
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng tại tỉnh Nghệ An. Trong đó, ngành Công Thương đóng vai trò quan trọng, nhất là trong việc góp phần hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu: Điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và phát triển cụm công nghiệp, đây là các tiêu chí trụ cột góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới là tiêu chí số 4 (tiêu chí Điện), đây là một trong những tiêu chí quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống và đảm bảo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh cho người dân.
Theo đánh giá của Điện lực Nghệ An của, đến nay, toàn tỉnh đã có 338/362 số xã đảm bảo tiêu chí số 4 về điện; trong đó, theo kế hoạch của các địa phương đăng ký hàng năm, có 275 xã được Sở Công Thương thẩm định đạt tiêu chí số 4 về điện và đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là kết quả của nỗ lực không ngừng từ Công ty Điện lực Nghệ An (PC Nghệ An) trong việc phối hợp với các địa phương trong việc mở rộng, cải tạo, nâng cấp lưới điện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa.
Trong giai đoạn 2021 đến nay, tỉnh Nghệ An đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng điện. Cụ thể, đã đầu tư xây dựng mới 01 trạm biến áp 220kV (TBA 220kV Tương Dương), cải tạo, nâng công suất 03 TBA 220kV khác; xây dựng mới khoảng 152,2 km đường dây 220kV; thực hiện đầu tư 15 công trình 110kV và đang tiếp tục đầu tư 15 công trình khác với tổng mức đầu tư 2.370 tỷ đồng...
Đặc biệt, hệ thống điện trung - hạ thế được nâng cấp quy mô lớn với 395km đường dây trung thế xây dựng mới, cải tạo 611 km; 487 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 110.587 KVA; đầu tư mới 388 km đường dây hạ thế và cải tạo gần 1.000 km. Tổng mức đầu tư lưới điện trung hạ thế trong giai đoạn khoảng 2.100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã thường xuyên chỉ đạo chặt chẽ với PC Nghệ An để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn và phù hợp với tốc độ phát triển của các xã nông thôn mới. Đồng thời, Sở Công Thương cũng đã tham mưu kịp thời công tác thỏa thuận hướng tuyến đường dây truyển tải 500kV mạch 3 và thực hiện công tác quản lý ngành theo nhiệm vụ phân công về đáp ứng yêu cầu của cấp trên hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 qua địa bàn tỉnh với chiều dài 99km đảm bảo kế hoạch. Thực hiện kịp thời thỏa thuận hướng tuyến, giải quyết khó khăn vướng mắc để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch, đóng điện kịp thời phục vụ truyền tải hệ thống điện quốc gia, cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh, tiêu dùng dân cư.
Trong năm 2024, toàn tỉnh có thêm 08 xã được cấp điện đạt tiêu chuẩn theo quy định. Ngoài việc đầu tư mới, PC Nghệ An còn triển khai các hoạt động kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, thay thế các thiết bị cũ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt trong mùa mưa bão. Việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý, giám sát hệ thống điện đã giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm thiểu sự cố.
Điện lưới không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Với sự đồng hành của ngành điện, hàng ngàn hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, qua đó góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân khu vực nông thôn.
Cùng với tiêu chí về điện, ngành Công Thương cũng chịu trách nhiệm triển khai tiêu chí 7 (tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn). Đây là tiêu chí quan trọng nhằm xây dựng hệ thống chợ, cơ sở bán lẻ nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa.
Tiêu chí số 7 đã được ngành Công Thương tập trung phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai hiệu quả trên cơ sở huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thương mại thiết yếu vùng sâu, vùng xa, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh, buôn bán của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, hệ thống chợ được đặc biệt quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới, đổi mới hình thức quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, các địa phương tích cực kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ, giao thương hàng hóa.
Giai đoạn 2021-2025, đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa 09 chợ với kinh phí gần 25 tỷ đồng, đầu tư xây mới 03 chợ với kinh phí là 16,01 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2024. Đến nay, toàn tỉnh có 371 chợ dân sinh đang hoạt động, trong đó có 154 chợ kiên cố, 133 chợ bán kiên cố và 84 chợ tạm bợ. Một số chợ đã được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường như chợ Đô Lương, chợ Kim Sơn (Quế Phong), chợ Hoàng Mai, chợ Tân Kỳ, chợ Giát (Quỳnh Lưu),… là kênh tiêu thụ nông sản chủ lực cho người dân, đồng thời tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại chỗ.
Có 96 siêu thị (40 siêu thị chuyên doanh và 56 siêu thị tổng hợp) đang hoạt động; 27 trung tâm thương mại với phương thức hoạt động văn minh, hiện đại đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo về kiến trúc thương mại ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, ngành Công Thương đã tích cực phối hợp với các địa phương trong việc rà soát quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để ưu tiên các nguồn lực và thu hút xã hội hóa đầu tư đảm bảo các tiêu chí xã NTM nâng cao. Ngoài ra, hằng năm Sở tổ chức các Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi góp phần khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, đảm bảo bình ổn giá cả vùng nông thôn, tổ chức các Đoàn tham gia kết nối giao thương, triển lãm tại Hội chợ thương mại trong và ngoài nước để thúc đẩy mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, tồn tại hiện nay là nhiều chợ truyền thống nhất ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa sau thời gian dài hoạt động đã xuống cấp, không bảo đảm các điều kiện về môi trường, phòng cháy, an toàn thực phẩm,... nhưng việc nâng cấp, cải tạo đang gặp nhiều hạn chế về nguồn vốn, hoạt động xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây mới các chợ đang gặp nhiều khó khăn do hiệu quả đầu tư kinh doanh, khai thác chợ không cao và chưa có chính sách đột phá để khuyến khích, hấp dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển nông thôn mới của các địa phương. Việc thay đổi thói quen mua sắm và tiêu dùng chuyển từ mua bán trực tiếp sang hình thức thương mại điện tử dẫn đến hoạt động của các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đang gặp khó khăn (có 128 chợ hiệu quả hoạt động chưa cao, chiếm 34,36% và 38 chợ hoạt động chưa hiệu quả, chiếm 10,24%).
Một điểm nhấn đáng chú ý trong giai đoạn 2021-2025 là việc thực hiện chỉ tiêu 6.1 (thuộc tiêu chí số 6 – huyện nông thôn mới, NTM nâng cao) về phát triển cụm công nghiệp (CCN). Tỉnh Nghệ An đã xác định việc hình thành và phát triển các CCN là hướng đi chiến lược nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Hiện Nghệ An có 27 CCN đã được thành lập, thu hút 266 doanh nghiệp/cơ sở sản xuất với tổng vốn đầu tư 2.707 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 25.689 lao động, đạt tỷ lệ lấp đầy 75%. Nhiều CCN tại các huyện đã trở thành hạt nhân kinh tế, thu hút doanh nghiệp và hình thành chuỗi sản xuất chế biến, tiêu thụ tại chỗ, đóng góp khoảng 375 tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm.
Theo ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được ngành xác định là “nhiệm vụ trọng tâm” và được triển khai một cách đồng bộ, cụ thể qua các lĩnh vực phụ trách. Ngành đã tích cực thực hiện và tiếp tục tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển hạ tầng thương mại, năng lượng, cụm công nghiệp, công nghiệp nông thôn... góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”, ông Hoá khẳng định.
Bước vào năm cuối cùng của giai đoạn 2021-2025, ngành Công Thương Nghệ An xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục đồng hành cùng chương trình xây dựng nông thôn mới:
Thứ nhất, về điện nông thôn: Rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện nông thôn; đề nghị các cấp, ngành ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện, đặc biệt tại thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Thứ hai, về cơ sở hạ tầng thương mại: Phối hợp các địa phương kết nối xúc tiến đầu tư... xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa địa phương.
Thứ ba, về cụm công nghiệp: Phối hợp huy động nguồn lực đầu tư phát triển CCN theo quy hoạch để thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, tạo việc làm và thu ngân sách địa phương.
Thứ tư, về công tác tuyên truyền: Tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền... phổ biến rộng rãi các văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 4, số 7, nội dung CCN trong tiêu chí 6.1, 6.3. Tiếp tục phối hợp rà soát, đề nghị điều chỉnh bổ sung hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu tiêu chí phù hợp thực tiễn giai đoạn tiếp theo.
Thứ năm, tăng cường phối hợp với các cấp ngành, địa phương trong việc thực hiện CTMTQG về XDNTM. Tập trung rà soát, tham mưu sửa đổi ban hành và tiếp tục thực hiện lồng ghép thực hiện hiệu quả chính sách, đề án, kế hoạch phát triển lĩnh vực công thương: Khuyến công, TMĐT; phát triển năng lượng, hạ tầng CCN, hạ tầng thương mại... để chung tay xây dựng NTM.
Có thể khẳng định, ngành Công Thương Nghệ An đã và đang góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, không chỉ đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng, thương mại, CCN mà còn hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất và đời sống. Với những định hướng đúng đắn, Ngành Công Thương quyết tâm phấn thục hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ để góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi CTMTQG về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.