Mường Nhà: Đưa dứa mật thành trái cây thương phẩm
18/10/2024 lúc 13:30 (GMT)

Mường Nhà: Đưa dứa mật thành trái cây thương phẩm

 

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dứa mật, bà con người H’Mông tại xã Mường Nhà (Điện Biên) đã có nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay, dứa mật đã trở thành cây trồng chủ lực giúp bà con nơi đây thoát nghèo.

 

mường nhà

Mường Nhà là một trong những xã vùng biên khó khăn của huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, giáp ranh với nước bạn Lào. Phần lớn người dân nơi đây là đồng bào dân tộc H’Mông, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào lúa nương, cây ngô, cây sắn.

Những năm gần đây, nhận thấy cây dứa mật là loại cây trồng có chất lượng, rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên chính quyền xã Mường Nhà đã tích cực vận động để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc từ ngô, lúa nương sang trồng dứa mật.

dứa mật

Cây dứa mật có chất lượng tốt, tạo nguồn thu nhập cho người dân, đặc biệt cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây khác. Huyện Điện Biên xác định đây là cây trồng chủ yếu để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc, là thế mạnh để phát triển trở thành sản phẩm chủ lực trong xóa đói giảm nghèo của xã Mường Nhà.

Dứa mật Điện Biên được nuôi trồng, canh tác trên vùng rừng núi cao, quả rất to, dao động từ 2-3kg/ 1 quả. Ðặc biệt hơn, dứa mật Mường Nhà có mắt nông, ngọt, mép lá không có gai, ăn không rát lưỡi, lại giàu dưỡng chất, giàu enzyme và chất chống oxy hóa, nên có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

mực xào
lòng xào
cơm rang
bánh dứa

Theo Đông y, trái thơm có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, giúp tiêu hoá. Dứa cũng là loại quả được biết đến với hàm lượng vitamin C, chất chống oxi hóa và các khoáng chất dồi dào, thức quả mát lành từ thiên nhiên tốt cho sức khỏe. 

Dứa có vị chua nhẹ, lẫn vị ngọt thơm nên được sử dụng theo nhiều cách khác nhau như pha chế nước uống hay làm nguyên liệu món ăn. Ngoài làm nước ép, dứa cũng có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu để tạo ra các món ăn hấp dẫn, từ món mặn đến món ngọt.

khai thác thế mạnh

Dứa Mường Nhà được trồng trên các sườn đồi với đặc điểm có hình dạng tròn, vỏ màu vàng xanh và thịt chín có màu vàng cam, có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng. Quả to hơn các loại dứa bình thường, trung bình khoảng 2-3kg/quả; quả nhiều nước, mắt nông, ngọt, mép lá không có gai. Thời gian thu hoạch từ cuối tháng 6 đến hết tháng 8 hàng năm. Cây dứa cho thu hoạch ổn định từ năm thứ 3 đến năm thứ 7.  

dứa mật 2

Vì phát triển theo hướng tự nhiên nên dứa mật Mường Nhà chín thành nhiều đợt chứ không chín đại trà, không tạo sức ép mùa vụ quá lớn như các loại cây trồng khác. Dứa mật trồng nhàn hơn ngô, lúa vì chỉ cần trồng một lần sẽ cho thu hoạch 3-4 năm mới phải trồng lại. Mỗi năm, chỉ vất vả nhất là khi làm cỏ và thu hoạch, không cần tưới nước hay dùng thuốc trừ sâu.

Với lợi thế nằm ngay bên đường vành đai biên giới kết nối Quốc lộ 279 nên việc tiêu thụ dứa của người dân Mường Nhà khá thuận lợi. Cùng với giá ổn định, thị trường ngày càng rộng, cây dứa mật ở Mường Nhà đã thật sự trở thành cây trồng chủ lực cho đường hướng phát triển kinh tế, có tiềm năng để xây dựng thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng cho thế mạnh vùng đất Mường Nhà.

dứa mật a

Pu Lau là bản vùng cao thuộc xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, là nơi cư trú của đồng bào dân tộc H’Mông. Nhờ trồng dứa mật mà bản Pu Lau từ bản khó khăn nhất xã vươn lên thành bản tiên phong xóa đói giảm nghèo điển hình.

Theo chia sẻ của bà con Pu Lau, giống dứa mật được bà con xin ở những bản Lào giáp ranh biên giới Việt Nam về trồng từ khoảng những năm 1990. Nhận thấy cây giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nên bà con nơi đây dần dần nhân rộng diện tích cây trồng.

Từ năm 2016 trở lại đây, nhận thấy dứa mật là loại cây trồng có chất lượng, rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, chính quyền địa phương đã tích cực vận động để người dân bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn, lúa nương kém hiệu quả sang trồng dứa mật.

mường nhà

Nhờ sự tích cực vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng dứa mật. Pu Lau hiện là bản có diện tích dứa lớn nhất xã với hơn 100 ha; sau đó đến Hợp tác xã dứa Mường Nhà có hơn 60 ha; còn lại các bản: Na Khoang, Phì Cao, Huổi Hương, Pha Thinh có gần 20 ha, vì các bản này mới chuyển dần diện tích trồng lúa nương không hiệu quả sang trồng dứa.

Theo tính toán, mỗi ha trồng khoảng 2,5 vạn cây dứa mật, năng suất khoảng 17 -18 tấn quả/ha, với giá bán 10.000 - 12.000 đồng/kg, thì mỗi ha trồng dứa sau khi trừ mọi chí phí người dân lãi khoảng 150 triệu đồng/ha. Đặc biệt, sau mỗi vụ, dứa ra cây con, người dân có thể tách chồi trồng mới, nên vụ sau bà con chủ động được nguồn giống.

dứa mật

Gia đình anh Vàng A Sống ở bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên cũng đang trồng gần 4.000m2 dứa mật. Vườn dứa của anh Sống đang trong giai đoạn thu hoạch, chuyển về bán cho các thương lái từ thành phố Điện Biên Phủ vào mua.

Trước đây, gia đình anh thuộc hộ nghèo, thu nhập gia đình phụ thuộc vào lúa nương. Từ năm 2016, anh đã chuyển đổi gần 4.000m2 đất trồng lúa nương sang trồng giống dứa mật, mỗi vụ dứa mang lại thu nhập khoảng 70 - 90 triệu đồng, một nguồn thu đáng kể đối với hộ nghèo.

Dự tính, sản lượng dứa mật Pu Lau năm nay ước đạt khoảng 1 nghìn tấn, trong đó xuất bán dứa chín là khoảng 600 tấn, còn lại là dứa xanh xuất bán cho các công ty từ Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng lên thu mua tận bản. Dứa chín chủ yếu bà con tự cắt và xuất bán cho các tiểu thương, dứa xanh được Hợp tác xã Dứa Mường Nhà thu mua để xuất bán cho các công ty nhỏ ở dưới xuôi lên thu mua. Với hiệu quả kinh tế ban đầu, cây dứa đã và đang mở ra một hướng đi mới cho người dân bản Pu Lau nói riêng và xã Mường Nhà nói chung.

dứa 1
dứa 2

Đại diện xã Mường Nhà cho biết: “Bản Pu Lau hiện có 112 hộ dân với 417 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc H’Mông. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các hộ bắt đầu tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng kỹ thuật canh tác mới. Diện tích trồng trọt kém hiệu quả dần được thay thế bằng những hàng dứa đều tăm tắp, cho thu nhập cao”.

 

 

Những năm gần đây, những quả dứa mật Pu Lau trái to, ngọt đậm, nhiều nước, màu vàng óng như mật ong đã không còn xa lạ với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

 

dứa mật 3

Dứa của xã Mường Nhà, huyện Điện Biên là một trong những mặt hàng nông sản dễ tiêu thụ trên thị trường, các thương lái từ nhiều nơi đã vào tận thôn, bản để đặt hàng, thu mua dứa. Thu nhập bình quân của nông dân xã Mường Nhà từ trồng cây dứa là khoảng gần 100 triệu đồng mỗi năm đối với nhà trồng nhiều và khoảng trên 30 triệu đồng/năm đối với nhà trồng ít.

Hiện nay, giống dứa mật đã được xác định là cây trồng mũi nhọn thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả nhằm giúp người dân Mường Nhà nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, nhằm định hướng đảm bảo cho đầu ra về lâu dài, ngày 17/2/2022, HTX Dứa Mường Nhà được thành lập và liên kết với các hộ dân phát triển, nhân rộng và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Anh Thào A Giàng - Giám đốc HTX Dứa Mường Nhà chia sẻ: Dứa mật Pu Lau có thời gian sinh trưởng dài, sau khi trồng 2 năm sẽ bắt đầu cho thu hoạch đều và kéo dài trong vòng 3 - 4 năm. Thời gian đầu người dân chỉ tập trung bán quả dứa chín, các phần khác của dứa chưa được chú trọng khai thác.

dứa

Nhận thấy dứa là hướng đi giúp bà con phát triển kinh tế ổn định bền vững, HTX kết hợp tìm kiếm, liên kết tiêu thụ sản phẩm để tăng giá trị kinh tế từ dứa. Thời điểm hiện tại, dứa đều cho thu hoạch ổn định, các hộ dân có nhiều khâu, nhiều lần thu hái sinh lợi từ dứa hơn.

Đối với các gia đình trồng diện tích lớn, nhằm tránh dứa chín rộ, thu hái không kịp thì ngay từ đầu tháng 6, bà con sẽ bắt đầu thu hái quả xanh, các doanh nghiệp thu mua chủ yếu ở Thanh Hóa, giá dứa xanh trung bình 5.000 đồng/kg. Với dứa chín sẽ bán đổ, bán buôn cho thương lái, do thu hái đều đặn, không tồn quá nhiều hàng nên giá thành ổn định, dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg; 1ha cho thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.

Không chỉ thu nhập chính từ dứa quả, HTX Dứa Mường Nhà đã liên kết tiêu thụ các sản sản phẩm khác như lá dứa, mầm dứa, gốc dứa già. Đối với mầm dứa, gần 2 năm phát triển sẽ bắt đầu tách mầm bán giống. Một cây khỏe mạnh khi tách sẽ thu được 3 mầm với giá 2.000 đồng/mầm, 1ha đất dốc mật độ trung bình 35.000 cây đem lại thu nhập không nhỏ cho bà con.

sợi lá dứa

Lá dứa tươi cũng được thu hái phụ thêm thu nhập cho bà con. Đây là nguyên liệu thô thay thế sợi gai xanh được HTX sợi dứa thu mua giá 1.000 đồng/kg. Với diện tích 1ha, một năm thu về hơn 20 triệu đồng.

Anh Vàng A Ly, một trong những hộ có diện tích dứa lớn nhất bản Pu Lau chia sẻ: Nhà có 2ha dứa, trước kia cả năm trông chờ vào thu quả, hiện tại ngoài thu quả còn tận dụng thêm các phần khác của.

Với diện tích 2ha dứa thì có hơn 1ha thu hoạch trái, mỗi năm gia đình thu về hơn 350 triệu đồng; chi phí phát sinh trong năm như phân bón, công chăm sóc, thu hái, duy trì cuộc sống… được tính vào các sản phẩm phụ thêm như bán giống, lá dứa.

nâng tầm dứa mật

Theo định hướng của chính quyền xã Mường Nhà, thời gian tới, xã sẽ mở rộng diện tích thêm 20 đến 30ha đất trồng dứa. Đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật cho nông dân, giúp nâng cao năng suất, sản lượng và đặc biệt là mục tiêu sản xuất 100% theo hướng hữu cơ, phát triển sản phẩm dứa Mường Nhà trở thành một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.

Tại các hội nghị ở huyện hay tỉnh, dứa Mường Nhà đã được giới thiệu đến các khách mời trong và ngoài huyện nhằm giúp tăng cường hoạt động giao thương cho sản phẩm này. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng dứa, nhằm nâng cao năng suất và sản lượng.

diện tích dứa

Theo đại diện xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, cho biết: “Chính quyền xã Mường Nhà ra kế hoạch nhân rộng diện tích dứa mỗi năm khoảng hơn 10 ha. Hiện tại, đây là sản phẩm sạch, xã cũng đang trình để được công nhận sản phẩm OCOP của xã và của huyện Điện Biên.”

Đặc biệt, vùng trồng dứa Mường Nhà được tỉnh Điện Biên đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng. Đến nay, dứa Mường Nhà bước đầu đã được cấp mã số vùng trồng.

Việc xây dựng mã số vùng trồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân như chuẩn hoá quy trình chăm sóc, quản lý cây trồng, giúp cây trồng cho năng suất cao, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Cùng với đó tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nhờ được xuất khẩu theo đường chính ngạch.

tiêu thụ dứa

Mã số vùng trồng được xem như là “hộ chiếu thông hành” cho dứa Mường Nhà. Việc được cấp mã số vùng trồng còn góp phần rút ngắn khâu trung gian, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế, cũng như đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân. Qua đó, góp phần phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Khi xây dựng mã số vùng trồng đã giúp chuyển biến nhận thức của bà con trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, lâu dài còn đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, so với canh tác truyền thống.

dứa
          

Bài: Hà An
Trình bày: My Nguyễn

          

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí