Nghề nuôi ong rừng trên đỉnh Ngọc Linh
21/09/2023 lúc 14:00 (GMT)

Nghề nuôi ong rừng trên đỉnh Ngọc Linh

 

Nghề nuôi ong rừng trên đỉnh núi Ngọc Linh đã giúp bà con Xê đăng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) có thêm thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống.

Tu Mơ Rông là huyện miền núi, vùng cao, nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, được thành lập tháng 6/2005 trên cơ sở tách địa giới hành chính từ huyện Đăk Tô. Huyện có tới 95% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Xê Đăng. Là huyện vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, nghề nuôi ong rừng trên đỉnh núi Ngọc Linh đã giúp người dân ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) có thêm nguồn thu nhập ổn định.

đỉnh ngọc linh
mat ong

Rừng nguyên sinh Ngọc Linh nằm trên địa phận hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, nơi đây có rất nhiều đàn ong làm tổ trong thân hoặc gốc cây mục. Do ong rừng hút mật từ cây sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu quý hiếm khác nên người dân nơi đây thường gọi mật lấy loại ong này là mật ong hoa sâm hay mật ong đắng. Tuy nhiên không phải vị đắng ngắt mà chỉ là vị đắng nhẹ nơi đầu lưỡi, sau đó có vị ngọt thanh, thơm mát nơi cuống họng. Vị đắng nhiều hay ít phụ thuộc vào hoa đầu hay cuối vụ.

hoa sam
mat ong den
mat ong

Trong mật ong có khoảng 100 chất khác nhau như: Hàm lượng nước từ 18-20%; Hàm lượng đường chủ yếu là fructose (khoảng 38,5%) và glucose (khoảng 31,0%). Mật ong cũng chứa một lượng rất nhỏ các hợp chất chức năng như chất chống oxy hóa, bao gồm chrysin, pinobanksin, vitamin C, catalase và pinocembrin. Riêng mật ong hoa sâm có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các loại mật ong khác.

mat ong
mat ong
mat ong den
mat ong den 1

 Mật ong rừng núi Ngọc Linh rất được ưa chuộng bởi ong hút nhiều loại phấn hoa rừng, mật thơm ngon, bồi bổ sức khỏe. Ngoài ra, mật ong thường làm thuốc bổ cho người lớn và trẻ em, chữa loét dạ dày và ruột, an thần, chữa nhức đầu và một số bệnh thần kinh, ho khan, viêm họng, lở miệng, vết thương bỏng.

mat ong

Từ tháng 3 đến tháng 6 là thời điểm hoa sâm Ngọc Linh nở rộ, đây cũng chính là thời điểm người dân trong bản đi khai thác mật ong. Lượng mật ong thu được cũng phụ thuộc vào thời tiết. Những năm có thời tiết nắng quá nhiều, cây sâm Ngọc Linh ít ra hoa thì sản lượng mật ong cũng ít đi. Cho đến cuối tháng 6 trở đi, bước sang mùa mưa là thời điểm hết mùa mật ong.

ong rung
mat ong tu mo rong
mat ong 2

Khi bắt đầu mùa Xuân, bà con dụ ong về làm tổ trong hốc cây và để đến mùa Hè, bà con bắt đầu thu hoạch những giọt mật sánh mịn, thoang thoảng mùi thơm của sâm Ngọc Linh.

Cách dụ ong của người Xê Đăng cũng rất đặc biệt, họ không làm như các nơi khác là bắt ong chúa rồi bỏ vào lồng để giữ bầy ong. Thay vào đó, họ chọn các hốc cây có sẵn trong tự nhiên, sau đó dọn sạch từ trong ra ngoài cho ong chúa vào. Để có một tổ ong hoàn thiện, người Xê Đăng sẽ chọn một khúc gỗ khớp với lỗ hốc cây, sau đó lấy đất sét đắp lại, chỉ chừa vài lỗ nhỏ bằng ngón tay đủ cho ong chui qua.

thu hoạch mật ong

Đến khoảng tháng 6 là thời gian thu hoạch mật ong. Để giữ ong ở lại tổ, bà con thường lấy mật theo cách thủ công, không dùng khói hay lửa hun, để tránh làm ong bỏ đi. Họ không bao giờ lấy hết hoặc phá bất kỳ tổ ong mật nào. Mỗi lần lấy họ chỉ cắt một đến vài sáp nhỏ.

Vì mật được thu hoàn toàn tự nhiên, nên số lượng rất ít. Mỗi năm chỉ thu được vài chục lít chứ không có nhiều. Tổ mật ong hoa sâm cũng thường rất nhỏ, cho sản lượng mật ít nên lúc nào cũng trong tình trạng khan hàng, không đủ bán.

mat ong dang
mat ong 3

Nghề nuôi ong rừng của người Xê đăng được hình thành từ vài chục năm nay và đã trở nên có tiếng ở vùng cực bắc Tây Nguyên. Nhận thấy giá trị cao của mật ong rừng, nhưng lượng mật ong rừng tự nhiên có hạn, bà con Xê Đăng đã nghĩ ra cách vào rừng để nuôi ong, dụ ong về làm tổ để lấy mật.

Dựa vào đặc tính của đàn ong thường làm tổ ở cây rỗng thân, vùng có nhiều hoa sâm Ngọc Linh để tiện cho việc đi lấy phấn, vào dịp đầu năm, người dân lại vào rừng tìm những gốc cây sâu, bọng cây rồi đục rỗng để ong về trú ngụ. Hốc tổ ong thường sâu trên 50cm, rộng và cao khoảng 40cm. Người dân chỉ chọn những cây mục rỗng từ trước, sau đó đục mở rộng ra, không đục cây lành lặn làm ảnh hưởng sự sinh trưởng của cây.

nuoi ong

 Bầy ong không thích những cây có nhựa, nơi quá ẩm ướt mà thích nơi làm tổ gần bờ suối nhưng phải khô ráo và quanh đó có nhiều hoa rừng. Miệng tổ ngược theo hướng suối chảy, mà cũng không được ở trên quá cao vì gió lớn ong không vào. Nhiều gia đình có những tổ ong thân cây được đục từ đời trước, giờ con cháu vẫn bảo vệ và chăm sóc.

mat ong

Ở xã vùng cao Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông, nghề nuôi ong ở xã có từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Ban đầu chỉ có vài chục hộ ở làng Long Láy đi làm. Giờ thì 8 làng của xã Ngọc Yêu đều nuôi ong. Hộ neo người thì chỉ một người làm, có nhiều gia đình 2 - 3 người làm.

Tại xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), toàn xã có hơn 500 hộ thì hầu hết các hộ trong xã đều có ong nuôi trên rừng. Mỗi năm, người làm ít thì thu được vài chục lít mật, nhiều đến cả trăm lít. Mật ong ở đây đều được người dân trong xã đặt hết, thu không đủ bán. Do là mật nguyên chất nên giá trị mỗi lít mật lên tới 600.000 - 800.000 đồng. Mỗi tổ ong có thể thu được từ 2 -3 lít mật, nhờ đó, mỗi năm người nuôi ong rừng có thể kiếm được mấy chục triệu đồng.

mat ong den
maty ong dang

Ở xã Tê Xăng cũng vậy, ước tính mỗi xã có hàng chục hộ đang làm nghề nuôi ong lấy mật, chính quyền xã tích cực vận động nhân dân duy trì hoạt động này. Sau khi bàn giao các diện tích rừng cho dân quản lý thì chính quyền xã sẽ khoanh vùng, quy hoạch thành vùng nuôi ong rừng.

Dựa vào lợi thế địa phương, hiện huyện Tu Mơ Rông đang quy hoạch và đẩy mạnh phát triển nghề nuôi ong rừng ở 5 xã: Ngọc Lây, Văn Xuôi, Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Yêu để tiến tới xây dựng sản phẩm mật ong rừng thành sản phẩm đặc trưng của huyện. Huyện cũng sẽ dần hình thành chuỗi liên kết các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã quản lý, bảo vệ thu hoạch ổn định lâu dài…

Có thể thấy, nghề nuôi ong rừng đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân địa phương. Người Xê Đăng tuy chưa làm giàu từ nuôi ong rừng, nhưng nghề này cũng đã đem nguồn thu nhập đáng kể giúp đồng bào cải thiện cuộc sống.

nuoi ong

 

Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí