Huyện Kbang nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 90 km về phía Đông, cách thị xã An Khê khoảng 30 km về phía Bắc. Sau khi được tách ra từ An Khê để thành lập huyện năm 1984, Kbang là địa phương rộng lớn nhất tỉnh, với diện tích gần 1.900 km2, chiếm gần 12% tổng diện tích toàn tỉnh.
Kbang từng là vùng đất khô cằn, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Bao thế hệ người Bahnar nơi đây chủ yếu sống dựa vào rừng, họ thường phát rẫy, làm nương và đến mùa thì vào rừng bẻ măng, hái quả xoay, quả sim, lấy mật ong để bán. Bà con ở đây chỉ biết quanh quẩn với cây lúa, cây mì,…
Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, bà con đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, nơi đây đã trở thành một trong những vựa mía lớn của tỉnh Gia Lai. Nhờ việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía tím, diện mạo nông thôn dần thay đổi, đời sống bà con được nâng lên.
Cây mía không kén đất, chịu hạn, sinh trưởng mạnh, có thể trồng mọi loại hình đất và đặc biệt là chi phí đầu tư thấp. Cây mía có thịt mềm, ít xơ, nhiều nước, tỉ lệ đường cao. Cây có màu xanh, vàng, đỏ sẫm hoặc tím, không hoặc rất ít ra hoa. Ở những nơi đất tốt, điều kiện khí hậu thuận lợi, năng suất mía đạt rất cao.
Mía không chỉ giàu chất dinh dưỡng, mà còn chữa được rất nhiều bệnh như bệnh cúm, cảm lạnh, tốt cho người bị sỏi thận, chữa lành các ổ nhiễm trùng... Ngoài ra, một số món ăn khi được nấu cùng mía cũng tạo nên hương vị tuyệt vời, như: Cá nục kho nước mía, Chả tôm bọc mía, Gà kho sả ớt với mật mía, Giò heo hầm mía…
Bước ngoặt lớn làm thay đổi đời sống của bà con Kbang kể từ khi Nhà máy Đường An Khê được triển khai xây dựng và phía dưới đèo An Khê đi vào hoạt động. Được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, bà con nông dân đã nhanh chóng chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng mía nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy.
Nếu năm 1996, cả huyện chỉ trồng được 842 ha mía, năm 2000 là 1.419 ha thì năm 2023 đã vượt lên đạt xấp xỉ 11.000 ha với nhiều cánh đồng mía mẫu lớn như ở xã Đông, Kông Lơng Khơng, Kông Bơ La, Tơ Tung, Nghĩa An, thị trấn Kbang... Mía nhiều và đạt năng suất 90-100 tấn/ha. Hiện nay, huyện Kbang được coi là thủ phủ của cây mía ở vùng Đông Trường Sơn. Cây mía đã trở thành nguồn thu chính của người dân nơi đây.
Niên vụ mía 2023-2024, trên địa bàn huyện với tổng diện tích mía sản xuất nguyên liệu khoảng 10.281 ha, trồng trên địa bàn các xã, thị trấn (thị trấn 9 ha, xã Đông 607 ha, Nghĩa An 900 ha, ĐăKhLơ 1.452 ha, Kông Bờ La 2.102 ha, Kông Lơng Khơng 2.678 ha, Tơ Tung 2.015 ha, Lơ Ku 470ha, Krong 30 ha, ĐăkSmar 18). Hiện nay, cây mía đang trong thời gian thu hoạch (tính đến ngày 25/3/2024, toàn huyện đã thu hoạch khoảng 44,8%).
Niên vụ 2023-2024, năng suất mía nhiều nơi đạt từ 90 - 100 tấn/ha, giá mía đạt cao nhất kể từ trước đến nay, dao động từ 1.100 - 1.200 đồng/kg, hộ trồng mía có lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/ha.
Liên kết để tạo ra chuỗi sản xuất khép kín, hiệu quả đang là cách làm hay tại các làng dân tộc thiểu số của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai thông qua mô hình trồng cây mía theo cánh đồng lớn. Nhiều người Bahnar có thể làm được cánh đồng lớn là nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Thông qua mô hình này, bà con người địa phương đã có sự thay đổi căn bản trong cách thức làm ăn để có điều kiện thoát nghèo bền vững.
Huyện Kbang là vùng nguyên liệu mía lớn của tỉnh Gia Lai, với diện tích trung bình mỗi năm trên dưới 9.500 ha; tập trung ở 07 xã: Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Kông Bơ La, Đăk Hlơ, Nghĩa An, Lơ Ku và xã Đông. Để khắc phục tình trạng người dân trồng nhiều loại giống mía, diện tích nhỏ, manh mún, khó áp dụng đồng bộ về cơ giới hóa, quy trình kỹ thuật; đồng thời, giúp người dân nâng cao năng suất và thu nhập. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kbang khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 02/02/2018 về đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn sản xuất cây mía giai đoạn 2018-2020.
Cánh đồng mía lớn là một trong những chương trình mà tỉnh Gia Lai tập trung đẩy mạnh nhằm hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương trên địa bàn. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, liên kết sản xuất, mà người dân tộc thiểu số đã có thu nhập cao hơn để ổn định cuộc sống. Cánh đồng mía lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Được biết, năm 2017, người dân tộc thiểu số Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng tham gia vào sản xuất cánh đồng mía lớn. Ngày mới tham gia có khoảng 20 hộ, vì bà con còn lo lắng về kỹ thuật và giá bán thấp. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, khi thấy được hiệu quả của cánh đồng mía lớn mang lại, các thành viên tham gia cũng tăng lên gấp 4 lần, với diện tích liên kết lên đến 150 ha.
Ông Đinh Văn Thinh - Trưởng nhóm cánh đồng mía lớn làng Bờ cho hay: “Mía được xem là cây trồng chủ lực của người dân Kbang. Trước đây, do lối canh tác lạc hậu nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Không ít hộ trong làng tự nguyện tham gia cánh đồng mía lớn, được cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất nên tiết kiệm được chi phí, rút ngắn thời gian, giảm công sức lao động mà năng suất lại đạt cao”.
Triển khai từ năm 2017, đến nay, huyện Kbang đã xây dựng được 8 cánh đồng mía lớn với diện tích hơn 500ha với gần 500 hộ tham gia, trong đó, liên kết cánh đồng mía lớn có tới xấp xỉ 90% hộ dân người Bahnar tham gia. Những vùng nông nghiệp hiện đại đang lớn dần ở huyện vùng xa của tỉnh Gia Lai, không ngừng nâng cao trình độ sản xuất của bà con các thôn làng, tạo dựng kinh tế bền vững.
Đại diện huyện Kbang cho biết, chỉ tính riêng huyện Kbang, hiện đã có trên 10.000 ha mía được trồng trải rộng ở 7 xã trọng điểm, mang lại nguồn lợi kinh tế ổn định cho người dân của địa phương. Đặc biệt, người dân đã thay đổi rất nhiều trong tư duy, nhận thức sản xuất.
Huyện đang tiếp tục tăng cường vận động bà con tham gia mô hình cánh đồng lớn để phát huy hiệu quả việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với cơ giới hóa giúp nâng cao năng suất lao động. Từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là đồng bào Bahnar trên địa bàn. Với hướng đi trên, vùng đất khô cằn, bạc trắng ngày nào, nay đã được bao bọc bởi màu xanh bạt ngàn của cây mía.
Với năng suất và giá mía cao như hiện nay, đây sẽ là cơ hội để giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập kinh tế ổn định, và quan trọng hơn cả là người dân đã thay đổi trong tư duy, nhận thức sản xuất, từ chỗ chỉ biết lao động, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã trở thành ứng dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp lớn.
Ngày 20/8/2024, UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 383/QĐ-UBND ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, đến năm 2025, Tỉnh duy trì ổn định khoảng 38 ngàn ha mía, sản lượng đạt khoảng 2,66 triệu tấn nhằm cung cấp đủ mía nguyên liệu cho 2 nhà máy đường An Khê và Ayun Pa. Đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, đưa giống mía mới vào sản xuất; tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp.
Từ lao động, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trước đây, giờ bà con đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp lớn. Tham gia vào cánh đồng mía lớn, người nông dân được Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ cơ giới hóa từ khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch nên năng suất tăng lên rõ rệt. Mỗi ha mía ở cánh đồng lớn đều cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất cũ từ 10-20 tấn mía cây.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, cánh đồng mía lớn là một trong những chương trình mà nhà máy tập trung đẩy mạnh. Để làm được điều đó, ngoài chính sách đầu tư không tính lãi suất ra, hàng năm nhà máy còn nghiên cứu tiếp tục giảm chi phí cho từng khâu từ cày bừa, trồng đến thu hoạch cho người trồng mía, đảm bảo giúp họ an tâm tham gia vào cánh đồng lớn mang lại hiệu quả cao nhất.
Để duy trì vùng mía nguyên liệu, mấy năm gần đây Nhà máy đường An Khê đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả.
Anh Đinh Hyon (trú tại làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng) cho biết: “Gia đình mình trồng khoảng 3 hecta. Trước kia, do lối canh tác lạc hậu nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Những năm gần đây, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa vào sản xuất, chúng tôi đã có thu nhập cao hơn. Với diện tích mía trên, trung bình 1 vụ thu được khoảng hơn 200 tấn, trừ chi phí gia đình lãi khoảng 100 triệu đồng. Từ khi tham gia cánh đồng mía lớn, gia đình được nhà máy hỗ trợ, nên vừa nhàn công, lại có lợi nhuận cao hơn trước.
Thống kê của Nhà máy Đường An Khê, vùng nguyên liệu mía Đông Trường Sơn của tỉnh Gia Lai hiện đã có trên 100 cánh đồng lớn với hơn 3.000 ha. Trong các nhóm liên kết này, có rất đông thành viên là các hộ đồng bào thiểu số Bahnar tại chỗ (thuộc 4 huyện trọng điểm mía An Khê, Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro) cùng tham gia. Đây là sự chuyển biến tích cực trong tư duy và thực tiễn sản xuất của đồng bào thiểu số, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.
Những năm qua, Nhà máy đã chú trọng đầu tư bổ sung nhiều hạng mục trang - thiết bị phục vụ. Đến nay, công suất của Nhà máy đạt 18.000 tấn mía/ngày. Hiện nay, Nhà máy có một xí nghiệp cơ giới gồm 350 máy cày công suất lớn, được nhập khẩu từ nước ngoài, có 8 máy thu hoạch, cùng với hàng trăm phương tiện cơ giới khác.
Theo tính toán, 1 máy thu hoạch mía có thể thu hoạch 300 tấn mía/ngày, tương đương với 300 lao động thu hoạch thủ công. Về chi phí, nếu thu hoạch thủ công theo phương thức truyền thống phải mất khoảng 200 - 220 ngàn đồng/ha, trong khi thu hoạch bằng máy chỉ hết 150 - 170 ngàn đồng.
Cây mía được trồng trên cánh đồng lớn không chỉ giúp tiết kiệm được thời gian lao động, tiết kiệm chi phí, mà năng suất còn tăng lên rõ rệt. Khi canh tác trên cánh đồng lớn, có sự hỗ trợ của cơ giới, ruộng mía sẽ được bón đều, đủ lượng phân bón và nước tưới, khâu làm cỏ cũng sẽ kỹ hơn làm thủ công. Do vậy, mỗi ha mía ở cánh đồng lớn có năng suất cao hơn trồng thông thường, theo đó, thu nhập của người trồng mía cũng tăng lên rõ rệt, từ đó đời sống của người nông dân cũng được cải thiện rõ rệt.