Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất khuôn mẫu là một trong các ngành sản xuất đặc biệt quan trọng, được xem như là “nền tảng của nền công nghiệp”, hiện nay đang phát triển theo hướng tập trung đầu tư và phát triển công nghệ. Với khả năng tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, thời gian sản xuất ngắn và mức độ ổn định cao, các sản phẩm khuôn mẫu là công cụ không thể thiếu trong rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, từ các sản phẩm như đồ gia dụng đến các sản phẩm hàng không và điện tử hiện đại.
Dưới áp lực cạnh tranh mạnh mẽ, doanh nghiệp cần tạo ra các sản phẩm có chất lượng ngày càng cao, đa dạng về mẫu mã và chủng loại trong khi giá bán không tăng. Với vai trò là công cụ sản xuất quan trọng trong rất nhiều lĩnh vực, khuôn mẫu luôn được ưu tiên áp dụng các công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh. Thêm vào đó, sự phát triển mạnh của các công nghệ mô phỏng cũng giúp rút ngắn quá trình đưa công nghệ mới vào thực tế sản xuất.
Giá trị ngành công nghiệp khuôn mẫu tại Việt Nam hiện ước đạt khoảng trên 1 tỷ USD/năm, với tỷ lệ tăng trưởng 18%. Trong giá trị 1 tỷ USD đó, khu vực trong nước chỉ chiếm 42% với khoảng 400 doanh nghiệp, còn lại là nhóm doanh nghiệp FDI.
Về năng lực, các doanh nghiệp nội đã sản xuất những sản phẩm cấp 3 và 4 trong 5 cấp độ năng lực công nghệ, những sản phẩm trong nhóm cấp 1 và 2 vẫn phải nhập khẩu từ các tập đoàn lớn trên thế giới.
Theo ý kiến tổng hợp từ các chuyên gia và kết quả làm việc với các doanh nghiệp khuôn mẫu điển hình, hiện trạng về công nghệ, thiết bị trong ngành sản xuất khuôn mẫu của Việt Nam bằng khoảng 50% - 70% so với hiện trạng chung của thế giới và tương đương với một số nước trong khu vực như Philippines, Indonesia. Tuy nhiên, năng lực làm chủ và sử dụng công nghệ chưa theo kịp được với trang thiết bị công nghệ hiện có.
Là Tập đoàn sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn, THACO INDUSTRIES từ sớm đã chú trọng đầu tư chế tạo khuôn mẫu, cung ứng đa dạng sản phẩm khuôn phục vụ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Năm 2016, THACO INDUSTRIES đã đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất Khuôn, phục vụ các hoạt động sản xuất quy mô lớn của THACO và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường. Năm 2022, nhà máy được đầu tư mở rộng với tổng vốn 36 triệu USD, diện tích 4.400 m2, công suất 1.000 bộ khuôn và 2.000 tấn cơ khí chính xác/năm.
Xác định chế tạo khuôn mẫu là ngành có tính tự động hóa cao, yêu cầu kỹ thuật phức tạp và độ chính xác cao, do đó, việc nghiên cứu và làm chủ công nghệ được THACO INDUSTRIES đặc biệt chú trọng. Tập đoàn đã đầu tư đồng bộ các công đoạn: Tạo phôi, khoan lỗ sâu, phay CNC, gia công tia lửa điện EDM, gia công cắt dây, đo CMM, rà ráp khuôn, với các trang thiết bị, máy móc hiện đại như: Máy phay giường 5 trục công nghệ Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam, máy ép rà khuôn với lực ép tối đa lên đến 200 tấn, máy bắn điện 2 đầu có thể gia công trên cùng một hoặc hai khuôn khác nhau… Đặc biệt, công đoạn gia công trên các máy CNC (Computer Numerical Control) được tự động hóa hoàn toàn với điều khiển số, đảm bảo các yêu cầu về độ chính xác, tính thẩm mỹ, tiết kiệm nhân lực và thời gian sản xuất.
Nhờ đó, THACO INDUSTRIES sản xuất đa dạng chủng loại khuôn như: Khuôn nhựa, khuôn dập, khuôn thổi, khuôn đùn, khuôn SMC, phục vụ đa lĩnh vực: Ô tô, công nghiệp, nông nghiệp, dân dụng… trong đó, khuôn nhựa có kích cỡ trung và lớn được xem là thế mạnh, bởi hầu hết đơn vị sản xuất khuôn tại Việt Nam còn hạn chế về quy mô, công nghệ, trang thiết bị nên chỉ gia công sản phẩm có kích thước nhỏ.
Nhằm góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất khuôn, THACO INDUSTRIES cũng đẩy mạnh hoạt động R&D, tìm hiểu kỹ thuật chế tạo khuôn mới. Doanh nghiệp đang nghiên cứu, phân tích mô phỏng dòng chảy trong khuôn nhựa và biến dạng dẻo kim loại trong khuôn dập tấm mảng lớn để sản xuất các khuôn cản xe du lịch và thân vỏ ô tô. Đây là những loại khuôn lớn, phức tạp và có giá trị thương mại cao. Đồng thời, việc sản xuất các khuôn này là tiền đề để phát triển công nghiệp chế tạo khuôn mẫu ngành ô tô.
Ngoài ra, THACO INDUSTRIES cũng đang phát triển các loại khuôn: Khuôn đúc nhôm áp lực, khuôn PU foam, khuôn ép nhiệt… cung cấp cho khách hàng trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc…
Theo một khảo sát do Samsung Việt Nam và Bộ Công Thương thực hiện, trong hơn 120 chuyên gia làm trong ngành khuôn được hỏi, có tới 50% được đánh giá chỉ đạt trình độ sơ cấp; 39% đạt trình độ trung cấp; chỉ 11% đạt trình độ chuyên gia. Đáng chú ý, không người nào được hỏi đạt đến trình độ chuyên nghiệp.
Điều này cho thấy thực trạng đáng lo ngại của nhân lực ngành khuôn tại Việt Nam hiện nay khi còn thiếu sót lớn về cả lượng và chất.
Trong khi đó, nâng cao năng lực về kỹ thuật khuôn mẫu chính là đã sở hữu một kỹ thuật sản xuất tiên tiến giúp tối ưu hóa chất lượng gia công sản phẩm đối với các tiêu chí đánh giá bằng thị giác hay xúc giác trên tất cả các sản phẩm ép nhựa, dập áp lực hay gia công chính xác; từ đó có thể đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam đặc biệt là hoạt động sản xuất phần cứng cho các thiết bị điện tử hay cho ngành sản xuất xe máy, xe ô tô.
Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với nhiều đối tác như Samsung Việt Nam, Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc,… đẩy mạnh việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực khuôn mẫu, cơ khí chính xác thông qua chương trình đào tạo.
Với sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài và hoạt động thực hành tại chính các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các chương trình đào tạo đã từng bước đào tạo được các kỹ thuật viên, chuyên gia khuôn mẫu có tay nghề, nâng cao trình độ thiết kế, chế tạo và sản xuất khuôn mẫu với độ gia công chính xác cao, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu về khuôn mẫu của các doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, nâng cao tính chủ động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như khả năng tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tháng 10/2019, tại Kỳ họp lần thứ 9 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Hàn Quốc về hợp tác Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, đại diện Bộ Công Thương và Tổ hợp Samsung tại Việt Nam đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về Dự án hợp tác đào tạo nhân lực khuôn mẫu, đưa vào hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 200 chuyên gia người Việt Nam cho công nghiệp khuôn mẫu Việt Nam trong 4 năm 2020 - 2023, tương đương với 4 khóa học.
Mới đây nhất, tháng 11/2024, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp (Trung tâm IDC) - Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp cùng Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết khóa đào tạo tại Hàn Quốc trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng kỹ sư thiết kế, chế tạo và sản xuất khuôn mẫu trong ngành công nghiệp hỗ trợ" thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2024.
Chương trình đào tạo, kéo dài trong 4 tuần từ ngày 14/10 - 08/11/2024, đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo lý thuyết và thực hành tại Hà Nội, 25 học viên đã có cơ hội tiếp cận chương trình đào tạo thực hành tại Trung tâm Đào tạo Khuôn mẫu Hàn Quốc. Chương trình đào tạo này đã trang bị cho các học viên những kiến thức chuyên sâu về thiết kế và sản xuất khuôn mẫu, kết hợp với các buổi thực hành sản xuất thực tế tại các cơ sở tiên tiến của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các học viên còn tham gia các chuyến tham quan doanh nghiệp (Benchmarking) tại Hàn Quốc, qua đó học hỏi được những công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại, đồng thời nâng cao khả năng sáng tạo và cải tiến trong công việc.
Với sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, các học viên đã hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo, không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn mà còn trang bị cho mình kỹ năng giải quyết vấn đề, sáng tạo và đổi mới trong công tác thiết kế, chế tạo khuôn mẫu.
Các chương trình đào tạo đã từng bước xây dựng được đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực tư vấn và đào tạo lại cho các doanh nghiệp khuôn mẫu trong nước, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh vào chuỗi cung ứng toàn cầu và góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp chế tạo nói chung trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, việc đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và tư vấn cải tiến sẽ tiếp tục là một trong những trọng tâm của Bộ, góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đáp ứng yêu cầu của các khách hàng trong và ngoài nước. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và lĩnh vực khuôn mẫu nói riêng; có các chương trình, cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất khuôn mẫu để tạo nền tảng vững chắc cho các ngành công nghiệp sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Thực hiện: Như Hạ