Ngành công nghiệp hỗ trợ kỳ vọng đón nhiều chính sách mới
27/08/2024 lúc 09:10 (GMT)

Ngành công nghiệp hỗ trợ kỳ vọng đón nhiều chính sách mới

 

Bộ Công Thương đang tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thúc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

 

Xác định rõ vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ và các Bộ, ngành Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển lĩnh vực này. Trong đó Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ quy định các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm: (i) nghiên cứu và phát triển; (ii) ứng dụng và chuyển giao; (iii) phát triển nguồn nhân lực; (iv) hợp tác quốc tế về công nghiệp hỗ trợ; (v) hỗ trợ phát triển thị trường; (vi) trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ; (vii) chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. 

Theo Nghị định, các dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng các ưu đãi sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cũng được ban hành kèm theo Nghị định, gồm 6 nhóm sản phẩm trong các ngành: Dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Theo đó, hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ như: các dự án, đề án hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất và các đơn vị có công nghệ ứng dụng trong việc chuyển giao công nghệ được hỗ trợ một phần kinh phí; chi phí chế tạo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ tối đa đến 50%.

Nhà nước cũng hỗ trợ tối đa đến 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với Dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước bao gồm quặng kim loại, quặng phi kim loại và sản phẩm hóa dầu để phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng được ban hành trong Quyết định số 68/QĐ-TTg, được thực hiện theo hai giai đoạn, giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm sau:

- Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

- Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

- Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

- Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

- Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài ra, dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi dự kiến được thông qua trong năm 2020 cũng đã điều chỉnh, bổ sung thêm quy định cho phép Chính phủ quyết định mở rộng ưu đãi đầu tư đối với một số dự án, ngành có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Cụ thể, liên quan đến các ngành công nghiệp, dự thảo đề xuất Chính phủ có thể mở rộng ưu đãi đầu tư (áp dụng mức ưu đãi đầu tư cao hơn nhưng không quá 50% mức cao nhất và kéo dài thời hạn áp dụng ưu đãi đầu tư) đối với các dự án trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo có quy mô vốn đầu tư từ 60.000 tỷ đồng trở lên.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.

Cụ thể, Quyết định số 71/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung khoản 2 mục III Điều 1 Quyết định số 68/QĐ-TTg quy định về các nội dung Chương trình thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2025, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Các hoạt động chính gồm: Khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Lựa chọn và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế; Tổ chức các diễn đàn giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; Xây dựng và tổ chức chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ; Tổ chức chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ; Tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ; Tổ chức hội chợ triển lãm trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; Xúc tiến thị trường nước ngoài, tham gia chuỗi sản xuất; Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, Chương trình cũng thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

Các hoạt động chính gồm: Đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất tại các doanh nghiệp; Xây dựng kế hoạch, biên dịch, biên soạn tài liệu về quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất để đào tạo cho các doanh nghiệp; Tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp; Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất; Tổ chức đánh giá công nhận hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Các hoạt động chính: Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước; Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao trình độ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Tổ chức các khóa đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về chính sách, quản lý, công nghệ, thương mại; Tổ chức các khóa đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ về chính sách, quản lý, công nghệ, thương mại. 

Chương trình cũng hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu: Giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Xây dựng và công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; Kết nối chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước; Hỗ trợ về nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm...

Chương trình thực hiện xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ như: Khảo sát, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp và đóng tàu; Mua thông tin dữ liệu cần thiết trong và ngoài nước; Cung cấp thông tin cung cầu về thị trường sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và chính sách về công nghiệp hỗ trợ... 

Quyết định số 71/QĐ-TTg nêu: Kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 từ nguồn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác dành cho các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện dự kiến là 870,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 750,2 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 120,5 tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm - đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ - là nhân tố quyết định tạo điều kiện thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao, tạo tăng trưởng bền vững.

Nhân tố lao động giá rẻ ngày nay không còn sức hấp dẫn nhiều trong thu hút đầu tư nước ngoài như trước đây. Do tỉ lệ của chi phí về các ngành sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh phụ kiện và các sản phẩm công nghiệp cơ bản cao hơn nhiều so với chi phí lao động nên một nước dù có ưu thế về lao động nhưng các ngành công nghiệp trọng điểm - đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ - không phát triển sẽ làm cho môi trường đầu tư kém hấp dẫn.

Dù vậy, đến nay, chưa có quy định của pháp luật xác định chuỗi giá trị trong từng hệ sinh thái, cụm liên kết ngành, phân ngành công nghiệp để từ đó phân tầng các ưu đãi (ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, ưu đãi khác) cho các dự án, nhất là trong hệ sinh thái sản xuất công nghiệp có đặc thù riêng về tính liên kết. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ có mối liên hệ hữu cơ với các ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tuy nhiên chính sách tạo ra các liên kết giữa các doanh nghiệp này và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn chưa được hình thành. Mối quan hệ ràng buộc giữa các ưu đãi của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh và nghĩa vụ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được thể hiện trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Do không có hiệu lực pháp lý ở tầm quốc gia, các chương trình, đề án hướng đến mục tiêu thúc đẩy hình thành, phát triển các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất đã được ban hành có kết quả thực hiện rất hạn chế trong thực tiễn.

Điều này dẫn đến công nghiệp hỗ trợ và năng lực doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng yêu cầu để thu hút các ngành công nghệ tiên tiến và thúc đẩy liên kết có hiệu quả. Khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp trọng điểm của Việt Nam còn rất hạn chế, chỉ tham gia được vào các khâu trung gian có giá trị gia tăng thấp (gia công, lắp ráp) trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Để giải quyết vấn đề đó, tại dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm mà Bộ Công Thương đang xây dựng, công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn cần ưu tiên phát triển, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nền công nghiệp quốc gia nói riêng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm hướng đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với vai trò định hướng của Nhà nước; tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, trong từng thời kỳ, hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao; góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; thúc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Đồng thời, đảm bảo sự đồng bộ, thông suốt trong quản lý nhà nước thông qua tăng cường phân cấp, phân quyền; kế thừa, phát huy những quy định hiện hành đã được xây dựng, thực hiện ổn định; bổ khuyết những khoảng trống chính sách, pháp lý trong phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm.

Cụ thể, dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ tập trung vào công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: dệt may, da - giày, cơ khí, điện tử, ô tô, công nghiệp công nghệ cao, trong đó luật hóa các nội dung để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất chất lượng trong các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ, trên cơ sở các giải pháp phát triển công nghiệp tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

          

Bài và ảnh: Thy Thảo
Thiết kế: Duy Kiên

          
 

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí