Nha đam (hay còn gọi là cây lô hội) là loại cây thảo sống lâu năm có lá màu xanh lục mọc sát nhau, không cuống, mẫm, dày, hình ba cạnh, mép lá dày có răng cưa thô. Hoa màu vàng lục hoặc phớt hồng, mọc thành từng chùm dài, thường nở vào mùa hè và mùa thu.
Nhờ kháng bệnh tốt, nên trong quá trình chăm sóc, nông dân không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần làm cỏ, tưới nước và bón phân là đủ, chi phí đầu tư thấp. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch từ 6 - 8 tháng. Mỗi lần thu từ 2-3 bẹ lá/cây. Sau đó, các hộ gia đình chăm sóc dọn cỏ, bón phân, bẹ không đạt yêu cầu và cây con để các bẹ khác phát triển.
Cứ sau 40 ngày lại thu một đợt. Chi phí đầu tư cho 1 sào nha đam khoảng 10 triệu đồng, trồng một lần có thể thu hoạch kéo dài từ 2 - 5 năm. Nếu chăm sóc tốt, một sào nha đam cho năng suất từ 5 - 7 tấn/đợt thu, có thể thu hoạch từ 10 - 11 đợt/năm.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng nha đam ngày càng tăng, ngoài việc làm thức uống, nha đam còn được dùng trong việc chăm sóc sắc đẹp. Với thành phần gồm hỗn hợp Vitamin: A, C, D, E, B1, B3, B5, B6, B12, nha đam giúp tái tạo và phục hồi hư tổn cho làn da.
Cây nha đam cũng được biết đến với nhiều công dụng tuyệt vời khác như: điều trị viêm loét dạ dày, phòng ngừa các bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, ung thư, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể,…
Ngoài những tính năng trên, cây nha đam còn được chế biến được nhiều món ngon và bổ dưỡng, như: canh, súp, gỏi, chè,...
Ngày nay, cây nha đam được trồng rất nhiều nơi, nhưng tỉnh Ninh Thuận vẫn là vùng nguyên liệu chính cung cấp nha đam cho các nhà máy sản xuất lớn trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài dưới dạng thạch nha đam nguyên liệu.
Cây nha đam rất phù hợp với vùng đất cát và cát pha ven biển, có nhiều nắng như ở Ninh Thuận. Sau nhiều năm nghiên cứu, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả kinh tế trên những vùng đất cát sang trồng cây nha đam. Năm 2002, với đặc tính chịu hạn tốt, dễ trồng, cho năng suất cao, nhiều nông dân bắt đầu xuống giống trồng cây nha đam.
Chỉ sau vài năm, cây nha đam được đánh giá là một trong những cây trồng đặc thù, đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân Ninh Thuận, mở ra triển vọng làm giàu bền vững trên những vùng đất cát khô cằn.
Bà Bùi Thị Chuộng (phường Mỹ Bình, TP. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: “Trước đây, tôi trồng cây cà, cây ớt, nhưng do thu nhập thấp nên đã chuyển sang trồng cây nha đam. Nhà trồng được 6 sào nha đam, đến nay đã thu hoạch được 3 đợt. Đợt 2 vừa rồi, tôi thu được 17 tấn bẹ, thương lái bao tiêu với giá 4.000 đồng/kg, tổng doanh thu đạt gần 70 triệu đồng. Riêng tháng này, tôi thu khoảng 16 tấn, bán với giá 4.700 đồng/kg, dự kiến thu nhập trên 75 triệu đồng”.
Nhận thấy cây nha đam mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp thổ nhưỡng, lại dễ trồng nên bà con đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng. Với giá bán hiện tại từ 4.500 - 5.000 đồng/kg, sau khi xuất bán, nông dân có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Hiện nay, nha đam được trồng rải rác trên địa bàn tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất ở các phường Văn Hải, Mỹ Hải và Mỹ Bình (TP. Phan Rang - Tháp Chàm), Phước Vinh (Ninh Phước).
Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 350 ha nha đam. Diện tích tập trung chủ yếu ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Phước. Cây trồng này đã giúp nhiều nông dân địa phương thoát nghèo vươn lên khấm khá và được xác định là cây trồng hiệu quả trên vùng nắng gió.
Theo quy hoạch của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030, diện tích cây nha đam của cả Tỉnh sẽ đạt trên 500 ha. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, ngành nông nghiệp địa phương còn phối hợp với các ngành liên quan và các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân nâng cao kỹ thuật tăng năng suất, đồng thời đẩy mạnh hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Đăng Cảnh - khu phố 5, phường Văn Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chia sẻ, cây nha đam được gia đình ông trồng đã hơn 10 năm nay. Vừa qua, gia đình ông đã thu hoạch 7 sào được khoảng 42 tấn, bán cho thương lái với giá 1.700 đồng/kg, cho doanh thu trên 71 triệu đồng; diện tích còn lại, gia đình trồng thưa để bán lẻ cho thương lái các tỉnh với giá 2.500 - 2.800 đồng/kg.
Năm 2019, nha đam là một trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận.
Cây nha đam được trồng trên vùng cát trắng Ninh Thuận đã hấp thụ những tinh túy của đất trời, rèn giũa phơi mình trong nắng gió, tích tụ trong đó những thành phần vô cùng tuyệt vời.
Ninh Thuận là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển nha đam với chất lượng tốt và sản lượng cao. Người trồng nha đam tại Ninh Thuận hầu hết đều có nhiều năm kinh nghiệm canh tác sản phẩm. Chính vì vậy, tại Ninh Thuận bắt đầu hình thành các vùng nguyên liệu tập trung và bước đầu áp dụng các quy trình tiêu chuẩn của VietGAP, GlobalGAP trong canh tác.
Từ năm 2020, giá bán nha đam tăng cao, nên nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nhờ trồng nha đam mà có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nhận thấy đây là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với các địa phương khảo sát vùng trồng, chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ các hộ trồng nha đam theo tiêu chuẩn VietGap, nhằm tạo điều kiện để người dân liên kết sản xuất - tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản phẩm này.
Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến, đầu năm 2022, tỉnh Ninh Thuận đã lựa chọn Công ty cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt để thực hiện mô hình, với vốn đầu tư 6,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2024.
Sau khi được hỗ trợ vốn, Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt đã thực hiện quy trình ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô giống nha đam sạch bệnh và trồng thí điểm 20ha tại thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc), với 35 hộ dân tham gia. Công ty đầu tư 4 hồ chứa và hệ thống tưới tiết kiệm và cử cán bộ hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nông dân. Nhờ đó, năng suất nha đam đạt từ 3-3,5 tấn/sào bằng 75-80% năng suất ở các vùng nguyên liệu chủ lực của Công ty.
Sau 1 năm, cây nha đam đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao hơn 5-7 lần so với trồng bắp. Điều này đã khẳng định, liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho khu vực nông thôn, miền núi.
Kết quả đó cho thấy, việc phát triển vùng nguyên liệu nha đam tại xã Bắc Sơn là hướng đi đúng, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Chị Mai ở thôn Xóm Bằng cho biết, sau 1 năm, chị đã thuần thục kỹ thuật trồng nha đam trải bạt, tưới tiết kiệm và biết thời điểm nào phủ lưới giảm nhiệt độ cho cây phát triển. Với 4 sào nha đam liên kết với Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt, mỗi tháng chị Mai thu nhập 12 triệu đồng.
Không chỉ các hộ dân liên kết trồng nha đam có thu nhập cao, mô hình này còn gián tiếp cải thiện sinh kế cho những hộ dân khác trong vùng. Hiện nay, vùng trồng nha đam đang tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động tại thôn Xóm Bằng.
Hiệu quả kinh tế vượt trội mà cây nha đam mang lại đã mở ra hướng mới cho người nông dân thôn Xóm Bằng trong việc lựa chọn được loại cây trồng phù hợp. Trong năm 2023, vùng nguyên liệu cây nha đam ở địa phương này đã được mở rộng thêm 20 ha và dự kiến đến năm 2025 sẽ được địa phương phát triển lên 50 ha, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con dân tộc nơi đây.
Ngoài ra, vùng liên kết trồng nha đam ở thôn Xóm Bằng còn mở ra cơ hội cho mô hình kinh tế tập thể phát triển. Nhận thấy hiệu quả của cây nha đam, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Xuân Phát ở xã Bắc Sơn cũng đã vận động 7 thành viên liên kết với Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt trồng 2 ha và đảm nhận cung ứng dịch vụ cho vùng trồng.
Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch GC Food được nhiều người dành tặng cho biệt danh "Vua nha đam", nhờ gặt hái nhiều thành công trong việc trồng nha đam ở tỉnh Ninh Thuận và xuất khẩu sản phẩm nha đam sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Một lần đến Ninh Thuận, ông thấy nông dân trồng khá nhiều nha đam, nhưng đầu ra chưa bền vững. Nhận thấy tiềm năng lớn từ loại cây này, ông Nguyễn Văn Thứ đã chọn khởi nghiệp với nha đam, vì muốn tận dụng tối đa những giá trị mà thiên nhiên ban tặng.
Khởi nghiệp từ vốn tích lũy của gia đình, năm 2011, ông Nguyễn Văn Thứ bắt đầu thành lập Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt - VietFarm và sau này là GC Food, xây dựng nhà máy sản xuất nha đam tại Khu công nghiệp Giang Điền ở tỉnh Đồng Nai, và dần phát triển trở thành công ty chế biến, cung cấp nguyên liệu nha đam lớn nhất Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thứ đã liên kết với nhiều hộ nông dân tại Ninh Thuận trồng nha đam và hình thành vùng nguyên liệu tập trung cho nhà máy chế biến của GCF. Để thuyết phục nông dân cung cấp nguyên liệu ổn định cho nhà máy, ông Nguyễn Văn Thứ đã quyết định hỗ trợ chi phí để bà con xây dựng mương nước, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật và tăng giá thu mua sản phẩm.
Khi mới thành lập, quy mô nhà máy nhỏ, máy móc còn thô sơ nên chưa tiêu thụ được số lượng lớn nha đam. Việc đưa ra những yêu cầu kỹ thuật theo quy chuẩn bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn, do bà con chưa hiểu. Công ty đã cử kỹ sư đến tận nhà hướng dẫn, ứng tiền trước cho người dân, bao tiêu sản phẩm, từ đó bà con bắt đầu tin tưởng làm theo. Thời gian đầu, GC Food tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, đến năm 2013, Công ty đã có đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Đến năm 2014, ông Nguyễn Văn Thứ quyết định xây dựng nhà máy sản xuất nha đam tại tỉnh Ninh Thuận. Đến nay, công suất nhà máy chế biến nha đam tại Ninh Thuận đạt 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, với sản lượng thành phẩm lên tới 15.000 tấn/năm.
Do khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt nhiều nắng, gió, nên nha đam trồng tại vùng đất Ninh Thuận cho ra sản phẩm có chất lượng với nhiều khác biệt: độ giòn cao, ít nhớt và mùi vị thơm mát. Những khác biệt này giúp sản phẩm của GC Food luôn được khách hàng yêu thích. Nhiều năm liền, GC Food trở thành nhà cung cấp chính sản phẩm nha đam cho các đơn vị Vinamilk, Nutifood và xuất khẩu đến 20 nước với những yêu cầu khắt khe như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu,… Năm 2023, Công ty đã đạt doanh thu 484 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 41,4 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 12% và 16%.
Hiện nay, nha đam vẫn là cây trồng hiệu quả tại tỉnh Ninh Thuận, với lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/ha. Thông thường, mỗi hộ nông dân có diện tích canh tác 2.000 - 5.000m2, tương đương khoản lợi nhuận 60 - 150 triệu đồng/năm.
Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Thứ cho biết, GC Food lên kế hoạch 2023-2025 sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lá nha đam lên 500 ha để tăng công suất nhà máy đạt 40.000 - 45.000 tấn thành phẩm mỗi năm, đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm từ cây nha đam nguyên liệu. Bên cạnh phát triển thương hiệu trong nước, GC Food sẽ tiến hành thủ tục thực hiện chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị nha đam Việt vươn tầm quốc tế.