Tương tự như các nước khác trong Liên minh Châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã có những tác động tích cực, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Áo và Việt Nam.
Bà Đinh Thị Hoàng Yến, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Áo chia sẻ rõ hơn về những nội dung này.
PV: Xin Bà cho biết tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với thị trường Áo hiện nay? Cơ hội phát triển thị trường này thời gian tới?
Bà Đinh Thị Hoàng Yến: Quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam và Áo được phát triển từ những năm 1970. Nhìn chung, thương mại song phương từ năm 2007 đến nay liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 12%/năm với cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Việt Nam.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Áo năm 2009 mới chỉ đạt 256,8 triệu USD, thì đến năm 2019 đã đạt tới hơn 3,6 tỷ USD. Trong năm 2020, mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Áo đã giảm xuống 3,2 tỷ USD do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19, nhưng vẫn tăng gấp gần 12 lần so với thời điểm 10 năm trước đó với Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.
Năm 2022, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thương mại hai chiều Việt Nam - Áo đạt 2,79 tỷ USD, giảm 0,2% so với năm 2021; đứng thứ 7 ở EU sau Đức, Hà Lan, Ý, Pháp, Bỉ, Ai Len, và thứ 9 ở Châu Âu, sau 7 nước EU, Anh và Nga. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Áo trong ASEAN.
Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Áo, sản phẩm điện thoại di động và phụ tùng chiếm 80 - 90% giá trị, tiếp đến là dệt may và da giày và các sản phẩm máy móc, sắt thép khác. Mặt hàng thực phẩm, đồ gỗ, gốm sứ chiếm khoảng 10%. Việt Nam nhập khẩu từ Áo chủ yếu là máy móc, thiết bị chiếm 30 - 40 % tổng giá trị, tiếp đến các sản phẩm dược phẩm, nguyên liệu dược, xơ, sợi dệt các loại, linh kiện máy tính. Những năm gần đây, mặt hàng thủy tinh trở thành nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Áo sang Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, thương mại hai chiều đạt 1,77 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 1,54 tỷ USD, bắt đầu tăng nhẹ 1,3% và nhập khẩu đạt 231,5 triệu USD, tăng 22,3%, cán cân thương mại thặng dư 1,31 tỷ USD cho Việt Nam. Đây cũng là xu hướng chung của thương mại hàng hóa của Áo với thế giới vì hơn 20 năm qua, Áo luôn là quốc gia nhập siêu về hàng hóa nhưng xuất siêu mạnh về thương mại dịch vụ.
Quan hệ kinh tế - thương mại song phương Việt Nam với Áo đang phát triển thuận lợi với một loạt chuyến thăm cấp cao giữa Lãnh đạo hai nước. Có thể kể đến chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Áo tháng 9/2021. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao song phương, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm Áo tháng 9/2022. Năm 2023, trước chuyến thăm Áo Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng vào tháng 7 là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schalleberg vào tháng 4.
Tổng thống Áo Alexande Van der Bellen đánh giá Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Áo ở khu vực châu Á và ASEAN, là thị trường rộng lớn và điểm đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Áo, là đối tác quan trọng của EU. Trong giai đoạn tới, hai bên còn nhiều tiềm năng để tiếp tục khai thác, hợp tác về đào tạo kép, cho vay ưu đãi, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Bên cạnh Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU còn có các chương trình, dự án hợp tác khác. Áo sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hội đầu tư Việt Nam – EU, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - đầu tư song phương. Thủ đô Viên của Áo còn là trụ sở của các cơ quan Liên hợp quốc (IAEA, UNIDO, UNCITRAL…), tiềm năng cho Việt Nam khai thác cơ hội chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực luật pháp quốc tế.
PV: Tình hình thu hút FDI từ Áo vào Việt Nam hiện nay? Việc thực hiện Hiệp định EVFTA tác động thế nào đến tình hình thu hút đầu tư, nguồn lực từ nước này vào Việt Nam?
Bà Đinh Thị Hoàng Yến: Các ngành công nghiệp quan trọng của Áo là cơ khí và chế tạo máy móc, sắt thép và kim loại màu, hóa chất, ô tô, năng lượng, điện và điện tử, công nghiệp gỗ và giấy, chế biến thực phẩm, xăng dầu, xây dựng và vật liệu xây dựng, dầu khí, công nghiệp nhẹ, thủy tinh. Riêng ngành sắt thép và chế tạo máy móc, ô tô chiếm gần 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Dịch vụ là khu vực đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu kinh tế, trong đó lớn nhất là du lịch, bất động sản, tài chính và ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, truyền thông và thông tin, tư vấn chuyên môn, giáo dục và y tế. Du lịch là trục cột quan trọng nhất, đóng góp khoảng 10% GDP.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022, Áo đứng thứ 41/108 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 6 dự án đầu tư mới.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Áo có 1 dự án đầu tư mới vào Việt Nam trị giá 1,6 triệu USD và tính lũy kế đến 20/7/2023, Áo đứng thứ 44/143 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 42 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 149,6 triệu USD, trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô.
PV: Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm cụ thể của Thương vụ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể kết nối xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các đối tác Áo cũng như việc tận dụng ưu đãi của Hiệp định EVFTA?
Bà Đinh Thị Hoàng Yến: Trong nhiều thập kỷ qua, các công ty Áo đã tích cực tham gia vào các dự án thủy điện lớn tại Việt Nam, trong đó vai trò chủ chốt là Công ty Andritz Hydro.
Hiện nay hợp tác công nghiệp giữa Việt Nam và Áo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực máy móc và phương tiện vận tải, cáp treo, chủ yếu theo hình thức đơn hàng từ các công ty tư nhân của Việt Nam. Điển hình là các dự án: thiết kế ô tô giữa VinFast và AVL List, Magna Steyr; các dự án cáp treo của Doppelmayr; xe cứu hỏa của Rosenbauer; cần cẩu của Palfinger;…
Ngày 05/5/2023, Thương vụ Việt Nam tại Áo đã có buổi làm việc với bà Elisabeth Weissenböck, Phụ trách châu Á Thái Bình Dương, Tổng vụ Các vấn đề kinh tế, đổi mới và chính sách quốc tế, cùng các đại diện của Bộ Lao động và Kinh tế Áo (BMAW) và Phòng Kinh tế Liên bang Áo (WKÖ).
Hai bên đã tập trung bàn về nội dung thương mại số, trao đổi các cơ quan chịu trách nhiệm để tiến tới triển khai thỏa thuận về Công nghiệp 4.0 và Thương mại điện tử đã ký kết từ năm 2018. Đại diện BMAW đã cung cấp một số thông tin về quy định của EU và Áo và cho biết đã hoàn thành việc kiểm tra Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), Hiệp định Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) trước khi đưa ra Chính phủ thông qua để trình Quốc hội Áo phê chuẩn.
Hiện dự thảo về cơ chế tín dụng ưu đãi Việt Nam - Áo đang được Bộ Tài chính Việt Nam và Áo chuẩn bị ký kết, thay thế cho Hiệp định về hợp tác tài chính song phương được ký kết năm 2015 và gia hạn 2 lần năm 2019 và 2021.
Trong thời gian tới, lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và Áo có thể là công nghiệp 4.0, công nghiệp ô tô, công nghiệp nông nghiệp, công nghiệp môi trường, năng lượng xanh, y tế, lâm nghiệp và chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, đào tạo nghề, du lịch.
PV: Bà có đề xuất, kiến nghị gì nhằm tăng cường thu hút đầu tư từ Cộng hòa Áo và gia tăng thương mại song phương thời gian tới?
Bà Đinh Thị Hoàng Yến: Trong các nước EU, Áo có thế mạnh nghiên cứu trong các lĩnh vực ô tô, năng lượng, môi trường, xây dựng giao thông vận tải, công nghệ mới, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin-truyền thông.
Với những cải thiện về môi trường đầu tư ở Việt Nam cũng như chiến lược hướng tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Áo, các doanh nghiệp lớn của Áo đang tích cực tìm kiếm đầu tư vào những dự án quan trọng ở Việt Nam.
Áo cũng là nước cung cấp ODA cho Việt Nam, tài trợ cho Việt Nam trên 3 lĩnh vực chính là đường sắt, y tế và giáo dục và một số ngành khác như xử lý rác thải, quản lý nước và xử lý nước thải, thủy lợi. Do dịch Covid-19, việc triển khai gói ODA này đã phần nào bị chậm trong giai đoạn vừa qua và đang tiếp tục được thực hiện, từng bước giải ngân.
Trước mắt, Thương vụ sẽ mời các chuyên gia giới thiệu các chương trình hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, tìm các hội thảo về các quy định mới về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh của UNIDO, cơ quan có trụ sở tại Áo.
Hiện nay, Áo đang thiếu nhân lực trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là y tế đang cần hàng nghìn lao động sau đại dịch Covid-19, nhiều người làm việc quá sức, lương thấp cùng với việc nhiều người về hưu trẻ. Hai bên có thể hợp tác về lao động trong lĩnh vực điều dưỡng và công nghệ thông tin để thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác Thương mại điện tử và Công nghiệp 4.0 đã được ký giữa Bộ Công Thương và Bộ Kinh tế và Kỹ thuật số Áo.
Áo hiện đang thực hiện các thủ tục để sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA).
Bà Đinh Thị Hoàng Yến,
Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Áo
Do đặc điểm Áo là một nước không có biển, thị trường sâu nội địa, chi phí vận chuyển cao, xuất nhập khẩu chủ yếu thông qua trung gian. Cùng với quy mô thị trường nhỏ, hiện nay Áo ít được doanh nghiệp Việt Nam chú ý, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đầu tư hay đặt trụ sở kinh doanh tại Áo. Hơn nữa, cộng đồng Việt Nam ở Áo nhỏ, không có doanh nghiệp lớn.
Ta cần tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, phổ biến thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích EVFTA để tận dụng thế mạnh của cả hai bên trong giai đoạn tới, đặc biệt là tăng tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi, hàng dệt may và hàng nông sản của Việt Nam, đồng thời mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như dược phẩm sản xuất theo công nghệ Áo sử dụng nguyên liệu Việt Nam (hiện đang được EU xếp vào novel food), tài chính xanh, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.
Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa: Duy Kiên