Người Cơ Tu giữ nghề đan lát truyền thống
25/10/2023 lúc 14:00 (GMT)

Người Cơ Tu giữ nghề đan lát truyền thống

 

Trong 54 dân tộc ở Việt Nam, rất nhiều dân tộc có nghề đan lát truyền thống, nhưng sản phẩm của người Cơ Tu có độ tinh xảo cao, mẫu mã đặc trưng, dễ nhận biết giữa rất nhiều sản phẩm của dân tộc khác.

 

cơ tu

Nằm nép mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ tại Quảng Nam là nơi sinh sống của một cộng đồng người Cơ Tu, chiếm đến 74,2% tổng số người Cơ Tu tại Việt Nam, tập trung ở 3 huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang.

Người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam có nhiều nghề thủ công truyền thống khác nhau như dệt chiếu, dệt vải thổ cẩm, làm gốm bằng tay, nhưng đan lát là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời nhất. Đàn ông Cơ Tu từ nhỏ đã được truyền nghề bởi những nghệ nhân của làng, vì thế, họ thành thạo việc đan lát từ rất sớm. Nghề đan lát truyền thống không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, mà còn góp phần tạo nên một nét văn hóa riêng - văn hóa Cơ Tu.

cơ tu 1
co tu

Trong vùng đồng bào Cơ Tu sinh sống có rất nhiều mây, tre, nứa, lồ ô và các loại dây leo khác. Ðây là nguồn nguyên liệu dồi dào để đồng bào Cơ Tu phát triển nghề đan lát. Nguyên liệu được khai thác về, tùy thuộc vào từng loại sản phẩm, bà con có thể đem ngâm ở khe suối hoặc chẻ ra rồi vót thành nan đem đặt trên dàn bếp để tránh mọt và tạo cho sản phẩm có độ bền với màu sắc đẹp hơn.

Để làm ra các sản phẩm đan lát truyền thống, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Bắt đầu từ việc vào rừng chọn, lấy nguyên liệu gồm tre, mây, nứa…, sau đó phơi khô, tạo độ dai và tránh bị mối mọt, tăng độ bền chắc rồi mới đan từng bộ phận của sản phẩm. Để hoàn thành một sản phẩm đan lát phải mất từ 5 - 7 ngày, thậm chí có những sản phẩm phải mất cả tháng. Các sản phẩm đan lát rất đa dạng như nia, giỏ, mâm cơm đến các loại gùi lúa, gùi gạo, gùi muối, gùi đựng trang sức phụ nữ...

cơ tu 3
cơ tu 4
cơ tu 5
cơ tu 6

Kỹ thuật đan lát của người Cơ Tu rất phức tạp, đòi hỏi phải chịu khó và kiên nhẫn, những điều không  phải đàn ông Cơ Tu nào cũng làm được. Tùy thuộc vào từng sản phẩm mà người Cơ Tu áp dụng những kỹ thuật đan khác nhau. Gùi vận chuyển lúa (Zôống), được đan với nan long mốt, gùi củi thì được đan nan hình lục giác và cũng cùng loại gùi củi nhưng được đan bằng mây với dạng hình thang cân.

Gùi trẻ em Cơ Tu (P'reng) được đan bằng mây dày với nan long mốt, kết hợp với kỹ thuật đan chéo phức tạp dáng hình ống, vành miệng tròn đáy hình vuông. Riêng gùi ba ngăn của đàn ông Cơ Tu (Tà lét), gùi đựng đồ dùng trang sức và thổ cẩm thì được đan nan long mốt kết hợp kỹ thuật đan tinh xảo với nguyên liệu chủ yếu là dây mây.

san pham

Để tạo cho sản phẩm có nét độc đáo riêng phụ thuộc vào khả năng sáng tạo cũng như trình độ tay nghề của mỗi nghệ nhân. Sự đa dạng về mẫu mã, tính ứng dụng, thẩm mỹ cao đã tạo điều kiện để các sản phẩm của người Cơ Tu được trao đổi, mua bán với các tộc người khác trong vùng, góp phần đáng kể cải thiện cuộc sống.

 

 

Trong vô số quà tặng của nhà trai cho nhà gái trong ngày cưới hỏi, luôn kèm vài chiếc gùi đan bằng mây, hoặc chiếc nong, nia do chính tay chú rể đan làm quà ra mắt bố mẹ, người thân bên vợ. Phong tục độc đáo này cũng một phần giúp lưu giữ được nghề đan lát truyền thống của đồng bào Cơ Tu trong suốt hàng trăm năm qua.

 

dan gui co tu

 

cơ tu 1

Sở hữu những kỹ năng đan lát tuyệt vời với sản phẩm đa dạng và tinh tế, nhưng nghề đan lát của người Cơ Tu vẫn không tránh được xu hướng phát triển của thị trường. Trong nhiều năm gần đây, cây mây ngày càng ít đi, người Cơ Tu phải vào rừng sâu hơn mới lấy được nguyên liệu để đan gùi.

Bên cạnh đó, theo thời gian, khi xã hội phát triển, nhiều gia đình đã chuyển sang dùng các vật dụng bằng nhựa, nhôm, inox vì tính tiện lợi. Sản phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn, nghề đan lát của đồng bào vì thế cũng ngày càng ít người theo. Trước nguy cơ mai một của nghề đan lát, những người yêu nghề truyền thống đã tìm nhiều hướng đi để khôi phục.

co tu 6
co tu 7

Đại diện huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, những người thành thạo nghề chỉ còn số ít, đa phần đều cao tuổi. Địa phương đã đẩy mạnh công tác vận động, kêu gọi các già làng, nghệ nhân giữ lấy nghề đan lát bằng các hình thức truyền dạy cho con cháu. Huyện cũng đã tổ chức nhiều đợt giao lưu với các huyện trong và ngoài tỉnh, quảng bá những sản phẩm từ các làng nghề.

Huyện khuyến khích thành lập mô hình sản xuất dưới dạng tổ hợp tác, nhóm hộ để nâng cao năng suất, chất lượng, từng bước đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm thị trường ổn định cho sản phẩm…, góp phần tạo sinh kế, thu nhập ổn định và bảo tồn bản sắc văn hóa.

trinh dien

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ kinh phí khôi phục lại nghề đan lát tại các xã Sông Kôn, huyện Đông Giang; xã Tr’Hy, huyện Tây Giang; xã Zduôih, huyện Nam Giang... Ngoài việc truyền nghề tại chỗ, nhiều địa phương đã mạnh dạn cử con em đi học kinh nghiệm của các tỉnh bạn. Chính quyền địa phương tích cực giới thiệu với các doanh nghiệp, nhà đầu tư khai thác tối đa nghệ thuật đan lát này để sản phẩm thích ứng được với thị trường hàng hoá.

Tỉnh cũng hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bán sản phẩm trên thương mại điện tử, hỗ trợ bằng những chương trình dự án cụ thể. Chẳng hạn như với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xã Sông Kôn đã đăng ký xây dựng 2 sản phẩm OCOP, một trong số đó là sản phẩm đan lát của người Cơ Tu. Đây sẽ là động lực để bà con nỗ lực hơn nữa trong việc bảo tồn nghề truyền thống và nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu.

san pham
cơ tu 2

Tháng 10/2020, tại Hà Nội, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) và những tổ chức yêu văn hóa nghề thủ công của đồng bào các dân tộc Việt Nam đã tổ chức “Triển lãm và giới thiệu nghề đan lát Cơ Tu”.

Hoạt động này giúp công chúng trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu với nghề thủ công đan lát, đồng thời giới thiệu sản phẩm đến công chúng, các nhà thiết kế trẻ, doanh nghiệp có nhu cầu, góp phần đưa các sản phẩm của đồng bào đến gần hơn với công chúng.

trien lam may

Đến nay, vùng nguyên nguyên liệu mây đã có 50ha được trồng mới, 50 ha mây tự nhiên được bảo vệ và khai thác bền vững. Gần 250 hộ gia đình được đào tạo nghề. Con em của dân làng được học nghề và giới thiệu về mẫu đan lát, mây tre của các tỉnh bạn. Các lớp học được tổ chức và bao tiêu sản phẩm đã tạo cơ hội giúp người Cơ tu nâng cao thu nhập thông qua việc bán sản phẩm và quà lưu niệm phục vụ du lịch.

Tại thôn A Rớch, xã A Ting, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, các lớp học thu hút được nhiều người già và người tham gia. Điều đặc biệt, các lớp học đã tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ Cơ Tu bởi công việc đan lát xưa giờ chỉ do đàn ông, nhất là những người lớn tuổi hoặc già làng thực hiện. Phụ nữ Cơ Tu rất ít người biết đan hoặc vót mây, tre.

dan lat
hoc dan lat

Lớp học được chia thành 2 nhóm: Nhóm truyền thống dành cho người lớn tuổi học đan những sản phẩm gùi, thúng, nia… sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Còn nhóm hiện đại dành cho lớp trẻ với các sản phẩm làm quà tặng như hộp, làng (túi xách), khay đĩa, giỏ đựng hoa quả, hoặc sản phẩm làm túi đựng thay bao bì nhựa và có cả bàn tròn khách sạn…

Người trẻ sẽ được học đan các sản phẩm làm quà tặng như hộp, làng (túi xách), khay đĩa, giỏ đựng hoa quả, hoặc sản phẩm làm túi đựng thay bao bì nhựa và có cả bàn tròn khách sạn… Để đa dạng mẫu mã sản phẩm, đồng bào còn đan thêm túi xách, nón lá alớ trông rất đẹp mắt. Trên các trang mạng xã hội facebook, nhiều khách hàng đã bắt đầu tìm kiếm, đặt hàng sản phẩm.

san pham 1
san pham 2
san pham 3
san pham 4
san pham 5

Sản phẩm làm ra trở thành mặt hàng lưu niệm ưa thích của nhiều du khách. Hiện nay, trung bình mỗi chiếc gùi bán ra từ 200.000/250.000 đồng tùy loại. Các loại đồ dùng khác như rổ, rá, nia, giỏ, mâm cơm… giá dao động từ 50.000 – 170.000, loại lớn có giá 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng. Có thể nói, nghề đan lát đã tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhiều gia đình đồng bào Cơ Tu ở vùng cao Quảng Nam.

quangnam

 

          

Bài: Bảo An
Trinh bày: Hoàng Nguyên

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí