Là một huyện miền núi, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 36%, vài năm trở lại đây, bà con Hoành Bồ (Quảng Ninh) đã mạnh dạn chuyển đổi sang các mô hình canh tác tập trung trồng cây ăn quả, đặc biệt là giống ổi lê, loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, đã mang lại thu nhập cao cho bà con nơi đây.
Ổi lê Hoành Bồ thực chất là giống ổi Đài Loan (Trung Quốc) được đưa vào trồng thử nghiệm lần đầu tiên tại xã Sơn Dương (trước kia thuộc huyện Hoành Bồ, nay thuộc TP Hạ Long). Ổi Hoành Bồ có vỏ ngoài láng mịn, cùi dày, hạt mềm với vị ngon, ngọt đặc trưng nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và được nhân giống rộng rãi trong vùng.
Đây là loại cây ăn trái rất dễ trồng, không quá kén đất và rất hợp với thổ nhưỡng của Hoành Bồ. Cây từ lúc trồng đến khi ra hoa chỉ khoảng 8 tháng, từ lúc ổi ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 2 đến 2,5 tháng.
Khi quả ổi phát triển có đường kính khoảng 1,5cm, sạch bệnh, sẽ được tiến hành bao trái bằng túi nilon chuyên dụng. Cũng từ đó đến khi thu hoạch, không có tác động của bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào đến cây và trái, do vậy, quả ổi rất sạch, ngon, không có hóa chất, an toàn cho người dùng.
Do phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, nên giống ổi có hương vị giòn, ngọt thanh và tươi sắc, trở thành một trong những loại nông sản rất được ưa chuộng không chỉ đối với người dân Quảng Ninh mà đã vươn tới một số tỉnh lân cận.
Ổi Hoành Bồ ở được thu hoạch 2 vụ/năm thường vào tháng 4 và 7 âm lịch hàng năm, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán trên thị trường cũng tương đối ổn định từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Với diện tích khoảng 2 hecta, sản lượng bình quân đạt hơn 20 tấn/năm, trừ các khoản chi phí, mỗi năm, người trồng thu lãi trên dưới 250 triệu đồng.
Cây ổi là loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân tại nhiều địa phương cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tại Hoành Bồ, diện tích trồng ổi hiện có khoảng hơn 140 ha.
Người có công đầu trong việc trồng và nhân giống ổi lê trên đất Hoành Bồ là ông Đinh Mạnh Đới, ở thôn 1, xã Dân Chủ.
Năm 2010, qua tìm hiểu, biết được giống ổi Đài Loan (Trung Quốc) cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, ông Đới đã lên Viện Nghiên cứu giống cây trồng Trung ương mua 200 cây giống và tiếp nhận kỹ thuật về trồng thử nghiệm. Thật không ngờ, giống ổi này lại rất thích hợp với thổ nhưỡng cho năng suất cao, quả ngon, chất lượng hơn hẳn các giống ổi bản địa.
Chỉ sau một thời gian ngắn, “Ổi ông Đới” đã thành thương hiệu không chỉ ở Hoành Bồ mà còn lan ra khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Từ mô hình trồng ổi của gia đình ông Đới và hiệu quả mà cây ổi mang lại, năm 2012, cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), huyện Hoành Bồ đã chỉ đạo nhân rộng mô hình trồng ổi Đài Loan trên địa bàn.
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón, kỹ thuật trồng. Từ một hộ ban đầu, đến nay, Hoành Bồ đã có 185 hộ dân trồng ổi, tập trung chủ yếu ở các xã: Sơn Dương, Dân chủ, Tân Dân, Quảng La, Bằng Cả và Lê Lợi, với tổng diện tích lên tới 57,9 ha, năng suất hàng năm đạt hàng trăm tấn.
Nhờ sự cần cù, chăm chỉ, chăm bón đúng kỹ thuật của người nông dân Sơn Dương, cây ổi phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, sinh trưởng phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, đạt từ 70-80 triệu đồng/sào/vụ, gấp đôi so với trồng lúa và cây nông nghiệp truyền thống. Giống ổi này trồng ở Sơn Dương cho quả to, thơm ngọt, vỏ mỏng, bề ngoài sáng đẹp…
Để đảm bảo quy trình, chất lượng, tiêu thụ sản phẩm, cuối năm 2013, xã Sơn Dương đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản Sơn Dương với 7 thành viên và đến nay là 19 thành viên. Tổ hợp tác tiến hành xây dựng giá sàn 3 tháng 1 lần, hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên để nhân rộng việc không sử dụng các loại thuốc sinh học trong chăm sóc cây quả.
Thương hiệu “Ổi Hoành Bồ” đã trở thành sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin dùng. Để khẳng định thương hiệu, nhiều hợp tác xã, hộ dân trồng ổi đã đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm ổi Hoành Bồ. Đến nay, sản phẩm này được xếp hạng 3 sao trong Chương trình OCOP tỉnh. Đây là bước đệm hết sức quan trọng trong việc khẳng định thương hiệu ổi Hoành Bồ tới người tiêu dùng.
Từ năm 2021, bà con nông dân nơi đây đã và đang xây dựng mô hình sản xuất ổi theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị. Nhờ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP ổi Hoành Bồ đã "lên đời" bởi chất lượng thơm ngon, sản lượng cao, giá bán tại vườn tăng gấp đôi so với trước đây.
Năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khảo sát địa điểm, họp nông dân chọn hộ tham gia mô hình đảm bảo yêu cầu. Theo đó, đã lựa chọn được 45 hộ nông dân tại thôn Đồng Giang - xã Sơn Dương để thực hiện mô hình với qui mô 10ha.
Theo đánh giá, mô hình ổi VietGAP tại xã Sơn Dương có chất lượng tốt, đặc biệt vụ ổi chính vụ (tháng 6-7) chất lượng tốt hơn các vườn ngoài mô hình, thịt quả thời kỳ thu hoạch chắc và ít chua hơn; từ tháng 8 trở đi chất lượng ổi tốt, thịt quả chắc giòn và ngọt hơn. Giá bán tại vườn khoảng 25.000/kg, cao gấp 2 lần so với ổi trồng theo cách truyền thống.
Các hộ tham gia mô hình cơ bản đã thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong quy trình chăm sóc cây ổi theo VietGAP. Đối với các khâu ghi chép nhật ký mua bán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều được ghi đầy đủ, đúng theo hướng dẫn, quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện vùng trồng ổi tại xã Sơn Dương (Hoành Bồ) đã được cấp mã số vùng trồng cho 10ha. Việc cấp mã số vùng trồng là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản và là điều kiện bắt buộc để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hiện nay, ổi Hoành Bồ đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh với năng suất đạt từ 45-50 tấn/ha, cho doanh thu trên 800 triệu đồng/ha/năm. Cây ổi Hoành Bồ ngày càng khẳng định được vị thế riêng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân địa phương.
Không dừng lại ở việc trồng cây bán quả, người dân nơi đây đang từng bước phát triển du lịch gắn với thương hiệu ổi Hoành Bồ. Những điểm tham quan mô hình thí điểm “Du lịch nông nghiệp nông thôn” đang dần được nhiều hộ dân triển khai.
Hiện các hộ dân ở thôn Đồng Đặng (xã Sơn Dương) đã liên kết với nhau, hình thành một vùng trồng cây ăn quả tập trung rộng hơn 8ha để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp.
Đến đây, du khách có thể tham quan những trang trại ổi rộng bạt ngàn. Điểm nhấn chính là trang trại ổi ông Đới với khoảng 3 ha cho du khách tham quan, trải nghiệm. Du khách sẽ được chủ nhà giới thiệu toàn bộ quy trình ươm trồng, chăm sóc để cho ra quả ổi lai lê nổi tiếng. Tham quan vườn ổi chín mọng thơm ngon, du khách được chủ trang trại, những kỹ thuật viên làm vườn thân thiện chia sẻ, hướng dẫn tỉ mỉ về quá trình chăm sóc, thu hoạch.
Bên cạnh hoạt động du lịch gắn với thương hiệu ổi Hoành Bồ, bà con đồng bào dân tộc Sán Dìu, Tày… nơi đây còn tổ chức thêm các trò chơi truyền thống và giới thiệu các món ăn dân tộc. Mô hình du lịch mới này đã và đang thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Từ hiệu quả mô hình trồng ổi kết hợp tham quan, du lịch, nhiều hộ dân của Hoành Bồ đang tiếp tục mở rộng, phát triển những trang trại ổi rộng lớn với quy trình chăm sóc khép kín, áp dụng kỹ thuật cao. Giờ đây, ổi Hoành Bồ không chỉ là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh mà những trang trại ổi cũng đã dần trở thành những điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm mỗi khi tới thành phố Hạ Long.
Trong thời gian tới, TP Hạ Long sẽ phấn đấu xây dựng thương hiệu ổi Hoành Bồ thành thương hiệu quốc gia, đồng thời xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ổi Hoành Bồ nhằm nâng cao giá trị trong tất cả các khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Sinh năm 1968, anh Ân Văn Kim - người Sán Dìu ở thôn Đồng Đặng (xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh) là một trong những hộ điển hình của xã đã mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, đồng thời giúp bà con trong xã từng bước giảm nghèo.
Năm 2012, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Dương lần đầu tiên được đưa vào mô hình trồng giống ổi, táo Đài Loan. Cả thôn Đồng Đặng có 165 hộ, chỉ duy nhất hộ anh Ân Văn Kim đứng ra nhận trồng. Anh được hỗ trợ 700 cây ổi và 200 cây táo giống, cùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy còn hoài nghi với 2 loại cây ăn quả này, nhưng anh vẫn quyết dành một phần đất ruộng và toàn bộ đất vườn nhà để trồng thử nghiệm.
Một năm sau, những trái ổi mềm, giòn, ngọt đượm đầu tiên được thu hoạch đã mang đến cho anh nguồn lợi nhuận. Đầu năm 2014, anh mở rộng diện tích trồng thêm 600 cây ổi, nâng tổng diện tích trồng ổi và táo lên 1,5ha. Năm 2015, vợ chồng anh Kim thu về hơn 600 triệu đồng, chủ yếu từ ổi. Đến năm 2017, anh đã mở rộng thêm 1,2ha, tương đương với trồng khoảng 1.200 gốc ổi nữa.
Nhờ biết cách chăm sóc, vườn ổi của gia đình anh Kim lúc nào cũng xanh tốt, không bị sâu bệnh và cho trái quanh năm.
Anh Kim cho biết: Chuyển đổi sang trồng ổi mang lại thu nhập cho gia đình ông gấp 10 lần so với trồng lúa kém hiệu quả trước đây. Trước, gia đình chỉ bán ổi cho các đầu mối, bây giờ nhiều khách du lịch đến nên việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn. Mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, việc trồng ổi đang trở thành phong trào ở khắp 6 xã của Hoành Bồ. Chỉ tính riêng thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương đã có 56 hộ trồng ổi theo giống cây và phương pháp chăm sóc của anh Ân Văn Kim và cho năng suất chất lượng, thu nhập ổn định.
Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn