Sau 20 năm thực hiện, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có được những kết quả đáng khích lệ, nâng số doanh nghiệp đạt giải thưởng Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ 30 doanh nghiệp vào năm 2008 lên 172 doanh nghiệp vào năm 2022.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai thực hiện.
Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hoá, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Sau 20 năm thực hiện và 8 lần bình chọn Thương hiệu quốc gia Việt Nam, các doanh nghiệp nói chung hay sản phẩm của Việt Nam nói riêng đã có được những kết quả đáng khích lệ, đánh dấu tên tuổi, thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế, số doanh nghiệp đoạt giải thưởng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 172 doanh nghiệp năm 2022.
Thông qua Chương trình Thương hiệu quốc gia nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước.
Có thể nói, thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia có mối quan hệ rất chặt chẽ và mang tính tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Đằng sau các thương hiệu doanh nghiệp có uy tín trên thị trường là câu chuyện của một thương hiệu quốc gia thành công. Góp phần vào sự thành công của thương hiệu quốc gia là rất nhiều thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm của quốc gia đó.
Do vậy, khi một doanh nghiệp có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của doanh nghiệp đó cũng sẽ được nâng cao, và khi một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh thì sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia và thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi các con số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng cao qua các thời kỳ cũng có nghĩa là số lượng các thương hiệu mạnh của Việt Nam đang dần tăng cao, Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ càng có cơ hội vươn mình cùng sánh vai với thương hiệu quốc gia của các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Bất chấp những hậu quả về đại dịch Covid-19 và những xung đột, bất ổn về địa chính trị đang diễn ra trên thế giới, nhiều nước đã không duy trì được thứ hạng của thương hiệu quốc gia nhưng theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong Top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42; năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33; năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và đến năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32.
Brand Finance cũng nhận định trong Top 50 thương hiệu doanh nghiệp tăng trưởng giá trị nhất Việt Nam với mức tăng trưởng về giá trị cao nhất là 36% (trong khi đó, mức tăng trưởng của Singapore là 22%, Indonesia là 22%, Ấn Độ là 16%, Malaysia là 10%, Trung Quốc là 6%, Nhật Bản là 5% và Thái Lan là 4%). Trong số những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu có sj góp mặt của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam như Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hoà Phát, Vietnam Airlines,…
Những nhận định này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự đóng góp của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia trong vai trò tiên phong, dẫn dắt và phát triển thương hiệu quốc gia ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn.
Bài: Huyền My
Thiết kế: Ngọc Châm