Nghề rèn truyền thống của người Xơ Đăng - Tơ Đrá
01/11/2023 lúc 14:02 (GMT)

Nghề rèn truyền thống của người Xơ Đăng - Tơ Đrá

 

Từ xa xưa, đồng bào Tơ Đrá ở Đăk Ui (Kon Tum) đã nổi tiếng với nghề rèn truyền thống từ nguồn nguyên liệu tự nhiên và bễ lò đặc biệt.

 

Dân tộc Xơ Đăng ở Kon Tum hiện nay có 7 nhánh chính là Xơ Teng, Ca Dong, Mơ Nâm, Tơ Đrá, Hà Lăng, Châu, Tà Trĩ phân bố trên khắp địa bàn tỉnh. Mỗi nhánh có những ưu thế riêng về điều kiện tự nhiên và địa bàn cư trú. Người Xơ Đăng - Tơ Đrá nổi tiếng với nghề rèn từ bao đời nay…

nguoi xơ đăng

Người Xơ Đăng - Tơ Đrá ở Kon Tum sống tập trung ở các xã Đăk Ui, Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) và Đăk Kôi, Đăk Tờ Lùng (huyện Kon Rẫy). Từ xa xưa, bà con đã biết lấy quặng nung thành sắt và rèn ra sản phẩm nông cụ sản xuất, săn bắn…

Nghề rèn của đồng bào Tơ Đrá ở Đăk Ui nổi tiếng với loại bễ lò đặc biệt. Điều thú vị là khác với lò rèn của người Kinh, lò rèn của người Xơ Đăng - Tơ Đrá cơ bản vẫn giống như cả nghìn năm trước với cấu trúc: bễ tạo hơi bằng da con mang; 2 ống bễ gỗ; 2 ống dẫn hơi bằng nứa và 1 ống đất chịu lửa dẫn ra lò nung.

 

          

Người đàn ông Tơ Đrá tài giỏi phải biết làm chiếc rựa sắc, không mẻ để có thể khuất phục được cây rừng.

          

 

nghề rèn truyền thông

 

Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, người Xơ Đăng - Tơ Đrá ở Kon Tum là cư dân đứng đầu về nghề rèn tiểu công nghiệp ở toàn Việt Nam và có thể toàn Đông Nam Á.

Địa bàn cư trú tộc người Tơ Đrăh sinh sống quanh những quặng sắt tự nhiên xung quanh các ngọn đồi Ngok Phi, Ngok Pông, Ngok Kla, Teă Phía… Trong việc pha chế quặng, người Xơ Đăng - Tơ Đrá biết kết hợp 2 loại quặng ở dạng cục và quặng cát để tạo sản phẩm. Loại quặng này có hàm lượng sắt rất cao tới 98% ở dạng cục và 96% ở dạng cát. Việc pha chế 2 loại quặng này được xem là phương thức bí truyền của những người thợ rèn tài giỏi tạo ra thỏi sắt chất lượng cao, chắc bền và không bị mẻ, gãy khi sử dụng.

nghe ren
nghe ren

Để nung được quặng và rèn sản phẩm, người Xơ Đăng - Tơ Đrá dựng lò rèn làm từ da con mang mà người dân gọi là Tơ Niam Pi Pu. Theo truyền thống, lò rèn Tơ Niam Pi Pu gồm có bễ hơi được làm bằng da mang (kea chiêu), ống bễ bằng gỗ (tê tê), ống dẫn hơi bằng nứa (rơ vang) và ống dẫn hơi chịu lửa dẫn ra lò (rơ chông) và lò nung (kloh tơ niam).

Người Xơ Đăng - Tơ Đrá dùng cây rừng Loăng Rlinh làm than cho nhiệt tới trên 1.000 độ C. Dưới tác động của nhiệt độ than cháy sinh ra, quặng trong lò nung bị chảy, kết dính thành cục. Sản phẩm đó được lấy ra đập và nung nhiều lần cho đến khi chúng liên kết và tạo thành tấm sắt hoàn chỉnh. Công việc này do 2 người thợ chuyên thổi bể và nấu quặng đảm nhiệm.

Sau khi công cụ được mài thô và mài tạo hình lưỡi, công cụ sẽ được đem nung lại lần cuối rồi nhúng vào bể nước tôi, sau đó sẽ được mài mịn bằng tay với đá mài tự nhiên. Khi công cụ được hình thành, tộc người Tơ Đrăh còn dùng vảy tê tê, sừng trâu để sản phẩm được chắc và bền hơn.

nghề rèn

Xưa kia, ở vùng người Xơ Đăng - Tơ Đrá ở Đăk Ui, mỗi làng thường có 7 đến 15 lò rèn. Hàng năm, người Xơ Đăng - Tơ Đrá mở lò rèn 3 lần vào tháng 1-2 (trước khi phát rẫy), vào tháng 7-8 (trước khi làm cỏ lúa) và tháng 10-11 (trước khi thu hoạch). Đó là 3 thời điểm cần sửa sang nông cụ phục vụ nông nghiệp, gắn liền với 3 giai đoạn quan trọng trong một chu kỳ canh tác.

Các sản phẩm chủ yếu là con dao, cái rựa, cái cuốc, cái chỉa...  Sản phẩm bà con làm ra không những đáp ứng nhu cầu đời sống của bà con trong làng mà còn trao đổi với các dân tộc xung quanh và có khi đi đến những vùng xa của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi hoặc sang cả Lào, Campuchia. Ngày nay, các thợ rèn cũng đem sản phẩm đi bán. Một con dao bán được khoảng 300.000 - 500.000 đồng.

nghe ren 1
nghe ren 2

 

 

Trong quá trình khai quật di chỉ khảo cổ học Lung Leng, Plei Krông… ở tỉnh Kon Tum, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 18 lò luyện sắt, trong lò còn vết tích nhiên liệu than gỗ, quặng và nhiều xỉ sắt.

Cùng với đó, có khá nhiều đồ sắt như dụng cụ lao động, mũi tên sắt và đồ trang sức được chôn trong mộ. Những chứng cứ này cho thấy kỹ thuật luyện sắt của người Sê đăng ở Kon Tum đã đạt đến trình độ khá cao và có niên đại cách đây từ 1.500 đến 3.000 năm.

 

nghề truyền thống

 

Từ bao đời nay, nghề rèn thủ công truyền thống không chỉ góp phần vào nguồn thu nhập nuôi dưỡng nhiều thế hệ của người Xơ Đăng - Tơ Đrá, mà là niềm tự hào về nghề truyền thống mà các thế hệ đi trước truyền lại cho đời sau.

Tuy nhiên, trước sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, những vật dụng như dao, cuốc, rựa liềm đều được bán sẵn rất nhiều với mẫu mã đẹp, một số bà con khi cần thường mua luôn vì tính tiện dụng. Vì vậy, nghề rèn truyền thống dần ít người theo.

Năm 2017, tỉnh Kon Tum triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của nghề truyền thống nhằm giữ gìn bền vững bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tại chỗ, gắn với phát triển các loại hình du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

nghe ren xơ dang

Theo đó, nghề rèn của người Xơ Đăng là 1 trong 9 nghề truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát triển. Tỉnh cũng xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu, ký gửi sản phẩm nghề truyền thống, gắn với các điểm tham quan du lịch tại TP. Kon Tum, huyện Kon Plông và một số nơi có điều kiện.

Thực hiện Đề án, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã tổ chức 25 hội nghị tuyên truyền, vận động công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trực tiếp tại các địa phương cho các đối tượng là già làng, Người có uy tín, thôn trưởng, các ban ngành của thôn và hơn 1.800 nghệ nhân.

Đến nay, số người biết làm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh so với thời gian đầu phê duyệt Đề án từ 2.220 người năm 2017 đến nay đã tăng lên 12.170 người.

Kết quả bước đầu từ việc thực hiện Đề án cho thấy, đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, nhất là những người trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên, Người có uy tín đã hiểu về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc mình; tích cực tham gia bảo tồn, lưu giữ những nét văn hoa, những sản phẩm truyền thống độc đáo; tham gia truyền nghề, học nghề để lưu giữ nghề nghiệp và phát huy giá trị văn hóa của các nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một... Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum cũng đã có kế hoạch tổ chức tuyên dương, biểu dương người giữ nghề truyền thống. Đồng thời, chú trọng kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề truyền thống .

nghe ren 5
nghe ren 6

Để bảo tồn nghề rèn truyền thống của người Xơ đăng, những năm gần đây tỉnh Kon Tum đã quan tâm và có những ưu tiên đặc biệt. Trong các sự kiện văn hóa lớn của địa phương đều có nội dung giới thiệu nghề rèn truyền thống của người Xơ Đăng. Với mong muốn giữ lửa nghề rèn, các nghệ nhân Xơ Đăng tham gia tích cực hoạt động này. Tại các thôn làng, không ít nghệ nhân cũng đã vận động con cháu, cộng đồng khôi phục nhân rộng ngọn lửa nghề rèn.

Tháng 12/2018, lần đầu tiên, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 tại Bảo tàng tỉnh, lò rèn bằng bể da thú kiểu xưa của người Xơ Đăng được phục dựng thành công với các thợ thủ công - nghệ nhân người Tơ Đrá (Xơ Đăng) đến từ xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm tham quan, tìm hiểu của nhiều bà con, du khách.

Hiện nay, các làng Xơ Đăng - Tơ Đrá ở xã Đăk Ui vẫn còn nhiều người duy trì nghề rèn để chế tác các nông cụ sản xuất, nhưng giờ chỉ rèn theo kiểu hiện đại. Hy vọng với sự nỗ lực trong phục dựng lại nghề, nghề rèn truyền thống của người Xơ Đăng - Tơ Đrá sẽ được lưu giữ lại, để thế hệ con cháu người Xơ Đăng - Tơ Đrá về sau tự hào về nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.

 

 
ren xơ đăng

 Quá trình triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum” đã góp phần lưu giữ và phát huy giá trị của các nghề truyền thống có nguy cơ mai một.

Hiện nay, Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum” được tích hợp, lồng ghép với Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 về giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc, đào tạo nghề truyền thống.

Với những nội dung, nguồn lực được đầu tư được đặt ra ở từng nội dung nhiệm vụ tiểu dự án, Dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719, đã tạo thêm cơ hội, động lực cho  chính quyền địa phương đầu tư, hỗ trợ giữ nghề truyền thống; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.

          

Bài: Bảo An
Trình bày: Hoàng Nguyên

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí