Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí
09/12/2024 lúc 16:00 (GMT)

Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí

Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí
Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí

Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và trở thành một trong những ngành then chốt của nền kinh tế. Do đó, thời gian qua, nhiều chính sách đã được ban hành để hỗ trợ, đề ra các giải pháp mở rộng thị trường cho các sản phẩm cơ khí.

Ngày 15/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với quan điểm cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, gắn kết sản xuất cơ khí với dịch vụ, thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị, sản xuất công nghiệp thế giới. Kiến tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí và tự động hoá, từ đó thúc đẩy năng lực nội tại của doanh nghiệp, cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Quyết định 319/QĐ-TTg quy định rất cụ thể các cơ chế chính sách cũng như các sản phẩm cơ khí trọng điểm để đầu tư phát triển sản xuất trong thời gian tới, góp phần định hướng cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo nhu cầu thị trường trong nước.

Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí
Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí
Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí

Gần đây nhất, ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định những lĩnh vực ưu tiên của ngành cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển cơ khí chế tạo cho sản xuất máy nông nghiệp, ô-tô, tàu biển, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế) cần được ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển.

Theo TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, trước đó, nhiều chính sách đã “mở đường” cho cơ khí trong nước tham gia vào các dự án quan trọng.

Có thể kể đến như Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012 - 2025.

Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí

Hay với Quyết định 797/CP-CN ngày 17/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc các dự án điện khởi công năm 2003-2004 và Quyết định số 400/CP-CN ngày 26/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cơ chế đối với các dự án thủy điện (cơ chế 797/400), Nhà nước cũng đã hỗ trợ để mua toàn bộ phần thiết kế kỹ thuật và công nghệ của phần thiết bị cơ khí thuỷ công cho dự án đầu tiên là dự án thủy điện A Vương.

Từ đó đến nay, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã làm được khoảng hơn 40 dự án thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có dự án thủy điện Lai Châu 1.200 MW, Sơn La 2.400 MW. Giá thành tại thời điểm này so với thời điểm nhập khẩu trước đây thì đã giảm ít nhất 30%. Quan trọng hơn, khi đã tự chủ trong vấn đề thiết kế của các thiết bị này, ngành cơ khí nội địa cũng tự chủ trong vấn đề sửa chữa, bảo dưỡng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí

Hay là đối với ngành vật liệu xây dựng, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 về phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, nhờ đó các doanh nghiệp trong nước đã vận dụng cơ chế, chính sách để tham gia phát triển các thiết bị nhiệt dư cho các nhà máy xi măng.

Còn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 đã quy định rất cụ thể các cơ chế, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Từ quyết định này, nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị phụ trợ về cơ khí đã đầu tư và thành công, thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo cầu nối và tạo sự lan tỏa trong quá trình phát triển các sản phẩm cơ khí trong nước.

Nhờ những chính sách này, ngành cơ khí Việt Nam đã phát triển với nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm chủ công nghệ, mở rộng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ nội địa hoá và phát triển thị trường.

Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí

Hiện nay cơ khí trong nước có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ và ô tô và phụ tùng ô tô. Doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Đến nay, linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85- 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15- 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; khoảng 40- 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.

Cụ thể, cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco…

Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí

Dù dư địa của ngành là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.  

Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ô tô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới đáp ứng 1/3. Cơ hội để chúng ta tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn. Nếu tạo ra giá thành, thị trường ổn định… thì cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Đức Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội phân tích, có những thuận lợi và khó khăn đan xen trong phát triển thị trường cho sản phẩm cơ khí trên địa bàn.

Về thuận lợi, phải kể đến sự quan tâm của các cấp chính quyền trung ương và địa phương, với nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia tại Việt Nam thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hay liên doanh đều tạo ra những cơ hội rất lớn để doanh nghiệp trong nước tiếp cận với đối tác khách hàng từ nước ngoài, tiệm cận dần và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để trở thành nhà cung cấp trong chuỗi sản xuất đa quốc gia.

Ngoài ra, việc Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, tham gia nhiều các FTA trong đó có những FTA thế hệ mới; cơ chế giảm lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất; hoạt động tích cực của các Hiệp hội ngành trong tuyên truyền chính sách, hỗ trợ đào tạo, xúc tiến thương mại - đầu tư,… cũng là thuận lợi cho các doanh nghiệp để tham gia chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, theo ông Cường, bên cạnh những thuận lợi này, còn rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất, khó khăn về nguồn lực đầu tư.

Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí

Thứ hai, về nguyên vật liệu. Ví dụ như nguyên vật liệu thép thì ở Việt Nam gần như mới đang sản xuất dừng lại ở CT3 dành cho ngành xây dựng, nhưng nếu các mác thép cao hơn như C45 gần như chúng ta phải nhập khẩu và đa số thị trường nhập khẩu hiện tại là từ Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ hoặc Thái Lan và khi mà chúng ta bị động về nguồn nguyên vật liệu như thế này thì tất cả những biến động xảy ra trên thế giới như chiến tranh hay là dịch bệnh thì gần như là ta thiếu quyền chủ động. Bên cạnh đó, ta cũng hoàn toàn thiếu quyền chủ động trong việc quyết định giá.

Thứ ba, hạn chế về công nghệ hiện đại cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam, các ngành cơ khí thì ngoài những doanh nghiệp đầu đàn như anh Phong có chia sẻ là những con “sếu đầu đàn”, đa số tất cả người làm trong ngành cơ khí đều xuất phát lên từ nghề và những lao động này cơ bản sẽ sử dụng đa phần là kỹ năng, kinh nghiệm để mua những trang thiết bị đã qua sử dụng hoặc là máy giá rẻ, sau đó sử dụng những kinh nghiệm, kỹ năng của mình để đưa ra những sản phẩm nên các sản phẩm đạt chất lượng nhưng nếu số lượng lớn lại không đồng đều.

“Ngoài ra, để sản xuất ra một sản phẩm thì ví dụ như nước ngoài họ cần 1 phút thì mình cần phải 1,5 phút thì đó cũng là một trong những hạn chế. Bởi vì khi nước ngoài họ đã đầu tư công nghệ về tự động hóa và hiện đại hóa thì hoàn toàn khâu con người và khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như đo đạc là đều được tự động hóa. Nên đây là một trong những điểm mà tôi thấy khá là khó khăn cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Cường nói.

Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí
Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí

Thứ tư, đa phần tất cả những sản phẩm tại Việt Nam hiện tại chiếm rất nhiều tỉ trọng trong việc gia công OEM cho các doanh nghiệp FDI, bởi vậy doanh nghiệp Việt thường không có đội ngũ R&D, không có đội ngũ thiết kế quá sâu mà đa phần được cung cấp bản vẽ và gia công làm lại, dẫn đến hạn chế trong sáng tạo và đổi mới để tìm kiếm các cơ hội lớn hơn.

Thứ năm, dù cũng có rất nhiều chính sách nhưng mới chỉ có một số ít doanh nghiệp “chạm” được đến các cơ chế, chính sách này, còn vướng mắc ở quy trình, thủ tục pháp lý cần tháo gỡ để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

“Cuối cùng, sau tất cả những khó khăn bên trên kéo theo tình trạng là chi phí quản lý, chi phí sản xuất sẽ tăng cao và câu chuyện đó là lợi thế cạnh tranh về giá của anh ở đâu?”, ông Cường đặt vấn đề.

Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, trước hết doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ, định vào thị trường nào thì nghiên cứu cơ chế chính sách của thị trường đó, đặc biệt là cơ chế chính sách đã được 2 bên ký kết trong các FTA.

Ngoài ra, ở Bộ Công Thương hàng năm, mà đại diện là Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với các thương vụ nước ngoài tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại ở các nước sở tại, như vậy, các doanh nghiệp cần có những liên hệ với Cục Xúc tiến thương mại để có được kế hoạch, đưa catalogue sản phẩm của mình để quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, tìm hiểu các thông tin của một số doanh nghiệp đã thành công ở thị trường đó để lấy đó làm kinh nghiệm để khi vào thị trường mới mình tránh được rủi ro.

Về nội tại các doanh nghiệp, cần đầu tư hơn nữa về nguồn nhân lực, trang thiết bị cũng như đầu tư công nghệ để có thể sở hữu các công nghệ của riêng mình, để khi có sản phẩm cần phải thay đổi thì có thể thay đổi ngay mà không bị động đối với các đối tác nước ngoài.

Đồng thời, dây chuyền sản xuất cũng cần được hiện đại hoá, đầu tư tốt hơn, khi đó giá thành mới cạnh tranh, chất lượng đảm bảo thì mới tạo ra được sự bền vững cho sản phẩm của mình trong chuỗi sản phẩm toàn cầu.

Mặt khác, việc hình thành được các doanh nghiệp là “sếu đầu đàn” có khả năng quản lý tài chính, có năng lực về quản lý sản xuất để điều tiết các đơn hàng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn ở bên dưới, hoặc các nhà thầu phụ sẽ giúp ngành cơ khí hình thành được mạng lưới chuỗi các nhà cung ứng, từ đó khai thác hiệu quả cơ hội thị trường.

Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí

Theo TS. Phan Đăng Phong, hiện nay, Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2025, Viện Nghiên cứu Cơ khí cũng đang được giao nhiệm vụ xây dựng đề án để phát triển thiết bị cơ khí điện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa theo Quy hoạch điện VIII. Trong đó, có rất nhiều thiết bị của nhà máy điện mà chúng ta có thể xem xét để nội địa hóa. Như vậy, điều cần nhất của doanh nghiệp cơ khí hiện nay là Nhà nước giúp bảo vệ thị trường, đặc biệt là những thị trường có dung lượng lớn như ngành đường sắt đô thị, đường sắt nội đô, và các nhà máy điện khí đầu tư trong thời gian tới hay là các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất nguyên vật liệu,…

“Tất nhiên đối với một số dây chuyền thiết bị trong nước chưa sản xuất được nhưng chúng ta xác định là có dung lượng lớn thì chúng ta cần phải có chính sách đặc biệt để làm sao 1-2 doanh nghiệp trong nước có thể làm chủ được toàn bộ trọn gói các nhà máy, bằng cách chỉ định thầu cho một vài đơn vị trong nước để làm một vài dự án đầu tiên và thông qua việc chỉ định thầu này cho phép các đơn vị, cho kinh phí để mua và tiếp nhận chuyển giao công nghệ để sau dự án này họ có thể tự chủ, tự lực trong các dự án tiếp theo. Có như vậy, công nghiệp hỗ trợ đi kèm mới phát triển được.”, TS. Phan Đăng Phong cho biết.

Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí
Kiến tạo thị trường cho sản phẩm cơ khí

Đơn cử, theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045 chúng ta sẽ đầu tư thêm tầm khoảng 32.000 MW nhà máy điện khí, khoảng 23.000 MW điện gió ngoài khơi và điện gió nội địa. Như vậy, với một nhà máy điện khí, theo thống kê trung bình riêng thiết bị là khoảng 0,95 triệu USD/MW và nhà máy diện gió khoảng 1,4 triệu USD/MW sản phẩm, thì chúng ta có một thị trường khoảng hơn 60 tỷ USD. Chỉ cần nội địa hoá 40% bao gồm thiết bị phụ trợ, các kết cấu thép, cầu thang, lan can sẽ là thị trường cơ khí đã có được 24 tỷ USD, đây là một thị trường rất đáng kể mà chúng ta có thể thực hiện được.

TS. Phan Đăng Phong cũng cho biết, Bộ Công Thương đang xem xét để rà soát Quyết định 319 về chiến lược phát triển cơ khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035, cần có những đánh giá, sơ kết chính sách phát triển cơ khí trong thời gian vừa qua, từ đó có những hiệu chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, để khi Quy hoạch ra đời thực sự đi vào cuộc sống và có thể ứng dụng được ngay, tránh những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

          

Thực hiện: Như Hạ

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí