Mở “kho báu” thuốc Nam người Dao
30/11/2023 lúc 11:00 (GMT)

Mở “kho báu” thuốc Nam người Dao

 

Ba Vì là một xã miền núi thuộc huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội) với dân số chiếm 98% là người đồng bào dân tộc Dao. Với nghề làm thuốc Nam bí truyền, các thế hệ người Dao nơi đây đang sở hữu "kho báu" vô giá. Từ một nghề truyền thống, thuốc Nam giờ đã trở thành sinh kế mang lại thu nhập tốt cho bà con.

thuốc nam

Được thiên nhiên ưu đãi, núi Ba Vì hay còn gọi là Tản Viên Sơn sở hữu hơn 500 loài dược liệu quý và đặc hữu, nên tự bao đời nay, đồng bào người Dao sinh sống ở đây đã nắm bắt được đặc tính, công dụng, cho đến tỉ lệ kết hợp, pha trộn giữa các thảo dược để tạo ra những bài thuốc cổ truyền dân tộc.

Theo bà con người dân tộc Dao Quần Chẹt nơi đây, nghề thuốc muốn duy trì và phát triển được thì không chỉ dừng lại ở việc sử dụng dược liệu để bốc thuốc, mà còn bắt đầu từ công việc tìm kiếm cây thuốc, chế biến, bắt bệnh và bốc thuốc.

Việc tìm được cây thuốc sẽ quyết định được một phần thành công của mỗi lương y, lương y nào có khả năng tìm kiếm được nguồn dược liệu tốt thì người đó sẽ có điều kiện chữa bệnh tốt hơn. Khi tiến hành sơ chế thì các lương y lại phải cẩn thận ở từng khâu, từng giai đoạn.

thuoc nam 1
thuoc nam 2
thuoc nam 3
thuoc nam 4

Dược liệu sau khi được thu hái về sẽ được băm chặt thành những kích cỡ khác nhau sao cho phù hợp với mục đích sử dụng. Sau đó, dược liệu sẽ được rửa sạch và phơi khô nhưng vẫn hoàn toàn đảm bảo được công dụng. Sau công đoạn này, thuốc sẽ được lưu giữ đóng gói một cách cẩn thận.

Cách đây 50 năm, người Dao chỉ biết dùng cây thuốc dưới dạng tươi hoặc khô. Vì thế vận chuyển xa gặp nhiều khó khăn. Người Dao bắt đầu nghĩ ra cách chế biến thuốc gọn nhẹ hơn mà vẫn giữ được công dụng của thuốc, từ đó cao lá ra đời. Cao lá đun nhiều tuần liên tục từ hơn 100 loại thảo dược khác nhau còn gọi là Cao lá bách thảo chữa được nhiều loại bệnh nan y.

nấu cao

Dược liệu mang từ rừng về được rửa sạch, băm nhỏ và phơi khô. Khi đã đủ số dược liệu cần thiết cho một mẻ cao thì người dân cho toàn bộ vào một chiếc chảo lớn, sâu lòng và đổ nước đầy đến miệng chảo. Trung bình, 100kg dược liệu sẽ nấu được khoảng 8kg cao và mỗi chảo lá thuốc như vậy sẽ cho 1kg cao lá thành phẩm.

Xã Ba Vì có 3 thôn là Yên Sơn, Hợp Sơn và Hợp Nhất với 98% nhân khẩu là người dân tộc Dao. Tháng 12/2013, làng nghề thuốc Nam của dân tộc Dao ở thôn Yên Sơn được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.

Đến năm 2021, hai thôn còn lại là Hợp Sơn và Hợp Nhất cũng được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống thuốc Nam của người Dao. Với xã miền núi còn nhiều khó khăn như Ba Vì, đất nông nghiệp canh tác ít, nghề làm thuốc Nam vừa là kế sinh nhai, vừa mang lại thu nhập chính cho các gia đình trong xã.

thuoc nam
thuoc nam 1

Nghề thuốc của người Dao Ba Vì được bồi đắp theo thời gian, thế hệ trước trực tiếp truyền thụ, hướng dẫn, chỉ bảo truyền thụ lại cho thế hệ sau. Những tinh hoa, kinh nghiệm làm nghề vì thế vừa kế thừa tri thức cổ truyền của dân tộc vừa tích lũy bí quyết gia truyền của chính dòng tộc, gia đình.

Vùng chân núi Ba Vì ngày nay bạt ngàn những mảnh vườn cây thuốc nam xanh ngát. Đồng bào nơi đây đã ý thức được nguồn thuốc tự nhiên sẽ ngày càng khó kiếm, nên chủ động trong việc trồng cây thuốc tại vườn, đồi, vừa bảo tồn các loại thuốc quý, vừa chủ động nguồn dược liệu.  

thuoc nam
HTX ba vi

Hợp tác xã dịch vụ thuốc nam dân tộc Dao Ba Vì được thành lập nhằm khai thác và bảo tồn hiệu quả nhiều loài thuốc quý. Chính quyền địa phương cũng chú trọng việc tuyên truyền để cộng đồng người Dao ở Ba Vì hiểu được giá trị của Vườn Quốc gia Ba Vì.

Đại diện xã Ba Vì cho biết: “Để duy trì, phát triển và bảo tồn cây thuốc Nam, chính quyền địa phương đã chỉ đạo phát triển việc bảo tồn cây thuốc Nam đến với mỗi gia đình. Trong đó, phát động phong trào toàn dân tham gia trồng cây dược liệu. Hiện tại, xã đã triển khai được 5ha, được bà con Nhân dân nhiệt tình ủng hộ, nhất là các hội viên của Hội Đông y trồng và chăm sóc cây thuốc Nam”.

Với tài trợ của quĩ Rockerfeller, Quỹ châu Á và Trung tâm Môi trường và phát triển cộng đồng, Dự án “Phát triển mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội” đã hướng tới mục đích bảo tồn, phát triển và gìn giữ môi trường thiên nhiên, đặc biệt chú trọng tới hợp phần cây thuốc của người Dao Ba Vì.

thuoc nam

Trong hợp phần cây thuốc của Dự án, các y dược sỹ từ các trường Đại học Y, Dược Hà Nội tới tập huấn cho những thầy lang người Dao ở ba thôn Yên Sơn, Hợp Nhất và Hợp Sơn xã Ba Vì. Nội dung tập huấn bao gồm bảo tồn, tu hái bền vững, chế biến phát triển sản phẩm thảo dược tiến tới đăng ký Làng nghề thuốc. Đồng thời giúp những hộ gia đình nghèo lập vườn ươm nhân giống cây, cung cấp giống thuốc mới, hỗ trợ chế biến, sử dụng dụng cụ phơi sấy đơn giản.

Việc bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam không chỉ góp phần bảo đảm sinh kế cho người dân tộc ở Ba Vì, mà còn bổ sung vào kho tàng thuốc Nam của cả nước. Lớp trẻ người Dao cũng đã đi học tại các trường trung cấp, cao đẳng về y học cổ truyền để gìn giữ, phát huy các bài thuốc, cây thuốc quý của dân tộc và nối tiếp nghề của gia đình.

nau cao
thuoc na

 

Kế hoạch Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 đưa ra cũng đã nhắc tới việc củng cố, phá triển nghề truyền thống, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng... Khoảng 1.500 tỷ đồng được TP Hà Nội bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất cho đồng bào các dân tộc, trong đó có cộng đồng người Dao dưới chân núi Tản Viên. Điều này sẽ góp phần quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị bền vững cho nghề thuốc Nam của người Dao cũng như việc đẩy mạnh nguồn dược liệu quý.

hái lá thuốc

 

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ những tổ chức, cá nhân mở rộng vùng nguyên liệu; đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến cây thuốc Nam nhằm tạo ra những sản phẩm tiện lợi, phù hợp thị hiếu tiêu dùng và đòi hỏi của thị trường. Từ đó góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Dao.

          

Cây thuốc Nam đã mang lại thu nhập, giúp không ít gia đình đồng bào dân tộc Dao thoát nghèo. Tính đến đầu năm 2022, toàn xã chỉ còn 11 hộ nghèo (chiếm 1,8% tổng số hộ dân). Từ năm 2019, xã Ba Vì đã không còn nằm trong nhóm thôn xã đặc biệt khó khăn của cả nước.

          

 

nghe thuoc nam ba vi
thuoc nam 2

Nếu như trước kia, người Dao chỉ biết dùng cây thuốc dưới dạng tươi hoặc khô để nấu lấy nước tắm hoặc uống thì những năm gần đây, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nghề làm thuốc của bà con đã bớt vất vả hơn nhiều. Thay vì dùng dao băm chặt, bà con đã sử dụng máy cắt, máy nghiền nên nguyên liệu đều nhau, phơi nhanh khô. Từ thuốc lá bốc theo thang, bà con đã có thêm nhiều các loại thuốc nghiền bột, nấu cao cô đặc, rất thuận tiện cho người tiêu dùng, không phải đun hay sắc mất nhiều thời gian.

Với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, các bạn trẻ theo nghề được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi, tham gia các lớp học về trồng trọt, chế biến thuốc nam tại trường Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội giúp thanh niên trẻ trong thôn trang bị bằng cấp, hỗ trợ cho việc bắt bệnh, chuẩn đoán chính xác hơn và đáp ứng điều kiện hành nghề theo quy định. Nghề thuốc nam ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn.

thuoc nam

Nhận thấy việc phát triển nhỏ lẻ sẽ khó có thể phát triển bền vững, vì thế đến nay hầu hết các thôn ở xã Ba Vì (nơi có hàng trăm hộ người Dao làm nghề thuốc nam) đã thành lập Hợp tác xã và các công ty thành viên. Người dân cũng đồng lòng xây dựng, quảng bá thương hiệu thuốc nam Ba Vì.

Nhận thấy giá trị từ những bài thuốc Nam, Lương y Lăng Thị Châm là một trong số những người tiên phong thành lập Hợp tác xã Thuốc Nam gia truyền dân tộc Dao tại thôn Yên Sơn (xã Ba Vì). Gần đây, Hợp tác xã đổi tên thành Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn và đầu tư nhà máy sản xuất thuốc Nam hiện đại tại thôn Bát Đầm (xã Tản Lĩnh) giáp thôn Yên Sơn, đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP).

Lương y Lăng Thị Châm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chia sẻ: Từ quy trình sản xuất truyền thống sang dây chuyền hiện đại là bước chuyển dài trong nghề thuốc của người Dao. Vẫn là các dược liệu truyền thống song quy trình sản xuất được khép kín hoàn toàn. Thay vì đun thuốc trên bếp củi, với nhà máy GMP, thuốc cao của Hợp tác xã được cô đặc bằng nồi nấu chân không kết hợp với pha chế trong các bồn hút chân không…, tạo ra các sản phẩm bảo đảm an toàn.

htx tản viên

Hợp tác xã cũng xây dựng các phòng nghiên cứu vi sinh, hóa lý và tuyển lao động tốt nghiệp đại học chuyên ngành dược để có kiến thức chuyên môn bảo đảm các mẫu sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định của ngành Y tế.

Hiện nay, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn đang tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động. Đơn vị cũng đã liên kết tiêu thụ dược liệu cho 10 gia đình khu vực quanh chân núi Ba Vì.

Hiện, cả xã có 309 hộ gia đình theo nghề làm thuốc Nam, có 9 hợp tác xã thuốc Nam được tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

thuốc nam
thuốc nam 1

Việc chuẩn hóa các bài thuốc gia truyền, sản xuất khép kín trên dây chuyền hiện đại chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, việc đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất thuốc Nam theo chuẩn GMP của Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn là cách làm hiệu quả để các hợp tác xã hoạt động kinh doanh thuốc Nam khác ở xã Ba Vì cải tiến quy trình sản xuất, tạo ra thương hiệu thuốc Nam của người Dao Ba Vì.

Với sự hỗ trợ của các sở, ngành TP Hà Nội và huyện Ba Vì, đến nay các hộ dân đều đã biết đóng gói bao bì, in nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Một số nghệ nhân đã tiếp cận được với các kênh bán hàng trực tuyến (online), livestream và liên kết với các nhà thuốc để đưa sản phẩm thuốc Nam (chủ yếu là dạng cao) vào tiêu thụ…

thuoc nam

 

Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí