Hơn 60 năm bén rễ và phủ xanh vùng đất biên cương Sơn La, nhãn Sông Mã đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản Việt Nam.
Cây nhãn bén duyên với vùng đất biên cương Sơn La từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước, do người dân Hải Hưng ngày đó lên xây dựng vùng kinh tế mới, khai hoang lập nghiệp, đem giống cây nhãn lồng lên đây trồng thử, không ngờ cây nhãn nhanh chóng thích nghi với thổ nhưỡng, đơm hoa kết trái và cho quả ngọt.
Sông Mã là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Sơn La, đồng bào dân tộc Thái chiếm trên 59,51% dân số của huyện. Ban đầu, cây nhãn được trồng chủ yếu ở các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông Mã, thuộc các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong (huyện Sông Mã). Dần dần cây nhãn ngày càng mở rộng diện tích và trở thành đặc sản của vùng này.
Theo kinh nghiệm của những người dân ở đây, để có một mùa nhãn bội thu, ngoài việc phụ thuộc vào thời tiết và môi trường, rất cần sự chăm bón và hiểu biết về loài cây này. Sau khi thu hoạch tháng 7, tháng 8 năm trước, người dân bắt đầu cắt tỉa cành lá, loại bỏ những cành sâu, cành kém phát triển; tháng giêng bón phân, tưới nước, làm sạch cỏ... để tháng 3 nhãn ra hoa, tháng 5 tỉa quả... Nhãn có khả năng chịu hạn, chịu úng tốt. Cây nhãn có thể chịu ngập trong 2 - 3 ngày. Nhiệt độ thích hợp để cây nhãn phát triển từ 21 - 27OC.
Nhãn Sông Mã có hai giống đặc trưng là Miền Thiết và T6 (nhãn chín sớm), được trồng tới 70% diện tích cây trồng của huyện Sông Mã. Với lợi thế của khí hậu cận ôn đới, đất đai màu mỡ, cùng với sự khéo léo, cần mẫn chăm sóc của người dân địa phương nơi đây nên quả Nhãn Sơn La mang những đặc trưng riêng, không phải vùng trồng nhãn nào cũng có được.
Quả Nhãn Sơn La to, tròn, căng mọng, cùi nhãn dày, ráo nước và giòn, hàm lượng đường tổng số lớn hơn 9,9%, vitamin C khoảng 32.5mg/100g, độ brix lớn hơn 18%,... Vì lẽ đó, quả nhãn Sơn La có vị ngọt đậm và hương thơm đặc trưng, dịu nhẹ rất khác với nhãn cũng loại của nơi khác.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây lượng thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả, từ chỗ ban đầu bà con chỉ trồng nhãn một cách tự phát, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, đến nay, huyện Sông Mã có trên 7.500 ha trồng nhãn.
Hiện nhãn đã trở thành nông sản chủ lực của tỉnh Sơn La, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, cây nhãn được người dân chú trọng đầu tư, lai ghép nhãn chín muộn cho năng suất, chất lượng cao theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ gia đình trồng nhãn ở đây đã có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, trong đó, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ trồng nhãn.
Ngày 21/6/2017 Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký "Nhãn hiệu chứng nhận Nhãn Sông Mã
So với một số loại cây trồng khác, sản phẩm quả nhãn Sông Mã có thị trường tiềm năng, tuy nhiên, cần phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe để vào được các thị trường khó tính. Do vậy, các hợp tác xã cùng như hộ dân đều chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, như: VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP, ISO 22000. Hiện ở xã Chiềng Khương có 78 hộ ở 12 bản đã phát triển công nghệ phun sương tưới cho hơn 68 ha cây nhãn.
Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương, cho biết: Đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, 100% thành viên HTX sử dụng các loại phân bón hữu cơ; liều lượng, ngày, giờ bón phân được ghi chép vào sổ theo dõi sản xuất. Trước đây, từ 70-85 quả nhãn đạt trọng lượng 1 kg, nay áp dụng kỹ thuật nên 1 kg bình quân từ 45-50 quả.
Năm 2023, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I - Cục Bảo vệ thực vật đã đánh giá cấp thêm 18 mã số vùng trồng mới, nâng tổng số mã số vùng trồng nhãn Sơn La lên 48 mã trên tổng diện tích 481,7 ha, sản lượng 4.817 tấn. Trong đó có 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ; 23 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand.
Các vùng trồng tập trung nhiều các xã như Chiềng Khương, Mường Hung, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu. Dự kiến thời gian tới, sẽ xuất khẩu 60 tấn nhãn sang thị trường các nước.
Tại các khu vực trồng nhãn tập trung này, các hộ đều liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu theo mô hình hợp tác xã, hướng tới tối đa hóa giá trị thu hoạch trên từng cây nhãn. Nông dân hiện cũng đã áp dụng các biện pháp rải vụ thu hoạch nhãn bằng cơ cấu các giống nhãn chín sớm, sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GloBlaGAP.
Cùng với việc sản xuất nhãn an toàn theo quy trình, huyện Sông Mã còn đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút các công ty, doanh nghiệp có uy tín để đưa sản phẩm nhẫn chinh phục các thị trường. Huyện đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá như tổ chức "Ngày hội Nhãn Sông Mã" vào ngày đầu tháng 8 hằng năm; đưa nhãn đi trưng bày, quảng bá tại các siêu thị lớn.
Bên cạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, huyện Sông Mã cũng rất chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ. Huyện đã tích cực tham gia các đoàn công tác khảo sát, nghiên cứu thị trường nước ngoài để hỗ trợ xuất khẩu. Phối hợp với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xuất khẩu nhãn. Đồng thời, huyện cũng thành lập các kênh quảng bá thương hiệu online, như fanpage, youtube, tiktok, website…; duy trì thị trường truyền thống như Trung Quốc, Australia đối với trái cây tươi; phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường các nước đã ký kết các Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực EU.
Với thị trường nội địa, có rất nhiều đơn vị trong huyện đứng ra làm đầu mối thu mua cung ứng nhãn cho các thương lái tỉnh ngoài như HTX Hưng Lộc, HTX An Phú, HTX Cây ăn quả Diên Việt, HTX Tiên Cang, HTX Chiềng Xôm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tuấn, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười...
Nhãn Sông Mã được phân phối tập trung hầu hết vào các hệ thống Siêu thị Big C, Fivimart, Co.opmart, Vinmart, Vinmart+, Lotte Mart... và các chợ đầu mối Long Biên, Đồng Xuân, Minh Khai, Hà Đông, Yên Sở (Hà Nội); Thổ Tang (Vĩnh Phúc); Hòa Bình (Bắc Ninh); Đông Tảo (Hưng Yên) và một số trung tâm thương mại lớn của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Năm 2023, tổng sản lượng nhãn quả tươi tại huyện Sông Mã ước tính khoảng trên 70.000 tấn, tăng 17% so với năm 2022, trong đó tiêu thụ trong nước 45.000 tấn, xuất khẩu 900 tấn. Đưa vào chế biến long nhãn khoảng 25.000 tấn, chiếm khoảng 35,72% sản lượng; Long nhãn chế biến xuất khẩu khoảng 2.000 tấn.
Vụ nhãn 2023, quả nhãn tươi tại huyện được thu mua dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến gần 40.000 đồng/kg, giá trị nhãn chín sớm cao gấp 4-5 lần so với nhãn chính vụ. Những quả mẫu mã kém hơn được các lò sấy thu mua về làm long nhãn với giá dao động từ 11.000 - 14.000 đồng/kg.
Nhiều năm trước, khi nhãn Sông Mã chín rộ cho sản lượng cao, người dân thường chỉ bán số lượng nhỏ quanh vùng và chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nhãn tươi, nhiều cơ sở chế biến trên địa bàn huyện Sông Mã đẫ tập trung sản xuất long nhãn, góp phần giảm áp lực mùa vụ, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập cho người dân, vừa nâng cao giá trị sản phẩm nhãn Sông Mã.
Trên địa bàn huyện đã có 2.994 lò sấy, công suất chế biến từ 1.500 - 2.000 tấn quả tươi/ngày, năm nay, dự kiến đưa vào chế biến khoảng 25.000 tấn quả tươi.
Để sản phẩm long nhãn đạt chất lượng tốt hơn, trong những năm qua huyện Sông Mã đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cơ sở chế biến long nhãn về công nghệ sấy, làm long nhãn sạch, đóng gói bao bì, tem, nhãn mác cho sản phẩm long nhãn, qua đó góp phần quan trọng giảm tải áp tiêu thụ quả tươi khi bước vào chính vụ thu hoạch nhãn. Trước đây, long nhãn sấy khô bằng lò sấy than thủ công, một ngày chỉ làm được 50-100 kg. Từ khi áp dụng lò sấy hơi ép nhiệt kín, công suất một ngày tăng lên 5-6 tạ.
Xã Chiềng Khoong có hai bản là Hải Sơn và Hồng Nam đã có nghề làm long nhãn từ lâu. Năm 2022, bản Hải Sơn và bản Hồng Nam được UBND tỉnh công nhận là làng nghề chế biến long nhãn, với sự tham gia của 120 hộ dân. Việc thành lập làng nghề đã tạo điều kiện liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong quảng bá, giới thiệu bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu long nhãn đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hiện nay, xã có hơn 1.000 ha nhãn, trong đó, 900 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 8 tấn/ha. Ngoài tiêu thụ quả tươi, trước đây bà con đã chế biến long nhãn nhưng theo phương pháp thủ công, tốn nhiều công sức, hiệu quả kinh tế thấp. Vài năm trở lại đây, người dân đã chuyển từ sấy lò truyền thống (sử dụng than củi) sang lò nhiệt, hơi; chuyển từ làm long bệt sang long xoáy, nhờ đó sản phẩm long nhãn làm ra có mẫu mã đẹp, chất lượng cao và được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Đặc biệt, long nhãn còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Với 900 ha nhãn cho thu hoạch, năm nay dự kiến sản lượng quả nhãn tươi của xã Chiềng Khoong đạt 7.000 tấn, trong đó, dự kiến tiêu thụ quả tươi là 4.000 tấn, còn lại là chế biến long nhãn. Ngoài ra, các cơ sở chế biến trên địa bàn xã còn thu mua khoảng 3.000 tấn quả tươi ở các địa phương khác trong và ngoài huyện để chế biến long nhãn. Việc duy trì làng nghề chế biến long nhãn ở Chiềng Khoong đã góp phần giải quyết bài toán thị trường tiêu thụ quả nhãn tươi.
Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La nói chung và huyện Sông Mã nói riêng sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với lợi thế của từng vùng, địa phương phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.
Bài: Xuân An
Trình bày: Nguyễn My