không hề kén chọn mà gom hết cho bà con vì tre, trúc có cây lớn, cây nhỏ, kích thước khác nhau sẽ cho ra những sản phẩm khác nhau.
Định kỳ 2 tuần, Cơ sở sẽ gom hàng 1 lần tại các làng nghề, mỗi hộ gia đình bình quân có thu nhập ổn định 10 triệu đồng/tháng từ nghề đan lát. Cơ sở đã giải quyết lao động thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương và giải quyết lao động thời vụ từ 30 - 50 người làm thêm tại nhà. Cùng với đó, ngoài nguồn hàng thu mua trong làng nghề.
Chị Thủy cho biết, mỗi lần khách hàng đặt mẫu mới, chị phải nghiên cứu thật kỹ và tự tay làm ra sản phẩm mẫu, sau đó sẽ xuống các làng nghề “cầm tay chỉ việc” lại cho bà con để cho sản phẩm ưng ý nhất và mỗi làng nghề chị sẽ chọn đặt hàng các sản phẩm khác nhau để nâng cao tay nghề cho người dân.
Hiện Cơ sở Đan lát Thủy Tuyết có gần 500 mẫu sản phẩm, mẫu mã đẹp mắt, độ tinh xảo cao nên được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Ngoài sản xuất các mặt hàng tiêu dùng truyền thống như: cần xé, thúng, rổ, rế nồi, nia, mê bồ, nom, lồng bàn, nôi, bàn ghế… thì hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng được ra đời tương tự nhưng với phiên bản thu nhỏ như bội gà, thúng, giỏ cá, đồ đặt cá… dùng để trang trí rất được khách hàng ưa chuộng và hiện có mặt tại thị trường châu Âu. Các sản phẩm cũng được bày bán tại các điểm du lịch qua đó đã quảng bá, đưa hình ảnh, nét đặc trưng của miền sông nước đến với đông đảo du khách gần xa.
Xác định ngành nghề nông thôn là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai Đề án 02 về việc “Bảo tồn, Phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020” với mục đích bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc, phản ánh nét văn hóa độc đáo của từng địa phương, từng vùng, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm từ nghề truyền thống và làng nghề truyền thống; đồng thời, phát triển một số nghề mới trên địa bàn tỉnh.
Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn