Lấp lánh xứ muối Bạc Liêu
18/11/2023 lúc 17:55 (GMT)

Lấp lánh xứ muối Bạc Liêu

 

Muối Bạc Liêu

 

Từ những năm đầu thế kỷ 20, nghề làm muối đã hình thành và phát triển tại Bạc Liêu. Nhờ có điều kiện sinh thái đặc thù và đường bờ biển kéo dài hàng chục ki-lô-mét, những ruộng muối trải dài khắp Bạc Liêu từ đoạn giáp biển Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đến cửa biển Gành Hào. Nhiều xóm làng ở xã Điền Hải, Long Điền Tây cũng tập trung hàng trăm hộ dân sống bằng nghề làm muối.

Muối Bạc Liêu trước đây còn được biết đến với tên gọi muối Ba Thắc nổi tiếng (Ba Thắc là từ cổ chỉ vùng đất Nam sông Hậu). Trải qua hơn 100 năm phát triển, nghề làm muối tại Bạc Liêu mang đầy đủ tính chất của một nghề thủ công truyền thống. Có rất nhiều hộ gia đình có từ ba thế hệ làm nghề muối trở lên, thậm chí có gia đình đã đến thế hệ thứ sáu nối nghiệp.

Muối Bạc Liêu
Nghề làm muối ở Bạc Liêu đã tồn tại từ trăm năm nay

 

Trải qua bao thăng trầm, những làng nghề muối tại Bạc Liêu vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ với phương pháp sản xuất độc đáo. Đầu tiên, trên ruộng muối, người dân sẽ xử lý nền đất cho thật chặt, hạn chế tối đa nước biển thấm vào. Sau đó tiếp tục đưa nước biển vào phơi khô để thêm độ rắn cho đất. Khi nền ruộng muối đã đạt yêu cầu mới đưa nước biển vào bên trong. 

Ruộng muối khi có nước biển vào gọi là “ruộng phơi”. Dưới ánh nắng mặt trời, lượng nước biển bốc hơi bớt, độ mặn tăng cao hơn so với ban đầu. Khi ấy, người dân mới tháo phần nước này xuống phần ruộng bên dưới để tạo muối. Ruộng này gọi là “ruộng ăn”, được lèn chặt từ trước. 

Nghề này đòi hỏi diêm dân phải cần cù, chịu khó và có kinh nghiệm sản xuất gắn với thiên nhiên. Mùa làm muối thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. 

Muối Bạc Liêu

 

Là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước với sản lượng hơn 15.000 tấn/năm, Bạc Liêu nổi tiếng với hạt muối có vị đậm đà rất riêng biệt. Không trắng trong như hạt muối ở miền Trung, hạt muối Bạc Liêu có màu trắng hồng mang đậm hương sắc đặc trưng của nước biển phù sa.

Từ các cửa lớn, dòng phù sa của sông Mê Kông đổ ra biển và một phần trong đó đã tích tụ lại tại ven biển Bạc Liêu. Chính vì điều kiện tự nhiên này, hạt muối Bạc Liêu khô chắc, không tạp mùi và có hàm lượng magiê, canxi, sunfat, ... thấp, không gây vị đắng, chát. Hương vị của muối Bạc Liêu cũng vì thế mà nổi tiếng xa gần.

Bên cạnh giá trị kinh tế, nghề muối ở Bạc Liêu còn hàm chứa giá trị văn hóa đặc biệt. Nơi đây được xem là “thủ phủ muối” của Việt Nam. Những câu chuyện xung quanh nghề làm muối và hạt muối Bạc Liêu có giá trị hữu hình và tiềm năng phát triển du lịch.

Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Muối Bạc Liêu

 

Tự hào với nghề làm muối và thương hiệu muối Bạc Liêu, Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu - Basalco đã không ngừng cố gắng bảo tồn và phát huy di sản của địa phương.

Phát huy lợi thế nằm gần vùng nguyên liệu muối và ứng dụng công nghệ chế biến cùng với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu đã tiêu chuẩn hóa toàn bộ hoạt động sản xuất tạo nên những sản phẩm muối đảm bảo chất lượng, phù hợp với Luật An toàn thực phẩm, đủ sức cạnh tranh với muối nhập khẩu.

Tại thị trường nội địa, các sản phẩm muối của đơn vị, đặc biệt là sản phẩm muối tinh đã dần thay thế muối ngoại nhập tại nhiều tập đoàn, công ty thực phẩm lớn. Sản phẩm muối của công ty cũng đã có mặt tại các hệ thống siêu thị Big C, Coopmart, Lotte mart, Satra, Satrafoods, Vinmart, Bách Hóa Xanh, … và là gia vị quen thuộc trong căn bếp của nhiều gia đình tại các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long.

Không dừng lại ở đó, muối Bạc Liêu của Basalco đã có mặt tại Hàn Quốc để làm gia vị chế biến kim chi. Đây cũng là thương hiệu muối duy nhất của Việt Nam thành công chinh phục thị trường Nhật bởi hương vị đậm đà nhưng không chát đắng.

Muối Bạc Liêu
Muối Bạc Liêu thành công chinh phục thị trường Hàn Quốc

 

Basalco hiện đang kinh doanh 2 dòng sản phẩm chính là muối thực phẩm, gồm muối tinh, muối I ốt, muối hạt và muối gia vị gồm muối tôm, muối ớt, muối tiêu, muối chay.

Đáng chú ý, cả 7 loại sản phẩm này đều đã đạt được chứng nhận OCOP 4 sao. Đây là cơ sở giúp Bạc Liêu mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như nâng cao giá trị của hạt muối. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho diêm dân cũng như bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống.

Nghề muối Bạc Liêu vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển do hạ tầng và mặt bằng sản xuất muối còn rất lớn, diêm dân còn thiết tha với nghề. Hạt muối không chỉ đơn thuần là thức ăn hay phục vụ công nghiệp mà còn có thể tăng thêm giá trị như phục vụ cho du lịch, sức khỏe.

Hơn 100 năm tồn tại, hạt muối Bạc Liêu đã gắn chặt với đất, với trời, với con người, là chứng nhân lịch sử - văn hoá của quê hương. Trong tương lai, muối Bạc Liêu sẽ còn vươn xa hơn nữa để diêm dân thực sự làm giàu từ hạt “vàng trắng” này.

Muối Bạc Liêu

 

Bài viết & Thiết kế: Ngọc Châm


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí